Dưới gọng kìm của Bắc Kinh, giới trẻ Hồng Kông tìm đường tị nạn

Thứ Tư, 24 Tháng Sáu 20208:00 CH(Xem: 6688)
Dưới gọng kìm của Bắc Kinh, giới trẻ Hồng Kông tìm đường tị nạn
rfi.fr

Dưới gọng kìm của Bắc Kinh, giới trẻ Hồng Kông tìm đường tị nạn

Thùy Dương

Nhìn về châu Á, báo Le Monde quan tâm đến số phận người dân Hồng Kông trước gọng kìm của Bắc Kinh. Nỗi sợ mất tự do và bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đang thúc đẩy giới trẻ Hồng Kông tìm cách ra nước ngoài tị nạn.

Thông tín viên báo Le Monde, Florence de Changy, cho biết hiện giờ di cư ra nước ngoài đang là đề tài được ưa chuộng ở nhiều công sở và thu hút nhiều người dân Hồng Kông, mặc dù chuyện ra đi không đơn giản và chi phí cũng rất tốn kém. Nhiều thanh niên Hồng Kông lấy làm tiếc là vào năm 1997 khi nhượng địa được trả về cho Trung Quốc, cha mẹ họ đã không xin hộ chiếu hải ngoại Anh. Thời đó 3,4 triệu người Hồng Kông đã được Anh cấp hộ chiếu và nay điều này tạo thuận lợi cho họ xin quốc tịch Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 03/06 thông báo quyền cư trú 6 tháng của những người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại của Anh được chuyển thành quyền lao động tại Anh trong vòng 12 tháng, mở đường cho họ xin quốc tịch Anh. Từ phong trào biểu tình mùa xuân 2019 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, nhiều thanh niên Hồng Kông đã lên kế hoạch ra đi, nhưng thông báo của Bắc Kinh về việc thông qua dự luật an ninh hồi cuối tháng 05 là một bước ngoặt càng thúc đẩy người dân đặc khu hành chính rời Hồng Kông. Theo một thăm dò ý kiến, tỉ lệ người muốn đi tị nạn hồi cuối tháng 05 là 37%, so với con số 24% trước đó 2 tháng.

Từ hồi nhượng địa, những người Hồng Kông có điều kiện đã cảm thấy cần chuẩn bị sẵn « phương án B », phương án dự phòng. Canada đã đón 600.000 người Hồng Kông, Mỹ và Anh lần lượt tiếp nhận 330.000 và 150.000 người, nhất là những người có trình độ cao và thuộc tầng lớp thượng lưu. Những người giàu có đã chuẩn bị để có hộ chiếu của nhiều nước, để có thể đáp xuống bất cứ nơi nào trên thế giới khi cần, còn với những người khác, phương án đi tị nạn là để tránh bị Bắc Kinh bắt bớ tù đày.

Đối với những thanh niên tham gia phong trào biểu tình đòi dân chủ, Đài Loan là nơi họ muốn đến vì những nét tương đồng về văn hóa, và nhất là vì người dân Đài Loan cũng có ý thức về mối đe dọa từ chế độ Tập Cận Bình đối với nền tự do. Theo báo chí Đài Loan, có ít nhất 200 người thuộc phong trào đối lập Hồng Kông đang tị nạn tại Đài Loan. Hôm 18/06/2020, Đài Bắc loan báo kế hoạch hành động nhân đạo để tiếp đón những người Hồng Kông phải trốn chạy vì lý do chính trị, với sự thành lập vào ngày 01/07/2020 một văn phòng chuyên trách hỗ trợ người Hồng Kông khi họ đến Đài Loan. Những người này sẽ được nhận trợ cấp từ chính quyền Đài Bắc.

Đa số những người chọn giải pháp ra đi cho rằng đó không phải là từ bỏ mà là mở rộng trận chiến. Sau Đài Loan, Mỹ, Canada, Úc, Anh, người dân Hồng Kông giờ đây ngày càng hướng tới Thụy Điển, Ailen, Slovakia và Tây Ban Nha. Tại Bồ Đào Nha, một hãng tin cho biết hàng ngày họ nhận được hàng chục, hàng trăm cuộc gọi điện thoại từ Hồng Kông để hỏi về việc tị nạn.

TT Putin tố cáo phương Tây bài Nga 

Liên quan đến châu Âu, nhìn qua nước Nga, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện Matxcơva tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức và « tổng thống Nga Putin tố cáo chủ nghĩa xét lại bài Nga của phương Tây ». Theo Les Echos, lễ kỷ niệm là dịp để chủ nhân điện Kremlin lên giọng chỉ trích Tây phương và thể hiện quan điểm là Nga đang giữ vị trí trung tâm tại châu Âu và Cận Đông.

Điện Kremlin hiểu rằng mọi thỏa thuận với Liên Âu phải thông qua một thỏa thuận trực tiếp với Đức. Vấn đề là quan hệ Nga-Đức đang căng thẳng, nhất là từ sau vụ một nhà đối lập với chính quyền Matxcơva, người Tchetchenia, bị ám sát tại thủ đô Berlin và các cơ quan mật vụ Nga bị Berlin tố cáo có dính líu đến vụ việc, dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

Còn tại Cận Đông, Nga tự coi mình là một nhân tố mấu chốt nhất là từ khi Mỹ có ý định rút lui hỏi khu vực này. Đúng là Nga đã thiết lập được quan hệ tốt với Iran, Syria, Ả Rập Xê Út và thậm chí là cả Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Nga, Cận Đông có vai trò sống còn vì khu vực này tập trung trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, mà dầu lửa là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Nga. Thế nhưng, theo Les Echos, Nga không còn khả năng can dự vào châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, trừ Venezuela. 

Liên minh Iran - Venezuela : Thất bại của Hoa Kỳ

Libération hôm nay quan tâm đến quan hệ giữa Iran và Venezuela, hai quốc gia có hệ tư tưởng khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều bị Mỹ cấm vận kinh tế. Hai chế độ đã xích lại gần nhau, Teheran trong thời gian qua đã cho 5 chuyến tầu chở dầu lửa và 1 chuyến tàu chở thực phẩm sang tiếp tế cho Venezuela. Trong bài viết « Iran – Venezuela, mối liên minh của các Nhà nước bị khinh miệt », Libération gọi những hành động của Teheran là sự chế giễu và thách thức nhắm vào Washington, là một sự thất bại lớn của Mỹ.

Về phía Venezuela, không chỉ để đối đầu với kẻ thù Hoa Kỳ, việc trao đổi hàng hóa với Iran còn mang lại cho chế độ Caracas một luồng sinh khí, trong bối cảnh Venezuela gần như đã chạm đáy sau 7 năm khủng hoảng kinh tế - chính trị và nay là khủng hoảng Covid-19. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ sớm đến Iran để cảm ơn người dân và tổng thống nước này. Dường như sẽ có nhiều thỏa thuận thương mại song phương được ký kết. Hiện giờ, Iran đang chuẩn bị đưa một chuyến tàu chở thiết bị y tế sang Venezuela để giúp Caracas chiến đấu chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, đối với kinh tế gia Henkel Garcia, thuộc văn phòng nghiên cứu Econometrica, tất cả những điều trên chỉ mang tính biểu tượng. Về mặt kinh tế, Iran không thu được gì nhiều và hàng hóa của Teheran cũng không đủ để có thể giúp Venezuela ra khỏi khủng hoảng.

Còn nhà nghiên cứu Christophe Ventura, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) nhận định sự hợp tác này là nhằm phát đi một thông điệp chính trị, để được nhắc đến, để đáp ứng một số nhu cầu khẩn cấp của Venezuela chứ không thể đáp ứng nhu cầu dài hạn của nước này. Mức độ quan hệ của hai nước sẽ phụ thuộc vào cách xử sự của Washington. Bởi vì ngoài việc đều bị Mỹ trừng phạt, không có gì có thể kéo Iran và Venezuela lại gần nhau vì hai chế độ quá nhiều điểm khác biệt về mô hình và các dự án xã hội. Libération kết luận nếu Donald Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thì quan hệ gắn kết giữa Teheran và Caracas sẽ còn được duy trì.

Điện ảnh đối mặt với thách thức hậu Covid-19

Khác với thường lệ, Le Monde hôm nay không dành bài xã luận để nói về các đề tài địa chính trị, chính trị thế giới hay trong nước mà quan tâm đến đời sống văn hóa, cụ thể là về « Điện ảnh đối mặt với thách thức hậu Covid-19 ». Việc các rạp phim phải đóng cửa nhiều tháng và công tác sản xuất của các hãng phim bị đình lại khiến ngành điện ảnh thiệt hại tới nhiều triệu euro. Năm 2019 là một trong những năm các rạp phim thu hút được nhiều khán giả nhất, còn năm nay lượng khách giảm khoảng 1/3.

Nhưng đối với Le Monde, điều nghiêm trọng hơn cả là sự cân bằng của ngành điện ảnh đang bị đe dọa. Cần thêm nhiều tháng nữa để đánh giá chính xác về các thói quen mới của khán giả, nhưng trong những tháng phong tỏa vừa qua, giới điện ảnh ghi nhận công chúng đã chuyển hướng sang xem phim qua ti vi, máy tính, nhất là thuê phim trực tuyến VoD. Trong giai đoạn phong tỏa, nhiều phim dự kiến được trình chiếu tạo các phòng chiếu, cuối cùng lại được phát hành trực tuyến qua hệ thống VoD.

Trước khi xảy ra dịch bệnh, các phương thức tiếp cận phim ảnh như trên chủ yếu thu hút giới trẻ, nhưng theo dự báo tại Mỹ, thuê phim trực tuyến VoD sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2024. Xu hướng trên sẽ có lợi cho các hãng Netflix, Amazon và Apple, nhưng có hại cho điện ảnh truyền thống.

Trang nhất các báo Pháp

Trên trang nhất, các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến tình hình trong nước. Le Monde đặc biệt chú ý đến ngân sách đất nước qua hàng tựa « Làm thế nào nước Pháp sống với khối nợ ? » Nợ công của Pháp sẽ tăng lên đến 120,9% GDP 2020. Trong khi khoản thu từ thuế giảm, Nhà nước lại phải chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần và hỗ trợ các doanh nghiệp, điều này đã làm bùng nổ thiếu hụt ngân sách và làm tăng khối nợ công của Pháp. Nhà nước đang đi vay tiền trên các thị trường tài chính với lãi suất rất thấp. Hiện giờ, chính phủ từ chối tăng thuế và đặt cược vào sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.

Trong khi đó, nổi bật trên trang nhất báo công giáo La Croix là câu hỏi in cỡ lớn : « Chúng ta có ổn không ? ». La Croix tóm lược tình tình : Giữa nỗi lo lắng và mong muốn có những sáng chế trở lại được, nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng y tế nhưng bị mất thăng bằng. Vẫn về thời sự Pháp, báo Le Figaro hướng đến cuộc bầu cử địa phương vòng 2 ngày 28/06 qua hàng tựa : « Bầu cử địa phương : Liệu làn sóng xanh có xảy ra ? » ý nói tới khả năng chiến thắng của các đảng Xanh - đảng sinh thái.

Còn báo Libération nhìn lại hồ sơ đấu tranh chống phân biệt sắc tộc tại Pháp qua hàng tít : « Chống kỳ thị sắc tộc : Một nguyên nhân, hai trận chiến ». Từ « SOS Racisme » trong những năm 1980 cho đến « Adama Comité » ngày nay, phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại Pháp đã có những thay đổi sâu sắc, cả về lý tưởng và thế hệ. 

Nhìn rộng ra Liên Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Tăng trưởng : Bước phục hồi đầy hy vọng cho châu Âu ». Kinh tế Liên Hiệp trong tháng 6 thời hậu phong tỏa tái khởi động nhanh hơn dự báo, nhất là tại Pháp, quốc gia vốn có nền kinh tế bị đình đốn nghiêm trọng nhất vì dịch bệnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn