Cuộc gặp 7 tiếng kỳ vọng 'phá băng' Mỹ - Trung

Thứ Sáu, 19 Tháng Sáu 20202:00 CH(Xem: 3731)
Cuộc gặp 7 tiếng kỳ vọng 'phá băng' Mỹ - Trung

Trung Quốc và Mỹ đã bộc lộ những khác biệt sâu sắc liên quan đến hàng loạt vấn đề tại các cuộc thảo luận ngoại giao ở Hawaii hôm 17/6.

Tuy nhiên, sau cùng, cuộc gặp cho thấy rõ ràng cả hai nước đều muốn hướng tới một mục tiêu chung là ngăn chặn mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng tiếp tục xấu đi, giới chuyên gia nhận định.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc thảo luận ở Hawaii ngày 17/6. Ảnh: AFP.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc thảo luận ở Hawaii ngày 17/6. Ảnh: AFP.

Hai bên không đạt được bất kỳ đồng thuận nào sau các phiên thảo luận giữa nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Tuy nhiên, hai người đã cùng dùng bữa tối và nói chuyện trong 7 tiếng. Giới quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy hai bên sẵn sàng duy trì đối thoại và giữ mối quan hệ song phương ít nhất ở mức độ như hiện nay.

Bắc Kinh cho biết cuộc gặp "mang tính xây dựng", nói rằng ông Dương đã nêu rành mạch quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương, tái khẳng định Mỹ nên dừng can thiệp vào công việc nội bộ nước này, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Những vấn đề nhạy cảm kể trên lại không được nêu trong một thông báo ngắn gọn do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố. Thay vào đó, họ cho hay Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh rằng "hai nước cần phối hợp chặt chẽ qua các tương tác về thương mại, an ninh và ngoại giao", đồng thời "cần duy trì tính minh bạch và chủ động chia sẻ thông tin trong nỗ lực chống Covid-19 cũng như ngăn những đại dịch tương tự bùng phát trong tương lai".

Taoran Notes, một tài khoản mạng xã hội có liên kết với báo Economic Daily của Trung Quốc, cho rằng hợp tác là "lựa chọn đúng đắn duy nhất" của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Trong bối cảnh hiện nay, việc Trung Quốc và Mỹ ngồi lại với nhau để có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, dù kết quả ra sao, cũng là một động thái chủ động đáng được ghi nhận".

Denny Roy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đông - Tây, trụ sở ở Hawaii, nhận định chỉ riêng việc cuộc thảo luận giữa hai bên được diễn ra đã truyền đi tín hiệu rằng Mỹ và Trung Quốc đều muốn thiết lập lại mối quan hệ và rằng Tổng thống Donald Trump có lẽ đang rất mong muốn đạt được một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.

Theo Roy, thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ "vô cùng ngắn gọn", có thể một phần là do những tiết lộ gây sốc đang được cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton lần lượt tung ra.

Cuốn sách Bolton sắp xuất bản, dự kiến vào ngày 23/6, được cho là sẽ hé lộ nhiều chi tiết bất ngờ về nhiệm kỳ tổng thống của Trump, trong đó bao gồm cả các cáo buộc về việc Trump tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đắc cử cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

"Có lẽ Nhà Trắng suy tính rằng họ cần hạ thấp mức độ chú ý của cuộc gặp ở Hawaii càng nhiều càng tốt, thậm chí khiến người Mỹ quên nó đi, thay vì khiến công chúng diễn giải nó thông qua lăng kính bị ảnh hưởng bởi những tiết lộ từ Bolton", Roy nói. "Giờ đây, vì Bolton, Trump sẽ được quan sát kỹ hơn và ông cần đạt được những kết quả thể hiện rằng ông đang tìm kiếm lợi ích cho quốc gia, không phải vì lợi ích của riêng mình".

Cuộc gặp giữa Pompeo và Dương Khiết Trì diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất hàng thập kỷ và chính quyền hai nước hiện nảy sinh bất đồng trên rất nhiều mặt trận, từ công nghệ, vấn đề Đài Loan, Hong Kong cho đến Biển Đông, dù đôi bên đã ký kết thành công một thỏa thuận thương mại tạm thời hồi tháng một.

Trước cuộc gặp, hai bên đều không hé nửa lời về những kỳ vọng của họ. Các diễn biến liên quan càng làm bật lên những vấn đề khó khăn mà Mỹ - Trung cần giải quyết.

Bộ Thương mại Mỹ tuần qua cho phép các công ty Mỹ thảo luận về những tiêu chuẩn 5G với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.

Trong lúc Pompeo và Dương Khiết Trì gặp mặt, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trước một ủy ban của quốc hội cho biết Trung Quốc đã mua 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ kể từ sau thỏa thuận tháng một. Ông đồng thời cho hay giới chức Trung Quốc vẫn liên tục nhắc lại cam kết mua hàng của họ.

Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn dắt phái đoàn Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, ngày 18/6 cho hay hai nước nên gạt bỏ mọi vấn đề gây xao lãng để cùng thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Nhưng cùng ngày, Trump lại ký một đạo luật trừng phạt hàng loạt quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), nhận định mọi động thái ra tín hiệu xoa dịu căng thẳng từ phía Mỹ đều nhằm thúc đẩy chiến dịch tranh cử của Trump.

"Một mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định tương đối sẽ giúp Trump lớn tiếng khoe rằng chỉ ông mới có khả năng xử lý mối quan hệ với Trung Quốc", Lu nói.

Tuy nhiên, Liu Weidong, chuyên gia về quan hệ với Mỹ tại CASS, đánh giá cuộc gặp ở Hawaii không thể giúp cải thiện đáng kể mối quan hệ Bắc Kinh - Washington trước thềm cuộc bầu cử Mỹ do khác biệt giữa hai chính phủ còn quá lớn.

"Thái độ thiếu tin tưởng lẫn nhau không thể được xóa bỏ chỉ sau một hay hai cuộc đối thoại", ông bình luận. "Tôi không nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ trước bầu cử Mỹ hoặc trước khi chính quyền mới lên nắm quyền. Quan hệ chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn mà thôi".

Liu cho rằng quan điểm tiêu cực trong lưỡng đảng Mỹ đối với Trung Quốc sẽ ngăn chặn triển vọng đưa quan hệ hai nước nồng ấm hơn, thậm chí ngay cả khi Trump thất cử. 

"Mỹ vẫn sẽ gây áp lực lên Trung Quốc nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử", ông nhận xét. "Khác biệt duy nhất giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chỉ nằm ở cách họ sử dụng chiến thuật gây sức ép".

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn