Covid-19 làm đảo lộn tham vọng chính trị của Shinzo Abe

Thứ Bảy, 23 Tháng Năm 20204:00 CH(Xem: 3618)
Covid-19 làm đảo lộn tham vọng chính trị của Shinzo Abe
rfi.fr

Covid-19 làm đảo lộn tham vọng chính trị của Shinzo Abe

Minh Anh

Covid-19 phá hỏng tham vọng chính trị của thủ tướng Nhật Bản ; Giới khoa học truy lùng Covid-19 trong nước thải ; Pháp tìm cách lưu giữ ký ức thảm họa Covid-19 trên mạng và Du lịch Thụy Điển trả giá vì chính phủ không áp dụng lệnh phong tỏa. Trên đây là những nội dung chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Covid-19 làm lu mờ ánh hào quang của thủ tướng Abe

Dịch virus corona chủng mới, bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc đã làm chao đảo đời sống thường nhật của hàng triệu con người trên khắp hành tinh và gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như kinh tế. Và ngành công nghiệp thể thao thế giới cũng không thể tránh khỏi « trận cuồng phong » Covid-19.

Không chỉ làm cho nhiều giải thi đấu quốc tế như Vòng đua xe đạp nước Pháp, Giải quần vợt Roland Garros bị đình chỉ, Covid-19 còn đe dọa đến các tham vọng địa chính trị của nhiều nước như Qatar, muốn dùng thể thao như một quân cờ cho các mục tiêu chiến lược.

Covid-19 còn phá hỏng cả những tham vọng chính trị của nhiều lãnh đạo thế giới. Sau tổng thống Nga, Vladimir Putin, bị Covid-19 tước mất quyền tổ chức lễ duyệt binh hùng hậu mừng ngày chiến thắng phát xít Đức 9/5, đến lượt thủ tướng Shinzo Abe cũng bị Covid-19 « chiếm đoạt » mất cơ hội để phô trương hình ảnh đất nước và cũng như đánh bóng uy tín chính trị của mình, khi phải hoãn ngày tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè Tokyo năm 2020 sang năm 2021.

Chuyên gia địa chính trị, Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, trên kênh truyền hình Arte, nhận định đây thật sự là một thảm họa cho nước Nhật và bản thân thủ tướng Shinzo Abe.

« Đây là một thảm họa kinh tế. Nhật Bản sẽ bị thiệt hại đến 3 tỷ đô la, thật sự là một vố nặng. Hơn nữa, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn biến Thế Vận Hội này thành một thắng lợi, một thắng lợi cá nhân. Bởi vì ông Abe có lẽ đã muốn dùng sự kiện thể thao này cho một nhiệm kỳ mới và vượt mọi kỷ lục thời gian cầm quyền. Ông cũng muốn dùng sự kiện này để thông qua một chương trình cải tổ Hiến Pháp. Giờ thì ông sẽ không có được thời khắc vinh quang quan trọng này.

Nhưng Thế Vận Hội mùa hè đối với Nhật Bản còn là một cách để thể hiện mình, nhất là với Trung Quốc, quốc gia từng tổ chức sự kiện thể thao này năm 2008. Giữa Tokyo và Bắc Kinh vẫn luôn có một sự cạnh tranh mạnh mẽ. Hơn nữa, là một nước rất phát triển, Nhật Bản cũng muốn nhân kỳ Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật để phô trương chính sách cho người khuyết tật, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Nhật Bản sẽ bị tước mất diễn đàn này, nhưng họ sẽ được tổ chức vào năm tới.

Tuy nhiên, vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng cho thủ tướng Abe hơn là cho chính nước Nhật. Đối với đất nước, Thế vận chỉ bị hoãn có một năm, nhưng với ông Shinzo Abe, lịch trình chính trị của cá nhân ông đã hoàn toàn bị xáo trộn. »

Hệ thống cống rãnh : Nơi trú ngụ sau cùng của Covid-19

« Nếu như nước thải ở cống rãnh có thể giúp chống lây lan Covid-19 ? ». Đây chính là điều mà nhiều nhà dịch tễ học chuyên về xử lý nước thải đang nghĩ đến.

Vào lúc một nước Châu Âu bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa, nhiều nhà khoa học cho rằng phân tích nước thải có thể giúp tránh một đợt lây nhiễm mới. Giáo sư Davey Jones, ngành Khoa học Môi trường, trường đại học Bangor, giải thích với kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 : « Phần đông người dân biết là virus corona được lây truyền qua những giọt nước li ti để đi vào trong phổi. Nhưng điều ít được biết đến là người ta còn thải virus ở trong phân. Những gì chúng tôi đang quan sát đơn giản chỉ là đoạn người ta thải ra ở toa-lét ».

Nhiều nghiên cứu cho thấy là virus Covid-19 có thể được tìm thấy trong nước thải. Nghiên cứu do cơ quan làm sạch nước thải của Paris chứng minh được có sự tương ứng giữa mật độ virus cao trong nước cống rãnh với số ca bị nhiễm bệnh tại thành phố. Ông Davey Jones cho biết tiếp : « Chúng tôi có thể theo dõi số lượng virus trong nước thải và sử dụng các dữ liệu này để xác định xem có bao nhiêu người trong dân cư bị nhiễm bệnh. Đây là một công cụ bổ sung để tìm hiểu xem liệu các biện pháp như phong tỏa có hiệu quả hay không. »

Theo France 24, tiến trình này cũng đã từng được sử dụng để chống bệnh sốt bại liệt, hay để tìm hiểu tình trạng kháng thuốc trụ sinh ở gia súc chăn nuôi. Một số nhà khoa học đánh giá là kỹ thuật này ít tốn kém hơn và nhanh hơn so với một chiến dịch tầm soát trên diện rộng, như nhận xét của Alex Corbishley, bác sĩ thú y tại Roslin Institute:

« Qua việc phân tích nhiều phần khác nhau tại một đường ống thoát nước, chúng tôi sẽ có thể thu thập được nhiều mẫu phân quan trọng từ hàng trăm, ngàn ngàn, thậm chí là hàng triệu người. Điều này cho phép chúng tôi có một suy đoán về mức độ lây nhiễm ngay trong lòng một bộ phận dân cư, mà không cần phải đi ra ngoài và gõ cửa từng nhà để lấy mẫu từng cá nhân. »

Dù vậy, các nhà khoa học nhắc lại rằng virus corona chủng mới không thể lây truyền qua nước thải. Nhà nghiên cứu Davey Jones nói : « Tôi hoàn toàn hiểu rõ nỗi sợ của người dân nhưng chẳng có gì phải đáng lo cả. Covid-19 chỉ lây truyền từ người qua người qua những giọt nước li ti. Khi virus thâm nhập trong hệ thống cống rãnh, chúng đã bị mất tác dụng. Nước thải không là một nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. »

Pháp lưu giữ ký ức dịch Covid-19 trên mạng

Cuối tháng Giêng năm 2020, chủ đề về virus corona bắt đầu nở rộ trên các trang mạng của Pháp. Trước tầm mức của hiện tượng, Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) mở một chiến dịch sưu tập đặc biệt, như là đã từng làm đối với vụ tấn công khủng bố ở Paris năm 2015, hay phong trào « Áo Vàng ».

Một trong những chủ đề trỗi dậy đầu tiên là việc từ chối kỳ thị cộng đồng người Hoa với từ khóa #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải là một con virus). Hiện tại, khoảng 100 thủ thư ở Paris và ở các vùng đang thu lượm hàng teraoctet dữ liệu nhờ vào một rô-bốt lập trình khá mạnh.

Trả lời đài RFI, bà Tiphaine Vacqué, trợ lý giám đốc cơ quan lưu chiểu tại BNF, cho rằng chương trình này không thể thu thập hết toàn bộ, nhưng cho thấy sự phong phú của các bài đăng trên mạng. Bà nói : « Với bộ sưu tập này, chúng tôi đề cập đến mọi khía cạnh của xã hội hiện nay bị dịch bệnh làm chao đảo : các vấn đề y khoa, xã hội, chính trị… Chúng tôi tìm lại các chủ đề có tính chất liên ngành như về nữ quyền, đời sống gia đình, các cuộc bầu cử ».

Vẫn theo bà Tiphaine Vacqué, bộ sưu tập này được lấy lại một phần những gì đăng trên trang mạng liên quan đến virus corona, mà không cần phân biệt quan điểm. « Việc nạp bản được áp dụng theo nguyên tắc không đánh giá về thẩm mỹ hay đạo đức của tác phẩm được lưu trữ tại BNF. Người ta không thể phỏng đoán về những gì sẽ hấp dẫn một nhà nghiên cứu trong những năm hay những thế kỷ tới. »

Trước một cơn đại dịch đang làm chao đảo cuộc sống nhân loại, BNF vẫn trung thành với nhiệm vụ nạp bản, được hoàng đế François Đệ Nhất quy định trong sắc lệnh năm 1537 : Tránh cho ký ức nhân loại bị thất lạc.

Không áp dụng lệnh phong tỏa, du lịch Thụy Điển trả giá ?

Vào lúc dịch bệnh Covid-19 có xu hướng giảm cường độ tại châu Âu, Thụy Điển lại có một bảng tổng kết đầy tương phản về tình hình dịch virus corona chủng mới. Một mặt, người dân nước này không bị áp đặt lệnh phong tỏa như nhiều nước khác tại châu Âu. Nhưng mặt khác, nước này lại có tỷ lệ tử vong so với số dân cao nhất giữa các nước Bắc Âu. Kết quả là trong khi biên giới được mở khắp nơi tại châu Âu, thì các láng giềng của Thụy Điển lại không muốn mở cửa biên giới của họ với nước này.

Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux giải thích :

Nhật báo Thụy Điển Aftonbladet không thể che giấu nỗi lo lắng : Nếu như Thụy Điển bị ʺruồng bỏʺ trong kỳ nghỉ hè này thì sao ? Liên Hiệp Châu Âu khuyến nghị mở cửa biên giới trở lại, khi khuyến khích những nước nào có cùng cảnh ngộ đối phó dịch bệnh thì cùng làm với nhau. Chính như thế mà người ta thấy các nước nói tiếng Đức lập một không gian du lịch không ràng buộc chỉ dành riêng cho các đồng hương của họ. Các nước vùng Baltic cũng làm tương tự. Nhưng tại vùng Bắc Âu, thì mọi việc lại không như thế.

Ở Đan Mạch, phe đối lập chẳng hạn muốn mở rộng lệnh cấm lưu trú đã được áp dụng đối với người Thụy Điển, ngoại trừ những lao động ở biên giới. Tại Na Uy, người ta yêu cầu những công dân nào đã đến Thụy Điển phải tuân thủ biện pháp cách ly 10 ngày. Còn Phần Lan thì áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt ở biên giới.

Chính là nhằm chấm dứt tình trạng cô lập này mà thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven liên tục giải thích, nhất là cho các hãng thông tấn nước ngoài : ʺChúng tôi chưa bao giờ đóng cửa biên giới của chúng tôi với các nước khác trong Liên Hiệp. Chúng tôi nghĩ rằng Ủy Ban Châu Âu đã sáng suốt cho khởi xướng một cuộc đối thoại về cách thức mở cửa trở lại biên giới có phối hợp hơn so với lúc đầu cuộc khủng hoảng, khi mà một số nước đóng cửa biên giớiʺ.

Chỉ có điều là, với một tỷ lệ tử vong 380 người cho một triệu dân, và virus dường như đã nhiễm bệnh cho một phần tư dân số thành phố Stockholm, tình hình dịch bệnh tại Thụy Điển rõ ràng là khác hẳn so với các nước láng giềng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn