Chi phí Quốc Phòng trên thế giới

Thứ Sáu, 22 Tháng Năm 20201:00 CH(Xem: 5284)
Chi phí Quốc Phòng trên thế giới
Ngô Khôn Trí – Chi phí quốc phòng (hay chi phí quân sự) của 1 quốc gia là tổng chi phí có liên quan đến các hoạt động và chính sách quân sự của quốc gia đó. Bao gồm những chi phí trả lương, huấn luyện binh sĩ, nghiên cứu chế tạo vũ khí, bảo trì và mua sắm vũ khí mới,,v,v….Lúc yên ổn hòa bình không có chiến tranh thì người ta gọi chi phí này là chi phí duy trì quân đội, khi chiến tranh xảy ra thì người ta gọi là chi phí chiến tranh. HKMH-Rosevelt
Theo tài liệu của SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute), chi tiêu quốc phòng của các quốc gia trên thế giới vào năm 2018 được sắp xếp theo đồ thị dưới đây :

Chi phí quốc phòng năm 2019 của thế giới là 1917 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2018, chiếm 2,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu (87 265 tỷ USD), khoảng 249 USD trên mỗi đầu người .

Đồ thị trên cho thấy chi tiêu quân sự đã tăng nhanh trong 20 năm qua (1999 – 2019).

10 quốc gia đứng đầu về chi phí quốc phòng là :

1. Hoa Kỳ với 732 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2018, chiếm 38% của tổng chi phí quốc phòng toàn cầu.

2. Trung Quốc với 261 tỷ USD, tăng 5,1% , chiếm 13% của tổng thể. GDP đầu người 10 263 USD

3. Ấn Độ: 71,1 tỷ USD, tăng 6,8% , 1,3 tỷ dân , GDP đầu người 8 018 USD đứng hạng 118 thế giới.

4. Nga : 65,1 tỷ USD, tương đương với 3,9% của GDP, mức cao nhất ở châu Âu

5. Ả Rập Saudi: 61,9 tỷ USD , tương đương với 7,9% của GDP .

6. Pháp: 50,1 tỷ USD, tương đương với 1,9% của GDP .

7. Đức: 49,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. tương đương với 1,3% của GDP

8. Anh : 48,7 tỷ USD, tương đương với 1,7% của GDP .

9. Nhật: 47,6 tỷ USD, tương đương với 0,8% của GDP

10. Nam Hàn: 43,9 tỷ USD, tương đương với 2% của GDP

Các nước có chi phí quốc phòng cao và tăng nhanh trong 20 năm qua gồm có:

– Quốc gia : Năm 1999 – 2009 – 2019

– Hoa Kỳ : 281 – 669 – 732 tỷ USD

– Trung Quốc : 21 – 106 – 261

– Nga : 6 – 52 – 65

– Ấn Độ : 13 – 39 – 71

– Nam Hàn : 12 – 25 – 44

– Saudi Arabia: 18 – 41 – 62

– Nhật Bản : 43 – 51 – 48

– Pháp : 39 – 67 – 50

– Anh : 36 – 58 – 49

Trung Quốc là quốc gia có ngân sách quốc phòng tăng nhanh nhất trong 2 thập niên qua. Nhóm kinh tế gia chuyên trách châu Á-Thái Bình Dương của hãng IHS cho biết Bắc Kinh đã có khả năng dành một phần ngân sách ngày càng lớn cho lãnh vực quốc phòng nên năng lực quân đội của họ liên tục tăng cường. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trừ phi xảy ra một thảm hoạ kinh tế. Hiện nay, chi phí quốc phòng của TQ đứng hàng thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ, cao gấp 5 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, nước đứng hàng thứ hai về chi phí quân sự trong vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp tại SIPRI nói rằng việc Hoa Kỳ tăng chi tiêu quốc phòng trong năm 2019 nói lên sự trở lại trong việc cạnh tranh với các cường quốc. Ấn Độ tăng chí phí quốc phòng do căng thẳng với Pakistan và TQ. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia có chi tiêu quân sự lớn trong khu vực ở châu Á và châu Đại Dương kể từ năm 1989.

Ở những nơi có nhiều xung đột vũ trang đang diễn ra, chi tiêu quân sự năm 2019 đã tăng như ở Burkina Faso (22%), Cameroon (1,4%) , Mali (3,6%), Cộng hòa Trung Phi (8,7%), Cộng hòa Dân chủ Congo (16%) và Uganda (52%).

Nếu nhìn từng khu vực ta thấy chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á – Thái Bình Dương tăng 4,2% trong năm 2019 tăng 40,5 tỷ USD , ở Châu Phi tăng 1,5 % , tăng lên mức ước tính 41,2 tỷ đô la.

Nhìn chung, gánh nặng chi tiêu quân sự trung bình là 1,4% GDP cho các quốc gia ở Châu Mỹ, 1,6% cho Châu Phi, 1,7% cho Châu Á và Châu Đại Dương và Châu Âu và 4,5% cho Trung Đông.

Theo Sách trắng , ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%… 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36% (khoảng 5,8 tỉ USD).

Việc TQ ngày càng tăng chi phí quốc phòng làm cho các nước láng giềng thêm lo ngại sẽ bị lấn ép khi có tranh chấp với họ, nhất là tại vùng Biển Đông. Không chạy đua vũ trang và tiếp tục duy trì chính sách “Bốn không” luôn là 1 thách thức lớn đối với lãnh đạo Việt Nam. Bởi vì quốc phòng VN được đầu tư chỉ để đối phó với những thách thức ở Biển Đông, để bảo vệ lãnh thổ chứ không phải đi xâm chiếm ?

(Bốn không: không tham gia liên minh quân sư, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).

Nguồn chi tiêu cho chi phí quốc phòng này là tiền thuế của người dân. Nhìn từ góc độ kinh tế thì quân đội là 1 tổ chức phi sản xuất, chi phí quân đội không phải là loại đầu tư có thể thâu hồi lại vốn được, nó chỉ là chi phí tiêu hao và cần được bổ sung bằng nhiều vũ khí hiện đại thay thế những vũ khí lạc hậu. Do đó, không có quốc gia nào muốn bỏ quá nhiều tiền cho chi phí này. Tuy nhiên, không phải chỉ có những quốc gia có GDP lớn mới có chi phí quốc phòng lớn mà có nhiều quốc gia tuy GDP thấp hơn nhưng lại có chi phí quốc phòng cao hơn bởi vì đất nước của họ đang ở trong tình huống bị uy hiếp.

Khi so sánh sức mạnh quân sự của một quốc gia, người ta không chỉ dựa vào chí phí quốc phòng hay số lượng binh sĩ đang hiện hữu mà còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác như: tinh thần chiến đấu của quân sĩ, kinh nghiệm chiến đấu, khả năng chỉ huy, chiến lược quân sự, tính năng và số lượng của vũ khí đang sử dụng, năng lực sản xuất vũ khí, số lượng tài nguyên năng lượng sở hữu, khả năng sản xuất lương thực, môi trường đia lý, hệ thống xã hội, và khả năng huy động đồng minh đủ mạnh của nước đó.

Nguồn : https://khoahocnet.com/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn