Có hay không chuyện Mỹ chuyển 27 công ty từ Trung Quốc sang Indonesia?

Thứ Năm, 21 Tháng Năm 20208:09 SA(Xem: 3572)
  • Tác giả :
Có hay không chuyện Mỹ chuyển 27 công ty từ Trung Quốc sang Indonesia?

Có hay không chuyện Mỹ chuyển 27 công ty từ Trung Quốc sang Indonesia? - Ảnh 1.

Một nhà máy lắp ráp xe hơi tại Tây Java, Indonesia - Ảnh: REUTERS

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại cuộc họp báo đường dài chiều 20-5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach cho biết ông không xác nhận thông tin về việc 27 công ty Mỹ sắp chuyển sang Indonesia.

"Tuy nhiên, điều này cũng không khiến tôi ngạc nhiên. Indonesia là một đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và mối quan hệ Mỹ - Indonesia đã ngày càng trở nên quan trọng", ông Krach nói.

Chưa phải thỏa thuận chính thức

Trước đó, trong những ngày qua, dư luận tại Việt Nam xôn xao về thông tin Indonesia đã tranh thủ "đón lõng" các công ty Mỹ nằm trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc sang.

Thông tin này bắt nguồn từ một tin trên trang Policy Times (Ấn Độ) đăng ngày 16-5. Theo đó, trang tin này khẳng định trong một cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định dời 27 nhà máy Mỹ từ Trung Quốc sang Indonesia.

Trang này cũng nói rằng địa điểm di dời các nhà máy Mỹ sẽ là khu vực rộng 4.000 hecta ở Công viên công nghiệp Brebes tại tỉnh Trung Java.

Trên thực tế, thông tin di dời 27 nhà máy nêu trên đã được một số trang tin khác dẫn lại nhưng chủ yếu lấy nguồn từ Policy Times và kênh CNBC (Mỹ) phiên bản tiếng Indonesia. Kênh CNBC tiếng Anh không đưa tin này.

Đa phần các bản tin về vấn đề này cũng liên kết giữa nội dung trao đổi của ông Widodo và ông Trump với kế hoạch rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà báo chí dẫn từ nguồn quan chức Mỹ gần đây cho biết.

Cụ thể vào ngày 4-5, Reuters dẫn nguồn quan chức thông thạo với kế hoạch của Nhà Trắng nói chính quyền ông Trump đã đẩy mạnh một sáng kiến nhằm rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Một trong những quan chức nói về kế hoạch nêu trên chính là ông Krach, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường.

Trong phần trả lời Tuổi Trẻ Online tại họp báo, ông Krach dù không xác nhận thông tin về chuyển nhà máy sang Indonesia, vẫn lạc quan về tình hình hợp tác hai nước cũng như các dự án đầu tư.

Ông nói: "Tôi tin rằng quan hệ giữa chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều lĩnh vực chiến lược… Ngay trước khi kết thúc năm ngoái, tôi đã có dịp dành thời gian với một số bộ trưởng Indonesia và nhận thấy thời cơ to lớn ở đó, đặc biệt là phối hợp với Chính phủ Indonesia và có rất nhiều phương án tài chính để đầu tư vào Indonesia".

Kế hoạch thu hút đầu tư tổng thể

Trên thực tế, các thông tin liên quan tới việc Indonesia dành sẵn 4.000 hecta đất cho 27 công ty Mỹ bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn của ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia, với đài Radio Republik Indonesia (RRI) ngày 9-5.

Theo ông Luhut, Tổng thống Widodo đã yêu cầu ông làm việc với cấp dưới của Tổng thống Trump về vấn đề trên, và đã trao đổi với Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo - người cũng được hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu xác nhận nội dung điện đàm của ông Widodo và ông Trump.

Ông Luhut cho biết thực ra các cuộc thảo luận với ông Ganjar đã được thực hiện trước đây, nhưng đã bị đình trệ.

Thông tin bổ sung từ báo giới Indonesia làm rõ hơn về câu chuyện Indonesia nhanh tay "dọn sẵn" 4.000 hecta đất đón 27 công ty Mỹ. Thực chất đến nay chưa có thông tin chính thức về việc công ty nào sẽ dọn tới 4.000 hecta đất nêu trên, và theo lời ông Luhut, khu đất này sẽ dành riêng cho các công ty dược phẩm Mỹ. Đây là một cách giúp Indonesia bớt phụ thuộc vào nguyên liệu thô trong sản xuất dược phẩm.

Được biết, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang trước đó đã chuẩn bị cho việc xây dựng 27 khu vực bất động sản công nghiệp giai đoạn 2020 - 2024, và chỉ 2 trong số đó phát triển ở Brebes, Trung Java, tờ Dhaka Tribune của Bangladesh viết.

Báo Jakarta Post của Indonesia thay vì hào hứng với "chiến thắng" của Indonesia trong kế hoạch rút chuỗi cung ứng của Mỹ như báo chí Ấn Độ và Bangladesh, thực chất quan tâm tới việc cần thiết phải tinh giản thủ tục đầu tư rườm rà của Indonesia. Vài năm nay, Indonesia dưới thời ông Widodo đã chú trọng tới tình hình đầu tư đi xuống của nước này.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Năm, 21 Tháng Năm 20204:18 CH
Khách
Khi khong con cong san,tu ban va cac cong ty moi nghi toi van de mo cong xuong chinh thuc o VN,Ly do : cong san rat nhieu rui ro,luat phap khong hoan chinh va xai luat rung-moi dia phuong la moi ong bi thu khac nhau,mac quyen ra luat ma ba dinh lam thinh.Va khi thay cong ty lam an kham kha,thi y nhu rang giam doc pham toi gai gu,tron thue...de tich thu....the thi dua nao no muon dau tu vao VN ? chi la hop dong lam thue ma thoi....
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn