Thế giới hậu Covid-19 qua Rudd

Thứ Hai, 18 Tháng Năm 202010:00 CH(Xem: 4230)
Thế giới hậu Covid-19 qua Rudd
voatiengviet.com

Thế giới hậu Covid-19 qua Rudd

Phạm Phú Khải

Thế giới sẽ ra sao hậu Covid-19? Mà có hậu Covid-19 không, hay rất có thể Covid-19 sẽ ở đây một thời gian rất lâu, ngay cả khi đã có vaccine?

Hơn hai năm qua, cuộc thương chiến Mỹ - Trung nói riêng và chính trị quyền lực giữa hai quốc gia nói chung đã được ví như là Chiến tranh Lạnh mới. Căng thẳng giữa hai nước thì không có gì mới. Nhưng bây giờ yếu tố biến đổi ở đây là Covid-19.

Kevin Rudd mới viết một bài trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 6 tháng Năm có tên “Tình trạng vô chính phủ sắp tới thời hậu Covid-19” (The Coming Post-COVID Anarchy). Ông Rudd là cựu Thủ tướng Úc, một nhà ngoại giao có tầm và từng tham vọng làm ứng viên cho vai trò Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, hiện là Chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society Policy Institute tại New York). Ông Rudd cũng là một chuyên gia có uy tín hàng đầu về Trung Quốc, rành rõi tiếng Hán. Bài viết này có nhiều điểm đáng suy ngẫm.

Theo Rudd thì ba yếu tố sẽ định hình tương lai của trật tự toàn cầu: một, thay đổi trong tương quan sức mạnh kinh tế và quân sự giữa các cường quốc; hai, những thay đổi này được nhận thức ra sao trên toàn thế giới; ba, các cường quốc sẽ áp dụng chiến lược nào.

Các thay đổi về tương quan quyền lực

Rudd cho rằng cả hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lý do để phải lo lắng về ảnh hưởng toàn cầu của họ trên thế giới hậu đại dịch.

Đối với Trung Quốc, các thử thách về chính trị và kinh tế không hề nhỏ. Về chính trị, mặc dầu ông Tập Cận Bình đã được khen ngợi là thành công khi sử dụng các biện pháp hà khắc “khóa cửa” cả nửa nước trong nhiều tháng, ông Tập cũng bị sứt mẻ nhiều sau vụ này. Những bất đồng chính kiến bên trong nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và sự chỉ trích đối với cung cách lãnh đạo tập trung quyền lực quá nhiều vào trong tay ông Tập, đã đưa ra nhiều vấn đề tranh cãi trong nội bộ, kể cả đường hướng tương lai đối với các chính sách về kinh tế và ngoại giao.

Về kinh tế thì Trung Quốc đã bị tổn hại nặng nề bởi Covid-19. Năm 2020 sự phát triển của Trung Quốc có lẽ là con số không, tệ nhất kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa năm thập niên về trước. Trung Quốc dự tính nỗ lực gia tăng gấp đôi tổng sản lượng GDP trong vòng một thập niên để ăn mừng kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm tới 2021, nhưng điều đó là bất khả bởi đại dịch.

Đối với Hoa Kỳ, sự quản lý lộn xộn của chính quyền Trump đối với đại dịch đã làm cho toàn thế giới cảm tưởng rằng nếu Hoa Kỳ không thể quản lý khủng hoảng của họ, thì làm sao lãnh đạo được thế giới trong vấn nạn này. Ngoài ra, để vượt qua được một đại khủng hoảng thường cần một chính thể đoàn kết, nhưng sự rạn nứt trong thành trì chính trị của Hoa Kỳ đã làm giới hạn thêm vai trò lãnh đạo của họ. Những nỗ lực can thiệp tài chánh đã đẩy tỷ lệ nợ công đối với GDP lên 100%, gần kỷ lục thời chiến 106%. Khoảng nợ tầm lớn này sẽ hạn chế các khoản chi tiêu sau khi phục hồi đại dịch, kể cả mặt quân sự.

Về quyền lực và nhận thức

Về quyền lực, và nhận thức quyền lực, Rudd cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để tìm cách sửa chữa các tổn hại về chỗ đứng của họ trên toàn cầu vì nguồn gốc của Covid-19, và sự thất bại của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn trung tâm dịch trong những tháng đầu khi nạn dịch xảy ra. Quyền lực mềm của Trung Quốc có nguy cơ bị xé nát thành mảnh vụn.

Hoa Kỳ, vì nhiều lý do khác nhau, cũng không vượt qua được đại dịch này tốt hơn bao nhiêu. Thế giới nhìn Hoa Kỳ trong kinh hãi khi Tổng thống Hoa Kỳ không hành động như một lãnh đạo của thế giới tự do mà lại đi đề nghị những “phương pháp điều trị” không được chứng minh (và người ta không thể trông đợi vào Hoa Kỳ khi chính nước này bị nặng nhất, về số bị nhiễm lẫn tử vong). Chính quyền liên bang Hoa Kỳ lại can thiệp để ngăn chặn những thiết bị bảo vệ cá nhân PPE sang Canada. Chủ trương “Hoa Kỳ là trước tiên” (America First) đã được nhận thức rõ qua đại nạn này.

Rudd biện luận một Hoa Kỳ với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có nghĩa là càng tách rời Trung Quốc (decoupling), và có khả năng cố gắng ngăn chặn Trung Quốc. Còn Hoa Kỳ dưới lãnh đạo của ông Biden thì cạnh tranh chiến lược vẫn tiếp tục, được thực hiện một cách có hệ thống, nhưng một số lĩnh vực khác vẫn có khả năng hợp tác giữa hai bên, như là khí hậu, đại dịch, và sự ổn định tài chánh toàn cầu.

Rudd kết luận đánh giá một cách cân bằng thì Trung Quốc muốn Trump tái đắc cử kỳ này hơn bởi vì họ thấy được giá trị trong cung cách ông Trump làm rạn nứt thêm các liên minh truyền thống sẵn có, rút khỏi sự lãnh đạo mang tính đa phương, và như thế làm hỏng chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ qua từng giai đoạn.

Dù ông Trump tái đắc cử hay ông Biden đắc cử, Rudd kết luận rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Bắc Kinh sẽ trở nên đối đầu hơn trong thời gian tới.

Chiến tranh Lạnh 1.5: Chiến lược nào?

Trước đại dịch, chính sách của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập trở nên quyết đoán, gây hấn hơn, dám lấy rủi ro để mang lại thay đổi trên thực tế, từ những gì xảy ra trên Biển Đông cho đến Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Rudd nhận định rằng cho đến trước đại dịch, phương cách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc về các vấn đề này vẫn quản lý được (tức chưa trở thành khủng hoảng), nhưng điều đó có thể thay đổi sau thương chiến và sau đại dịch. Ông Tập có thể tìm cách cải thiện mối căng thẳng này với Hoa Kỳ cho đến khi ký ức chính trị của đại dịch đi vào quên lãng; hoặc nếu gặp phản kháng từ trong nội bộ ông Tập có thể sử dụng biện pháp mang dân tộc tính (nationalist approach) rộng rãi. Với cung cách của ông Tập cho đến nay thì ông có vẻ sẽ gia tăng đàn áp các tiếng nói nội bộ nếu gặp phản đối. Nó cũng có nghĩa sử dụng biện pháp cứng rắn với Đài Loan, thách thức lập trường hiện có của Hoa Kỳ, hay thách thức nỗ lực Hoa Kỳ đang có để ủng hộ Đài Loan trở lại làm thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới WHO v.v…

Quyền lực kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đã bị Trung Quốc thách thức trước đại dịch Covid-19, tác động lên Trật tự Quốc tế Cấp tiến (Liberal International Order) thời hậu chiến đến nay. Nhưng Rudd nhận định rằng chính quyền Trump đã gây thêm vấn đề bằng cách làm yếu đi cơ chế liên minh và làm giảm giá trị chính đáng của các định chế đa phương một cách hệ thống. Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ củng cố thêm xu hướng này. Sự cạnh tranh chiến lược sẽ định hình toàn diện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc: quân sự, kinh tế, tài chính, công nghệ, tư tưởng; và ngày càng định hình mối quan hệ Bắc Kinh và Washington với các nước thứ ba. Rudd biện luận trước đây đã có những nhận định rằng thế giới đang đi đến Chiến tranh Lạnh 2.0, nhưng ông không ủng hộ quan điểm này. Rudd cho rằng hệ thống tài chánh giữa hai nước này đan xen chặt chẽ với nhau nên việc tách rời là khó xảy ra, và không có gì cho thấy chiến tranh ủy nhiệm về địa chính trị hay ý thức hệ sẽ xảy ra như thời Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô.

Tuy nhiên các căng thẳng liên quan đến đại dịch, từ nguồn gốc đến biện pháp giải quyết của Trung Quốc, đã trở nên mối đe dọa có thể thay đổi tất cả. Rudd biện luận khi cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, hệ thống đa phương và các chuẩn mực và định chế làm nền tảng cho nó đang bắt đầu suy yếu. Nhiều định chế đang trở thành đấu trường cho sự cạnh tranh. Nó có thể chưa là Chiến tranh Lạnh 2.0, nhưng có thể là 1.5.

Rudd quan niệm có một số lựa chọn mà ông nghĩ rằng tốt hơn so với tình huống này. Nhưng nó tùy thuộc vào những thay đổi sâu sắc về chính trị và chính sách tại Washington; cũng như sự điều chỉnh mang tính cải cách và mang xu hướng quốc tế của Bắc Kinh v.v… Nhưng tất cả sẽ không có ý nghĩa gì trừ phi lãnh đạo chính trị tại nhiều thủ đô khác nhau đổi hướng đi. Với những quyết định sai lầm, thập niên 2020s sẽ lập lại một cách vô thức như thập niên 1930s; tuy nhiên, những quyết định đúng đắn có thể kéo chúng ta trở lại từ vực thẳm.

Đây là một hình ảnh không mấy lạc quan, do ông Kevin Rudd đưa ra, của một thế giới ngày càng bất định mà chúng ta đang sống.

Quý bạn đọc nghĩ sao?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn