Sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Chủ Nhật, 10 Tháng Năm 20204:00 SA(Xem: 5992)
Sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
[Tiểu dẫn: Joseph S. Nye, Jr. có thể được xem là một trong những ‘bố già’ trong tiến trình lập định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đặc biệt là dưới thời Clinton và Obama. Là một trong những học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế, có lẽ ảnh hưởng của ông chỉ thua Henry Kissinger. Một loạt khái niệm của ông về quan hệ quốc tế như ‘phụ thuộc lẫn nhau bất đối xứng’, ‘phụ thuộc lẫn nhau phức hợp’, đặc biệt là các khái niệm ‘quyền lực mềm’, ‘quyền lực thông minh’ không chỉ gây ảnh hưởng ở Washington D.C. mà còn lan sang châu Âu lục địa và vùng khác trên thế giới. Trong bối cảnh hỗn mang của thế giới hậu-Covid, những suy nghĩ khách quan, sáng suốt và bình tĩnh của ông trở nên rất giá trị, và sẽ là nguồn tham khảo quan trọng cho tiến trình lập định chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại, cho nhiều quốc gia và khu vực. (ND)]

Y8wQxxV3i3lJBucndzTw_pVHfWzSqO1TTB2IKMqEhTyHo6apTzKBUFu1O7ElMiqG30J8O5RBbi_fP4jf1NtVa_loaL0WayCFbRBGPBWT53L-9krGpCT75Xwydzv76Iie2KeOYPFYnc1UtT0mJQ
Sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc



Khi các nhà kinh tế mô tả sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ có xu hướng tập trung vào các lợi ích về phúc lợi ngày một gia tăng của thương mại và đầu tư. Họ lập luận rằng, trong khi các hiệu ứng có thể là tiêu cực đối với các nhóm cụ thể trong mỗi quốc gia, thì lợi ích từ thương mại làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau khiến cả hai quốc gia cùng được hưởng lợi. Mặt khác, các nhà chiến lược có xu hướng tập trung vào các lợi ích tương đối và ảnh hưởng của chúng đối với sự phân bổ quyền lực quốc gia: trong khi cả hai nước có thể đạt được lợi ích tuyệt đối, thì về mặt tương đối, Trung Quốc đã được hưởng lợi nhiều hơn [so với Hoa Kỳ] trong suốt hai thập kỷ qua. Như Phó Tổng thống Mike Pence chỉ ra vào năm 2019, trong 17 năm qua, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 9 lần; Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, như Tổng thống Trump đã nói nhiều lần, "[Hoa Kỳ] chúng ta đã tái thiết Trung Quốc trong 25 năm qua”. Trong khi từ chối bất kỳ kỳ vọng chính sách nào đối với việc “tách rời” khỏi Trung Quốc, Pence chỉ ra rằng chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của tổng thống “bây giờ đã công nhận Trung Quốc là đối thủ về chiến lược và kinh tế”. Sự hùng biện của chính quyền Hoa Kỳ về sự đồng hành [với Trung Quốc (ND)] đã qua đi, sự “tách rời” đã được bắt đầu. Các khoản thuế của Tổng thống Trump [đánh vào hàng hóa Trung Quốc (ND)] được coi là bước đi đầu tiên.

Trump đã bị cáo buộc đã biến toàn cầu hóa kinh tế thành một thứ vũ khí. Các biện pháp trừng phạt, thuế quan và hạn chế tiếp cận tới đồng đô-la là những công cụ chính trong chính sách đối ngoại của ông, không bị ràng buộc bởi các đồng minh, các định chế hoặc các quy tắc sử dụng chúng. Những người bảo vệ chính quyền Trump lập luận rằng phong cách phi chính thống cùng sự sẵn sàng phá vỡ các quy tắc và bác bỏ các định chế của ông sẽ tạo lợi ích lớn để xử lý các vấn đề như sự cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Trung Quốc và thi hành chủ nghĩa trọng thương kiểu mới. Những người khác hoài nghi rằng cách hành động căn bản của Trung Quốc đã thay đổi. Chuyên gia thương mại Claude Barfield lập luận rằng sự thao túng mang tính cưỡng bức [dành cho Trung Quốc] đối với các mối phụ thuộc thương mại lẫn nhau của Trump đã thất bại, và thỏa thuận hạn chế đạt được vào năm 2019 cho thấy “chính quyền Trump đã từ bỏ các yêu cầu chính đáng được đưa ra trong ba năm qua” bao gồm luật và các quy định về sở hữu trí tuệ lỏng lẻo của Trung Quốc, sự chuyển giao công nghệ bắt buộc, đóng cửa các thị trường công nghệ cao quan trọng và những sự xác định sâu rộng về an ninh quốc gia và an ninh mạng, cùng các vấn đề khác.

Trump không phải là tổng thống đầu tiên thao túng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, Hoa Kỳ cũng không phải là quốc gia duy nhất làm như vậy. Ví dụ, vào năm 1973, các quốc gia Ả Rập đã sử dụng lệnh cấm vận dầu mỏ để trừng phạt Hoa Kỳ vì đã hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur [chiến tranh giữa liên quân các nước Ả Rập do Ai Cập và Syria lãnh đạo chống lại Israel (ND)]. Không lâu sau đó, Robert O. Keohane và tôi đã xuất bản tác phẩm ‘Power and Interdependence’ [Sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau], một cuốn sách khám phá nhiều cách thức mà sự phụ thuộc lẫn nhau có thể bị thao túng như một nguồn tạo ra sức mạnh. Chúng tôi lập luận rằng sức mạnh cưỡng chế nằm trong sự dễ tổn thương mang tính bất đối xứng. Sự phụ thuộc lẫn nhau mà không có sự bất đối xứng sẽ tạo ra ít sức mạnh, nhưng khi sự bất cân xứng tồn tại, sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ tạo ra các loại vũ khí mà có thể được sử dụng trong cạnh tranh chiến lược. Tính trọng yếu của các mạng lưới thông tin tạo ra sự bất đối xứng. Thông tin đôi khi là một thứ hàng hóa công, nhưng với thông tin chiến lược, ưu tiên bất đối xứng tạo ra sức mạnh. Sự tiếp cận không chính thức vào thông tin mới trước khi nó được công khai là điều tạo nên thành công, và sự tiếp cận này là nguồn gốc quan trọng cấu thành nên sức mạnh của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Keohane và tôi đã cảnh báo rằng các biện pháp chính sách và các hoàn cảnh đang thay đổi có thể tạo ra các lựa chọn thay thế làm thay biến tính dễ bị tổn thương theo thời gian, và làm giảm giá trị của nó như một thứ vũ khí chiến lược, gây nguy hiểm cho các yếu tố cấu thành nên sự phụ thuộc lẫn nhau. Khi điều đó xảy ra, lợi ích ngắn hạn có thể biến thành tổn thất dài hạn. Ví dụ, Tổng thống Richard M. Nixon đã hạn chế xuất khẩu đậu nành của Hoa Kỳ với hy vọng vô ích nhằm giảm lạm phát, nhưng về lâu dài, sản xuất đậu nành ở Brazil đã mở rộng nhanh chóng và cạnh tranh thành công với Hoa Kỳ. Gần đây, sau vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông năm 2010, Trung Quốc đã trừng phạt Nhật Bản bằng cách hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm, vốn rất cần thiết trong ngành điện tử hiện đại. Kết quả là Nhật Bản đã tiến hành cho vay đối với một công ty khai thác của Úc đang có nhà máy lọc dầu ở Malaysia – một công ty đang đáp ứng gần một phần ba nhu cầu đất hiếm hiện nay của Nhật Bản. Ngoài ra, mỏ Mountain Pass ở California, đã đóng cửa vào đầu những năm 2000, đã được mở cửa trở lại. Tỷ lệ sản xuất đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ hơn 95% trong năm 2010 xuống còn 70% trong hơn nửa thập niên. Thao túng sự phụ thuộc lẫn nhau trong ngắn hạn đã khuyến khích việc phát triển của các lựa chọn thay thế nhằm giảm thiểu tổn thương trong dài hạn.

Hoa Kỳ (cùng với các quốc gia khác) đang tiến hành các vụ kiện theo đúng thủ tục đối với hành vi kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp cho các công ty nhà nước đã làm thay đổi lợi thế trong thương mại [theo hướng có lợi cho Trung Quốc (ND)]. Hơn nữa, có những nguyên nhân bảo mật quan trọng để Hoa Kỳ và những người khác tránh bị phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc như Huawei đối với mạng viễn thông 5G. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc cấm các công ty như Huawei phát triển cơ sở hạ tầng 5G ở nước ngoài có nguy cơ tạo ra một thế giới bị phân tán bởi các tiêu chuẩn kỹ thuật và một “mạng Internet bị đứt gãy”, nhưng việc “tách rời” [khỏi Trung Quốc] đã diễn ra có trước khi Donald Trump cầm quyền. Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã từ chối cho phép Facebook hoặc Google hoạt động bên trong bức Vạn Lý Tường Lửa vĩ đại của mình vì lý do bảo mật: tự do ngôn luận sẽ đe dọa đến an ninh của một hệ thống chính trị độc tài. Nhưng đó là một cái cớ để hạn chế một số công nghệ và một số công ty nhất định vì lý do bảo mật, đồng thời gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, chỉ để nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị [của Trung Quốc]. Không rõ ảnh hưởng sẽ kéo dài bao lâu hoặc chi phí dài hạn sẽ là bao nhiêu.

Ngay cả khi Trung Quốc và các quốc gia khác không thể tự thoát khỏi các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong ngắn hạn, thì động cơ để hành động như vậy vẫn sẽ gia tăng trong dài hạn. Trong khi đó, sẽ có thiệt hại lớn cho các tổ chức quốc tế nhằm hạn chế xung đột và tạo ra hàng hóa công trên quy môn toàn cầu. Như Henry Kissinger đã chỉ ra, trật tự thế giới không chỉ phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực ổn định, mà còn phụ thuộc vào ý thức về tính chính danh của các tổ chức đóng góp. Tương lai của các thể chế đó cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ phụ thuộc vào các bước tiếp theo của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.

CHIỀU KÍCH CỦA SỰ PHỤ THUỘC LẪN NHAU GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC

Có rất nhiều mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, và sự đối xứng của tính dễ bị tổn thương là khác nhau với mỗi quốc gia. Gầy đây, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã tóm tắt thành sáu nội dung.

1. Thương mại

Trong thập kỷ qua, Hoa Kỳ chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho Trung Quốc từ thương mại so với chiều ngược lại, nhưng họ cũng biết rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ phụ thuộc vào một loạt hàng hóa [từ Trung Quốc] vốn không thể thay thế trong ngắn hạn. Do đó, mặc dù có sự bất cân xứng, nhưng Hoa Kỳ không có toàn quyền định đoạt trong cuộc chơi này, và Trung Quốc biết điều đó. Có những giới hạn đối với sức mạnh đến từ sự phụ thuộc lẫn nhau bất đối xứng.

2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Năm 2019, tổng nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ tại Trung Quốc đạt 269 tỷ USD, trong khi vốn FDI của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đạt 145 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm đã giảm do sự ngờ vực của cả hai bên đã thiết lập nên các ràng buộc chính sách. Rudd kết luận rằng việc “tách rời” trong lĩnh vực này đang diễn ra nhanh hơn dự kiến.

3. Công nghệ

Chiến lược “Made in China 2025” và mục tiêu trở thành người dẫn đầu thế giới về Trí tuệ Nhân tạo vào năm 2030 của Trung Quốc đã khiến chính phủ và các công ty Hoa Kỳ cảnh giác hơn về mức độ phụ thuộc công nghệ vào Trung Quốc. Rudd kết luận rằng một mức độ “tách rời” về công nghệ đáng kể đang được tiến hành và nó đã bắt đầu cách đây gần hai thập kỷ, khi Trung Quốc quyết định bắt tay vào việc xây dựng chủ quyền trên mạng Internet để hạn chế công dân của mình có thể tiếp cận các luồng thông tin tự do.

4. Giáo dục, Nghiên cứu và [Đào tạo] Tài năng

Hơn ba triệu sinh viên Trung Quốc đã được đào tạo tại các trường đại học Hoa Kỳ trong 20 năm qua, và hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc tới học tập tại Hoa Kỳ mỗi năm. Tuy nhiên, trong hai năm qua, số lượng tuyển các sinh viên quốc tế vào các trường đại học Hoa Kỳ đã giảm và những thay đổi chính sách đã khiến nhiều loại thị thực trở nên khó được cấp hơn. Rudd kết luận rằng có những dấu hiệu “tách rời” sớm trong lĩnh vực [đào tạo] tài năng.

5. Quân sự

Có những khía cạnh khác của sự phụ thuộc lẫn nhau ngoài những khía cạnh kinh tế được Rudd khảo sát, và chúng bao gồm sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự và môi trường. Về mặt quân sự, cả hai quốc gia đang trở thành con tin nhau làm bằng việc đe sử dụng vũ khí hạt nhân, và mặc dù có tham vọng về công nghệ phòng thủ tên lửa chiến lược, không có khả năng mối quan hệ này có thể bị tách rời (vì một điều, có nhiều cách để đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt ra làm mối đe dọa). Hơn nữa, cả hai quốc gia đều phụ thuộc tích cực vào việc làm chậm sự phổ biến của các vũ khí đó. Đã từng là nhà sản xuất vũ khí hạt nhân, nay Trung Quốc đã trở thành người ủng hộ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên trường quốc tế.

6. Các vấn đề về môi trường

Đối với vấn đề môi trường, bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lớn cho cả hai quốc gia. Ví dụ, các sông băng tan chảy ở dãy Himalaya [đổ vào Trung Quốc (ND)] cũng như ở Greenland [đổ vào Hoa Kỳ (ND)] có thể tạo ra những tổn thất nghiêm trọng. Trung Quốc hiện đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành người phát thải khí nhà kính lớn nhất, và cùng với đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ chiếm tới 40% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Không một quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này một mình, và cũng không thể bỏ qua vấn đề này. Biến đổi khí hậu tuân theo các định luật vật lý chứ không phải các quy tắc chính trị. Và đại dịch virus corona năm 2020 nhắc nhở chúng ta rằng các đại dịch phụ thuộc vào các quy luật sinh học. Mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau về dịch tễ học là bất đối xứng, việc sử dụng nó như một vũ khí chiến lược thay vì hợp tác [để ngăn chặn] sẽ có nguy cơ cao dẫn đến hậu quả khôn lường, mà lợi ích chiến lược lại không chắc chắn.

Nhìn chung, trong khi một số mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, vốn tạo ra các sự dễ tổn thương mang tính bất đối xứng, có thể được sử dụng làm vũ khí, thì các mối quan hệ dễ tổn thương mang tính bất đối xứng khác có thể tạo ra thiệt hại [cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc] nếu không có giải pháp hợp tác. Nếu quyền lực là khả năng ảnh hưởng đến người khác để đạt được kết quả mà mình muốn, thì điều quan trọng là phải phân biệt quyền lực VỚI người khác bên cạnh quyền lực CÙNG VỚI người khác. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, sức mạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau chỉ có thể đạt được khi CÙNG VỚI những người khác.

VƯỚNG MẮC VÀ NGĂN CHẶN

Việc thấu hiểu về sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc phụ thuộc vào việc hiểu các mục tiêu chiến lược. Nếu mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc bằng 0 và mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là phá hủy mối quan hệ này, giống hệt những nguyện vọng của nước Đức dưới thời Hitler vào những năm 1930, thì như chúng ta đã thấy, một cách không thể tránh khỏi là hai quốc gia này càng ít phụ thuộc vào nhau hơn đối với một số mối quan hệ. Mặt khác, nếu mối quan hệ là một trò chơi hỗn hợp hoặc một sự cạnh tranh mang tính trong đó sự cùng tồn tại với nhau sẽ được duy trì để xử lý vấn đề môi trường, thì các mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ phải bao gồm sự ổn định cũng như cạnh tranh, và sự phụ thuộc lẫn nhau có thể được sử dụng cho cả mục tiêu hợp tác lẫn mục tiêu cạnh tranh.

Răn đe là một ví dụ về việc khi nào sự phụ thuộc lẫn nhau có thể có lợi để tăng cường các mục tiêu mang tính hợp tác. Sự vướng mắc, hoặc sự tồn tại của nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, có thể có nghĩa là một cuộc tấn công sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho cả kẻ tấn công và mục tiêu bị tấn cống; điều này có thể có nghĩa là sẽ có lợi cho cả hái nếu giữ nguyên hiện trạng. Nói cách khác, sự vướng mắc là một công cụ quan trọng để khiến kẻ hành động nhận thức được rằng chi phí cho một hành động sẽ vượt quá lợi ích thu được, do đó góp phần duy trì sự răn đe.

Ví dụ, năm 2009, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc bán một một phần trong số đô-la dự trữ, mà chính phủ Trung Quốc đang nắm giữ, để trừng phạt Hoa Kỳ vì đã bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ ra rằng làm như sẽ khiến Trung Quốc tổn thất rất lớn. Kết quả là, chính phủ đã bị ngăn cản và cuối cùng ủng hộ Ngân hàng Trung ương. Tương tự như vậy, trong các kịch bản dự kiến của một cuộc tấn công qua mạng của Trung Quốc vào lưới điện Hoa Kỳ áp đặt chi phí lớn cho nền kinh tế Mỹ, thì sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của hai quốc gia này cũng có nghĩa là [sự tấn công giả định này] sẽ gây thiệt hại lớn cho chính Trung Quốc. Nhắm một cách chính xác vào các mục tiêu kinh tế nhỏ có thể không tạo ra nhiều hiệu ứng trực tiếp trong trường hợp không bị trả thù, nhưng tầm quan trọng ngày càng tăng của Internet đối với tăng trưởng kinh tế sẽ làm gia tăng sự tự kiềm chế. Tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế, và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào Internet.

Những chỉ trích về những tuyên bố thiếu tinh tế đã đưa ra một phản ví dụ rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, vốn đang tạo ra cơ hội hòa bình từ trước Thế chiến I, là bằng chứng cho thấy mối quan hệ kinh tế không ngăn được chiến tranh thảm khốc giữa các đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, những lời chỉ trích như vậy đã đi quá xa, trong việc bác bỏ mọi khả năng các quốc gia sẽ tính đến sự phụ thuộc lẫn nhau và do đó làm giảm khả năng xảy ra xung đột. Norman Angell và những người khác đã sai khi tranh luận trước Thế chiến I rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã khiến chiến tranh trở nên bất khả thi, nhưng họ không sai khi nói rằng nó đã làm gia tăng đáng kể chi phí chiến tranh.

Các ví dụ trước về hành vi của Trung Quốc cho thấy các nhà hoạch định chính sách có tính đến sự phụ thuộc lẫn nhau. Tất nhiên, xung đột luôn luôn có thể vì tính toán sai lầm của con người. Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu vào năm 1914 đã dự tính không chính xác về một cuộc chiến ngắn với chi phí hạn chế, và người ta nghi ngờ rằng người các hoàng đế Đức, Sa hoàng Nga và hoàng đế Áo-Hung sẽ đưa ra quyết định tham chiến nếu họ thấy trước sự mất mát của ngai vàng và mất tinh thần của đế chế của họ. Tính toán sai lầm và các cú tai nạn có thể bỏ qua bất kỳ loại răn đe nào. Giao thương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản không ngăn được cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Thật vậy, cuộc tấn công đã được gây ra, một phần, do lệnh cấm xuất khẩu sang Nhật Bản của Hoa Kỳ. Lệnh cấm vận thao túng sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính đối xứng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản theo cách khiến người Nhật lo sợ rằng việc không thực hiện một biện pháp thay thế đầy rủi ro [là biện pháp tiến hành chiến tranh với Hoa Kỳ (ND)] sẽ dẫn đến việc nước Nhật bị bóp nghẹt.

Một mối quan hệ mang tính răn đe quốc tế là một tập hợp phức tạp của các tương tác lặp đi lặp lại giữa các tổ chức phức tạp vốn không phải lúc nào cũng là các tác nhân duy nhất. Các tác nhân này có thể điều chỉnh các nhận thức của họ theo những cách không đồng nhất theo thời gian, như đã từng xảy ra trong mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc. Răn đe dựa trên các phương tiện khác nhau: trừng phạt, từ chối, làm cho bị vướng mắc, và các quy tắc. Như Robert Axelrod lưu ý trong tác phẩm kinh điển về hợp tác của mình, các mối quan hệ lặp đi lặp lại có thể định hình tương lai trong dài hạn. Ngoài ra, một số sự phụ thuộc lẫn nhau là mang tính hệ thống, trong đó nhà nước có mối quan tâm chung là không làm đảo lộn hiện trạng và có thể phát triển các lợi ích trong sự ổn định hệ thống. Tất nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau là con dao hai lưỡi và sự vướng mắc không phải là nguyên nhân quan trọng nhất của sự ngăn chặn, nhưng có thể dễ dàng bỏ qua thực tế rằng, nếu được sử dụng cẩn thận, nó cũng có thể góp phần ngăn chặn và tạo nên tình trạng ổn định.

BẪY THUCYDIDES NHƯ MỘT THÁCH THỨC CHIẾN LƯỢC?

Thất bại của Hoa Kỳ trong việc đối phó thành công với sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả tai hại cho Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Kể từ cuộc chiến Peloponnesian, những người theo chủ nghĩa hiện thực đã cảnh báo rằng sự tương tác giữa một cường quốc đã được xác lập lập và một cường quốc đang lên có thể dẫn đến những tính toán sai lầm vốn có thể tàn phá thế kỷ XXI này, giống như thế kỷ trước đã bị tàn phá vào năm 1914. Gần đây, Graham Allison đã đặt tên vấn đề chiến lược này là “Bẫy Thucydides Bẫy”, khẳng định rằng nó đã xảy ra 12 lần trong số 16 trường hợp chuyển đổi quyền thống trị quyền trong lịch sử hiện đại. Trong khi những con số của ông vẫn đang bị tranh cãi, thì vấn đề chiến lược đã này được công nhận từ lâu.

Để tránh kết cục như vậy, một chiến lược thành công của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là vừa không được đánh giá cao lẫn không được đánh giá thấp sức mạnh của Trung Quốc. Sự đánh giá thấp giống như tự phụ, trong khi đánh giá quá cao tạo ra nỗi sợ hãi, một trong hai điều đó có thể dẫn đến tính toán sai lầm. Trái với nhận thức truyền thống hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa thay thế Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đo lường bằng ngang giá sức mua, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn nền kinh tế Mỹ kể năm 2014, nhưng ngang giá sức mua là một công cụ kinh tế để so sánh các ước tính về phúc lợi, chứ không phải để đo lường sức mạnh. Tỷ giá hối đoái hiện tại là thước đo sức mạnh tốt hơn và chúng cho thấy Trung Quốc chỉ có quy mô bằng 2/3 Hoa Kỳ. Nhiều nhà kinh tế đã dự kiến Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào một ngày nào đó để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo GDP tính bằng đô-la), nhưng ngày ước tính thay đổi từ năm 2030 đến năm 2050 tùy thuộc vào những gì người ta giả định về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hơn nữa, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là thước đo thô của sức mạnh. Thu nhập bình quân đầu người là một chỉ số tốt hơn về độ vi tế của một nền kinh tế, và thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ gấp nhiều lần so với Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng bất kỳ phép đo lường, lực đẩy của nền kinh tế Trung Quốc đang gia tăng, và Trung Quốc đang trỗi dậy.

Thucydides nổi tiếng gán cho cuộc chiến Peloponnesian hai nguyên nhân: sự trỗi dậy của một thế lực mới và nỗi sợ hãi được hình thành bởi một thế lực đã được xác lập. Hầu hết các nhà phân tích tập trung vào nửa đầu của tuyên bố của ông, nhưng phần thứ hai của tuyên bố này lại đang nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Nhiều khả năng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thể ngăn chặn sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ có thể tránh được những lo ngại thái quá vốn có thể tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng mới nếu sử dụng tốt “trí thông minh theo ngữ cảnh”. Ngay cả khi một ngày nào đó Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ về tổng quy mô kinh tế, vẫn có những phép đo lường khác về sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc đứng sau Hoa Kỳ về các chỉ số quân sự và chỉ số sức mạnh mềm và quân sự. Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ gấp nhiều lần Trung Quốc. Trong khi năng lực quân sự của Trung Quốc đang gia tăng trong những năm gần đây và đặt ra những thách thức mới cho các quân sự Hoa Kỳ, các nhà phân tích quan sát kỹ về cân bằng quân sự đã kết luận rằng Trung Quốc không phải là một tay chơi toàn cầu ngag phần và sẽ không thể loại trừ Hoa Kỳ khỏi Tây Thái Bình Dương bởi Hoa Kỳ vẫn đang duy trì liên minh quân sự và đóng quân cứ tại Nhật Bản. Và các cuộc thăm dò dư luận cũng như một chỉ số gần đây được công bố bởi Portland, một công ty tư vấn ở Luân Đôn, đã xếp Trung Quốc ở vị trí thứ hai mươi sáu về sức mạnh mềm, trong khi Hoa Kỳ gần đứng đầu. Chủ nghĩa Cộng sản của Mao trong thập niên 1960 có sức mạnh mềm xuyên quốc gia lớn hơn nhiều so với “tư tưởng Tập Cận Bình” ngày nay.

Mặt khác, quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc cũng là một vấn đề [đối với Hoa Kỳ]. Hoa Kỳ đã từng là quốc gia thương mại lớn nhất và là người cho vay song phương lớn nhất thế giới vào năm 2001, số quốc gia giao dịch với hoa kỳ nhiều hơn hơn 80% với Trung Quốc. Vào năm 2018, tỷ lệ này là 30%, với 128 trong số 190 quốc gia giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn so với giao dịch với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang lên kế hoạch cho vay hơn một nghìn tỷ đô-la cho các dự án cơ sở hạ tầng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ trong thập kỷ tới, trong khi Hoa Kỳ đang cắt giảm viện trợ. Câu chuyện thành công về kinh tế của Trung Quốc, sự tăng cường sức mạnh mềm và sự kiểm soát của chính phủ đối với việc tiếp cận thị trường rộng lớn đã tạo ra đòn bẩy cho quyền lực-cững. Hơn nữa, nền chính trị độc đoán và sự thực hành chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc khiến chính phủ Trung Quốc dễ dàng sử dụng đến sức mạnh của nền kinh tế. Trung Quốc sẽ có được sức mạnh kinh tế từ quy mô lớn của thị trường cũng như từ viện trợ phát triển của Trung Quốc ra nước ngoài. Trong số bảy công ty toàn cầu khổng lồ trong thời đại Trí tuệ nhân tạo (Google, Facebook, Amazon, Microsoft, Baidu, Alibaba và Tencent), gần một nửa là của Trung Quốc. Với dân số khổng lồ và nguồn tài nguyên dữ liệu vốn đang trở thành một thứ “dầu mỏ mới” của nền chính trị thế giới, Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành một Ả-rập Xê-út của Dữ liệu Lớn.

Hoa Kỳ vẫn sẽ có một số lợi thế sức mạnh lâu dài, bất kể các hành động hiện tại của Trung Quốc. Một là địa lý. Hoa Kỳ được bao quanh bởi các đại dương và các nước láng giềng mà có khả năng vẫn còn đang thân thiện; Trung Quốc có biên giới với mười bốn quốc gia và có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, một thực tế mà sẽ đặt ra giới hạn cho sức mạnh mềm của Trung Quốc. Năng lượng là một lợi thế khác của Hoa Kỳ. Một thập kỷ trước, Hoa Kỳ dường như phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu một cách vô vọng. Giờ đây, cuộc cách mạng đá phiến đã biến Hoa Kỳ từ một nhà nhập khẩu năng lượng thành nhà xuất khẩu, giúp châu lục Bắc Mỹ có thể tự túc năng lượng trong thập kỷ tới. Đồng thời, Trung Quốc đang trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng và phần lớn lượng dầu nhập khẩu được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, nơi Hoa Kỳ và các nước khác duy trì sự hiện diện hải quân quan trọng. Loại bỏ lỗ hổng này sẽ mất nhiều thập kỷ. Như chúng ta đã thấy, Hoa Kỳ được hưởng sức mạnh tài chính có được từ các tổ chức tài chính xuyên quốc gia lớn. Mặc dù đồng đô-la không thể tồn tại mãi mãi, nhưng đồng nhân dân tệ khó có thể thay thế đồng đô la như một loại tiền tệ dự trữ trong thời gian tới.

Hoa Kỳ cũng có thế mạnh về nhân khẩu học. Đây là quốc gia phát triển lớn duy nhất hiện đang dự kiến giữ vị trí (thứ ba) trong bảng xếp hạng nhân khẩu học của các quốc gia. Mặc dù tốc độ tăng dân số của Hoa Kỳ đã chậm lại trong những năm gần đây, nhưng nó không bị suy giảm dân số như sẽ xảy ra với Nga, châu Âu và Nhật Bản. Bảy trong số mười nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải đối mặt với lực lượng lao động bị thu hẹp trong khoảng 15 năm nữa, nhưng lực lượng lao động Mỹ có thể sẽ tăng thêm 5%, trong khi Trung Quốc sẽ giảm 9%. Trung Quốc sẽ sớm đánh mất vị trị quốc gia đông dân nhất vào tay Ấn Độ, và dân số trong độ tuổi lao động đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2015. Công dân Trung Quốc đôi khi nói rằng họ lo lắng về việc họ sẽ già đi trước khi trở nên giàu có.

Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc phát triển các công nghệ cốt lõi (công nghệ sinh học, công nghệ nano và công nghệ thông tin) vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ này, và các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ thống trị nền giáo dục đại học toàn cầu. Trong bảng xếp hạng năm 2019 của Đại học Giao thông Thượng Hải, mười tám trong số hai mươi lăm trường đại học hàng đầu toàn cầu đã ở Hoa Kỳ; không có trường đại học nào ở Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đang đầu tư lớn vào nghiên cứu và triển khai, đồng thời cạnh tranh tốt trong một số lĩnh vực, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của học máy (machine learning) như một công nghệ đa năng vốn sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, những tiến bộ của Trung Quốc trong ngành trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa đặc biệt. Tiến bộ công nghệ Trung Quốc không còn chỉ dựa vào sự bắt chước. Do vậy, phản ứng của Hoa Kỳ đối với thách thức công nghệ của Trung Quốc, nếu muốn thành công, sẽ phụ thuộc nhiều vào đổi mới công nghệ của chính Hoa Kỳ, hơn là các biện pháp trừng phạt. Sự tự mãn của Hoa Kỳ luôn là một mối nguy hiểm, nhưng sự thiếu tự tin và nỗi sợ hãi quá mức sẽ dẫn đến phản ứng thái quá. Theo quan điểm của John Deutch, cựu thành viên của Viện Công nghệ Massachussetts (MIT), nếu Hoa Kỳ đạt được tiềm năng đổi mới của mình, thì “bước đại nhảy vọt [về công nghệ] của Trung Quốc cùng lắm sẽ chỉ tiến sát với vị trí lãnh đạo toàn cầu về đổi mới công nghệ mà Hoa Kỳ đang nắm giữ”.

Nói tóm lại, Hoa Kỳ giữ những lá bài quan trong trong cỗ bài của mình, nhưng sự cuồng loạn có thể khiến quốc gia này chơi bài không hiệu quả. Khi chính quyền Clinton công bố Báo cáo Chiến lược Đông Á năm 1995, họ đã quyết định việc tái khẳng định liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản trước khi tìm cách lôi kéo Trung Quốc vào WTO. Cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc là tham gia nhưng phòng ngừa các vụ cá cược trước. Loại bỏ các lá bài quan trọng của liên minh và các tổ chức quốc tế sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu Hoa Kỳ duy trì liên minh với Nhật Bản, Trung Quốc sẽ không thể vượt ra khỏi chuỗi đảo đầu tiên vì Nhật Bản là một phần chính của chuỗi đó. Một sai lầm khác có thể là cố gắng cắt đứt tất cả các dòng nhập cư. Khi được hỏi tại sao ông không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ về tổng sức mạnh quốc gia, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nhắc đến khả năng của Hoa Kỳ trong việc thu hút các tài năng của toàn thế giới và kết hợp lại chúng trong sự đa dạng và sáng tạo, điều này là không thể đối với chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ từ bỏ các liên minh của mình và đóng cửa với người di cư, thì kết luận của ông Lý có thể sẽ sai.

BẪY KINDLEBERGER NHƯ MỘT THÁCH THỨC CHIẾN LƯỢC?

Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, nhiều nhà quan sát lo ngại Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đi đến chiến tranh, nhưng ít người xem xét một mối nguy hiểm gây rối ngược lại trong quá trình chuyển dịch bá quyền thống trị. Thay vì hành động như một cường quốc lớn trong trật tự quốc tế, Trung Quốc có thể quyết định trở thành một tay chơi tự do như Hoa Kỳ vào những năm 1930. Tôi gọi đây là “Bẫy Kindleberger”, lấy tên nhà kinh tế học nổi tiếng của MIT, người đã chỉ ra nguyên nhân sâu sắc của cuộc Đại suy thoái và sự bất ổn của thập kỷ 1930 đó là do sự thất bại của nước Mỹ trong việc đóng góp vào hàng hóa công toàn cầu vào thời điểm mà Vương quốc Anh không còn có thể làm điều đó một mình. Trong phiên bản của sự thất bại của quá trình chuyển đổi quyền lực bá quyền này, Trung Quốc có thể hành động quá yếu thay vì quá mạnh mẽ và từ chối đóng góp cho một trật tự quốc tế mà họ không tạo ra. Một số nhà Trung Quốc học nói rằng nỗi sợ hãi này đã cường điệu hóa vấn đề “không phải được tạo ra ở đây”, và Trung Quốc biết rằng mình đã được hưởng lợi từ trật tự quốc tế sau năm 1945. Như Iain Johnston đã chỉ ra, người ta có thể phân biệt ít nhất tám loại trật tự khác nhau liên quan đến tám lĩnh vực phụ thuộc lẫn nhau, và sự hỗ trợ của Trung Quốc cho [việc định hình] các loại trật tự này hầu hết đều ở mức trung bình hoặc mức cao.

Đến nay, Trung Quốc đã khá tích cực trong việc hỗ trợ các tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác lập trật tự và tính tương thuộc trên toàn thế giới. Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là một trong năm quốc gia có quyền phủ quyết. Trung Quốc hiện là nhà tài trợ lớn thứ hai của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tham gia các chương trình của Liên Hợp Quốc liên quan đến Ebola và biến đổi khí hậu. Trung Quốc cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ các tổ chức kinh tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mặt khác, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế mà một số người coi là sự tấn công kinh tế chống lại trật tự hiện hành. Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ sự cam kết như một nền kinh tế thị trường, và việc bác bỏ phán quyết của tòa án Hague năm 2016 về Biển Đông đã đặt ra câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình hay không (như Hoa Kỳ đôi khi đã làm). Hải quân Hoa Kỳ và Liên minh về Tự do hàng hải ở Biển Đông vẫn là điều cần thiết để duy trì điểm này. (Sẽ là có ích nếu Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn Công ước về Luật Biển.)

Cho đến nay, Trung Quốc đã không cố gắng lật đổ trật tự thế giới mà nó đang hưởng lợi – thay vào đó, nó đang cố găng gia tăng ảnh hưởng từ bên trong trật tự đó - nhưng điều này có thể thay đổi khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên. Chính quyền Trump đã gán cho Trung Quốc là một quốc gia đang tìm cách xét lại trật tự quốc tế hiện hành – nhưng đó là một sự xét lại ở mức vừa phải, không phải là một sự xét lại cực đoan như nước Đức của Hilter. Trung Quốc không muốn lật đổ cái bàn đang chơi bài, mà chỉ muốn nghiêng cái bàn theo hướng mà nó có thể giành được nhiều tiền cược hơn. Đồng thời, sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và độ nghiêng của chiếc bàn này sẽ tạo ra các vấn đề cho Hoa Kỳ và cho trật tự quốc tế. Nói cách khác, nó có thể hoạt động như một tay chơi tự do, như Hoa Kỳ đã từng làm trong những năm 1930.

Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, “trật tự quốc tế tự do” của Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi. Nó chưa từng thật sự tự do, có trật tự hay mang tính toàn cầu, và Trung Quốc ít quan tâm đến chủ nghĩa tự do hay sự thống trị của Hoa Kỳ. Do đó, người Mỹ sẽ trở nên khôn ngoan nếu loại bỏ các thuật ngữ về “tự do” và “mang đặc tính Hoa Kỳ” để nghĩ về một trật tự thế giới “mang tính mở và dựa trên quy tắc” để kiểm soát các loại quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Điều này có nghĩa là nhấn mạnh một trật tự quốc tế mở trên bình diện hợp tác thể chế. Sự khác biệt về ý thức hệ sẽ tồn tại và sẽ có sự khác biệt lớn về các giá trị như quyền con người, nhưng điều này không ngăn cản các cuộc đàm phán và các thể chế quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau. Cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với một nền kinh tế quốc tế mở sẽ cần được điều chỉnh để giám sát thương mại và đầu tư của Trung Quốc nhiều hơn, vốn đang đe dọa các mục tiêu an ninh quốc gia và an ninh công nghệ của đất nước chúng ta, nhưng vẫn có cơ sở cho sự phụ thuộc lẫn nhau có hiệu quả, và đàm phán về các quy tắc để quản lý nó.

QUẢN LÝ SỰ PHỤ THUỘC LẪN NHAU

Một số mức độ “rời bỏ” [giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc] chắc chắn sẽ tăng lên, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia. Cả hai bên sẽ muốn hạn chế các điểm dễ tổn thương vốn sẽ gây đe dọa tới các cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với các bố phòng quân sự. Một số biện pháp sẽ là đơn phương, chẳng hạn như những biện pháp mà Bắc Kinh đã thực hiện trong hơn một thập kỷ qua. Đối với các biện pháp của Hoa Kỳ nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ nhạy cảm thông qua thương mại, đầu tư và trao đổi khoa học, thì “việc phát triển một chế độ kiểm soát giúp giảm thiểu rủi ro, mà không phải chịu các chi phí không đáng có, sẽ là không dễ dàng”.

Dỡ bỏ các chuỗi cung ứng phức tạp là điều không dễ dàng. Nhưng các cuộc đàm phán song phương và đa phương có thể giúp ngăn chặn sự “tách rời” về mặt công nghệ biến thành chủ nghĩa bảo hộ cực đoan. Một ví dụ được đưa ra bởi một nhóm các nhà kinh tế Mỹ và Trung Quốc, những người đã đề xuất một khuôn khổ cho chính sách thương mại giữa các quốc gia khác nhau, nhằm phân biệt các khu vực phải đàm phán song phương với các khu vực trong đó các quốc gia được phép thực hiện các điều chỉnh chính sách trong nước nhằm giảm thiểu tác hại tới nền kinh tế hoặc an ninh của các quốc gia đó. Các chính sách khác liên quan đến thiệt hại gây ra cho nước thứ ba có thể được xử lý bằng các thỏa thuận đa phương.

Khi Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế khác phát triển, thì tỷ lệ của Hoa Kỳ trong nền kinh tế thế giới sẽ ít hơn so với đầu thế kỷ này, và sự trỗi dậy của các quốc gia khác sẽ khiến việc tổ chức hành động tập thể để thúc đẩy hàng hóa công toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Nhưng không có quốc gia nào khác, kể cả Trung Quốc, có thể thay thế được Hoa Kỳ về tài nguyên sức mạnh tổng hợp trong vài thập kỷ tới. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dẫn đầu trong sản xuất hàng hóa công toàn cầu, nhưng sẽ cần phải ngày càng chia sẻ vai trò đó với Trung Quốc. Kể từ chính quyền Nixon, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã hợp tác với nhau bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ. Nhiều hình thức phụ thuộc lẫn nhau đã phát triển, và những nỗ lực đối với việc tách rời hoàn toàn sẽ kéo theo các khoản chi phí rất lớn. Trong khi sự phụ thuộc lẫn nhau đã tạo ra các lỗ hổng chiến lược mới, thì đồng thời nó cũng tạo ra các cơ hội chiến lược.

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á đã thúc đẩy sự thay đổi quyền lực trong khu vực, nhưng châu Á có cán cân quyền lực nội bộ của riêng mình. Sức mạnh của Trung Quốc được cân bằng bởi Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, và số những quốc gia khác. Không ai muốn bị Trung Quốc thống trị, mặc dù không ai muốn thấy một chiến lược ngăn chặn kiểu Chiến tranh Lạnh sẽ buộc họ phải tách rời với nền kinh tế với Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ vẫn rất quan trọng đối với cán cân quyền lực châu Á này. Nếu Hoa Kỳ duy trì các liên minh đó, thì triển vọng là Trung Quốc có thể đẩy Hoa Kỳ khỏi Tây Thái Bình Dương là rất ít, và triển vọng Trung Quốc thống trị thế giới còn ít hơn nữa. Hoa Kỳ vẫn đang nắm những lá bài quan trọng để kiểm soát một cuộc chơi vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc, và không cần phải tìm cách cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ [giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc] bằng cách tách rời hoàn toàn trong cơn hoảng loạn.

Câu hỏi khó hơn cho một chiến lược hiệu quả sẽ là liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể phát triển thái độ cho phép họ hợp tác sản xuất hàng hóa công toàn cầu và quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau trong khi cạnh tranh trong các lĩnh vực khác hay không. Trong trường hợp xấu nhất, một chính sách cân bằng như vậy là không thể. Mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc là một sự cạnh tranh hợp tác, trong đó một chiến lược cạnh tranh thông minh thành công, được Orville Schell và Susan Shirk ủng hộ, sẽ đòi hỏi sự chú ý như nhau đối với cả hai khía cạnh [vừa cạnh tranh, vừa hợp tác] đó. Nhưng một tương lai như vậy sẽ đòi hỏi “trí thông minh theo ngữ cảnh” và quản lý cẩn thận tất cả các khía cạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, cả trên bình diện tiêu cực lẫn tích cực. Nỗi sợ hãi thái quá sẽ làm cho một chính sách cân bằng như vậy trở nên khó khăn, và những nỗ lực vội vàng để tách rời [Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc] sẽ dẫn đến một chiến lược thất bại mà cuối cùng sẽ làm làm suy giảm sức mạnh của Hoa Kỳ./.

*

* [Joseph S. Nye, Jr. là Giáo sư danh dự của và từng là Hiệu trưởng Kennedy School of Government của Đại học Harvard, đồng thời là thành viên ban biên tập của tờ The Washington Quarterly. Ông từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về Hỗ trợ An ninh, Khoa học và Công nghệ. Ông là đồng tác giả (với Robert O. Keohane) của tác phẩm ‘World Politics in Transition’ [Quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau: Chính trị thế giới trong quá trình chuyển đổi] (Boston, MA: Little Brown, 1977), và bài viết này được chuyển thể một phần từ cuốn sách của ông, 'Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump' [Luân lý có trở thành một vấn đề? Các tổng thống và chính sách đối ngoại từ Roosevelt tới Trump] (New York: Oxford University Press, 2020).]


Nguồn : https://m.facebook.com/nguyentrung.kien
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn