Facebook công bố 20 “thẩm phán” có thẩm quyền quyết định về nội dung trên mạng xã hội này

Thứ Năm, 07 Tháng Năm 20204:00 CH(Xem: 4504)
Facebook công bố 20 “thẩm phán” có thẩm quyền quyết định về nội dung trên mạng xã hội này
Luatkhoa.org

 Facebook công bố 20 'thẩm phán' có thẩm quyền về nội dung cao hơn Mark Zuckerberg


Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Facebook công bố 20 “thẩm phán” có thẩm quyền quyết định về nội dung trên mạng xã hội này

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Giáo sư luật Pamela Karlan, Đại học Stanford, một trong các "thẩm phán" Facebook. Ảnh: AP.
Giáo sư luật Pamela Karlan, Đại học Stanford, một trong các “thẩm phán” Facebook. Ảnh: AP.

Hôm 6/5 (giờ Mỹ), Facebook công bố 20 nhân vật đầu tiên (trong tổng số khoảng 40 người) sẽ nắm quyền “thẩm phán” trong một hội đồng có chức năng tương tự với một tòa án tối cao đối với các nội dung trên Facebook, theo Business Insider.

Hội đồng này sẽ tiếp nhận các khiếu nại về việc xóa nội dung từ người dùng Facebook và quyết định có cho phép nội dung đó được hiển thị trên Facebook hay không. Quyết định của hội đồng này có giá trị chung thẩm và bắt buộc thi hành đối với Facebook, nghĩa là trên cả quyền của Tổng giám đốc Mark Zuckerberg và Hội đồng Quản trị của tập đoàn này.

Facebook cam kết về tính độc lập của hội đồng này, tuy kinh phí hoạt động (khoảng 130 triệu USD) của hội đồng sẽ do Facebook chi trả.

Các thành viên hội đồng hiện nay:

  • Cựu thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt.
  • Maina Kiai (cựu báo cáo viên đặc biệt về tự do hội họp của Liên Hợp Quốc).
  • Tawakkol Karman (Nobel Hòa Bình năm 2011).
  • Nhà báo: cựu tổng biên tập tờ The Guardian (Anh) Alan Charles Rusbridge, nhà báo Endy Baynui (Jakarta Post – Indonesia).
  • Các giáo sư Jamal Greene (luật, Columbia – Mỹ), Nicolas Suzor (luật, Queensland University of Technology), Katherine Chen (truyền thông, NCCU – Đài Loan), Sudhir Krishnaswamy (luật, National Law School of India University), Andras Sajo (luật, CEU – Hungary), Michael McConnell (luật, Stanford – Mỹ), Catalina Botero-Marino (luật, Universidad de Los Andes – Columbia), Emi Palmor (luật, Israel), Pamela Karlan (luật, Stanford – Mỹ), Evenlyn Aswad (luật, University of Oklahoma College of Law – Mỹ),
  • Các nhà hoạt động Julie Owono (tổ chức Internet Sans Frontières), Nighat Dad (Digital Rights Foundation).
  • Luật sư Ronaldo Lemos (Brazil), Afia Asantewaa Asare-Kyei.
  • Chuyên gia: John Samples (CATO – Mỹ).

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 18:00 ngày 7/5/2020, trên thế giới đã có 3.769.150 người nhiễm coronavirus với 264.111 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế hiện nay là 271 người, và không có trường hợp tử vong nào do COVID-19. 

WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại nếu vội dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: France24.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: France24.

Vào thứ Tư tuần này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ có thể lây lan rất nhanh trong thời gian sắp tới, nếu như các quốc gia không quản lý tốt việc nới lỏng các lệnh phong tỏa xã hội trong thời điểm này.

Đồng thời, ông cũng đưa ra danh sách những điều cần đạt được trước khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa để các quốc gia đối chiếu tình hình trong nước trước khi hành động, bao gồm kiểm soát, giám sát và chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống y tế.

Nhà dịch tễ học làm việc cho WHO, bà Maria Van Kerkhove, cũng đồng ý với ông Tedros rằng nếu dỡ bỏ các lệnh cách ly và phong tỏa quá sớm thì có thể coronavirus sẽ trở lại và lây lan mạnh một lần nữa.

WHO cũng đang thảo luận với Trung Quốc về việc đưa thêm một đoàn chuyên gia đến quốc gia này để tìm hiểu về nguồn gốc của coronavirus. 

Liên minh Châu Âu đề nghị WHO kiểm điểm về việc chống dịch COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/2/2020. Ảnh: Reuters.
Trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/2/2020. Ảnh: Reuters.

Liên minh Châu Âu (EU) đang kêu gọi các nước tham gia để thảo luận và kiểm điểm việc thế giới đã phòng chống coronavirus như thế nào, cũng như đánh giá cả vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong mùa đại dịch COVID-19, theo Reuters.

Reuters còn cho biết, EU đã có một bản phác thảo nghị quyết về việc này, cũng như có cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tham gia. Việc có các nước này đồng ý tham gia thảo luận đã tạo ra một hình ảnh tốt đẹp trong mùa dịch, theo một nhân viên ngoại giao EU.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã từng phản bác rất mạnh mẽ về những cáo buộc thân Trung Quốc do Hoa Kỳ đưa ra. Tuy nhiên, ông cũng đồng ý rằng WHO phải được những cơ quan độc lập kiểm điểm về việc chống dịch lần này.

Việc đánh giá lần này sẽ đưa ra những giải pháp với kết quả lâu dài trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như đối phó với các “lỗ hổng trong phòng chống đại dịch”. Ngoài ra, nghị quyết này sẽ nhắc nhở 194 quốc gia thành viên của WHO, rằng họ phải ngay lập tức báo cáo dịch bệnh khi nó mới vừa xảy ra.

Hơn 90 ngàn nhân viên y tế trên thế giới nhiễm coronavirus

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Nhân viên y tế ở Indonesia. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế ở Indonesia. Ảnh: Reuters.

Vào thứ Tư, giữa các báo cáo về tình trạng thiếu hụt dụng cụ bảo hộ, Hội đồng Y tá Quốc tế (ICN) còn công bố có ít nhất 90 ngàn nhân viên y tế trên thế giới bị nhiễm COVID-19. Số liệu chính xác trong thực tế có thể là gấp hai lần con số được báo cáo lần này. 

Trong đó, hơn 260 y tá đã tử vong. 

“Số nhân viên ngành y tế bị nhiễm bệnh đã tăng từ 23.000 lên đến hơn 90.000, nhưng con số này vẫn nhỏ hơn so với thực tế. Đó là vì số liệu báo cáo chưa bao gồm tất cả các quốc gia trên thế giới”, Giám đốc điều hành của ICN Howard Catton cho biết. 

Số liệu 90 ngàn là con số được thu thập từ 30 quốc gia. “Vấn đề nhức nhối ở đây là một số chính phủ không thu thập và khai báo thông tin một cách có hệ thống. Chúng tôi cảm thấy như thể họ đang cố tình làm ngơ mà điều này không thể chấp nhận được vì sẽ có thêm nhiều mạng sống bị tước đoạt”, Catton nói. 

Ông cho biết thêm: “Nếu tỷ lệ nhiễm bệnh của các nhân viên làm trong ngành y tế, chúng tôi tin là nằm ở mức 6%, áp dụng vào tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới hiện tại, thì con số nhân viên bị nhiễm trên toàn cầu có thể đã là hơn 200.000 người”.

WHO cho biết, 194 nước thành viên không cung cấp số liệu toàn diện về các ca nhiễm bệnh trong hệ thống y tế giữa lúc các nước đang phải gồng mình đối đầu với bệnh dịch. Tuy nhiên, thông báo cuối cùng liên quan đến vấn đề này được WHO đề cập lần gần đây nhất là vào ngày 11/4/2020, thì có khoảng 22.000 nhân viên y tế bị nhiễm coronavirus.

Theo tổ chức ICN, “sự thất bại trong thu thập số liệu về số ca nhiễm và số ca tử vong giữa các nhân viên y tế sẽ gây nguy hiểm cho nhiều nhân viên trong ngành và  cả bệnh nhân của họ”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tiếp tục lên án Trung Quốc về bệnh COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bắc Kinh, ngày 14/6/2018. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bắc Kinh, ngày 14/6/2018. Ảnh: Reuters.

Vào thứ Tư tuần này (giờ Mỹ), tại một buổi họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn tiếp tục lên án và quy lỗi cho Trung Quốc về những thiệt hại nghiêm trọng do dịch bệnh mà Hoa Kỳ đang phải trải qua. 

“Trung Quốc vẫn từ chối tiết lộ thông tin mà chúng tôi cần để giữ an toàn cho tất cả mọi người”, ông nói trong cuộc họp báo. Bên cạnh đó, ông cũng đính chính lại tuyên bố của mình vào hôm Chủ Nhật, rằng ông có bằng chứng coronavirus phát tán từ một phòng nghiên cứu ở Vũ Hán.

Ông Pompeo chia sẻ, Mỹ không chắc chắn nhưng đã có một số bằng chứng quan trọng về việc phòng thí nghiệm của Trung Quốc có thể là nguồn gốc của coronavirus. Bên cạnh đó, Pompeo phát biểu thêm: “Mọi người cho rằng Mỹ đang bắt nạt Trung Quốc. Nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu họ những điều mà chúng tôi đã từng yêu cầu ở các quốc gia khác: minh bạch, cởi mở, và là một đối tác đáng tin cậy như họ đã nói. Trung Quốc nói rằng họ muốn hợp tác. Vậy thì quá ổn. Hợp tác, đó chính là hành động”.

Viện Virus học Vũ Hán đã bác bỏ cáo buộc cho rằng phòng thí nghiệm của họ là nơi khởi phát của coronavirus. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng virus bắt nguồn từ một chợ bán thịt động vật hoang dã ở Vũ Hán, và đây cũng chính là nơi loại virus này nhảy từ động vật sang người. Trong một bài viết được đăng tải trên Washington Post, Đại sứ Trung Quốc, Cui Tiankai, nói: “Đã đến lúc kết thúc trò chơi đổ lỗi này rồi. Đây là lúc để tập trung vào dịch bệnh và tái gây dựng niềm tin giữa hai nước”.

Nhà Trắng thất vọng trong mối quan hệ với Trung Quốc 

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Vào thứ Tư trong một buổi họp báo, Thư ký Nhà Trắng, Kayleigh McEnany cho biết mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay là đáng thất vọng và thất bại.

“Cho đến thời điểm hiện tại, mối quan hệ này thực sự đáng thất vọng và là một mối quan hệ thất bại. Tổng thống đã nói về việc ông ấy cảm thấy thất vọng như thế nào trước tình thế mà Trung Quốc đã đặt Mỹ vào”, McEnany phát biểu. Lời buộc tội này cũng giống như những lời cáo buộc của chính phủ Trump về việc Trung Quốc đã giấu diếm thông tin về coronavirus và gây nên hàng trăm nghìn cái chết trên toàn thế giới.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa phản hồi trước lời tuyên bố này.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:05 ngày 7/5/2020, trên thế giới đã có 3.748.959 người nhiễm coronavirus với 263.146 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế hiện nay là 271 người, và không có trường hợp tử vong nào do COVID-19.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn