Tác hại của mô hình làm việc từ xa

Thứ Sáu, 01 Tháng Năm 20203:00 CH(Xem: 5094)
Tác hại của mô hình làm việc từ xa
bbc.com

Tác hại của mô hình làm việc từ xa

Meredith Turits BBC Worklife

Other Bản quyền hình ảnh Other

Xe hơi nổ máy, văn phòng được sưởi ấm - đó là các hoạt động mà ta biết là sẽ lại dấu vết carbon đáng kể.

Vậy nhân viên có nên bỏ hẳn việc lái xe đến các tòa nhà văn phòng lớn, thay vào đó là dịch chuyển từ giường đến máy tính ngồi làm việc tại nhà?

Câu trả lời giúp xây dựng văn phòng bền vững hơn trong tương lai không hẳn đơn giản như vậy.


Có vẻ như trực giác khiến ta tin rằng làm việc tại nhà nói chung là tốt hơn cho môi trường suốt cả năm.

Sau hết thì sự phát triển bền vững là dựa vào khả năng giảm thiểu khí thải, vốn hầu hết sinh ra từ động cơ xăng dầu xe hơi khi di chuyển và lượng năng lượng khổng lồ mà các tòa nhà lớn tiêu thụ.

Làm việc từ xa có vẻ như sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề: không phải đi lại, ít chỗ ngồi cần đến máy sưởi hay điều hòa nhiệt độ ở văn phòng.

Tuy nhiên chính xác thì không hẳn mọi chuyện là như vậy.

Nghiên cứu từ WSP UK, một công ty tư vấn có trụ sở ở London chuyên về kỹ thuật, cho thấy mô hình làm việc từ xa ở Anh Quốc chỉ tốt hơn cho môi trường vào mùa hè.

Khi xem xét lượng phát thải carbon từ 200 nhân viên làm việc ở Anh Quốc tại nhiều địa điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu nhận thấy làm việc từ xa gây ảnh hưởng đến môi trường nhiều hơn, vì cần phải sưởi ấm nhà riêng nơi các nhân viên ở nhiều hơn so với việc sưởi ấm cả tòa nhà văn phòng.

"Hệ thống quản lý năng lượng trong các tòa nhà nói chung là tinh vi hơn ở nhà từng nhân viên," David Symons, Lãnh đạo và Giám đốc Mảng Sẵn sàng cho Tương lai Phát triển Bền vững tại WSP UK, cho biết.

Vì mỗi cá nhân từng người làm việc từ xa sẽ đều mở máy sưởi và có xu hướng sưởi ấm cả ngôi nhà, cho nên nếu mọi người đều tới làm việc trong một tòa nhà cao ốc hóa ra lại gây ảnh hưởng thấp hơn, kể cả sau khi đã tính thêm việc xe cộ đi lại.

Tuy nhiên, trong mùa hè, làm việc từ nhà có ích cho môi trường hơn vì lượng năng lượng tiêu thụ thấp hơn rất nhiều so với mùa đông.

"Ở Anh Quốc, chúng ta không dùng máy lạnh, vì vậy kết quả là làm việc tại nhà về mùa hè có hiệu quả carbon tốt hơn," Symons giải thích.


Biến số toàn cầu

Tuy nhiên câu hỏi về tính bền vững trong chuyện làm việc từ xa cũng giống như một củ hành: có rất nhiều lớp câu trả lời hơn so với những gì một nghiên cứu về nhân viên làm việc tại Anh Quốc có thể lý giải.

Lý do chủ yếu là vì mô thức tiêu thụ năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới cực kỳ khác nhau.

Chẳng hạn, ở Na Uy, hơn 40% xe bán ra trong năm 2019 là xe hơi điện - tăng 1/3 so với năm trước đó.

Tác động môi trường từ phương tiện di chuyển ở Na Uy và trong khối các quốc gia Bắc u là rất thấp so với nhiều nơi khác trên thế giới, vốn phụ thuộc nhiều vào xăng dầu như Anh Quốc hoặc Mỹ.

Và rất nhiều thành phố lớn tiêu thụ phần lớn năng lượng không phụ thuộc vào xe hơi di chuyển, mà phụ thuộc vào phương tiện công cộng.

Mỗi nhân tố đơn lẻ trên thay đổi cách tính toán về việc khi nào thì làm việc từ xa tại nhà sẽ bền vững hơn, tùy thuộc từng thành phố, vùng và quốc gia.

Rồi còn cả phần máy điều hòa nhiệt độ, và đây là biến số lớn.

Rất nhiều quốc gia, như Mỹ, lệ thuộc vào máy điều hòa nhiệt độ hơn nhiều so với Anh Quốc.

Nhìn chung, máy lạnh tiêu thụ nhiều năng lượng hơn máy sưởi. Điều đó có nghĩa là ở mỗi căn nhà, việc làm mát thậm chí còn gây tác động môi trường lớn hơn so với việc làm ấm.

Kết quả là, có vẻ như cách tính toán ở những quốc gia phụ thuộc vào máy lạnh sẽ có thể gần giống với cách tính toán về mùa đông ở Anh Quốc, Kenneth Gillingham, phó giáo sư về kinh tế năng lượng và môi trường tại Trường Yale về Môi trường và Lâm nghiệp, nói.

Nói cách khác, có thể là việc làm việc tại nhà vào mùa đông hoặc mùa hè ở những nơi như vậy sẽ không đem lại hiệu quả gì.

Nhưng Gillingham nói thêm rằng việc đo lường tác động của mô hình làm việc từ xa không chỉ dừng ở chỗ điều chỉnh nhiệt độ căn nhà và cách di chuyển đến chỗ làm. "Nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nguồn điện đến từ đâu," ông nói.

Điều này có nghĩa là loại năng lượng được sử dụng cũng có thể gây ra ảnh hưởng có tính quyết định.

Nhiều vùng khác nhau trên thế giới sử dụng năng lượng từ các nguồn khác nhau, trong đó có những loại có tính bền vững hơn một số loại khác.

Một quốc gia như Iceland sử dụng phần đáng kể năng lượng địa nhiệt sạch cung cấp cho cả các tòa nhà thương mại và gia đình.

Gillingham cho biết các nguồn năng lượng cũng khác nhau ngay trong nội bộ một số quốc gia.

Ông nói, như ở Hoa Kỳ, trong khi một số vùng sử dụng năng lượng thủy điện (sạch) thì lại có những vùng sử dụng nhiệt điện từ than đá (năng lượng bẩn).

Ngay cả bài viết này cũng có dấu chân carbon cực kỳ biến động.

Tôi viết bài này ở vùng đông bắc nước Mỹ, nơi nhiệt độ là -1 độ C; tôi làm việc từ văn phòng tại nhà và sưởi ấm toàn bộ ngôi nhà bằng máy sưởi từ khí ga.


Đoạn kế tiếp là bài viết được gửi đến cho một người để biên tập bài của tôi, làm việc từ nhà ở Jamaica, nơi đang có nhiệt độ 31 độ C; bà làm mát văn phòng trong nhà bằng cách sử dụng máy lạnh dùng nhiên liệu hóa thạch.

Cuối cùng, biên tập viên chính, người sẽ duyệt cho bài đăng, thì sống ở New Zealand, nơi có nhiệt độ dễ chịu là 20 độ C, không cần dùng lò sưởi hay máy lạnh - mà ngay cả khi cần thì nhiều khả năng các thiết bị đó sẽ hoạt động bằng nguồn năng lượng tái tạo.

Điều phối khí thải

Công ty chế biến công cụ tự động của Mỹ, Zapier, có 320 nhân viên làm việc ở 27 quốc gia, và đây là một trong những công ty đầu tiên làm việc hoàn toàn từ xa mua lượng khí thải carbon để bù đắp cho tác động họ gây ra cho môi trường.

Giám đốc điều hành Wade Foster - người từng làm việc trong ngành năng lượng - cho biết năm ngoái Zapier đã bù đắp 647 tấn carbon thông qua việc tái trồng rừng.

Con số ước tính này bao gồm cả dấu vết carbon từ nhà các văn phòng tại nhà, cơ sở hạ tầng cho tập đoàn như máy chủ công ty hoặc hoạt động du lịch hay chuyến đi nghỉ hai năm một lần cho nhân viên.

Nhưng ngay cả khi những công ty có cấu trúc nghiêng về làm việc từ xa cũng đã có những bước tiến đáng kể giảm thiểu tác động của họ, thì vẫn có khả năng là cách tính toán lượng khí thải cần bù đắp có thể chưa đầy đủ.

Chẳng hạn, các công ty góp phần xả thải cũng có dấu chân carbon qua thứ mà Gillingham giải thích là "Phạm vi Phát thải số 3".

Lượng phát thải này liên quan đến toàn bộ các hoạt động kinh doanh như chuỗi cung ứng, văn phòng cung ứng mua bán, v.v...

Ví dụ một công ty cho mỗi nhân viên làm việc từ xa 1.300 đô la Mỹ để thiết lập văn phòng tại nhà. Lượng phát thải khi vận chuyển những món đồ cung ứng cho từng nhân viên sẽ được tính vào "Phạm vi Phát thải số 3" và có khả năng cao hơn nhiều so với việc chuyển phát một hộp hàng lớn tới văn phòng chính của công ty.

Cách nhìn nhận này không nhằm hạ thấp nỗ lực các công ty với cấu trúc nhiều nhân viên làm việc tại nhà đang cố gắng thực hiện. Nhưng có thể chúng ta cần nghĩ lại - hay ít nhất là cần đánh giá lại - bức tranh đầy đủ về dấu vết phát thải từ văn phòng làm việc từ xa thực sự là gì.

Xoay chuyển tình hình

Nếu phát triển bền vững là tương lai của hành tinh, thì tương lai của mô hình làm việc từ xa có lẽ không phải vậy. Trong thực tế, có thể nhân viên cuối cùng vẫn phải quay trở lại văn phòng.

Điều này là do công nghệ. Những phương thức di chuyển có lượng phát thải thấp như xe hơi điện đang nhanh chóng trở nên ngày càng rẻ và phổ cập - thậm chí cả xe bán tải GM Hummer từng uống xăng như nước giờ đây cũng đã trở thành xe hơi điện.

Thêm vào đó, một số nơi như thành phố Portland ở bang Oregon của Hoa Kỳ không cho phép các công trình xây dựng mới sử dụng năng lượng hóa thạch.

Với những cải tiến như vậy, vốn đang trên đà vượt qua những cải tiến tại nhà riêng, có thể sẽ đến lúc mô hình làm việc tại nhà, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, cũng chẳng bao giờ đem lại hiệu quả.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc sưởi ấm cho một tòa nhà văn phòng ít gây hại cho môi trường hơn so với việc sưởi ấm từng nhà của từng nhân viên

Tuy nhiên, sự thúc ép để được làm việc từ bất kỳ nơi nào giờ đây đang rất ồn ào và mạnh mẽ, cũng như đòi hỏi của nhân viên về trách nhiệm môi trường, Libby Sander, phó giáo sư về hành vi trong tổ chức tại Trường Kinh tế Bond ở Úc cho biết.

Bà nói thêm, đơn giản là việc đầu tư cho văn phòng thực của công ty thường đắt đỏ hơn.

Những yếu tố này có thể có nghĩa là trong tương lai có thể những nỗ lực phát triển bền vững sẽ xoay quanh trục ưu tiên tạo ra giải pháp cho nhân viên làm việc từ xa.

"Chúng ta sống trong một thế giới được xây dựng quanh trục làm việc tại văn phòng," Foster từ công ty Zapier nhận định. "Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thiết kế lại cách sống dựa trên cách thức mọi người làm việc?"

Một sự giao thoa vui vẻ ngắn hạn giữa làm việc từ xa và làm việc từ văn phòng là công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà trong cùng một ngày nào đó, Gillingham cho biết. Các công ty sẽ không cần sử dụng năng lượng cho văn phòng vào những ngày đó, và sẽ có thể không cần sử dụng năng lượng cho những ghế ngồi trống khi mọi người tản đi vào ngày làm việc từ xa.

Nhưng với những người làm việc hoàn toàn từ xa, gánh nặng của tác động khí thải có thể vô tình đè lên vai nhân viên vì họ sẽ cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng có phát thải thấp cho riêng mình.

Mọi người đều đang cố gắng tìm ra giải pháp cho bản thân - như lắp đặt bảng năng lượng mặt trời hay bảng điều chỉnh nhiệt độ thông minh - nhưng tất cả vẫn còn đang trong quá trình tiến triển.

Symons từ WSP cho biết nếu bạn định làm việc từ nhà, hãy chỉ nên sưởi ấm hay làm mát căn phòng bạn ngồi làm việc.

Ông nói đó là "câu trả lời lý tưởng". Ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn