WHO mất uy tín lâu dài vì “theo đuôi” Trung Quốc

Thứ Sáu, 10 Tháng Tư 20202:00 SA(Xem: 4210)
WHO mất uy tín lâu dài vì “theo đuôi” Trung Quốc
rfi.fr

Covid-19: WHO mất uy tín lâu dài vì “theo đuôi” Trung Quốc

Mai Vân

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc cho đến ngày nay, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS không hề lên tiếng chỉ trích bất kỳ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Theo nhật báo Pháp Les Echos ngày 08/04/2020, sự thiếu vắng phản ứng nói trên của WHO giải thích phần lớn sự chậm trễ trong việc xử lý đại dịch Covid-19.

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông François Godement, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Viện Montaigne (Pháp) cho rằng thái độ phục tùng Bắc Kinh của lãnh đạo WHO đã làm cho hình ảnh của định chế này sứt mẻ lâu dài.

Tổng thống Mỹ (ngày 07/04/2020) đã chỉ trích WHO về cách xử lý kém cỏi hồ sơ virus corona. Những chỉ trích này có cơ sở hay không?

François Godement: Từ nhiều tuần lễ nay, cách xử lý của WHO quả là đã bị chỉ trích nhiều lời chỉ trích, chứ không đợi đến lượt ông Donald Trump.

Ngày nay, khi người ta nhìn lại diễn tiến tình hình từ tháng 11/2019, nhiều điểm then chốt đã cho thấy rõ là WHO đã phản ứng chậm trễ ở chỗ nào.

Đài Loan đã hoài công cảnh báo WHO vào cuối tháng 12 về một dạng mới của virus corona xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều ngày trước khi chính quyền Bắc Kinh gợi lên chuyện này.

Thế nhưng WHO vẫn không hề có phản ứng, mà phải đợi đến ngày 12/02/2020 mới cử một phái bộ đến xem xét tại chỗ. Trong lúc đó thì ngay ngày 24/01, vị tổng giám đốc đã công nhận, sau Trung Quốc, là virus corona có thể lây từ người sang người. Tất cả những điều này đã làm chậm trễ việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Và cuối cùng thì WHO phải đợi đến ngày 11/03 mới tuyên bố việc virus lây lan là đại dịch toàn cầu. Có lẽ đây là điểm WHO có thể ít bị chỉ trích, vì theo nguyên tắc của mình, định chế này chỉ có thể thông báo một sự kiện khi sự kiện đó thật sự xẩy ra: trước đó thì WHO đã gợi lên nguy cơ cao về đại dịch.

WHO như vậy đã bị mất tư cách?

François Godemen: Phải nhớ là về mặt kỹ thuật, WHO là một cỗ máy hùng mạnh, với một chính sách phòng ngừa và hoạt động trên hiện trường nhờ việc phân cấp quyền hành cho các văn phòng khu vực.

Nhưng về mặt chính trị, và người ta đã thấy rõ điều này với dịch Covid-19, hình ảnh của tổ chức ngày nay đã bị sứt mẻ lâu dài.

WHO chủ yếu bị phê phán về những lập luận quá thiên về  Trung Quốc. Vì sao có tình trạng đó?

François Godemen: Đúng vậy. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã và cũng đang không phản bác bất kỳ phát biểu chính thức nào của Trung Quốc. Ngay cả khi có những lời chứng bác bỏ các tuyên bố đó. WHO không hề có thông báo gì về nguồn gốc thật sự của dịch bệnh, tất cả đều chỉ tập trung trên việc xử lý khủng hoảng.

Tình trạng đó cũng có thể xuất phát từ việc Trung Quốc đã không hoàn toàn mở cửa cho chuyên gia của WHO vào xem xét.

Về phần mình thì tổ chức có trụ sở ở Genève này luôn luôn tránh công khai chỉ trích những quốc gia thành viên mà họ tùy thuộc. Đối bác sĩ Tedros, được bầu lên nhờ Trung Quốc vào năm 2017, việc không chỉ trích Bắc Kinh cho phép ông hy vọng được Trung Quốc hợp tác trên nhiều hồ sơ khác.

Vấn đề Đài Loan, mà Trung Quốc đã làm cho bị loại ra khỏi WHO, phải chăng đó là thêm một bằng chứng cho thấy vấn đề cũng mang tính chất chính trị?

François Godemen: Một phần lớn mối quan tâm của Trung Quốc đối với các định chế của Liên Hiệp Quốc bắt nguồn từ động cơ muốn cản đường Đài Loan, mà Trung Quốc xem là một tỉnh của họ.

Gần đây thì Bắc Kinh đã thành công trong việc cấm những người mang hộ chiếu Đài Loan vào các trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và Genève. Điều này đủ để cho thấy là giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể đi đến đâu. Đó chính là chính sách ngoại giao tẩy chay mà Bắc Kinh thực hiện trong một chiến dịch trường kỳ.

(Nguồn: Les Echos)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn