Đại dịch và hệ thống kinh tế thế giới

Thứ Năm, 09 Tháng Tư 20204:00 CH(Xem: 4347)
Đại dịch và hệ thống kinh tế thế giới
Theo nhà kinh tế học Gaël Giraud, từ lâu nay chúng ta biết rằng hệ thống ta mong manh. Vì sao chúng ta không làm gì cả ? Vì những giáo điều không có cơ sở : tư nhân hóa, tự do thương mại, chính sách tài khóa khắc khổ… Phỏng vấn Gaël Giraud trên tạp chí Pháp L’Obs số 2890, ngày 26.3 2020 – do Rémi Noyon ghi lại.
AVMgUkCZq07LR9BWE2R6QBZyD7tN8j143Dd4VuRqGKTRjrpndgjQzRXlRdi4G3-S4Afww6NiuwAbbm4ZrS1cgwZAdIPMFfqf-ekp-o9fm3v7LnQF9qY3snwuV3J_bEWeWGB-n22y4PJbTY59iQ
Đại dịch và hệ thống kinh tế thế giới
Có thể so sánh cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại với những cú sốc kinh tế đã từng xảy ra trước đây hay không ?

Không thể, vì nó độc nhất. Khác với sụp đổ thị trường chứng khoán 1929 và khủng hoảng tín dụng thứ cấp suprime 2008, cuộc khủng hoảng hiện tại trước tiên đụng đến nền kinh tế thực và chạm vào trung tâm của nó. Bộ máy sản xuất đang dừng lại, các chuỗi giá trị thế giới bị chậm lại hoạc đứt đoạn, lao động phải « đình công » không tự nguyện. Đây không chỉ là một khủng hoảng vì thiếu cầu theo kiểu Keynes mà còn là khủng hoảng về cung. Đại dịch Covid-19 đánh dấu chúng ta đi vào một thời đại mới, thời đại của bất trắc do khí hậu nóng dần tạo nên và do chủ nghĩa tư bản tài chính hóa khuếch đại, khiến xã hội loài người, đối mặt với tính hữu hạn của thế giới, vô cùng dễ bị tổn thương.

Dễ bị tổn thương ở phương diện nào ?


Không phải ai cũng có thể làm việc tại nhà. Chúng ta đã xây dựng tập thể một hệ thống trong đó, chẳng hạn, một số thức ăn đi hai vòng trái đất trước khi đến đĩa của ta. Để tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn, chúng ta đã thiết lập dây chuyền tiếp tế theo quy tắc quản lý vừa đúng lúc (just-in-time). Trong dây chuyền này, các luồng nguồn lực vô cùng mong manh, chỉ một công ty ngừng hoạt động vì lao động làm thuê của nó bị bệnh hay từ chối rủi ro lao động là dây chuyền bị đứt đoạn. Trong những ngày hoặc những tuần tới, một số thành phố lớn có thể sẽ gặp tình trạng này trong tiếp tế lương thực.

Cũng trong hệ thống này, độ biến động của thị trường chứng khoán là cực cao, bởi mặc dù có cảnh báo từ hơn mười năm nay, chúng ta đã không làm gì thật nghiêm túc để kìm hãm bong bóng đầu cơ và hoảng hốt trên thị trường tài chính. Đi theo các giáo điều tân tự do, không có nên tảng khoa học, chúng ta đã đầu tư thấp vào bệnh viện và tư nhân hóa dịch vụ công. Các điều này, chúng ta đều biết từ nhiều năm nay. Hôm nay, tính mong manh của hệ thống nổ tung vào mặt chúng ta.

Đại dịch hiện nay xảy ra trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và tài chính hóa. Nó nói lên điều gì về sự tài chính hóa này.

Các thị trường tài chính mà ta lấy làm nền tảng cho sự thịnh vượng kinh tế nhiều thập niên nay, đã không dự đoán được đại dịch. Trong khi đó không phải là sự kiện không thể tiên liệu được, không phải là « thiên nga đen » – theo nghĩa của Taleb : Tổ chức ý tế thế giới đã từng cảnh báo rằng những chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc có nguy cơ gây ra dịch tễ lớn. Không biết cho đến bao giờ ta còn nuôi dưỡng giả tưởng theo đó thị trường tài chính là kim chỉ nam tối hậu của xã hội loài người ?

Hơn thế, toàn cầu hóa thị trường từ ba mười năm nay được hình thành trên sự dồi dào của nguồn năng lượng hóa thạch, đặc biệt là dầu hỏa. Năng lượng này đã ồ ạt hâm nóng trái đất. Nó cho phép ta mở rộng các chuỗi sản xuất, giảm giá vận tải ở mức không đáng kể, di dời sản xuất sang các nước có chi phí thấp, trước hết là sang Trung Quốc. Hiện hay, khi nền kinh tế thực ngừng hoạt động, giá dầu suy sụp, ảnh hưởng không chỉ các công ty dầu mà cả khu vực tài chính. Quá nhiều tài sản tài chính hiện căn cứ vào năng lượng hóa thạch.

Trong trường hợp toàn cầu hóa thị trường chấm dứt, giá trị tài sản tài chính này sẽ sụp đổ. Và gây thêm hoảng hốt trong các định chế tài chính đang ngồi trên những núi nợ tư nhân (chứ không phải nợ công) mà khả năng thanh toán tùy thuộc vào nền kinh tế tiếp tục tăng trưỏng hay không. Đối với phần lớn các nước, 2020 có lẽ sẽ là năm suy thoái kinh tế. Số đông các nhà đầu tư nhận thức nguy cơ họ sẽ nhanh chóng mất khả năng chi trả.

Như vậy phải chờ đợi điều gì xảy đến ?


Một sự sụp đổ lớn hơn năm 2008, trừ phi nhà nước các nước phản ứng ứng mạnh mẽ và thật nhanh để tránh những phá sản dây chuyền trong nên kinh tế thực. Chính quyền Trump đã thông báo ý định trợ giúp giúp gần 1000 tỷ USD các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ngân hàng trung ương châu Âu thông báo kế hoạch 750 tỷ euro để mua lại các món nợ. Đó là một khoản tiền thích đáng, song tất cả sẽ tùy thuộc vào việc sử dụng nó như thế nào. Phải có chỉ dẫn nó đến tận các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến các hộ gia đình. Phải là một chương trình nới lỏng định lượng cho dân chúng. Nếu không, một lần nữa, khoản tiền đó sẽ lại được dùng để cứu các ngân hàng.

Các nước chịu chi ồ ạt cho nền kinh tế thực sẽ càng thoát được khủng hoảng. Phải chăng chúng ta ở trong « tình trạng chiến tranh » – như tổng thống Macron nói ? Nếu quả như vậy thì ta càng phải hiểu tầm quan trọng của thiếu hụt ngân sách : năm 1942 ở Hoa kỳ, thiếu hụt ngân sách tính theo tỷ lệ GDP là 12 %, năm 1943 là 26 %, năm 1944 là 21 %, năm 1945 là 20 %. Đối với những ai còn đeo theo giáo điều (không cơ sở kinh tế học) về chính sách tài khóa khắc khổ thì suy thoái kinh tế sau năm 2008 chỉ là dạo chơi sức khỏe so với cuộc suy thoái sắp tới mà ta phải chờ đợi.

Nào là nhà nước - phúc lợi, biện pháp quốc hữu hóa, chính sách tài khóa… Cuộc khủng hoảng hiện nay phải chăng phá bỏ các giáo điều kinh tế học ?

Đúng vậy. Tôi mừng vui khi nghe tổng thổng Macron phát biểu trong hội đồng chính phủ rằng nợ công sẽ không có hạn chế nữa. Hy vọng rằng cuộc khủng hoản hiện nay sẽ là cơ hội làm xẹp những thần thoại kinh tế học của chúng ta : trong ngắn hạn, nhà nước cần khẩn trương tài trợ bệnh viện công và chấp nhận điều tiết trở lại hệ thống giá, để tạm thời tránh lạm phát giá cả nhu yếu phẩm và hành vi đầu cơ trục lợi của số người vô trách nhiệm.

Hy vọng rằng khủng hoảng này sẽ là thời cơ từ bỏ chế độ tự do thương mại để định vị lại các quá trình sản xuất, tái công nghiệp hóa nước Pháp, thiết lập một chế độ bảo hộ sinh thái, xã hội và y tế. Thời cơ để chấm dứt chạy theo ảo tưởng về một chế độ cạnh tranh thuần túy và hoàn hảo, nhân danh đó Ủy ban Liên hiệp châu Âu cấm đoán không cho trợ giúp một số khu vực công nghiệp và thương mại đặc thù. Thời cơ để đoạn tuyệt với chủ trương tất cả phải phụ thuộc mục tiêu chống thâm hụt ngân sách nhà nước. Phải đợi con số tử vong lên đến bao nhiêu tại khoa cấp cứu các bệnh viện, chúng ta mới nhận ra điều này ?

Phải chăng đại dịch hiện nay cho phép chúng ta tư duy thế nào là phi toàn cầu hóa, thế nào là một chế độ bảo hộ ?

Đại dịch này buộc chúng ta nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại nếu thiếu vắng một khu vưc dịch vụ công mạnh. Nó bắt ta quan niệm lại tận gốc cách thức sản xuất và tiêu dùng. Đại dịch hiện nay sẽ không phải là đại dịch cuối cùng : hành vi phá rừng cũng như các chợ động vật hoang dã làm cho con người tiếp cận với loài thú mang những virút mà nó chưa hề biết đến. Cỏn sự tan đông của tầng đất đóng băng thường trực (permafrost) là mối đe dọa sản sinh nhiều dịch tễ nguy hiểm : cúm Tây Ban Nha năm 1918, bệnh than anthrax… Các hoạt động chăn nuôi thâm canh, với động vật đồng nhất hóa và bị stress, cũng là nơi lan truyền dịch tễ.

Trong một thời hạn ngắn, chúng ta sẽ phải quốc hữu hoá một số doanh nghiệp và, có thể, một số ngân hàng. Nhưng chúng ta cần thật nhanh rút bài học của mùa xuân này : định vị lại sản xuất, điều tiết hoạt động tài chính, xét lại các chuẩn kế toán nhằm đánh giá tính đàn hồi (resilience) của hệ thống sản xuất, thiết lập thuế khóa cacbon và y tế ở biên giới, tiến hành kế hoạch phục hồi kinh tế Pháp và châu Âu nhằm tái thiết công nghiệp trong hướng bảo vệ sinh thái…

Hôm nay, chủ nghĩa tư bản biết giá cả của mọi thứ nhưng không biết giá trị của gì cả. Nguồn gốc thật sự của giá trị chính là các tương quan giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường sinh thái. Chủ trương tư nhân hóa các mối quan hệ đó tức là hủy hoại chúng, là phá vỡ xã hội. Ngay cả đối với tầng lớp ưu đãi, tư nhân hóa hệ thống y tế là bất hợp lý : họ không thể sống tách rời hoàn toàn tầng lớp bình dân, chí ít vì cần có người đem đồ ăn đến cho họ. Bệnh hoạn bao giờ cũng sẽ đuổi kịp họ. Sức khỏe là một cái chung (commun) của thế giới và phải được quản lý như vậy.

Phải chăng chúng ta đang học tập bớt tăng trưởng (décroissance) ?

Tôi cho rằng tính lãng mạn của thuyết sụp đổ (collapsologie) sẽ tự tiết chế khi giáp mặt với hiện thực của nền một kinh tế đột nhiên đừng lại : thất nghiệp, sạt nghiệp, tử vong, các cuộc sống tan vỡ, các khổ đau mà virút để lại trọn đời chon con người. Theo bước thông điệp Laudato Si – « Chăm sóc ngôi nhà chúng của chúng ta » – của Giáo hoàng Phanxicô, tôi muốn hy vọng rằng đại dịch hiện nay sẽ là cơ hội chúng ta thay đổi cuộc sống và các định chế nhằm hướng tới hạnh phục trong sự tiết độ, sự tôn trọng tính hữu hạn.

Gaël Giraud 

Bản dịch : Trần Hải Hạc

Tiểu sử GAËL GIRAUD

1970 : Sinh ở Paris

1998 : Tiến sĩ toán học kinh tế Trường Bách khoa.

2004 : Gia nhập Dòng Tên, được phong linh mục (2013), tiến sĩ thần học (2020)

2009 : Xuất bản Hai mươi đề xuất cải tổ chủ nghĩa tư bản (nxb Flammarion). Ảo tưởng tài chính (nxb L’Atelier, 2014)

2015 : Nhà kinh tế trưởng và giám đốc Cơ quan phát triển Pháp AFD, đồng tác gia mô hình hóa kinh tế vĩ mô GEMMES (General Monetary and Multisectoral Macrodynamics for the Ecological Shift).

Là giáo sư đại học (các trường Bách khoa, Cầu đường) và giám đốc nghiên cứu Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS, Gaël Giraud đã sang Việt nam năm 2003-2004 giảng dạy toán học và tài chính, và năm 2016 để thuyết trình về tài chính và môi trường.

Nguồn: https://www.diendan.org/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn