Virus corona: Tác dụng, tác hại của mạng xã hội thời dịch bệnh

Thứ Hai, 06 Tháng Tư 20209:00 SA(Xem: 4308)
Virus corona: Tác dụng, tác hại của mạng xã hội thời dịch bệnh
bbc.com

Covid-19: Tác dụng, tác hại của MXH thời dịch bệnh

Hà Mi Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ London

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Lâu nay mạng xã hội vẫn được không ít người tại Việt Nam tin tưởng là nơi tìm thông tin như một nguồn đáng tin cậy bên cạnh các kênh thông tin chính thống.

Vì thế với thiện chí muốn giúp nhau cập nhật về những diễn biến của bệnh dịch và có thêm các thông tin phòng chống, rất nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiếp qua mạng xã hội các tin thiếu chính xác, sai khoa học liên quan tới virus corona.

Thông tin sai lạc, thiếu khoa học

Kể từ tháng Giêng năm nay, khi dịch bệnh do virus corona gây ra bùng phát tại Trung Quốc, tôi đã nhận được khá nhiều chuyển tiếp của bạn bè và người trong gia đình từ Việt Nam với các thông tin, đa phần không có nguồn gốc, nói tới những cách phòng chống hoàn toàn không có cơ sở khoa học như tắm nắng hay bơi ngoài biển 10 phút một ngày; hay luôn giữ cho họng ướt bằng việc uống nước 15 phút một lần, rồi nuốt xuống dạ dày thì axit dạ dày sẽ diệt virus; hay ăn tỏi sống chữa khỏi bệnh qua đêm!

Mỗi khi nhận các tin này thì phản xạ đầu tiên của tôi là vào ngay các trang mạng đáng tin cậy như trang Bộ Y tế Anh hay của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quả nhiên chả thấy ở đâu nói giữ họng ướt và nuốt virus xuống dạ dày là diệt được virut cả.

Thậm chí nhiều thông tin kiểu này lan truyền trên thế giới đã khiến WHO phải có hẳn một bài giải thích trên trang của mình, đã được BBC News Tiếng Việt đăng tải. Giải đáp thắc mắc về virus corona mới (COVID-19).

WHO bác bỏ những tin không đúng như nói rằng rửa mũi bằng nước muối, hay ăn tỏi sống, bôi dầu vừng hoặc tiêm vacxin phòng viêm phổi có thể ngăn ngừa không bị nhiễm virus Corona.

Mới đây vì nghe theo lời khuyên ăn tỏi chống/chữa virus Corona, một phụ nữ tại Trung Quốc đã phải đi cấp cứu sau khi ăn 1,5kg tỏi sống!

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một tấm poster quảng cáo tin giả rằng uống vodka Ba Lan sẽ diệt được virus corona, được dán ở một quán rượu tại thành phố Krakow của Ba Lan

Điều đáng kinh ngạc là nay sau hơn hai tháng kể từ khi bệnh dịch lan tràn, sau bao nhiêu đài, báo đưa tin về bệnh dịch và cách phòng tránh, sau nhiều khuyến cáo của chính phủ và các cơ quan y tế, những thông tin thiếu khoa học này vẫn thấy tiếp tục được chuyển tiếp và có tin tôi nhận tới vòng thứ hai, thứ ba!

Kiểm chứng thông tin

Nhiều tin truyền nhau qua mạng xã hội đa phần là không được trích nguồn, hoặc nếu có thì nguồn được gán cho người hay tổ chức có uy tín trong ngành y.

Phải kể tới đầu tiên là vào cuối tháng 1/2020, tôi và có lẽ rất nhiều người khác nhận được một thông tin giống hệt nhau nói về việc nên uống nước cứ 15 phút một lần, không để họng khô thì sẽ chống được virus, thậm chí còn cho định lượng người lớn uống bao nhiêu ml mỗi lần và trẻ em bao nhiêu, và tiếp đó là khi nuốt xuống dạ dày thì acid dạ dày sẽ diệt được virus và sẽ khỏi bệnh!

Phải nói rằng một số điểm trong tin lan truyền này là có ích nhưng kèm theo cũng là những lời khuyên không hề có cơ sở khoa học và thậm chí nghe rất vô lý (vì để virus đã vào mũi, mắt hay miệng thì tức là virus đã xâm nhập qua niêm mạng mũi và vào đường hô hấp rồi chứ đâu chờ ta nuốt xuống dạ dày và đợi acid dạ dày diệt giúp nữa).

Chưa kể có những virus có thể sống được trong môi trường có acid dạ dày nên chắc gì virus corona đã chết vì acid dạ dày như tin này nói.

Ban đầu thông tin này được gán cho là từ nhóm các bác sĩ nổi tiếng người Trung Quốc từng chữa bệnh SARS, sau đó tin đó được gán cho là khuyến cáo của Bộ Y tế Canada. Và cuối cùng thành khuyến cáo của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (ĐH Y Dược tp HCM)!

Mới đầu, tôi bỏ qua và không quan tâm vì cho là 'tin thất thiệt'.

Nhưng khi thấy gán cho ĐH Y Dược tp HCM thì thoáng nghĩ: Không lẽ một đại học lớn, có uy tín của Việt Nam lại có thể đưa ra khuyến cáo như vậy?

Bệnh nghề nghiệp quen kiểm chứng nổi lên, tôi bèn vào trang chính thức của ĐH Y Dược tp HCM, thì quả đúng là trường có đăng khuyến cáo về virus corona ngay khi vào trang này thật, nhưng là khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), và vỏn vẹn có như thế này thôi, không hề nói khô họng 10 phút là sẽ nhiễm bệnh như được trích dẫn!

"Để giảm nguy cơ mắc virus bệnh viêm phổi Corona, WHO khuyến nghị mọi người cần:

  1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dùng dung dịch nước rửa tay có cồn
  2. Dùng khăn giấy/khăn vải hoặc khuỷu tay áo che mũi và miệng khi ho và hắt hơi
  3. Tránh tiếp xúc gần với người có các triệu chứng cảm lạnh hoặc giống cúm
  4. Nấu chín kỹ thức ăn từ thịt và trứng
  5. Không tiếp xúc với động vật hoang dã và vật nuôi mà không có đồ phòng hộ.
Website ĐH Y Dược tp HCM Bản quyền hình ảnh Website ĐH Y Dược tp HCM

Xác định nguồn trích dẫn là không chính xác, nhưng vì ngành y không phải chuyên môn của mình nên tôi vẫn muốn biết liệu có phải uống nước có tác dụng với loại virus mới này hay không.

Và tìm đọc trên mạng một chút quả nhiên thấy ngay một số bài báo bác bỏ tin này, như chính phủ Ấn Độ khuyến cáo người dân không nên tin lời khuyên không để họng bị khô đang được lan truyền trên Facebook và Whatsapp.

Trong khi thế giới đang phải có các biện pháp triệt để nhằm ngăn lây lan và chạy đua tìm ra vaccine và thuốc chữa trị trước dịch bệnh này thì ảnh hưởng của mạng xã hội với nhiều thông tin thiếu chính xác đã khiến giới chức trách tại nhiều quốc gia còn phải 'chiến đấu' cả trên mặt trận này nữa.

Chưa kể nhiều chính phủ như Pháp, Canada hay các tổ chức quốc tế có tiếng như Quỹ Cứu trợ Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã trở thành nạn nhân khi được dùng để trích dẫn là nguồn đưa ra các tin liên quan tới virus Corona không có cơ sở khoa học này. UNICEF đã phải cải chính các tin lan truyền trên Whatsapp được gán cho họ.

fullfact.org Bản quyền hình ảnh fullfact.org

WHO Việt Nam cũng có trang Hỏi đáp về virus Corona bằng tiếng Việt cho độc giả người Việt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Dịch COVID-19: Những gì chúng ta biết cho đến nay.

Dẫn giải sai lệch

Khi nhận được các chuyển tiếp như vậy, tôi chỉ có cách gửi link từ các trang có uy tín để 'cải chính'các thông tin đó đồng thời nhắc bè bạn khi đọc tin cần kiểm chứng, kiểm tra nguồn được trích dẫn cũng như xem xét các thông tin đó đã được dẫn giải chính xác hay chưa.

Một ví dụ điển hình là một video dẫn lời của một khoa học gia Đại học Harvard, Dr Feigl-Ding, được chuyển tiếp trên mạng xã hội với những hình ảnh rất đáng sợ.

Khi nhận video này tôi đã thử xem có ông tiến sĩ này thật không thì quả là có thật và đúng là ông có viết trên twitter của mình rằng tỉ lệ lây lan (RO) của Corona là 3.8 (và sau đó các chuyên gia hạ xuống còn 2.5), và ông còn nói RO này cao gấp 8 lần SARS (trong khi RO của SARS là từ 2 đến 5).

p087xc91

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Virus corona: Người đã nhiễm nhưng không ho, sốt có thể lây cho người khác không?

Ông Feigl-Ding sau đó đã nhận là sai và xoá tweet này trên account của mình, nhưng khi đó nó đã được chuyển tiếp hàng ngàn lần.

Điều nguy hiểm là tuyên bố này của Dr Eric Feigl-Ding được dùng đi kèm video nói trên (được dịch cả ra tiếng Việt) gồm các đoạn video ko hề có nguồn gốc được ghép lại với nhau, cảnh người ngã vật ra đất, cảnh cấp cứu tại bệnh viện v.v. khiến người xem hiểu đó là chết vì virus corona.

Theo một bài báo trên tờ The Atlantic thì video trên Youtube này được tung ra từ một tài khoản tên một người ko có thật.

Nhắc tới video và tuyên bố của khoa học gia này, tôi không có ý nói rằng virus corona không đáng ngại, nhưng đây là một ví dụ của việc một tuyên bố có thật đã được sử dụng để tạo dựng thông tin không có thật, gây hoảng sợ trong cộng đồng. Và nó cho thấy mỗi người cần biết cách sàng lọc thông tin, kiểm tra nguồn tin để có thể có được các thông tin chính xác.

Phân biệt ý kiến của một người và của chính phủ

Tôi còn nhớ được nhận từ vài ba người tin có nội dung "Virus Corona là nhân tạo" và được giật tít "Chính phủ Nga và Mỹ ", hai cường quốc về khoa học, đưa ra, điều tạp chí khoa học nổi tiếng The Lancet đã bác bỏ.

p087dm25

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Cách đơn giản nhận biết việc nhiễm virus corona

Đọc kỹ thì tin này có trích dẫn "Tiến sĩ James Lyons-Weiler, một chuyên gia người Mỹ về phân tích di truyền sinh học". Khi tôi thử tìm hiểu về tiến sĩ này thì ông là khoa học gia Mỹ, và có đưa ra thuyết virus này là nhân tạo, kèm theo các lập luận khoa học của ông, nhưng giới khoa học gia như Hiệp hội các Khoa học gia Mỹ cũng như nhiều tiến sĩ, giáo sư khác trên thế giới đã bác bỏ ý kiến nói virus Corona là nhân tạo hay "sổng chuồng" bằng các chứng cứ khoa học của họ.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là từ ý kiến có thật của một khoa học gia có thật thì tin được viết thành ý kiến của một chính phủ, hay của giới khoa học một nước, trong khi người có ý kiến này không đại diện hay là phát ngôn viên cho chính phủ hay giới chức trách Y tế nước đó.

Cần nói thêm, Tiến sĩ James Lyons-Weiler nổi tiếng trong giới khoa học là người có quan điểm chống dùng vaccine.

Thay vì viết "Một tiến sĩ về phân tích di truyền sinh học Mỹ, ông James Lloyd Weiler, cho rằng …" thì lại được viết thành "Nga và Mỹ nói rằng…" và cứ thế truyền nhau: Cả Nga và Mỹ đã nói thế rồi đấy!

Theo tôi đó là cách đưa tin thiếu chính xác, nếu không nói là "giật gân", "bóp méo sự thật".

Hiệp hội Mỹ vì Tiến bộ Khoa học đã có bài nói tới việc các nhà nghiên cứu đang phải truy đuổi một đại dịch khác nữa: đó là đại dịch thông tin sai về virus Corona!

Trước "đại dịch thông tin sai về Corona" này, chính phủ nhiều quốc gia đã làm việc với Google, Facebook, Twitter, v.v. đề nghị họ hợp tác trong việc thay đổi thuật toán để khi người dùng truy cập và tìm kiếm các trang thông tin chính thống, đáng tin cậy sẽ được đẩy lên trên cùng và có kiểm soát những tin giả/tin sai sự thật.

Tại Anh, các trang tin có uy tín cũng thường trích dẫn thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như Imperial College London (Trường Đại học Y nổi tiếng thế giới tại London) hay Public Health England (Cơ quan Y tế Cộng đồng của Anh).

Sàng lọc thông tin

Có lẽ nhiều người sử dụng báo điện tử và mạng xã hội ở Việt Nam chưa có thói quen kiểm chứng. Trong bối cảnh bệnh dịch lan rộng trên khắp thế giới hiện nay, có thể hiểu được khi ai cũng lo lắng, muốn tìm thông tin để phòng tránh cho mình, cho người thân và cho cả cộng đồng. Vì thế khó tránh khỏi tình trạng dễ dàng bỏ qua động tác sàng lọc đáng có này.

Việc tìm hiểu nguồn tin (đăng ở đâu, trên báo/trang mạng nào, có đáng tin cậy hay không), kiểm tra tin có chính xác không (người được trích dẫn có đúng không, người đó có nói như vậy không, người đó có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn này không, quan điểm của người đó là gì), đồng thời tìm thêm các thông tin liên quan tới đề tài này từ các trang đáng tin cậy khác khi đọc tin, là một việc tôi cho là nên làm để có thể sàng lọc cho mình các thông tin chính xác.

Điều đáng ngại là các tin được chuyển tiếp này thường có một phần nội dung có cơ sở khoa học hay thường được người Việt dùng xưa nay nên dễ thuyết phục người đọc, như khuyên ăn tỏi, ăn hành, nhưng đó là giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, hay như xông nước lá nhưng là mỗi khi bị cảm cúm thông thường. Nay những cách này lại được gán cho có tác dụng chống và chữa trị khi nhiễm virus corona nữa.

Chưa kể đi kèm còn có cả những lời khuyên hoàn toàn không có cơ sở khoa học như xúc miệng nước muối là "rào chắn cuối cùng" diệt được virus Corona, một điều đã được cả WHO và Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khẳng định là không đúng.

Thậm chí những lời khuyên truyền nhau phòng, tránh và chữa cho những ai đã bị nhiễm virus corona, kiểu "uống nước tỏi, khỏi qua đêm" này lại được đăng trên trang cá nhân của chính một vài bác sĩ Việt Nam, khiến người đọc và chuyển tiếp tin tưởng vì "bác sĩ bảo vậy".

Thiết nghĩ nếu quả thật chữa trị cho người nhiễm virus corona dễ như vậy thì chắc con số tử vong trên thế giới đã không lên tới hàng chục ngàn người như hiện nay và các quốc gia không phải bỏ ra hàng tỷ bảng, hay hàng tỷ đô la Mỹ cho các nghiên cứu nhằm sớm tìm ra và sản xuất vaccine phòng chống cũng như thuốc chữa trị căn bệnh do loại virus mới này.

Tôi cho rằng lại việc chuyển cho nhau cách giúp tăng sức đề kháng trong giai đoạn bệnh dịch hoành hành hiện nay, trong đó có ăn hành, tỏi, uống vitamin C liều cao vốn đã từng được chứng minh khoa học, là một việc làm có thiện chí, nhưng vô hình chung đi kèm lại là những thông tin không đúng được gán cho có tác dụng chữa trị virus corona như "uống nước tỏi, khỏi qua đêm" với "nuốt virus xuống dạ dày để acid dạ dày diệt thì sẽ khỏi bệnh" là một việc làm nguy hiểm.

Mỗi chúng ta khi đọc tin nếu biết chọn lọc thông tin, kiểm chứng thông tin và đồng thời chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm chính là đang góp phần giúp cộng đồng trong nỗ lực phòng chống dịch.

Bài do tác giả, sống tại London, gửi cho BBC News Tiếng Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn