National Review: Các tổ chức y tế thế giới không nên tin ĐCSTQ

Chủ Nhật, 29 Tháng Ba 20205:00 SA(Xem: 4030)
National Review: Các tổ chức y tế thế giới không nên tin ĐCSTQ

Ngày 13/3 vừa qua, tờ National Review đăng bài viết của Marion Smith, giám đốc điều hành tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản – một tổ chức giáo dục phi chính phủ của Mỹ, bình luận rằng các tổ chức y tế thế giới không nên tin tưởng vào những tuyên bố về y khoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi sự dối trá của chính quyền Trung Quốc không chỉ xuất hiện trong đại dịch COVID-19 mà trong nhiều vấn đề khác, đơn cử như nó vẫn luôn tồn tại nhiều năm trong các tuyên bố về cấy ghép nội tạng.

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết. Bản gốc tham khảo tại đây.

*

Tại sao các tổ chức y tế trên thế giới vẫn còn tin Trung Quốc?

Với hồ sơ máu về thu hoạch nội tạng của chính quyền Cộng sản Trung Quốc, liệu chúng ta có thể tin được những gì họ nói về nỗ lực của họ trong đại dịch corona?

Tại sao các cơ quan y tế thế giới lại chấp nhận những điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên truyền? Trong khi đại dịch corona lan từ Trung Quốc ra khắp thế giới vào tháng 1 và 2, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục ca ngợi nỗ lực kìm chế dịch của Bắc Kinh. Cơ quan này làm như vậy bất chấp việc chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin của các chuyên gia y tế, và bằng chứng về việc công bố thấp số liệu tử vong. Là nhà tài trợ lớn thứ 2 của Liên Hợp Quốc, cơ quan chủ quản của WHO, Trung Quốc có vẻ như đã tác động để tổ chức Y tế Thế giới phủ lên nước này một lớp vỏ hợp pháp trong khi tiếp tục che dấu thông tin, và vì thế, khiến cho cuộc khủng hoảng toàn cầu sau này trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, đại dịch corona không phải là trường hợp duy nhất cho thấy sự cả tin của WHO vào tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Điều tương tự cũng xảy ra đối với hệ thống cấy ghép tạng của nước này. Có quá nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm, đặc biệt là từ người tập Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù vậy, tổ chức Y tế Thế giới WHO và Cộng đồng Cấy ghép tạng (Transplantation Society – TTS), các cơ quan chuyên môn của thế giới, lại từ chối thừa nhận sự thật này. Sự im lặng của họ đã khiến các tổ chức nhân quyền phải chùn bước trong việc lên án chính quyền Trung Quốc lạm dụng người vô tội.

Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản đã nhấn mạnh điều này trong một báo cáo mới đây về hệ thống thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc, báo cáo công bố hôm thứ Ba, 10/3. Lấy dữ liệu từ các hồ sơ và nguồn tin nội bộ và công khai tại Trung Quốc – một số lần đầu được đưa ra ánh sáng và phiên dịch – cùng các cuộc điều tra mật, báo cáo đã cho thấy không có bất cứ giải thích nào của Bắc Kinh về nguồn gốc nội tạng là đáng tin cậy. Báo cáo mới được Matthew P. Robertson, một học giả đã theo đuổi đề tài này bên trong và bên ngoài Trung Quốc trong gần 1 thập kỷ, người là đồng tác giả của một nghiên cứu thống kê cho thấy việc ĐCSTQ làm giả dữ liệu hiến tạng tại Trung Quốc. (Xem bài: Tạp chí y khoa BMC: Trung Quốc che giấu tội ác thu hoạch tạng)

Bắc Kinh đã tuyên bố từ 2015 rằng tất cả nội tạng tới từ người hiến tự nguyện đã qua đời. Tuy nhiên số liệu tăng trưởng đột biến rất đáng nghi – từ 34 năm 2010 lên 6.316 năm 2016 – và số liệu tăng trưởng này lại tuân theo một hàm bậc hai đến 99,9%. Hơn thế nữa, việc Trung Quốc có thể cung cấp nội tạng theo yêu cầu, tính trên hàng giờ hoặc hàng ngày [thay vì hàng nhiều tháng hay hàng năm như trên thế giới], từ một nhóm nhỏ người hiến tạng như vậy, là bất hợp lý. Chỉ có thu hoạch nội tạng từ tù nhân đã được xét nghiệm máu cho cấy ghép tạng mới có thể phù hợp với thời gian cung cấp tạng như vậy.

Báo cáo cũng cho thấy việc Trung Quốc đang cấy ghép nội tạng nhiều hơn rất nhiều lần so với con số chính quyền công bố. Khoảng 173 bệnh viện Trung Quốc đang được cấp phép để cấy ghép, vậy mà chỉ 10 bệnh viện trong số đó đã cung cấp khoảng 14.000 ca cấy ghép một năm. Tổng số ca cấy ghép tạng có thể phải lớn hơn vài lần so với con số chính quyền công bố. Bắc Kinh đang làm giả ca dữ liệu về số lượng cấy ghép tạng, lẫn nguồn cung cho nội tạng mà họ sử dụng để bán kiếm lời.

Những điều báo cáo đưa ra tiếp tục củng cố kết luận của Tòa án Độc lập điều tra về Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng từ Tù nhân Lương tâm ở Trung Quốc (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người), cũng như báo cáo “Thu hoạch Đẫm máu / Đại thảm sát: Bản cập nhật 2016” (Xem bản tiếng Anh tại đây). Khi đứng trước bằng chứng như vậy, WHO và TTS vẫn luôn biện hộ cho Trung Quốc. Cả hai tổ chức này đều hỗ trợ cái gọi là cuộc “cải cách” hệ thống ghép tạng của Trung Quốc năm 2015, và thường tuyên bố rằng hệ thống của Trung Quốc hiện nay là có đạo đức và không thể bài bác.

Quan chức về cấy ghép của WHO đã nói vào năm 2019 rằng “Việc cải cách hệ thống cấy ghép tạng tại Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong một thời gian ngắn, và kinh nghiệm của Trung Quốc có thể là một kiểu mẫu cho toàn bộ vùng châu Á và cho thế giới”. Còn bác sĩ Francis Delmonico, chủ tịch ủy ban cấy ghép của WHO nói vào năm 2016 rằng “truyền thông phải thách thức những ai còn đang nói về việc này” – về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Ông Delmonico cũng ca ngợi hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc vài lần sau đó.

Còn với tổ chức Cộng đồng Cấy ghép tạng TTS, trong một lần tham gia trả lời cùng một bác sĩ cấy ghép tạng hàng đầu của Trung Quốc, chủ tịch tổ chức này lúc đó là bác sĩ Nancy Ascher đã gạt bỏ các nghi vấn về việc lạm dụng tạng tại Trung Quốc. Do thiếu tiếng nói lên án từ các cơ quan quốc tế này, lượng lớn bài báo khoa học tới từ Trung Quốc, những bài báo từ các nghiên cứu mà rất có thể đã sử dụng nguồn nội tạng từ tù nhân lương tâm, vẫn được các tạp chí y khoa xuất bản [và điều này chỉ thay đổi gần đây]. (Xem bài: Các tạp chí y học phương Tây hủy đăng nghiên cứu ghép tạng tới từ TQ)

Sự im lặng của giới y khoa đã khiến Bắc Kinh trở nên tự tin hơn. Vì không bị chỉ trích, các quan chức Cộng sản hiếm khi để ý tới việc giải thích sự không nhất quán và khuyết điểm của dữ liệu cấy ghép mà họ cung cấp, và cũng không để ý tới việc cung cấp con số trung thực. Chính quyền Trung Quốc cũng không còn lo lắng về những người liên hệ các ca ghép tạng với việc đàn áp Pháp Luân Công và Duy Ngô Nhĩ. Tại một hội nghị của TTS vào năm 2018 ở Madrid, một trong các diễn giả là quan chức cấy ghép tạng nổi tiếng thứ 3 của Trung Quốc. Một nhiệm vụ khác của ông là đứng đầu bộ máy tuyên truyền Cộng sản nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công. Ông ta đã viết trong một quyển sách rằng nhóm này là “một mối phiền toái của nhân loại và là ung nhọt của xã hội”. Trung Quốc đã đưa ông ta ra để nhận lấy sự ca ngợi từ một tổ chức như TTS, tổ chức đáng lẽ đã phải lên án người đàn ông này.

Trong lịch sử, các tổ chức nhân quyền sẽ đứng ra ra để lên tiếng cho một sự việc mà các tổ chức quốc tế không lên tiếng, nhưng đó không phải là trường hợp với hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc. Cả tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) dường như đều trì hoãn chờ đợi WHO và TTS. Cả hai đều không thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu về nạn thu hoạch tạng, và [mặc dù có lên tiếng, họ] đã cẩn thận sử dụng câu chữ trong các tuyên bố về vấn đề này, khiến cho người ta không thể biết rõ liệu họ có thực sự tin vào các cáo buộc về thu hoạch nội tạng hay là không.

Với ngày càng nhiều bằng chứng, bao gồm cả báo cáo mới này, hy vọng rằng các tổ chức nói trên sẽ thực hiện đúng sứ mệnh lịch sử của mình, đó là bảo vệ những người bị áp bức. Tuy nhiên, có vẻ như WHO và TTS sẽ không công nhận sự thật trong một thời gian ngắn. Lãnh đạo của các tổ chức này có lợi về mặt nghề nghiệp khi cố gắng tuyên bố rằng nỗ lực của họ nhằm cải cách Trung Quốc là một thành công. Nhưng mặt khác, tuyên bố của họ sẽ không thể che dấu được việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giết hại vô số tù nhân lương tâm mỗi năm. Những nạn nhân ấy cần đạo đức minh bạch của các cộng đồng y tế quốc tế, chứ không phải là sự hèn nhát.

Marion Smith, National Review
Minh Nhật biên dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn