Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, tưởng như thất trận ở Syria và Irak, vẫn còn chân rết ở khắp nơi, nhờ những « con sói đơn độc ». Trở lại vụ tấn công tại New York, trang nhất của Libération đưa hàng tựa lớn « Daech, hậu Daech », với nhận định : « Cuộc tấn công hôm thứ Ba (31/10/2017) nhắc lại rằng sự sụp đổ của « quốc gia Hồi Giáo califa » tại Irak và Syria vẫn không phá vỡ được chiến dịch reo rắc sợ hãi của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, vẫn hiển hiện ở nhiều vùng khác nhau, từ khu vực Sahel (châu Phi) đến Đông Nam Á ».
Nhật báo Libération liệt kê 6 mặt trận chưa có hồi kết trên khắp thế giới :
Các nước « kẻ thù » : Tấn công ngay khi có thể
Không oanh kích như tại Raqqa hay Mossoul, không có chi nhánh ở phương Tây, nhưng những kẻ thánh chiến có thể ra tay ngay khi có điều kiện. Từ giữa năm 2014, các thành viên tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ Syria hoặc Irak trở về, những « con sói đơn độc » ra tay theo lời kêu gọi của Daech, dù chưa một lần đến « vương quốc Hồi giáo » tự xưng, đã tấn công Bruxelles, Luân Đôn, Manchester, Berlin, Paris, Marseille, Nice hay Magnanville (ngoại ô Paris).
Họ tấn công với những dụng cụ có trong tay, từ một con dao đến xe hơi hoặc xe tải để « giết người bằng bất kỳ cách nào » theo lời kêu gọi của cựu phát ngôn viên của Daech, Mohammed Al Adnani, ngay từ tháng 09/2014. Tính đến tháng 02/2017, Daech đã thực hiện hoặc truyền cảm cho hơn 140 vụ tấn công tại 29 nước, không kể Syria và Irak, và giết chết ít nhất 2.000 người.
Daech không sáng tạo ra gì hết mà chỉ áp dụng lý thuyết của Al Qaida, có nghĩa là tấn công không ngừng nghỉ các nước phương Tây, đặc biệt là bằng những cuộc tấn công quy mô nhỏ, để làm người dân mệt mỏi và đẩy họ chống lại người Hồi Giáo và từ đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến.
Syria và Irak : Vương quốc « califat » tự xưng
Lãnh thổ của vương quốc Hồi Giáo « califat » tự xưng vào tháng 06/2014 tại Irak và Syria rộng bằng diện tích của Bồ Đào Nha. Nhưng hiện giờ, Daech chỉ còn chiếm khoảng 10% diện tích nằm gọn trong thung lũng sông Euphrate, sát biên giới với Syria. Vài nghìn chiến binh, địa phương và nước ngoài, đang cố thủ tại đây trước cuộc phản công của lực lượng Irak bắt đầu từ tuần trước để chiếm lại Al Qaim và các khu vực lân cận nhằm chấm dứt sự hiện diện của Daech ngay trên quê hương của tổ chức này. Được liên quân quốc tế yểm trợ, cuộc tấn công có vẻ tiến triển nhanh.
Đông Nam Á : Khủng hoảng Rohingya, « bánh thánh » cho Daech
Hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại châu Á dường như đang được kiềm chết : Thủ lĩnh Isnilon Hapilon của Daech tại Đông Nam Á bị quân đội Philippines triệt hạ ; ảnh hưởng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Indonesia đã bị kiềm chế sau loạt khủng bố tại Jakarta ; sự bành chướng của các cơ sở Daech tại Bangladesh bị ngăn chặn sau vụ khủng bố đẫm máu ở Dacca (07/2016).
Tuy nhiên, làn sóng người Rohingya Miến Điện theo Hồi Giáo đang phải trốn sang Bangladesh có thể là đối tượng mới cho tuyên truyền thánh chiến. Dù quân nổi dậy Rohingya khẳng định không có bất kỳ quan hệ nào với các tổ chức thánh chiến, nhưng các nhóm nước ngoài đang cố biến bang Rakhin thành một « Palestine mới » và bắt đầu chiêu quân dưới danh nghĩa này. Tháng 09/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia đã lên tiếng báo động : « Nếu chúng ta bỏ mặc người Rohingya trong thất vọng, các nước trong vùng sẽ phải trả giá ».
Trung Á : Trung Quốc và Nga trong tầm ngắm của Daech?
Uzbekistan, quê hương của kẻ tấn công tại Manhattan ngày 31/10/2017, không phải là một vùng đất của Daech. Tuy nhiên, rất nhiều người Uzbekistan gia nhập tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria và Irak. Theo nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Á, « Daech đang chuyển sang phía Trung Á » với việc thánh lập chi nhánh mang tên « tỉnh Khorassan » ở Afghanistan từ cuối năm 2014. Dù không cử lãnh đạo sang, nhưng Daech có được sự liên minh của các cựu chiến binh Taliban, thanh niên Afghanistan và Pakistan - những tín đồ của thánh chiến mang quy mô quốc tế, trong khi Taliban chỉ tìm cách chiếm lại quyền ở Afghanistan. Tuy nhiên, Daech không gặp thuận lợi trong việc mở rộng tại đây, hiện chỉ hoạt động ở vài huyện của tỉnh Nangarhar, nằm sát biên giới với Pakistan.
Châu Phi : Al Qaida và Daech vẫn hoành hành
Tại châu Phi, Daech nhắm đến Libya và đây là nước duy nhất Daech cử lãnh đạo sang để xây dựng và tổ chức chi nhánh thánh chiến. Tuy nhiên, sau hai năm, lực lượng Daech tại đây bị phân tán, yếu thế và buộc phải rút vào hoạt động bí mật.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số chi nhánh khác của Daech tại châu Phi : Boko Haram tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, dù hiện chưa có bất kỳ yếu tố nào cho thấy có sự phối hợp hành động giữa hai bên ; tổ chức Những Quân nhân của Vương quốc Hồi Giáo tại Algeri, tổ chức Đại Sahara hoạt động tại Mali, Burkina Faso và Niger.
Bên cạnh đó, Al Qaida vẫn hoạt động mạnh trong vùng : tổ chức Shebab tại Somalia, tổ chức ủng hộ Hồi Giáo vào người Hồi Giáo (Jamaat Nosrat al-Islam wal-Mouslimin) tại vùng Sahel…
Ai Cập : Người du mục Bedouin tuyên thệ trung thành với Daech
Trên bán đảo Sinai, một nhóm thánh chiến địa phương, gồm khoảng 1.000 đến 2.000 thành viên, chủ yếu người du mục Bedouin, đã tuyên thệ trung thành với Daech vào năm 2014 và đã sát hại vài trăm cảnh sát và quân nhân Ai Cập. Lực lượng Daech địa phương cũng nhắm vào người theo đạo chính thống với vụ khủng bố đẫm máu vào đúng mùa Phục Sinh 2017 khiến 29 người chết. Sự hiện diện của Daech trên bán đảo Sinai cũng khiến Israel lo ngại.
Sau vụ tấn công tại New York, tổng thống Mỹ gia tăng kiểm soát nhập cư
Sau vụ tấn công bằng xe tải khiến 8 người chết ở New York mà thủ phạm là một người gốc Uzbekistan, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi bãi bỏ việc rút thăm « thẻ xanh » (giấy phép thường trú) mà 50.000 nước ngoài được hưởng mỗi năm.
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, thêm một lần nữa « tổng thống Donald Trump lại gây tranh cãi về vấn đề nhập cư » vì đây không phải là lần đầu tiên ông chỉ trích chương trình cấp thẻ xanh bằng cách rút thăm có từ những năm 1980. Tháng 08/2017, chủ nhân Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật của hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa muốn thắt chặt quy định đoàn tụ gia đình và lập một hệ thống dựa trên thành tích để đạt mục đích cuối cùng là hạn chế một nửa số người nước ngoài vào Mỹ.
Theo bài xã luận của Libération, vụ tấn công tại New York cho thấy điểm yếu của các biện pháp hạn chế tự do trong cuộc chiến chống khủng bố : Không phải cứ khép cửa biên giới là có thể hạn chế được nguy cơ tấn công. Hiệu quả phòng ngừa phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan tình báo và cảnh sát theo khuôn khổ luật pháp và đặc biệt là cần phương tiện và quân số.
Bài xã luận của La Croix nhận định vụ tấn công ngày 31/10 một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ không được trang bị kỹ trước nguy cơ khủng bố. Tổng thống Trump yêu cầu gia tăng kiểm soát người nước ngoài muốn vào Mỹ, thế nhưng, thủ phạm vụ tấn công lại sống ở Hoa Kỳ từ 2010, hơn nữa cách hành động dường như không cần quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.