Tại Idleb, Syria : Erdogan bị « sập bẫy » Putin ? ( Thằng nào Đểu Cáng hơn, thằng ấy thắng )

Thứ Ba, 03 Tháng Ba 20204:00 SA(Xem: 4252)
Tại Idleb, Syria : Erdogan bị « sập bẫy » Putin ? ( Thằng nào Đểu Cáng hơn, thằng ấy thắng )
Syria, cái gai trong đối thoại giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan (trái) và đồng nhiệm Nga Putin. Ảnh chụp tại hội nghị Sotchi tháng 10/2019.
Syria, cái gai trong đối thoại giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan (trái) và đồng nhiệm Nga Putin. Ảnh chụp tại hội nghị Sotchi tháng 10/2019. Alexey DRUZHININ / SPUTNIK / AFP

Bỏ « đồng minh cũ » để kết « bạn mới », tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan đang trả giá đắt cho những tính toán chiến lược sai lầm để bị rơi vào chính chiếc bẫy do người « bạn mới » Putin giăng ra ? Idleb, vùng tây bắc Syria, đang có nguy cơ trở thành một vũng lầy cho Erdogan.

Quảng cáo

Tháng 12/2019, bên lề thượng đỉnh đánh dấu 70 năm ngày thành lập khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO tại Luân Đôn, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã hùng hồn tuyên bố « Thổ Nhĩ Kỳ nay đã có thể mở một chiến dịch quân sự để bảo vệ an ninh quốc gia, mà không cần phải xin phép bất kể một ai ».

Chính sách này của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị một quả bom Nga có dẫn đường bằng tia laser (loại KAB-1500L, được trang bị cho chiếc Sukhoi SU-35), bắn tan thành mảnh vụn. Vụ oanh kích hôm thứ Tư 26/2 của không quân Nga nhắm vào một vị trí được cho là của phiến quân đã làm cho 33 binh sĩ Thổ đồn trú tại Idleb thiệt mạng tại chỗ.

Đây là đợt thiệt hại nhân mạng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi chế độ Damas, dưới sự yểm trợ của không quân Nga, mở các chiến dịch quân sự để tái chiếm Idleb, ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy và thánh chiến Hồi giáo ở tây bắc Syria, làm cho hơn 55 binh sĩ thiệt mạng.

Vụ việc cũng cho thấy rõ thỏa thuận Sotchi ký kết năm 2018 giữa Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan nhằm lập những vùng « phi quân sự », trong đó có Idleb, xem như « tan thành mây khói » Đây là hậu quả của chính sách đối ngoại và an ninh không rõ ràng và thế yếu của Thổ Nhĩ Kỳ trước « người bạn » Nga.

Nhìn lại những gì đã diễn ra từ năm 2016, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đơn phương đưa quân can thiệp vào Syria, bất chấp các lợi ích về an ninh của các nước đồng minh NATO, người ta không khỏi thắc mắc : Phải chăng trong bàn cờ Syria này, Ankara đã bị biến thành một quân cờ của Nga ?

Báo Le Monde nhắc lại, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể thắng tại một vùng lãnh thổ của Syria đều là có sự đồng thuận của điện Kremlin. Đổi lại, Ankara phải « nhắm mắt làm ngơ » trước đà tiến của quân đội Syria. Nhờ có Thổ Nhĩ Kỳ nên Mỹ rút khỏi Kurdistan, mở rộng đường cho quân đội Damas.

Thế giới có cảm giác, Nga – Thổ phối hợp nhịp nhàng để cho Damas thu hồi dần các vùng lãnh thổ. Mỗi một lần như thế Damas dồn dần quân thánh chiến và thân nhân của họ về một điểm, để sau này có thể tiến hành trận đánh sau cùng : Đó chính là mặt trận Idleb, « mồ chôn cho các phiến quân », như tổng thống Syria Bachar al-Assad từng tuyên bố.

Đây có lẽ cũng chính là sai lầm chết người của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Việc ông dồn quân bảo vệ quân thánh chiến chống chế độ Bachar al-Assad tại đây mà không có sự yểm trợ của không quân, vô hình chung đã đẩy số binh sĩ được triển khai ở đây rơi vào vòng vây hãm của Damas. Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quên một yếu tố quan trọng, đó là trên chiến trường, « ai làm chủ không phận thì thống trị mặt trận », theo như phân tích của bà Agnès Levallois, chuyên gia về Trung Đông, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược.

Sau sự cố ngày thứ Sáu 28/2 và cuộc trao đổi với phía Nga, tổng thống Putin rất rõ ràng : binh sĩ Thổ hiện đang có mặt tại 12 chốt quan sát trên khắp tỉnh Idleb kể từ giờ phải ở yên trong các chốt của mình. Nói cách khác, « số binh sĩ này chẳng giúp được gì cả, phần lớn đã bị quân đội Damas bao vây » theo như quan sát của một nhà hoạt động nhân đạo với báo Le Figaro.

Với chính sách « chơi trò hai mặt », nghĩa là « chân trong, chân ngoài » đối với NATO, nguyên thủ Thổ bị cô lập hơn bao giờ hết. Sai lầm chiến lược cũng đến từ chính tham vọng cá nhân. Giấc mơ khôi phục đế chế Ottoman và tham vọng bá quyền đã làm ông lóa mắt. Gần 18 năm nắm độc quyền lãnh đạo, việc thanh trừng các sĩ quan quân đội sau cú đảo chính hụt, việc thiếu vắng những cố vấn hay việc không tham vấn bất kỳ ai đã hạn chế tầm nhìn của ông.

Bài học trận chiến « Barbarossa » trong Đệ Nhị Thế Chiến ở Nga thời Stalin vẫn còn nguyên đó. Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ quên rằng, chỉ vì các cuộc thanh trừng nội bộ, mà nhà độc tài Stalin đã giết chết không biết bao sĩ quan quân đội ,để rồi phải hứng lấy thảm bại thê thảm đầu tiên : Hơn 2.000 chiến đấu cơ bị tiêu hủy và Hồng Quân Liên Xô bất lực trước đà tiến như vũ bão của Đức Quốc Xã.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn