Sự đồng thuận của Mỹ về Trung Quốc đang dần đổ

Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20189:00 SA(Xem: 5863)
Sự đồng thuận của Mỹ về Trung Quốc đang dần đổ

america-us-china-e1415025915427

Nguồn: Hugh White, “America’s China consensus slowly unravels”, The Interpreter, 17/04/2015

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong một thời gian dài, suy nghĩ của Mỹ (và Úc) về Trung Quốc đã bị chi phối bởi một sự đồng thuận rộng rãi rằng, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán đang gia tăng, Bắc Kinh không phải là thách thức chính đến quyền lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Lập luận này cho rằng, dù có nói gì thì các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đều biết rằng tương lai nền kinh tế của họ quá bấp bênh, hệ thống chính trị của họ quá mỏng manh, quân sự của họ quá yếu và các đồng minh của họ thì không đủ để cho phép họ tranh đua với ưu thế của Mỹ. Họ cũng biết rằng sự ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào trật tự khu vực mà chỉ có Mỹ mới có thể duy trì.

Do đó, sự đồng thuận này đã kết luận rằng Mỹ không cần phải đáp trả gì nhiều, chỉ trừ việc nhắc nhở mọi người rằng Mỹ vẫn sẽ nán lại ở khu vực. Do đó, chính sách “xoay trục” châu Á của Mỹ ra đời, trong đó nhấn mạnh đến các tuyên bố hơn là hành động thực chất.

Nhưng sự đồng thuận đó có thể đang đổ vỡ, ít nhất là tại Mỹ. Thất bại của Washington [trong việc ngăn chặn] Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) dường như là một hồi chuông cảnh tỉnh và giờ đây, chỉ trong tuần qua, hai báo cáo quan trọng từ trung tâm của giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ cũng chỉ ra điều tương tự. Cả hai báo cáo cho rằng việc Trung Quốc thách thức ưu thế của Mỹ ở châu Á là sự thật, và rằng chính sách của Mỹ ở châu Á cần phải thay đổi triệt để để ứng phó.

Nhìn thoáng qua có vẻ có những quan điểm trái ngược về cách phản ứng, theo những cách dường như giúp đóng khung các tranh luận hiện tại của Washington trong việc làm thế nào để đối phó với thách thức từ Bắc Kinh.

Thực tế, như chúng ta sẽ thấy, các báo cáo này đều miễn cưỡng trong việc giải quyết các vấn đề thực sự, cũng như thừa nhận những rủi ro thực sự.

Một trong các báo cáo này được thực hiện bởi Kevin Rudd (Mỹ-Trung Quốc trong thế kỷ 21: Tương lai của quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Tập Cận Bình.) Đây là công trình của ông trong quãng thời gian làm việc tại Trung tâm Belfer của Harvard, và hiện đang được quảng bá tại Hội Châu Á (Asia Society.) Báo cáo còn lại, đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, được thực hiện bởi hai chuyên gia chính sách nặng ký là Robert Blackwill và Ashley Tellis (Điều chỉnh đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc).

Cả hai báo cáo đều cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đánh dấu sự thay đổi căn bản trong phân chia quyền lực ở châu Á, và các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là Tập Cận Bình, đang quyết tâm sử dụng sức mạnh mới này để chuyển đổi trật tự tại châu Á theo hướng có lợi cho họ. Lập luận của Rudd về điều này là đặc biệt mạnh mẽ, một phần vì ông dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nếu sử dụng tốt nhất khả năng của mình, Rudd có thể là một chuyên gia phân tích xuất sắc thực sự.

Vì vậy, nước Mỹ phải làm những gì? Rudd nói rằng Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết những căng thẳng gây ra bởi tham vọng của Trung Quốc bằng ngoại giao. Hai cường quốc này có thể và nên đàm phán trong tinh thần “chủ nghĩa hiện thực mang tính xây dựng”, tăng cường hợp tác đối với các lợi ích tương đồng, trong khi cách ly và quản lý các vấn đề mà họ không nhất trí.

Đó là một ý tưởng tốt đẹp, nhưng lập luận của Rudd lại tránh né câu hỏi khó: Liệu Mỹ có sẵn sàng thảo thuận với Trung Quốc theo cách ông đề xuất? Mô hình của ông ám chỉ một sự thay đổi hoàn toàn trong bản chất quan hệ Mỹ – Trung để từ đó, họ trở thành những đối tác thực sự trong lãnh đạo khu vực. Nhưng đề xuất của ông sẽ chỉ thành hiện thực nếu Mỹ sẵn sàng đối xử với Trung Quốc như một đối tác ngang hàng, điều tất nhiên là không phù hợp với mô hình cũ của Mỹ trong lãnh đạo khu vực châu Á.

Tuy nhiên, Rudd không thừa nhận điều này trong báo cáo của mình. Rõ ràng, ông hiểu rằng đó là điều mà các độc giả Mỹ của ông sẽ không muốn nghe, nhưng cho đến khi vấn đề này được đề cập một cách thẳng thắn thì cuộc tranh luận của Mỹ về Trung Quốc sẽ tiếp tục trượt khỏi mục tiêu chính.

Blackwill và Tellis không mắc phải sai lầm này. Họ thẳng thắn cho rằng việc duy trì ưu thế là mục tiêu chiến lược chính của Mỹ, và họ hối thúc Mỹ tăng cường kinh tế, quân sự và ngoại giao ở châu Á để bảo vệ mình trước thách thức từ Trung Quốc. Thực tế, đây là một chính sách ngăn chặn. Việc thỏa hiệp với tham vọng của Trung Quốc ở bất cứ đâu cũng phải bị loại trừ.

Họ khá lạc quan về những gì chính sách này sẽ yêu cầu. Họ kêu gọi tăng cường nền kinh tế, sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, và một sự phản công “địa kinh tế” nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế đang lan rộng của Trung Quốc, nhưng lại không đề cập tất cả những điều này có thể được thực hiện như thế nào. Điều này cho thấy họ không thực sự hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thay đổi một cách triệt để sự phân chia quyền lực như thế nào.

Nhưng quan trọng hơn, Blackwill và Tellis rất lạc quan về phản ứng của Trung Quốc. Họ nói rằng Mỹ có thể tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề phù hợp với các lợi ích của Mỹ, đồng thời, không ngừng chống lại tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng một trật tự khu vực mới. Đề xuất chính sách của họ giả định rằng Trung Quốc sẽ vui vẻ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ về những điểm này. Nói cách khác, đề xuất của họ giả định những gì phân tích của họ bác bỏ: cuối cùng thì, Trung Quốc không thực sự nghiêm túc trong việc thách thức ưu thế của Mỹ. Nếu đó là sự thật, Mỹ có thể làm theo đề xuất của Blackwill và Tellis để chống lại thách thức của Trung Quốc và duy trì ưu thế của mình mà không cần mạo hiểm phá vỡ quan hệ với Trung Quốc, và đó là những gì người Mỹ muốn nghe.

Điều này đưa chúng ta đến điểm mà Blackwill và Tellis hội tụ với Rudd. Cả hai báo cáo trốn tránh thực tế là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc suy cho cùng được gây ra bởi chính các mục tiêu về cơ bản là mâu thuẫn nhau của họ ở châu Á. Mục tiêu chính của Mỹ là duy trì vị trí lãnh đạo ở châu Á, và của Trung Quốc là nhằm thay thế Mỹ.

Rudd giả định rằng Mỹ sẽ từ bỏ mục tiêu của mình, trong khi Blackwill và Tellis giả định Trung Quốc sẽ lùi lại. Rudd, ít nhất, giả định rằng Trung Quốc cũng sẽ sẵn sàng thỏa hiệp, trong khi Blackwill và Tellis dường như nghĩ rằng nước Mỹ không cần nhượng bộ đáng kể để tận hưởng một mối quan hệ hòa bình với Trung Quốc.

Tất nhiên, rủi ro lớn là sẽ không bên nào sẵn sàng nhượng bộ, bởi vì cả hai đều mong bên còn lại nhượng bộ trước. Điều đó dẫn đến đối đầu leo thang và nguy cơ chiến tranh cao hơn bao giờ hết. Cả hai báo cáo đánh giá thấp nguy cơ đó, bởi vì họ dường như đã giả định Trung Quốc không muốn thay đổi trật tự khu vực đủ để dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ.

Hugh White là giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn