Vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ ở Đông Á?

Thứ Năm, 13 Tháng Hai 20207:00 CH(Xem: 5749)
Vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ ở Đông Á?

Vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ ở Đông Á?

Hkg10227262_1-e1550656276822
Giới trẻ Việt Nam và Trung Quốc vẫy cờ hai nước trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, ngày 6/11/2015. Ảnh: AFP/Na Son Nguyen.

Trong số năm quốc gia cộng sản cuối cùng còn sót lại trên thế giới, có đến bốn nước nằm ở khu vực Đông Á: Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và Lào. Duy nhất Cuba nằm ở ngoài khu vực này.

Tính đến nay, các lực lượng cộng sản đã nắm quyền ở Việt Nam 75 năm, ở Bắc Triều Tiên 72 năm, ở Trung Quốc 71 năm, và ở Lào 45 năm. 

Điều gì làm cho chủ nghĩa cộng sản sống thọ như vậy ở Đông Á?

Có ít nhất năm lý do giải thích cho hiện tượng này.

1. “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên” 

“Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!’”

Hồ Chí Minh đã kể lại như vậy về lần đầu tiên đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin trên tờ L’ Humanité của Đảng Xã hội Pháp, tháng 7/1920.

Ông không phải là người châu Á duy nhất trúng “tiếng sét ái tình” của chủ nghĩa cộng sản ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Các quốc gia châu Á bắt đầu được tiếp cận với chủ nghĩa cộng sản không với bản chất và nền tảng thực tế về cải cách và cách mạng kinh tế – chính trị – xã hội cùng theo đó là mục tiêu công hữu hoá tài sản và các loại tư liệu sản xuất mà chủ nghĩa cộng sản kêu gọi. Đây là những yếu tố mà xã hội phương Tây đã trải qua hàng trăm năm và hàng nghìn lần thử sai để biết chúng quan trọng như thế nào. 

Ngược lại, các quốc gia châu Á và con người châu Á, vừa bước ra khỏi sự kìm kẹp và bóc lột của chủ nghĩa thực dân, tiếp cận với chủ nghĩa cộng sản như là một mô hình xây dựng nhà nước, cùng với tham vọng hiện đại hoá xã hội có phần rệu rã và thiếu sự đồng thuận cả về chính trị, sắc tộc lẫn văn hóa sau hàng trăm năm bị đô hộ. 

Vì lý do này, đối với nhiều nhà cách mạng dân tộc dân chủ, những người theo chủ nghĩa thực dụng và thậm chí là đại đa số dân chúng, chủ nghĩa cộng sản trở thành một lựa chọn khả dĩ, mới mẻ và thậm chí là hứng thú và hứa hẹn hơn hẳn so với tư tưởng dân chủ tư bản cấp tiến phương Tây, vốn rõ ràng không tạo nên hạnh phúc và bình đẳng mà họ mong đợi dưới thời kỳ bị đô hộ. 

Tại Việt Nam, không phải người dân bị bóc lột và đàn áp dã man trước ngọn cờ “Tự do, Bình đẳng và Bác ái” đó hay sao?

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp năm 1920, đánh đấu những bước đầu tiên trong hành trình tiếp thu chủ nghĩa cộng sản của ông. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp năm 1920, đánh đấu những bước đầu tiên trong hành trình tiếp thu chủ nghĩa cộng sản của ông. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Như nhận xét của Giáo sư William C. Johnstone trong bài viết “The Appeal of Communism” cuối thập niên 1960, các quốc gia châu Á không hứng thú với phe phái trong Chiến tranh Lạnh, và họ cũng không chia sẻ nỗi lo sợ chung với những chính phủ phương Tây về hiệu ứng domino của chủ nghĩa cộng sản. Hiển nhiên, sau một thời gian vận dụng và tìm hiểu, các phiên bản của chủ nghĩa cộng sản ở một số quốc gia bị phản đối và đào thải như tại Cambodia hay Indonesia. Mặt khác, tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Lào… chủ nghĩa cộng sản xác định được chỗ đứng khá vững chắc. 

Nhìn chung, nhờ vào hoàn cảnh lịch sử và nhu cầu chính trị của các cộng đồng ở châu Á, chủ nghĩa cộng sản từ lúc mới sinh sôi nảy nở cho đến lúc lụi tàn chưa bao giờ bị xem là một thứ chủ nghĩa nguy hiểm về mặt bản chất, hay gây ác cảm đối với một bộ phận lớn người dân châu Á.

2. Chủ nghĩa cộng sản là câu trả lời “toàn năng” cho các vấn đề của Đông Á

Hầu hết các tư tưởng tư bản cấp tiến phương Tây, vốn là sự pha trộn và kết hợp của nhiều học thuyết của nhiều tư tưởng lại với nhau, thường đề cao vai trò của thị trường và tự do cá nhân. Trong khi đó, một châu Á đông đúc và chật chội vốn đang chật vật lập quốc rõ ràng không quan tâm đến tự do cá nhân và sự phát triển của các thế lực kinh tế tư nhân, mà là nhu cầu an ninh, nhu cầu được bảo đảm các vấn đề thiết yếu của cuộc sống, nhu cầu có việc làm và nhu cầu được sống yên bình. Họ cần những lời hứa về một xã hội đại đồng, không còn bất bình đẳng, không còn người bóc lột người, nơi ai cũng có việc làm, được đối xử tôn trọng và được phát triển một cách toàn diện…  những thứ mà người cộng sản luôn hứa hẹn họ có thể làm được ngay từ thời điểm Quốc tế Thứ nhất được thành lập. 

Không chỉ vậy, việc phổ biến hình ảnh của một nhà nước toàn năng chu cấp cho mọi vấn đề từ y tế đến giáo dục đến những nhu cầu cơ bản cá nhân như ăn, ở, mặc… rõ ràng là những lời hứa không chỉ cuốn hút đối với người châu Á. 

Thượng Hải (Trung Quốc) những năm 1930. Ảnh: Wikimedia Commons.
Thượng Hải (Trung Quốc) những năm 1930. Ảnh: Wikimedia Commons.

Mặt khác, sự phức tạp và quan điểm có phần không rõ ràng của Karl Marx ít khi được bàn luận hay phổ biến với công chúng châu Á, nhất là các vấn đề liên quan đến xây dựng nhà nước, giải quyết mâu thuẫn giai cấp và vai trò của dân chủ, thể chế chính trị của một nhà nước mới. Suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng của xã hội loài người, theo Marx, là sự tiêu vong của nhà nước, chứ không phải là hoàn thiện của nó. 

Cái chủ nghĩa cộng sản cực kỳ phức tạp và còn nhiều tranh cãi đó của Marx, khi được phổ biến và tuyên truyền ở châu Á, lại biến thành một chuỗi các câu trả lời cực kỳ đơn giản cho các vấn đề bao gồm cả độc lập dân tộc, nạn đói, việc làm, hiện đại hóa, công nghiệp hóa… Thực tế cho thấy, phong cách kiểm soát kinh tế tập trung của các nhà nước cộng sản châu Á mang lại những kết quả ngắn hạn nhanh chóng và mỹ mãn hơn so với việc để cho một thị trường mới nổi yếu kém cả về tài chính lẫn năng lực tự lực cánh sinh. Điều này đã và vẫn đang tiếp tục củng cố niềm tin của nhiều cộng đồng châu Á về tính ưu việt của nhà nước xây dựng theo chủ nghĩa cộng sản, và đặc biệt càng cuốn hút tại thời điểm các phong trào độc lập dân tộc đang diễn ra. 

3. Vai trò và ưu thế của giới trí thức tại châu Á 

Người ta thường hay lầm tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản có sức nặng và sức ảnh hưởng lớn nhất đối với nông dân, công nhân và người dân lao động nói chung. Thật sự không phải vậy. Trong một nghiên cứu của Giáo sư Ray C. Hillam, từng giảng dạy ở Đại học Brigham Young và là một chuyên gia về châu Á, ông nhận định rằng thành phần xã hội chịu ảnh hưởng lớn nhất của chủ nghĩa Marx ở châu Á, mà đặc biệt tại khu vực đồng văn Đông Á, là giới trí thức, chứ không phải người dân lao động. 

Giới trí thức, các nhà nho và sinh viên – học sinh… có truyền thống được cho là đức cao vọng trọng trong xã hội truyền thống của phương Đông. Khi mà một bộ phận của tầng lớp này tìm thấy sự cuốn hút và khả năng vận dụng thực tế của chủ nghĩa cộng sản vào xã hội họ đang sống, họ trở thành một nhân tố trung gian để truyền tải, địa phương hóa và cá nhân hóa học thuyết Marxist và biến nó trở thành một thứ gì đó những cộng đồng địa phương có thể tin tưởng. Dựa vào vị trí xã hội sẵn có và sự cuốn hút cá nhân của mình, giới trí thức nhanh chóng thể chế hóa và lãng mạn hóa chủ nghĩa cộng sản theo cách riêng của họ. 

Nhưng câu hỏi lớn hơn là, vì sao giới trí thức châu Á lại dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cộng sản hơn là các giai cấp khác? 

Sinh viên Đại học Đông Dương (Hà Nội) những năm 1920. Ảnh: Urbanist Hanoi.
Sinh viên Đại học Đông Dương (Hà Nội) những năm 1920. Ảnh: Urbanist Hanoi.

Đối với các trí thức trưởng thành và đang hoạt động chính trị, Hillam cho rằng họ có nhiều kiến thức về xã hội bản địa, có nhiều kiến thức về luật lệ và thông tin trên thế giới, đồng thời có chính kiến chính trị cao hơn hẳn so với các giai tầng khác. Song điều này không đồng nghĩa với việc họ tìm được một chỗ đứng chắc chắn trong xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân như giới tiểu thương hay giới tư sản. Những cá nhân này cũng có nhạy cảm dân tộc và tình thần dân tộc chủ nghĩa cao, trong tình thế quốc gia bị đô hộ hay bị kiểm soát bởi một thế lực bên ngoài. Điều này khiến cho chủ nghĩa cộng sản, một học thuyết được tạo ra và xây dựng như công cụ nhằm cải tạo và xây dựng xã hội mới, trở thành một đối tượng nghiên cứu và phổ biến không thể hoàn hảo hơn. Thêm vào đó, do vốn có khá nhiều trí thức đã sẵn ác cảm với những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản phương Tây ở thuộc địa, việc lực lượng này đầu quân cho chủ nghĩa cộng sản cũng khá dễ hiểu. 

Mặt khác, phần lớn giới sinh viên – học sinh Tây học lại có xu hướng phản bác cả trật tự xã hội Đông Á xưa cũ lẫn sự áp đạt của giá trị phương Tây. Họ chỉ trích các nhóm thủ cựu là không có tinh thần tranh đấu và không có kiến thức chính trị hiện đại, và cũng đồng thời chỉ trích các sinh viên – học sinh thẩm thấu và yêu thích giá trị tư bản cấp tiến phương Tây là ngoại bản. Điều này khiến cho chủ nghĩa cộng sản trở thành một lựa chọn hiển nhiên, bởi bản thân nó chống đối và triệt tiêu các giá trị tư bản phương Tây lẫn các giá trị phong kiến truyền thống. Không chỉ vậy, đây cũng là lực lượng dễ bị thu hút nhất bởi diễn ngôn bạo lực cách mạng của tư tưởng Marx – Lenin. 

4. Chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, dù nó không phải là chủ nghĩa cộng sản

Một quan sát thú vị khác của các nhà nghiên cứu về sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á là sự thực dụng của họ để nhằm duy trì cái gọi là chủ nghĩa cộng sản; chứ không phải ở nền tảng văn hóa – xã hội như việc xem trọng tập thể hay cộng đồng. Những quan điểm này được tổng hợp tương đối đầy đủ trong quyển Why communism did not collapse của nhóm nhiều tác giả, do Giáo sư Martin K. Dimitrov (Đại học Tulane – Mỹ) biên tập.

Trong khi Lenin và các lãnh đạo Sô-viết trung thành với xu hướng quốc tế hóa của để xây dựng chủ nghĩa cộng sản quốc tế đại đồng, trung thành với mô hình kinh tế tập trung, bao cấp và kiểm soát toàn diện của nhà nước đối với các tư liệu sản xuất; các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam thực dụng hơn và chấp nhận ưu tiên các vấn đề sống còn đối với sự tồn tại của quốc gia hơn; như việc duy trì danh tính độc nhất cho quốc gia (với các chiến dịch Hán hóa hoặc Kinh hóa các sắc tộc khác trong quốc gia) hoặc chấp nhận chuyển đổi mô hình kinh tế từ quyền uy nhà nước sang tự do hóa thị trường. 

Các nhà tư bản phương Tây giờ đây được chào đón nhiệt liệt ở Việt Nam. Ảnh: Lễ khai trương chuỗi nhà hàng McDonald's ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 8/2/2014 của Le Quang Nhat | AFP | Getty Images.
Các nhà tư bản phương Tây giờ đây được chào đón nhiệt liệt ở Việt Nam. Ảnh: Lễ khai trương chuỗi nhà hàng McDonald’s ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 8/2/2014 của Le Quang Nhat | AFP | Getty Images.

Điểm sáng suốt hơn của các quốc gia cộng sản ở châu Á, so với châu Âu, là họ cải cách kinh tế trước khi bắt đầu xem xét đến việc cải cách chính trị. Theo nhiều phân tích, trong trường hợp Liên Xô, khi mà nền kinh tế vẫn còn phát triển yếu kém quá nhiều nếu so sánh với một xã hội dư thừa của cải và công nghệ phẩm của phương Tây, việc mở rộng cải cách chính trị rộng rãi đẩy chính quyền Liên Xô vào thế bị chỉ trích và phòng vệ nhiều hơn trước, trong khi công dân ngày càng tức giận và bất mãn với chính quyền nhiều hơn. Ngược lại, bằng việc cải cách dần dần nền kinh tế và tạo đà phát triển về việc làm, lương thưởng theo phong cách tư bản, khi môi trường chính trị được nới lỏng, các chính quyền cộng sản châu Á ở một vị trí an toàn hơn trong cuộc ngã giá quyền lực với người dân. 

Song điều này cũng đồng nghĩa với việc đa số người dân châu Á đang mang tiếng là sống dưới cộng sản chủ nghĩa, nhưng thật ra không phải cộng sản chủ nghĩa. Như bình luận của cây bút Cary Huang của tờ South China Morning Post, kinh tế thị trường của Trung Quốc ngày nay bị độc quyền nhà nước và các tay đầu sỏ thương mại chi phối, tham nhũng đã trở thành hệ thống và lẽ sống, bất bình đẳng xã hội cao chưa từng có với số lượng tỷ phú USD còn đông hơn cả số lượng tỷ phú tại Hoa Kỳ, kiểu bóc lột Dickensian hiện diện ở khắp mọi nơi (tên gọi của hành vi bóc lột trẻ em, dựa trên xu hướng mà các tác phẩm của Dickens thường mô tả trẻ em bị bóc lột). Những hiện tượng này chính xác là những điều mà Tuyên ngôn Cộng sản 1848 lên án và kịch liệt đòi xóa bỏ. Mỉa may thay, nhu cầu tồn tại và nắm quyền của tổ chức chính trị mang tên đảng cộng sản có ý nghĩa hơn nhiều so với nhu cầu thực thi chủ nghĩa cộng sản. Còn người dân của những quốc gia này cũng không thấy phiền lắm về việc này. 

5. Nho giáo

Nhắc đến Đông Á, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến Nho giáo, và câu hỏi luôn được đặt ra rằng liệu có phải chính Nho giáo đã tạo nền tảng cho sự tiếp nhận một cách dễ dàng và bền lâu của người dân Đông Á nói chung đối với chủ nghĩa cộng sản? Không ít học giả đồng tình với nhận định này. 

Chưa kể đến một số lượng rất lớn học giả Trung Quốc nghiên cứu theo định hướng về mối liên hệ đồng biến giữa Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản, nhiều học giả phương Tây, như Giáo sư Josef Gregory Mahoney, cũng không ngần ngại chỉ ra rằng có rất nhiều điểm tương đồng khiến cho các cộng đồng Đông Á dễ thẩm thấu và có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản. 

vnp_si_tu_den_van_mieu_cau_may_8-1024x683
Học sinh và người thân khấn Khổng Tử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) trước kỳ thi vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: VietnamPlus.

Điểm quan trọng nhất mà họ ghi nhận, là về mục tiêu và kết quả cuối cùng của một xã hội lý tưởng theo quan điểm của cả hai nhà tư tưởng. Trong hai học thuyết chính yếu của Nho giáo là Đại đạo (The Grand Course) và Đại đồng (The Great Unity), Khổng Tử cho rằng chúng có ý nghĩa

“Sự thực hiện của đạo lớn là, thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền và cử người tài năng, nói điều tín và tu sửa hòa mục. Cho nên người ta không chỉ tôn kính cha mẹ mình, không chỉ thương yêu con cái mình, mà còn khiến cho người già được sống trọn đời, người trai tráng được sử dụng, trẻ thơ được lớn lên, người không vợ, người không chồng, trẻ mồ côi, người không con người tàn tật, tất cả đều được chăm sóc.”

Mặt khác, dù rất ít nói về con người và xã hội lý tưởng của cộng sản chủ nghĩa, Marx cũng từng trình bày ý tưởng của mình trong Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844 rằng:

“Chủ nghĩa cộng sản có tính cách là sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu – sự tự tha hoá ấy của con người – và từ đó bảo vệ và hình thành được bản chất con người bởi con người và thật sự vì con người. [Cộng sản chủ nghĩa] vì vậy, là việc con người hoàn toàn quay trở lại chính mình với tính cách là con người xã hội, nghĩa là có tính chất người – sự quay trở lại này diễn ra một cách có ý thức và có giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển trước đó. 

Chủ nghĩa cộng sản như vậy, vừa là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, vừa là chủ nghĩa nhân đạo, vừa là chủ nghĩa tự nhiên. Tự thân nó giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, giải quyết triệt để cuộc tranh chấp giữa tồn tại và bản chất, giữa sự đối tượng hoá và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài. Nó là sự giải quyết câu đố của lịch sử và nó biết rằng nó là sự giải quyết ấy.” 

Mục tiêu của một xã hội hoàn thiện, theo cả hai người này, là việc con người được giải phóng khỏi các tham vọng, tư sản và các giá trị vật chất, được sống đúng với bản chất danh nghĩa con người (theo thuyết chính danh), hay đúng với tự nhiên hoàn bị (theo thuyết cộng sản của Marx). Trên cơ sở đó, “mọi cái đều là của chung, mọi người đều có quyền lợi, đều được chăm sóc”. Khi tư duy và kỳ vọng về mục tiêu xã hội tương đồng, các nhà nghiên cứu cho thấy không quá khó để người Đông Á chấp nhận và ưa thích diễn ngôn của chủ nghĩa cộng sản
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn