Virus corona: Hồi chuông cảnh tỉnh từ động vật hoang dã

Thứ Ba, 04 Tháng Hai 20205:06 SA(Xem: 3379)
Virus corona: Hồi chuông cảnh tỉnh từ động vật hoang dã
bbc.com

Virus corona: Hồi chuông cảnh tỉnh từ động vật hoang dã

Navin Singh Khadka Phóng viên Môi trường BBC World Service

Việt Nam được biết đến đến là nơi tiêu thụ và trung chuyển trái phép các sản phẩm động vật hoang dã Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việt Nam được biết đến đến là nơi tiêu thụ và trung chuyển trái phép các sản phẩm động vật hoang dã

Các nhà khoa học nghi ngờ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là nguồn gốc của dịch bùng phát virus corona, đã cướp đi 427 mạng sống cho đến nay.

Chợ này được biết như chỗ buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã như rắn, chồn và nhím, được nhốt trong lồng để bán làm đồ ăn hoặc thuốc, cho đến khi toàn bộ tỉnh được kiểm dịch.

Trung Quốc là nước tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã lớn nhất thế giới, cả hợp pháp và bất hợp pháp và Việt Nam đã là một điểm lớn cung cấp nhiều loài như vậy vào thị trường Trung Quốc.

Cấm tạm thời

Giới chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguồn chính lây nhiễm có khả năng cao là từ dơi.

Nhưng họ cho rằng virus đã xâm nhập vào loài khác, vốn chưa được xác định , trước khi lây nhiễm cho con người.

Trung Quốc có truyền thống rất ưa ăn các loài động vật hoang dã. Một số động vật được ăn vì hương vị của chúng như một món ăn ngon, trong khi một số khác được tiêu thụ như thuốc y học cổ truyền.

Tin cho hay các nhà hàng ở một số vùng của Trung Quốc bán các món ăn như súp dơi (với cả con trong súp), súp được nấu với tinh hoàn của hổ hoặc các bộ phận cơ thể của cầy hương.

Rắn hổ mang chiên, chân gấu om, rượu ngâm xương hổ cũng có trong thực đơn của các nhà hàng vừa kể.

Chợ động vật hoang dã ở khu vực sập sệ có bán chuột, mèo, rắn và nhiều loài chim bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Các sản phẩm động vật hoang dã cũng được sử dụng trong nhiều loại thuốc truyền thống của Trung Quốc chủ yếu với niềm tin rằng chúng có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh, như bất lực nam, viêm khớp và bệnh gút.

Nguy cơ tuyệt chủng

Nhu cầu về vảy tê tê cho các loại thuốc này đã gần như xóa sổ loài này tại Trung Quốc và tê tê giờ đây đã trở thành động vật hoang dã bị săn trộm nhiều nhất ở các nơi khác trên thế giới.

Việc sử dụng sừng tê giác không bền vững cho y học cổ truyền Trung Quốc là một ví dụ khác về thói quen khiến loài vật này trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Việt Nam cũng là một trong những thị trường lớn cho cả vảy tê tê và sừng tê giác.

Các chuyên gia động vật hoang dã cho biết, thị trường Việt Nam cũng đã nổi lên như một nơi cung cấp chính cho Trung Quốc sau khi chính quyền Trung Quốc khởi xướng một số qui định nghiêm ngặt đối với hoạt động buôn bán bất hợp pháp này trong những năm gần đây.

Tất cả những hoạt động mua bán này đang diễn ra trong khi hơn 70% các ca lây nhiễm mới phát hiện ở người được cho là đến từ động vật, đặc biệt là động vật hoang dã.

Sự bùng phát dịch virus corona đã và đang rọi đèn trở lại vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã của Trung Quốc, vốn đã bị các nhóm bảo tồn chỉ trích vì đã đẩy một số loài đến bờ vực tuyệt chủng.

Trước diễn biến mới nhất, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với buôn bán động vật hoang dã để chống lại sự lây lan của virus.

Nhưng các nhà bảo tồn đang dùng cơ hội này để yêu cầu một lệnh cấm vĩnh viễn.

Trung Quốc sẽ lắng nghe?

Liệu sự bùng phát virus này có thể là một bước ngoặt trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và rốt cục bảo vệ được sức khỏe cộng đồng hay không?

Các chuyên gia nói rằng đó là thách thức lớn nhưng đó không phải là một nhiệm vụ bất khả thi.

Theo giới chức WHO, các loại virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) cũng được cho là có nguồn gốc từ dơi nhưng chúng đã xâm nhập vào người thông qua mèo và lạc đà.

"Chúng tôi đang tiếp xúc với các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng mà trước đây chúng ta không tiếp xúc", Bác sĩ Ben Embarek thuộc Ban Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với BBC.

"Do đó, chúng ta có một số bệnh mới liên quan đến sự liên hệ mới giữa người và virus, vi khuẩn và ký sinh trùng mà trước đây ta chưa biết đến".

Một phân tích gần đây của gần 32.000 loài động vật có xương sống trên đất liền được biết đến cho thấy khoảng 20% trong số các loài này được mua và bán trên thị trường thế giới, hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

Đó là hơn 5.500 loài động vật có vú, chim, bò sát và loài lưỡng cư.

Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp được ước tính trị giá khoảng 20 tỷ đô la và là hoạt động buôn bán bất hợp pháp lớn thứ tư sau ma túy, mua bán người lậu và hàng giả.

Tên Việt Nam nổi lên trong danh sách các quốc gia không thể ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp mặc dù cảnh báo nghiêm trọng chống lại mức độ mất đa dạng sinh học đáng báo động mà thế giới đang phải đối mặt.

Hồi chuông cảnh tỉnh

"Cuộc khủng hoảng y tế này phải đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh", Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết trong một tuyên bố," vì cần chấm dứt sử dụng không bền vững các loài động vật đang bị đe dọa và các bộ phận của chúng, làm vật nuôi lạ, để tiêu thụ thực phẩm và dùng làm thuốc".

Chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên, đã nói rõ rằng lệnh cấm sẽ là tạm thời.

"Nuôi, vận chuyển hoặc bán tất cả các loài động vật hoang dã bị cấm kể từ ngày thông báo cho đến khi tình hình dịch bệnh trong nước kết thúc", một chỉ thị được ban hành bởi ba cơ quan của chính phủ.

Bắc Kinh đã tuyên bố lệnh cấm tương tự khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002.

Nhưng các nhà bảo tồn cho biết vài tháng sau khi thông báo, chính quyền nhẹ tay và thị trường động vật hoang dã đã trở lại ở Trung Quốc.

Các nhà bảo tồn thiên nhiên nói rằng,

điều đó cũng khuyến khích các thị trường động vật hoang dã lớn khác như Việt Nam tiếp tục.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một số nơi yêu cầu đóng cửa biên giới với khách đến từ Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh

Tăng cường kiểm tra

Vào tháng 9 năm nay, Bắc Kinh sẽ tổ chức một hội nghị toàn cầu lớn về tài nguyên thiên nhiên và sinh học, được gọi là Công ước về Đa dạng sinh học.

Theo một báo cáo liên chính phủ được công bố năm ngoái, một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng - là mức chưa bao giờ có trong lịch sử loài người.

Sau hậu quả của sự bùng phát virus corona, các bài xã luận trên phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc đã và đang lên án thị trường động vật hoang dã bất kiểm soát tại nước này.

"Chúng tôi coi đây là cơ hội cho một động thái nhằm chấm dứt vĩnh viễn việc nuôi, nhân giống, thuần hóa và sử dụng động vật hoang dã, không chỉ cho mục đích giết lấy thịt mà còn cho cả y học cổ truyền", Debbie Banks, thuộc Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại London, nói. Bà Banks đã thực hiện các cuộc điều tra động vật hoang dã lớn ở Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết dịch Cúm A hay cúm gia cầm đã giúp cho việc bảo tồn nhiều loài chim trong tự nhiên.

Họ cũng nói về sự thành công việc Trung Quốc ra lệnh cấmc nhập khẩu ngà voi - sau nhiều năm chịu áp lực quốc tế để cứu voi khỏi sự tuyệt chủng.

Tuy nhiên, trong động thái liên hệ rõ ràng về các thị trường động vật hoang dã lớn khác như Việt Nam, họ nhấn mạnh rằng lệnh cấm và quy định đối với các sản phẩm động vật hoang dã sẽ cần phải mang tính toàn cầu - và không chỉ ở Trung Quốc.

Teresa Telecky, phó chủ tịch Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế cho biết nói rõ ràng rằng việc cấm buôn bán chim ở Hoa Kỳ và EU (trong khi dịch Cúm A) đã mang lại lợi ích cho việc bảo tồn chim bằng cách giảm số lượng chim ra khỏi tự nhiên và giảm nguy cơ xâm lấn các loài qu‎y hiếm khác.

Các chuyên gia động vật hoang dã nói rằng là thị trường lớn nhất của các sản phẩm động vật hoang dã, Trung Quốc chắc chắn có thể làm gương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn