Tầng lớp trung lưu sẽ quyết định tương lai thế giới trong thế kỷ 21?

Thứ Hai, 03 Tháng Hai 20203:00 SA(Xem: 3150)
Tầng lớp trung lưu sẽ quyết định tương lai thế giới trong thế kỷ 21?

middle-class

Tác giả: Philip Stephens  (Financial Times) | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành

Đôi khi tôi thấy có những dự đoán khẳng định tương lai thế giới này phụ thuộc vào Trung Quốc, hoặc dự đoán ngược lại là Trung Quốc sẽ mãi mãi khó có thể lung lay được địa vị số một của Mỹ. Xin chớ hỏi vị trí của Brazil và Ấn Độ ở đâu. Vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới là một việc thú vị nhưng cũng làm phân tán sự chú ý. Thế kỷ 21 sẽ không được quyết định bởi sự lựa chọn trừu tượng của các quốc gia; ngược lại lực lượng thúc đẩy sự biến đổi thế giới là một tầng lớp trung lưu toàn cầu mới nổi lên.

Câu chuyện của thế giới hai thập niên vừa qua đại để là sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị chuyển dịch mạnh mẽ từ phương Tây sang phương Đông. Quá trình tái cân bằng ấy sẽ còn tiếp tục một thời gian nữa. Thế nhưng sự so sánh địa vị tương đối giữa các cường quốc có từ trước với các cường quốc mới nổi lên đã che lấp một số động lực cơ bản hơn. So với sự biến đổi có thể xảy ra trong mối quan hệ giữa các quốc gia thì tình hình xảy ra bên trong các quốc gia ấy cũng rất đáng lưu ý. Sau hai chục năm nữa, thế giới hiện nay nơi người nghèo chiếm số đông sẽ trở thành thế giới hầu hết là tầng lớp trung lưu.

Dĩ nhiên Chính phủ sẽ vẫn là hình thức tổ chức chính trị chủ yếu của các quốc gia. Của cải xã hội tăng lên chưa chắc đã có thể thay thế các đặc tính của văn hóa và dân tộc. Trong một số trường hợp, của cải thậm chí có thể tăng cường các đặc tính đó. Sự phục hồi chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh thế giới. Nhưng sự tái phân phối chưa từng có sức mạnh giữa kẻ cai trị với kẻ bị trị sẽ dẫn dắt hành động của phần lớn những kẻ mới bước lên sân khấu toàn cầu [ý nói tầng lớp trung lưu mới].

Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh châu Âu (European Union Institute for Security Studies, EUISS) có trụ sở tại Paris mới đây đã công bố một bản báo cáo có sức thuyết phục dưới cái tên “Xu thế Toàn cầu năm 2030” (Global Trends 2030), cung cấp cho ta những số liệu cơ sở.

Bản báo cáo cho biết : căn cứ theo xu thế hiện nay, tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ từ 2 tỷ người tăng lên 3,2 tỷ người vào năm 2020 và 4,9 tỷ người vào năm 2030 (dự tính tổng số dân toàn thế giới năm 2030 là hơn 8 tỷ người). Nói cách khác đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ vượt qua số người nghèo.

Các nhà kinh tế có thể tranh cãi định nghĩa chính xác về tầng lớp trung lưu. EUISS định nghĩa những người có thu nhập khả dụng mỗi ngày từ 10 tới 100 USD là người thuộc tầng lớp trung lưu. Một định nghĩa khác đưa ra tiêu chuẩn cao hơn, coi những người có mức tiêu dùng thấp nhất mỗi ngày vào khoảng 15 USD là thuộc tầng lớp trung lưu. Xét theo tiêu chuẩn của phương Tây thì như thế cũng vẫn còn rất thấp – nhưng hãy thử nghĩ xem, có bao nhiêu người đang tồn tại với mức sống mỗi ngày 1 USD. Điều quan trọng là với ngay cả ước tính bảo thủ nhất, sức mạnh kinh tế sẽ được tái phân phối không thể thay đổi.

Đáng chú ý nhất là sự biến đổi của châu Á. Số lượng người tiêu dùng ở mức trung lưu tại Trung Quốc hiện nay đã là hơn 160 triệu, chỉ kém nước Mỹ. Nhưng con số ấy chỉ chiếm có khoảng 12% tổng số dân Trung Quốc. EUISS dự tính đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ lên tới 74%. Tại Ấn Độ, năm 2025 sẽ có một nửa số dân vượt qua ngưỡng thu nhập mỗi ngày 10 USD và đến năm 2040 thì 90% số dân Ấn Độ sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.

Trào lưu này sẽ lan ra tới các vùng khác bên ngoài châu Á. Đến năm 2030 số người đạt tiêu chuẩn tầng lớp trung lưu tại Brazil sẽ chiếm hơn hai phần ba số dân, còn số lượng người tiêu dùng tầng lớp trung lưu ở Trung Mỹ và châu Mỹ Latinh sẽ đuổi kịp Bắc Mỹ. Châu Phi biến đổi chậm hơn nhưng đến năm 2030 số người tầng lớp trung lưu vẫn tăng ít nhất gấp đôi so với hiện nay.

Dĩ nhiên thu nhập khả dụng của những người tiêu dùng mới bước lên tầng lớp trung lưu này vẫn còn rất thấp so với tầng lớp trung lưu ở Bắc Mỹ và châu Âu. Nhưng tỷ lệ người các nước giàu trong tổng số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu có lẽ sẽ giảm hơn một nửa, từ 64% hiện nay hạ xuống còn 30%.

Ảnh hưởng của biến đổi nói trên đối với tình hình trật tự chính trị bên trong các nước mới nổi lên sẽ sâu xa chẳng kém gì ảnh hưởng đối với mối quan hệ giữa các cường quốc mới nổi với các cường quốc có từ trước. Tầng lớp trung lưu sau khi lớn mạnh lên rất có thể sẽ yêu cầu chính phủ các nước phải cư xử có trách nhiệm hơn. Điều đó chưa chắc có nghĩa là họ sẽ mạnh mẽ yêu cầu thực hành chế độ dân chủ đại nghị kiểu phương Tây, nhưng tầng lớp tinh hoa cầm quyền hiện có (thông thường là độc đoán) sẽ phải chịu sức ép đến từ tầng lớp trung lưu.

Sự phổ cập giáo dục –  nhất là phổ cập trong nữ giới – và các tiến bộ không thể ngăn cản của công nghệ số sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu tích cực hơn trong việc đòi tăng cường quyền phát ngôn của mình trong các tổ chức xã hội. Cuộc cách mạng công nghệ số đã thể hiện đầy đủ ảnh hưởng của nó trong thế giới Ả-rập. Việc mọi người cùng được hưởng thông tin tức thời và hầu như miễn phí đã đem lại cho tầng lớp trung lưu toàn cầu một thứ vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh giành quyền định đoạt số phận mình ở mức độ cao hơn. Số người dùng internet ở Trung Quốc hiện nay đã vượt tổng số dân nước Mỹ.

Phương Tây quan tâm khi thấy triển vọng đáng mừng mấy tỷ người sẽ thoát khỏi nghèo đói thì gắn liền với viễn cảnh rất nhiều người – rất có thể là nhiều nhất trong lịch sử – sẽ tiếp nhận các giá trị quan cơ bản như tự do cá nhân, tôn trọng con người và pháp trị. Mức độ giàu có của xã hội không có mối liên hệ tất nhiên với sự tăng tiến tự do của cá nhân; cũng vậy, phồn vinh cũng không có quan hệ trực tiếp với dân chủ. Song có rất nhiều chứng cớ cho thấy khi xã hội càng giàu lên và trình độ giáo dục của xã hội càng cao thì số người tán thành các giá trị quan phổ quát sẽ càng nhiều. Các chính quyền chuyên chế trên toàn cầu sẽ đấu tranh chống lại sự giác ngộ chính trị ấy.

Điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ trở nên ổn định hơn và hòa bình hơn. Các cường quốc sẽ vẫn đọ sức với nhau. Khi phải chịu sức ép [của tầng lớp trung lưu] từ trong nước mình, các chính phủ rất có thể sẽ tìm kiếm kẻ thù ở bên ngoài biên giới. Sự cạnh tranh tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự không tương hợp giữa nguyện vọng của tầng lớp trung lưu toàn cầu mới nổi với khả năng [đáp ứng nguyện vọng đó] của chính phủ đều sẽ thúc đẩy các chính quyền chuyên chế đánh thức lũ ma quỷ của chủ nghĩa bài ngoại. Các định chế quản trị toàn cầu có thể bị rạn nứt mà không được hỗ trợ.

Phải chăng trong tương lai thế giới khắp nơi sẽ giàu có hơn và càng thiết tha đòi tự do hơn? Chắc hẳn sẽ có tin mừng cho những người giữ niềm hy vọng ấy.

Nguồn: Philip Stephens, “The great middle class power grab”, Financial Times, 26/04/2012.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn