Phẩm cách Đài Loan, phẩm cách Việt Nam

Thứ Tư, 22 Tháng Giêng 20202:00 SA(Xem: 4670)
Phẩm cách Đài Loan, phẩm cách Việt Nam
bbc.com

Phẩm cách Đài Loan, phẩm cách Việt Nam

Quốc Việt Gửi tới BBC từ Hà Nội

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn trong một cuộc vận động tranh cử ngày 5/1/2020 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn trong một cuộc vận động tranh cử ngày 5/1/2020

Hôm 13/01/2020, sau khi giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ Hàn Quốc Du thuộc đảng đối lập, Tổng thống Đài Loan bà Thái Anh Văn (đảng Dân chủ Tiến bộ) đã có bài diễn văn tri ân sự ủng hộ của người dân dành cho mình, đồng thời khẳng định chiến thắng của nền dân chủ.

Bà nói: "Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các cử tri đã tham gia vào cuộc bầu cử hôm nay. Bất kể là bạn đã bỏ phiếu cho ai, thì qua việc tham gia vào cuộc bầu cử lần này, các bạn đã đưa các giá trị dân chủ vào trong thực tiễn. Qua mỗi kỳ bầu cử tổng thống, Đài Loan đã cho thế giới thấy cái cách mà chúng ta quý trọng đời sống tự do, dân chủ, và cách mà chúng ta trân quý quốc gia của mình biết bao …" (xem bài diễn văn trên YouTube)

Đó chỉ là vài lời ngắn ngủi nhưng vô cùng đắt giá, đủ để nói lên phẩm cách của người dân lẫn đảo quốc Đài Loan. Và thật khó tin khi trước thập niên 1980, nơi này hãy còn bị cai trị bởi một chế độ "độc tài" theo đường lối chống cộng, hà khắc và vi phạm nhân quyền vào loại nhất thế giới.

Lãnh đạo Đài Loan khi ấy, cố tổng thống Tưởng Kinh Quốc (1910 - 1988) vốn là người từng được Liên Xô đào tạo, mê sách vở của Trosky, cho nên đã quá thấu hiểu nghệ thuật cai trị theo kiểu "bàn tay sắt" để có thể áp dụng lên mười mấy triệu dân của hòn đảo (hiện là hơn 23 triệu).

Nhưng mọi thứ đã thay đổi do sức ép từ phía Đại lục - dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản và chưa bao giờ ngừng muốn thu hồi Đài Loan, bên cạnh sự thúc giục của phương Tây, nhất là từ Mỹ.

Hiểu được dân chủ là chìa khóa để tồn tại, đích thân ông Tưởng đã bật đèn xanh cho một cuộc chuyển đổi ngoạn mục - dỡ bỏ thiết quân luật (1987), thả tù chính trị, cấm đàn áp, cho phép đối lập, tự do báo chí, … mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên vào năm 1996.

Từ đó đến nay, chỉ sau hơn 20 năm, bên cạnh sự thịnh vượng về kinh tế, Đài Loan thực sự đã trở thành một hình mẫu dân chủ đáng ngưỡng mộ ở châu Á, không hề thua kém phương Tây và được cả thế giới kính nể, bất chấp việc chỉ còn 14 nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức. Sở dĩ như vậy, đó là nhờ cả lãnh đạo lẫn người dân nơi đây đều biết tôn trọng và hành xử theo pháp luật - tức tinh thần "thượng tôn pháp luật".

Tháng 3/2014, trong sự kiện "phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương" (Sunflower movement), khi hàng chục ngàn người trẻ tuổi bao vây và chiếm đóng tòa nhà của Lập pháp Viện (Quốc hội) suốt hơn 20 ngày do lo ngại những điều khoản mập mờ trong Hiệp định hợp tác đầu tư Thương mại & Dịch vụ toàn diện hai bờ eo biển mà cựu tổng thống Mã Anh Cửu dự định ký với Bắc Kinh sẽ gây hại cho Đài Loan, chính quyền đã không đàn áp mà chọn giải quyết bằng đối thoại.

Còn về phía người dân, họ cũng đã tổ chức cuộc biểu tình hết sức ôn hòa, trật tự, hầu như không có xô xát để dẫn tới những tổn thương không mong muốn cho cả hai phía. Ai chứng kiến điều đó chắc hẳn đều cảm nhận được tương lai vô cùng hứa hẹn của Đài Loan và khâm phục người dân của đảo quốc.


Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã, đã thiệt mạng trong cuộc 'tập kích, bố ráp' hôm 09/01/2020 của chính quyền và cảnh sát vào thôn Hoành và xã Đồng Tâm Bản quyền hình ảnh Other
Image caption Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã, đã thiệt mạng trong cuộc 'tập kích, bố ráp' hôm 09/01/2020 của chính quyền và cảnh sát vào thôn Hoành và xã Đồng Tâm.

Nhưng Việt Nam đã không làm được như vậy. Trong biến cố "kinh hoàng" tại Đồng Tâm hôm 09/01, thay vì đối thoại, chính quyền đã chọn sử dụng vũ lực, để lại những nỗi đau rất khó chữa lành, chưa kể càng đẩy "dân oan" vào thế chống đối chính quyền và làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Đã có quá nhiều bài học: Tiên Lãng, Văn Giang, … song những cái đầu u mê dường như vẫn không chịu tỉnh.

Ngay trong bộ phim truyền hình Sinh tử vốn đã được kiểm duyệt rất kỹ và đang chiếu trên VTV nhằm nêu cao tinh thần chống tham nhũng, làm trong sạch hóa bộ máy chính quyền, ông bí thư tỉnh ủy Việt Thanh (tưởng tượng) Văn Thành Nhân (do NSND Trọng Trinh thủ vai) đã nói với cụ già, lãnh đạo tinh thần của người dân tại xã mất đất rằng: "Phải tin dân chứ cụ. Không tin dân thì tin ai? Mà tại sao lại phải sợ dân?"

Nhưng xem ra những người có thẩm quyền chỉ đạo trong chiến dịch Đồng Tâm đã không xem tập phim đó, hoặc có xem song không đủ năng lực nhận thức để hiểu thông điệp mà kịch bản phim muốn truyền tải.

p0805qpv

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Giới trẻ Đài Loan nói gì về chiến thắng của bà Thái Anh Văn?

Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép đủ đường, không chỉ trên biển, đất liền, mà còn cả về kinh tế, thậm chí chính trị, … rất cần sự hậu thuẫn của Mỹ cùng khối đồng minh để "thoát Trung".

Nhưng nếu hành xử như vậy thì chính quyền đâu còn tính chính danh hay chính nghĩa để mà kêu gọi các bên, nhất là "ông bạn vàng" tuân thủ nguyên tắc, luật pháp quốc tế.

Và có lẽ cũng chỉ những nhà nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Việt Nam, … mới chọn cách đó.

Chẳng còn hy vọng gì nữa, xin được trích câu hát trong bài Lời nguyện cho quê hương (tác giả Hải Linh) để thay lời kết: "Mẹ ơi! Đoái thương xem nước Việt Nam. Trời u ám bất công lan tràn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an. Đưa Việt Nam qua phút nguy nan … Mẹ ơi! Đoái thương dân chúng sầu đau. Tổ quốc thân yêu qua lúc bể dâu. Nước Việt Nam giông bão tan mau."

Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn