Khủng hoảng Iran: Donald Trump có thể ban hành thêm những trừng phạt nào?

Thứ Năm, 16 Tháng Giêng 20204:00 SA(Xem: 3785)
Khủng hoảng Iran: Donald Trump có thể ban hành thêm những trừng phạt nào?
rfi.fr

Khủng hoảng Iran: Donald Trump có thể ban hành thêm những trừng phạt nào?

Thùy Dương

Để trả đũa vụ Iran không kích hai căn cứ quân sự Mỹ tại Irak ngày 07/01/2020, ngay hôm sau, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ lập tức ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.

Nhiều người khi đó tự hỏi các biện pháp mới của Mỹ từ nay sẽ là gì, nhất là trong bối cảnh kinh tế Iran đã "chạm đáy", bởi vì kể từ năm 2018 khi chủ nhân Nhà Trắng rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran do người tiền nhiệm Barack Obama ký năm 2015, ông Trump đã không ngừng gia tăng các đòn trừng phạt nhắm vào chế độ Teheran.

Luật sư người Pháp Olivier Dorgans, thuộc Văn phòng Hughes Hubbard & Reed, chuyên gia về trừng phạt kinh tế và Iran, trên đài France 24 ngày 10/01/2020 - trước khi Washington chính thức công bố các biện pháp trừng phạt - nhấn mạnh là từ năm 2018, các đòn trừng phạt của Mỹ được khôi phục và dần được bổ sung nhắm vào các lĩnh vực dầu lửa, tài chính, kim loại quý, xe hơi, nhôm và thép, nên hiện nay chỉ còn rất ít lĩnh vực có thể bị nhắm tới.

Dù vậy, theo Sascha Lohmann, chuyên gia về trừng phạt quốc tế và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Viện Nghiên cứu của Đức về Chính trị và An ninh quốc tế (SWP), Mỹ vẫn còn có thể mở rộng phạm vi trừng phạt để tiếp tục gia tăng sức ép đối với Teheran. Washington có thể nhắm vào các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (không phải của Mỹ) giao thương với Iran, đặc biệt là các doanh nghiệp, ngân hàng Trung Quốc nhập khẩu hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán dầu lửa của Iran.

Trung Quốc và dầu lửa Iran

Trung Quốc là một trong những quốc gia gần đây nhất mới mua dầu lửa của Teheran. Với biện pháp trừng phạt những doanh nghiệp nước ngoài mua chất đốt của Iran, Washington “bắn một mũi tên trúng hai đích” : vừa ngăn cản Iran thu lợi nhuận từ nguồn dầu lửa, vừa khiến cho Bắc Kinh, đối thủ kinh tế lớn của Mỹ ở châu Á, gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc.

Thêm vào đó, một vài lĩnh vực hiếm hoi như du lịch, trợ giúp nhân đạo (mua bán dược phẩm) vốn vẫn chưa bị chính quyền Donald Trump nhắm tới, sau này rốt cuộc rất có thể sẽ bị Mỹ cho vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, luật sư người Pháp Olivier Dorgans lại nhận định các đòn trừng phạt chỉ mang tính phô trương về chính trị. Trên thực tế, do các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền tài chính Iran, đa phần các doanh nghiệp nước ngoài đã ngưng giao thương với quốc gia Trung Đông, bởi họ không muốn phải trả giá cho việc làm ăn với Teheran.

Đối với chuyên gia Dorgans, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, chẳng hạn nhắm vào một số doanh nghiệp đặc biệt, hoặc thêm tên các nhà lãnh đạo Iran vào “danh sách đen” của Mỹ cũng không đáng kể. Chính sách trừng phạt của Mỹ, nếu thực sự cứng rắn, sẽ thông qua việc triển khai thêm các biện pháp cho phép xác định dễ dàng hơn những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đáng bị trừng phạt, với các cuộc điều tra sâu hơn tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út.

Đây có lẽ là phương pháp phù hợp với chiến lược của Mỹ nhằm cô lập Iran theo kiểu “khiến giao thương với Iran trở nên tốn kém hơn nhiều so với lợi nhuận thu về”, theo nhận định với đài France 24 của ông Francesco Giumelli, phó khoa Quan hệ Quốc tế, đại học Groningen (Hà Lan). Rõ ràng là Washington hy vọng những nỗ lực để lách đòn trừng phạt của Mỹ sẽ quá tốn kém khiến các công ty nước ngoài phải từ bỏ ý định làm ăn với Iran.

Tín hiệu gửi đến các nước có ý định chế tạo bom nguyên tử

Trừng phạt một quốc gia mà nền kinh tế đã xuống chạm đáy là nhằm mục đích gì ? Không một chuyên gia nào được đài France 24 hỏi cho rằng các biện pháp trừng phạt của Washington sẽ buộc Teheran từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân hay “ngưng hậu thuẫn khủng bố” như Donald Trump từng tuyên bố.

Nhà chính trị học người Đức Sascha Lohmann nhấn mạnh việc chủ nhân Nhà Trắng trừng phạt Iran chủ yếu mang tính biểu tượng, quan trọng trong bối cảnh năm vận động tranh cử mới bắt đầu. Donald Trump “ăn miếng trả miếng” để cho cử tri thấy ông ta có hành động. Tuy nhiên, những đòn trừng phạt mới cũng nhằm phát đi một tín hiệu tới những quốc gia đang tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân. Theo chuyên gia Francesco Giumelli, đó là một cách để giới ngoại giao Mỹ đưa ra thông điệp : Quý vị hãy nhìn xem cái giả phải trả là gì, quý vị có thực sự sẵn sàng trả cái giá này không ?

Mặt trái

Tuy nhiên, chuyên gia Đức Lohmann cũng lưu ý chính sách của Washington có thể mang lại những mối nguy cho Hoa Kỳ. Khi đe dọa trừng phạt bất cứ công ty nào trên thế giới muốn làm ăn với Iran, Washington có thể làm mếch lòng một số nước đồng minh và làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia khác, chẳng hạn Trung Quốc, trong khi mối quan hệ hai nước chưa được cải thiện. Không những vậy, các biện pháp trừng phạt kinh tế Mỹ đưa ra còn có thể thúc đẩy một số nước tìm các phương thức thanh toán thay thế cho đồng đô la để tránh bị Mỹ trừng phạt và góp phần làm đồng tiền Mỹ suy yếu dần.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn