Campuchia: Chất thải từ mỏ vàng Trung Quốc khiến trâu bò chết hàng loạt

Thứ Bảy, 04 Tháng Giêng 20203:00 SA(Xem: 4022)
Campuchia: Chất thải từ mỏ vàng Trung Quốc khiến trâu bò chết hàng loạt

Dân làng ở tỉnh Kratie và Mondulkiri, Campuchia đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe sau khi chất thải độc hại từ các mỏ vàng của Trung Quốc chảy xuống sông làm cư dân địa phương bị bệnh, nhiều gia súc và cá bị chết hàng loạt.

campuchia
Một dòng suối bị ô nhiễm do dòng chảy từ chất thải mỏ vàng ở tỉnh Kratie, Campuchia. (Ảnh qua RFA)

Các nguồn tin cho biết, công ty Rong Cheng của Trung Quốc đang hoạt động tại quận Keo Seima, tỉnh Mondulkiri, Campuchia chính là một trong những tác nhân gây ô nhiễm.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, dân làng địa phương Saing Sary cho hay những chất hóa học do công ty Rong Cheng đổ xuống dòng sông đã hại chết cá ở những con suối gần đó, đồng thời hại chết trâu, bò trong làng.

“Con trai tôi đã đi bắt cá [ở khu vực nước bị ô nhiễm], sau đó mặt và cơ thể nó sưng lên. Ngoài ra, ít nhất 4 đến 10 con bò [trong làng] đã chết. Vì không thể lấy thịt đem bán nên chúng tôi đành để chúng tự phân hủy”, một dân làng kể lại.

Anh cho biết thêm, mặc dù cuộc sống của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng họ vẫn sợ phải ra mặt tố cáo 6 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Vì chính quyền đã đóng cửa các mỏ vàng nhỏ hơn do người Campuchia làm chủ, nhưng vẫn để yên cho các công ty Trung Quốc này hoạt động.

“Chúng tôi rất buồn vì gia súc của chúng tôi đang chết dần chết mòn”, một dân làng cho hay.

Bên cạnh đó, một người dân khác cũng cho biết các công ty khai thác vàng của Trung Quốc trong khu vực còn chặt cây trong làng để làm đường, nhưng chính quyền địa phương vẫn để mặc họ làm bất cứ điều gì họ muốn.

Rất nhiều người đã gọi đến công ty Rong Cheng, đồng thời liên hệ với ông Moeung Sochantha – phát ngôn viên tỉnh Mondulkiri, nhưng không nhận được phản hồi.

Đây chẳng khác nào một hành vi vi phạm nhân quyền”

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do, Eang Mengly, điều phối viên tỉnh thuộc Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Campuchia cũng cho biết nhà chức trách đã không điều tra các báo cáo về ô nhiễm và cũng không bắt các công ty vi phạm thỏa thuận bảo vệ môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Nếu các công ty này tiếp tục gây ra tác động tiêu cực trong vùng, dân làng sẽ bị ảnh hưởng và họ sẽ phải chịu đựng điều đó mỗi ngày. Đây chẳng khác nào một hành vi vi phạm nhân quyền”, Mengly nói.

Trước đó, hồi tháng 5/2018, một số nguồn tin cũng cho hay hàng trăm người dân tại tỉnh Kratie và Mondulkiri đã bị bệnh, hơn 10 người khác đã chết do hóa chất độc hại gồm crôm và xyanua dùng trong khai thác vàng được xử lý không đúng cách, sau đó ngấm xuống dòng sông.

Ngoài ra theo báo cáo của Water.org, tổ chức chuyên cấp các khoản tín dụng nhỏ cho việc lắp đặt hệ thống vệ sinh và cung cấp nước sạch tại Bangladesh và Campuchia, khoảng 6 triệu người Campuchia đang không được tiếp cận hệ thống vệ sinh đúng cách, 4 triệu người đang thiếu nước sạch. Trong đó, đến 80% người dân nông thôn không có đủ nước sạch để sinh hoạt.

Ngân Khánh (Theo RFA)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn