2019 : Một năm lao đao của chính phủ Pháp vì phong trào xã hội

Chủ Nhật, 29 Tháng Mười Hai 20193:00 SA(Xem: 3809)
2019 : Một năm lao đao của chính phủ Pháp vì phong trào xã hội
rfi.fr

 2019 : Một năm lao đao của chính phủ Pháp vì phong trào xã hội

Thu Hằng

Phong trào Áo Vàng chưa dứt, lại đến hàng loạt đình công biểu tình, chủ yếu từ giới công chức. Từ hơn một năm nay, chính phủ Pháp phải liên tục đối phó với làn sóng phẫn nộ trong đại bộ phận dân chúng. Giao thông công cộng tại Pháp, đặc biệt là ở Paris, gần như bị tê liệt vì đình công chống cải cách chế độ hưu trí khởi phát từ đầu tháng 12/2019.

Ngân sách hưu trí chiếm 13,7% GDP của Pháp, một mức khá cao trong Liên Hiệp Châu Âu, và có đến 42 quỹ hưu trí khác nhau, được gộp trong ba chế độ chính : chế độ cơ bản (hầu hết là lĩnh vực tư nhân), chế độ công chức (giáo viên, bệnh viện...) và chế độ đặc biệt (khoảng 300.000 người thuộc ngành đường sắt SNCF, RATP, điện lực EDF hoặc Ngân hàng trung ương Pháp, Nhà hát Paris…).

Đã nhiều đời chính phủ Pháp đều nhận thấy chỉ nên có một quỹ phổ phát chung cho mọi ngành nghề và phải tái cân đối quỹ này, nhưng mỗi lần cải cách đều vấp phải sự chống đối mãnh liệt, khiến nhiều chính phủ nhụt chí.

Làm việc lâu hơn, gộp 42 quỹ hưu trí thành một khối chung

Đơn giản hóa hệ thống hưu trí và xóa bỏ bất công giữa các chế độ là một trong những lời hứa khi tranh cử tổng thống của ông Emmanuel Macron : tính trợ cấp hưu trí theo điểm đóng góp ; kéo dài thời gian làm việc và thời gian đóng góp với chế độ thưởng-phạt nếu nghỉ hưu trước « tuổi cân đối » 64 (dù tuổi nghỉ hưu theo luật định là 62) ; bỏ đặc quyền đặc lợi của một số ngành nghề…

Một ngày sau cuộc biểu tình đầu tiên (05/12), và cũng có quy mô lớn nhất, phát động cho phong trào đình công kéo dài, thủ tướng Edouard Philippe tỏ ra « kiên quyết » nhưng hứa tiến hành cải cách từng bước :

« Công dân Pháp biết rằng 42 chế độ hưu trí khác nhau như hiện nay không thể kéo dài mãi. Họ biết rằng một ngày nào đó phải từ bỏ những chế độ đặc biệt. Họ cũng hiểu rằng dần dần, chúng ta phải làm việc lâu hơn. Tôi nói điều này không vui mừng gì cả, nhưng đây là thực tế đang diễn ra ở các quốc gia tương tự với Pháp. Và đó cũng là điều đang diễn ra ở Pháp một cách nào đó, đối với chế độ cơ bản, theo đó nhiều công dân nghỉ hưu sau tuổi quy định khá lâu hoặc lâu hơn nhiều.

Câu hỏi được đặt ra đối với những thay đổi này như sau : Liệu chúng ta muốn tiến hành một cách đột ngột, trong cấp bách hay chúng ta muốn áp dụng một cách hợp lý, từng bước, không bất ngờ trong khi chúng ta có thời gian. Và dĩ nhiên, chính phủ và phe đa số lựa chọn cách thứ hai ».

Về loạt đình công gây xáo trộn giao thông công cộng, thủ tướng Edouard Philippe như muốn « nhắc nhở » :

« Tôi muốn nói với họ rằng việc triển khai hệ thống hưu trí phổ quát kéo theo việc xóa bỏ các chế độ đặc biệt. Tôi không tin là người dân Pháp, về lâu về dài, có thể chấp nhận những chế độ hưu trí mà hiện có một số người được nghỉ hưu sớm hơn, hoặc sớm hơn rất nhiều, so với những người khác trong khi họ làm cùng một ngành nghề ».

Từ đầu tháng 12/2019, các nghiệp đoàn (CGT, FO, CFE-CGS, FSU) đường sắt (SNCF), giao thông công cộng, kêu gọi đình công trên quy mô toàn quốc để gây sức ép đối với chính phủ, nhưng người dân mới là những nạn nhân trực tiếp vì không có phương tiện di chuyển, đi làm.

Họ khốn khổ đứng chờ dưới mưa gió, chen chúc, xô đẩy trong những chuyến tầu xe hiếm hoi. Không tầu, không xe buýt, họ buộc phải đi bộ nhiều cây số, đổ xô đến dịch vụ thuê chung xe trượt trottinette, xe đạp, xe máy, ô tô. Nhiều người phải ngủ lại tại nơi làm việc sau khi tan ca muộn, thậm chí chủ một số cửa hàng cà phê, khách sạn phải thuê phòng cho nhân viên ở lại Paris.

Thời gian đi lại mất gấp đôi, gấp ba trong những ngày đình công so với thường lệ. Tỉ lệ tai nạn tại Paris, chủ yếu đối với xe hai bánh, đã tăng 40% kể từ đầu mùa đình công. Hai lần đỉnh điểm vào đầu tháng 12/2019, các ngả đường vào Paris bị tắc hơn 600 km.

Các nghiệp đoàn chống cải cách tỏ ra kiên quyết, còn chính phủ tìm cách duy trì đối thoại, đặc biệt là lấy lại sự ủng hộ của nghiệp đoàn cải cách CFDT sau khi vượt qua « làn ranh đỏ » ấn định mức « tuổi cân đối » là 64 tuổi. Đây là điểm mà chính phủ nên từ bỏ, theo phân tích của giáo sư lịch sử đương đại Frank Georgi, đại học Evry Paris-Saclé, khi trả lời RFI ngày 17/12 :

« Về logic mà nói, phạm vi hoạt động chủ yếu của chính phủ có lẽ là nên từ bỏ biện pháp quy định « tuổi cân đối » vì điều này sẽ giúp chính phủ phá vỡ mặt trận chung giữa các nghiệp đoàn, được hình thành từ khi biện pháp trên được thông báo. Nếu chính phủ nhân nhượng ở điểm này, thì các cuộc đàm phán với các nghiệp đoàn có khuynh hướng cải cách sẽ được nối lại, đó là các nghiệp đoàn CFDT, CFTC, UNSA. Dĩ nhiên, điểm này sẽ không giải quyết được các vấn đề khác, như mức độ nặng nhọc của công việc, chế độ đặc biệt hay vấn đề công chức… nhưng dù sao đó cũng là những vấn đề chính đối với một bộ phận tổ chức nghiệp đoàn đang ngừng mọi cuộc thương lượng, cho dù một bên vẫn nói muốn đàm phán, còn bên kia thì khẳng định mọi cánh cửa đều để ngỏ ».

Theo thăm dò của Harris Interractive, gần 2/3 người Pháp ủng hộ phong trào xã hội, nhưng cũng có đến 69% muốn chính quyền và nghiệp đoàn « hưu chiến » vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới đang đến gần. Theo giáo sư Frank Georgi, nếu chính phủ kiên quyết cải cách, các nghiệp đoàn sẽ tiếp tục gây sức ép và điều này có nguy cơ làm giảm sự ủng hộ của công luận, làm nản lòng người tham gia biểu tình, đình công. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phong trào Áo Vàng hụt hơi.

Phong trào Áo Vàng : Một năm nổi dậy của những người « bị lãng quên »

Phải nói rằng phong trào Áo Vàng chưa hề tan rã mà họ vẫn tuần hành, đóng tại các vòng xoáy giao thông cho đến tháng 11/2019. Các nhóm trao đổi vẫn giữ liên lạc và hoạt động trên các mạng xã hội.

Bùng phát từ tháng 11/2018 sau khi chính phủ thông báo tăng thuế xăng dầu, phong trào Áo Vàng là một hình thức đấu tranh đòi công bằng xã hội chưa từng có (không thủ lĩnh, không liên kết với nghiệp đoàn) của một bộ phận người dân tự nhận là thấp cổ bé họng, những người lao động có thu nhập thấp, những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải trả thuế nặng… trong số đó có rất nhiều phụ nữ (chiếm 47%), và rất nhiều người lần đầu tiên đi biểu tình. Cứ thứ Bẩy hàng tuần, họ lại xuống đường.

Ban đầu, chính phủ có vẻ xem nhẹ cấp độ, định để phong trào tự tan rã, nhưng nhanh chóng bị bất ngờ trước quy mô mà mức độ lan tỏa ngày càng rộng. Ngày 04/12/2018, hai tuần sau khi phong trào bùng nổ, thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố ngừng tăng thuế xăng dầu « trong vòng 6 tháng ». Nhưng quyết định được đưa ra quá trễ, không đủ làm dịu cơn phẫn nộ của người Áo Vàng. Từ những yêu sách về kinh tế-xã hội, họ dần đưa ra những đòi hỏi dân chủ hơn.

Trả lời tuần báo Le Point ngày 12/11/2019, nhà nghiên cứu chính trị Tristan Guerra giải thích tăng giá xăng dầu chỉ là « giọt nước làm tràn ly » cho những bức bách của họ :

« Phong trào xảy ra vào lúc mà người dân nhận được phiếu thuế, vào lúc mà họ phải đổ đầy kho trữ dầu đốt sưởi ấm mùa đông, sau một mùa hè chính phủ ra quyết định giảm tốc độ trên các tuyến đường liên tỉnh xuống còn 80 km/giờ…

Trong nước thì tồn tại tình trạng bấp bênh lớn và tâm trạng mệt mỏi về dân chủ nên chỉ cần thêm một loại thuế là làm thổi bùng mọi thứ. Những người Áo Vàng có cảm giác là những người duy nhất sản xuất ra của của cải vật chất, còn những người khác thì lại chiếm đoạt mất của họ với những loại thuế khác nhau. Đó là một kiểu tâm trạng dân túy kinh tế, đối lập giữa một bên là quần chúng lao động và bên kia là thành phần tinh hoa chính trị, truyền thông hoặc giới kinh tế hút hết của cải của họ ».

Trong những đoàn tuần hành ôn hòa, đặc biệt tại Paris, có rất nhiều thành phần thuộc nhóm Black bloc, mặc trang phục đen, trà trộn để đập phá, đốt xe, hôi của… Cả tháng 12/2018, dịp lễ tết cuối năm, ngành du lịch và thương mại ở những khu du lịch lớn Paris bị thất thu. Theo thống kê của chính phủ, được đài RTL đăng ngày 15/11/2019, tổng thiệt hại đối với tăng trưởng Pháp liên quan đến phong trào Áo Vàng là 2,5 tỉ euro. Khoảng 5.000 thợ thủ công và tiểu thương đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ, qua việc giãn thời hạn nộp các loại thuế và đóng góp, để tránh bị phá sản. Hơn 75.000 nhân viên từng bị thất nghiệp tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn, thương mại và giao thông.

Tình hình căng thẳng đã buộc tổng thống Pháp lên tiếng trấn an và tổ chức « Cuộc thảo luận toàn quốc » (Grand débat national) kéo dài trong hai tháng nửa đầu năm 2019. Ông Macron, cũng như nhiều quan chức chính phủ, lần lượt đến từng địa phương, lắng nghe chia sẻ những khó khăn, bận tâm của người dân thấp cổ bé họng.

Sau đó, một loạt biện pháp, với tổng chi phí lên đến 17 tỉ euro, được đưa ra để trấn an người dân : điều chỉnh trợ cấp hưu trí đối với mức lương dưới 2.000 euro so với mức lạm phát ; giảm 5 tỉ euro tiền thuế các loại ; thưởng đặc biệt và khoản tiền này được miễn thuế ; không đóng thêm cửa bệnh viện hoặc trường học cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống Macron…

Trong khi « lưỡi gươm » Áo Vàng vẫn treo lơ lửng, chính phủ Pháp lại phải chèo lái đưa con thuyền cải cách hưu trí vượt qua sóng gió phản đối, chưa hề có dấu hiệu tạm lắng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn