Trung Quốc: Thương chiến kéo dài dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực

Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20199:00 CH(Xem: 4163)
Trung Quốc: Thương chiến kéo dài dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không ngừng tiếp diễn, Trung Quốc có khả năng xuất hiện vấn đề hóc búa hơn cả kinh tế đi xuống, đó là khủng hoảng lương thực. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, năm 2020, Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 200 triệu tấn lương thực. Về vấn đề này, có học giả cho rằng khủng hoảng sẽ đe dọa đến chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ruộng lúa, gặt lúa, mùa màng
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, năm 2020, Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 200 triệu tấn lương thực. (Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Lần đầu tiên công bố Sách trắng an ninh lương thực sau 23 năm

Theo tờ Nam Hoa Tảo báo (SCMP) mới đây đưa tin có trích dẫn lời của nhà nghiên cứu David Laborde thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) cho biết, những áp lực do thay đổi khí hậu gây ra cho thấy ngành nông nghiệp cần có cuộc cách tân công nghệ, tuy nhiên chiến tranh thương mại làm tăng sự không chắc chắn, ảnh hưởng đến đầu tư vào lĩnh vực liên quan, “Giá lương thực tăng cao ít ảnh hưởng đến nước giàu, nhưng đối với những nước nghèo thì lại là vấn đề lớn, có khả năng còn dẫn đến hỗn loạn về chính trị.”

Trước đó, hồi tháng 10, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách trắng An ninh lương thực Trung Quốc. Văn kiện này nói rằng mặc dù chiến tranh thương mại và biến đổi khí hậu làm “tăng thêm nhân tố bất ổn định”, tuy nhiên cung ứng lương thực của Trung Quốc vẫn “rất ổn định”. 

Điều đáng chú ý là, sau 23 năm, đây là lần đầu tiên ĐCSTQ công bố báo cáo liên quan đến chủ đề đảm bảo lương thực, có chuyên gia chỉ ra, cách nói “bất ổn định” không chỉ đại biểu cho sự lo lắng của ĐCSTQ, mà nó còn đại biểu cho sự hoang mang. 

Diện tích đất canh tác phá vỡ ranh giới đỏ từ 1,8 tỷ mẫu xuống 1,55 tỷ mẫu

Diện tích đất trồng trọt của Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh, năm 2011, ĐCSTQ đề xuất giới hạn đỏ 1,8 tỷ mẫu (diện tích đất trồng trọt khi đó là 1,826 tỷ mẫu), đây là con số không thể bị phá vỡ được, cũng tức là giảm xuống dưới 1,8 tỷ mẫu thì người Trung Quốc không thể nào tự trồng trọt tự cung tự cấp nuôi sống mình được. 

Nhưng đến ngày 25/6/2018, số liệu chính thức mới nhất được công bố cho thấy, diện tích đất canh tác là là 1,55 tỷ mẫu. Chỉ trong thời gian 7 năm ngắn ngủi, từ con số 1,826 tỷ mẫu giảm xuống còn 1,55 tỷ mẫu, bình quân mỗi ngày giảm 108 mẫu đất, tương đương với diện tích của 11 sân bóng đá. 

Nguyên nhân căn bản gây ra hiện tượng này chính là công nghiệp hóa và bất động sản. Hàng loạt nhà máy, nhà ở đang chiếm lĩnh đất trồng vốn đã không còn nhiều với tốc độ nhanh chưa từng có. Một phương diện khác, do phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giá máy móc thu hoạch cũng không ngừng tăng cao, chi phí mà nông dân bỏ ra để trồng trọt quá cao đã khiến họ chỉ có thể từ bỏ trồng trọt. Lâu dần, khủng hoảng lương thực của Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng. 

Bình quân mỗi người Trung Quốc chiếm 0,1 hecta diện tích đất trồng trọt, tương đương với 1/3 diện tích đất canh tác trên đầu người trên thế giới. Khi phải dựa nhiều vào nhập khẩu, sẽ làm mất quyền tự chủ lương thực, tất nhiên sẽ dẫn đến khủng hoảng lương thực.

Năm 2020 Trung Quốc sẽ thiếu gần 200 triệu tấn lương thực

Theo số liệu được Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2018, tổng sản lượng lương thực toàn Trung Quốc giảm 0,6% còn 657,89 triệu tấn, giảm 3,71 triệu tấn so với năm 2017.

Năm nay, tổng sản lượng lương thực vẫn chưa có số liệu chính thức, tuy nhiên, trong mùa mưa lũ năm nay, mưa lớn và bão đã tấn công nhiều nơi của Trung Quốc, khiến cho khu vực sản xuất lương thực chính như vùng Đông Bắc Trung Quốc bị tổn thất nghiêm trọng. 

“Tôi đã làm nghề trồng trọt hơn 20 năm, chưa từng thấy qua mưa lớn như thế này.” Nông dân Hà Thụ Đông ở thành phố Hắc Hà thuộc khu vực sản xuất lương thực lớn nhất miền Bắc Trung Quốc chia sẻ với trang tin Caixin tại Đại Lục, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8 năm nay, vùng đất trũng đều bị ngập trong nước, “ngô đều bị ngập chết hết”. Một hộ trồng ngô ở thành phố Tùng Nguyên tỉnh Cát Lâm nói một cách buồn bã, mùa xuân đã trải qua hạn hán, cuối hạ lại gặp trận ngập úng hàng chục năm chưa từng có… 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, năm 2020, sản lượng lương thực Trung Quốc sản xuất đạt khoảng 554 triệu tấn, trong khi nhu cầu thực tế vào khoảng 700 triệu tấn, thiếu khoảng gần 200 triệu tấn. 

Hiện tại, tỷ lệ lương thực tự cung tự cấp của Trung Quốc chưa đến 80%. Quốc tế đều phổ biến cho rằng, khi một quốc gia có tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực chưa đến 90%, xã hội có thể bất an; chưa đến 70%, thì có thể dẫn đến xáo động. Cho nên, từ góc độ đảm bảo ổn định xã hội, lương thực của Trung buộc phải dựa vào nhập khẩu. Có học giả cho rằng, một khi xuất hiện thiếu lương thực nghiêm trọng, thể chế của ĐCSTQ sẽ lập tức đối mặt với nguy cơ sụp đổ. 

Trung Quốc là nước nhập khẩu lương thực nhiều nhất

Mỹ là nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, năm 2018, nhập khẩu lương thực của Trung Quốc lên đến 108,5 tỷ tấn, là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Lương thực mà Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ. 

Đối với khủng hoảng lương thực mà chiến tranh thương mại mang đến cho Trung Quốc, ông Hùng, một tác gia tại tỉnh Hồ Bắc chia sẻ với Đài Á châu Tự do cho biết, “Bởi vì lương thực chủ yếu của Trung Quốc đều nhập khẩu từ Mỹ, lương thực mà Mỹ xuất khẩu là rẻ nhất, nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thực sự bùng nổ, vậy thì nhập khẩu lương lực sẽ đối diện với nguy cơ rất lớn. Trong kho cũng không còn bao nhiêu lương thực dự trữ, còn lương thực nhập khẩu cũng không dễ dàng, tương lai Trung Quốc đối mặt với nguy hiểm thiếu lương thực.”

Một phương diện khác, thức ăn chăn nuôi cũng đối mặt với thách thức lớn, tỷ lệ đậu tương Trung Quốc tự cấp của chỉ có 15%, đậu tương chiếm 70% lương thực nhập khẩu của Trung Quốc. 

Cũng vì thế mà khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, cách làm ngừng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từng bị cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Long Vĩnh Đồ phản đối, nói Trung Quốc rất cần đậu tương, ngăn chặn nhập khẩu đậu tương từ Mỹ “là rất không sáng suốt”. 

Ông Lưu Khai Minh, người phụ trách Viện Quan sát xã hội đương đại Thâm Quyến cho biết, nếu chiến tranh thương mại leo thang thành xung đột chính trị quân sự toàn diện, đặc biệt là xảy ra xung đột trên biển Đông, Trung Quốc rất có khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực. Bởi vì trong số lương thực nhập khẩu, có đến 60% là nhập từ Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Huệ Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn