‘Cuộc khủng hoảng’ nguy hiểm hơn cả thương chiến

Thứ Hai, 02 Tháng Mười Hai 201910:00 SA(Xem: 4636)
‘Cuộc khủng hoảng’ nguy hiểm hơn cả thương chiến

Các khoản nợ công và nợ tư không là vấn đề lớn, nếu sự tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn và lãi nợ vẫn ở mức thấp.

Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi nếu một cuộc khủng hoảng tài chính mới ‘phủ bóng đen’ lên nền kinh tế toàn cầu, bởi tình huống này trước đây đã từng xảy ra.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, mức nợ toàn cầu đã ở mức ‘khó hiểu’, và Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng nợ mới. ‘Núi nợ’ đang lớn dần lên, không chỉ ở châu Á mà còn ở Mỹ và cả châu Âu. Và nhiều chính phủ đang thiên về xu hướng vay lớn trong những khu vực doanh nghiệp và các hộ gia đình, đặc biệt là ở Trung Quốc.

“Tại những nền kinh tế mới nổi, nợ là một vấn đề, nhưng khi bạn nhìn cái cách mà mức nợ tăng ở các nền kinh tế phát triển, thì vấn đề này cũng vô cùng lớn. Nếu tỷ lệ tăng nợ không giảm xuống, chúng tôi dự đoán mức nợ toàn cầu trước khi năm 2019 kết thúc sẽ lên tới 255.000 tỷ USD”, SCMP trích lời Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Changyong Rhee nói.

Theo số liệu gần đây nhất của IMF, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số nợ toàn cầu đã tăng thêm 7.500 tỷ USD, và đạt mức kỷ lục 251.000 tỷ USD.

‘Cuộc khủng hoảng’ nguy hiểm hơn cả thương chiến
Số liệu nợ toàn cầu từ 2008-2018. Ảnh: Bloomberg

Vấn đề nợ chồng chất đã khiến một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới phải chú ý. Họ lập luận (với học thuyết tiền tệ hiện đại) rằng, những chính phủ phát hành những đồng tiền thông dụng trên thế giới (như Đô la Mỹ, Euro, Yên Nhật) nên cho vay tự do để kích thích tài khóa, trong khi mức lãi suất thì vẫn giữ ở mức thấp.

Nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng nhận định rằng, chính sách tiền tệ như vậy không chỉ là ‘sân chơi riêng’ của những nước trên, và chính sách tài khóa cũng cần được thúc đẩy hơn nữa để hỗ trợ cho sự tăng trưởng, hoặc để ngăn chặn sự suy thoái về kinh tế.

Khi nhiều chính phủ muốn chi tiêu nhiều hơn, mà họ không phải tăng thuế lên người dân (bởi việc tăng thuế sẽ khiến những nền kinh tế của họ tiếp tục lâm vào tình trạng suy thoái), thì họ sẽ tiếp tục vay nhiều hơn, và điều này sẽ dẫn tới một cuộc tranh đua giữa các quỹ tài chính

Hệ quả là giá trị đồng tiền tăng lên do các ngân hàng trung ương sẽ in ít tiền đi. Và điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ lệ lãi suất không chỉ cho những chính phủ trên, và còn cả khu vực tư nhân đi vay tiền nữa.

Số liệu từ IIF cho biết, mức nợ khu vực doanh nghiệp toàn cầu (không tính tới các tổ chức tài chính) đến giữa năm nay đã lên tới 92% tổng số GDP toàn cầu. Chẳng hạn, mức nợ khu vực doanh nghiệp Trung Quốc ở mức 155% GDP đã vượt xa nhiều quốc gia khác, thì tỷ lệ này tại Hong Kong là 244%.

Lý do tại sao mức nợ tại Hong Kong lại cao tới vậy hiện chưa rõ, nhưng một chuyên gia cho rằng việc cho các công ty ở Hong Kong vay là một phương pháp để người dân ‘quốc gia tỷ dân’ tuồn tiền ra nước ngoài.

Một số quốc gia khác cũng có mức nợ khu vực doanh nghiệp cao như ở Nhật Bản là 98% GDP, Hàn Quốc là 94%, các công ty trong khu vực đồng Euro là 108% và Mỹ là 74% GDP.

Nợ chính phủ cũng là một vấn đề lớn, khi tỷ lệ nợ chính phủ tại Nhật Bản lên tới 228% GDP của nước này. Ở Anh, Mỹ và trong khu vực đồng Euro, tỷ lệ này đều ở mức trên 100% GDP.

‘Cuộc khủng hoảng’ nguy hiểm hơn cả thương chiến
Nợ chính phủ Nhật Bản trong 40 năm qua. Ảnh: Economicshelp

Nhiều chính phủ từ Trung Quốc tới Nam Phi, với những khoản nợ phải trả ‘được ngụy trang’ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Dĩ nhiên, Trung Quốc có thể’ quốc hữu hóa’ khoản nợ của nước này, giống với việc Nhật Bản làm với khoản nợ ngân hàng trong những năm 1990, nhưng gánh nặng về nợ vẫn sẽ cần được giải quyết.

Ngoài nợ doanh nghiệp và nợ chính phủ, chúng ta cũng cần lưu tâm tới vấn đề nợ ở mức hộ gia đình, nhất là ở Mỹ và một phần châu Á. Chẳng hạn nợ tại các hộ gia đình Hàn Quốc chiếm 94% GDP nước này, 84% ở Anh, 74% ở Mỹ, 74% ở Hong Kong và 54% ở Trung Quốc.

SCMP trích nhận định của nhiều chuyên gia thuộc IIF rằng, hiện đang có “rất nhiều lo ngại về việc nợ tiếp tục tăng vùn vụt sẽ có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ mới”. Và những cuộc khủng hoảng tài chính từng bất chợt xảy ra trên thế giới có vẻ như sắp tái diễn.

Tuấn Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn