Cốt lõi của TỰ DO là tự do kinh tế

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Một 20194:00 SA(Xem: 6417)
Cốt lõi của TỰ DO là tự do kinh tế

Từ cuối những năm 1800, sau sự vươn lên của Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Tân Tự do, Tư tưởng Tiến bộ, người ta thường có thái độ coi thường tự do kinh tế, cho rằng đấy là quan niệm thô lậu, không quan trọng – chỉ có những kẻ giàu có mới thực sự quan tâm mà thôi. Nhưng chủ nghĩa tự do nguyên thủy, trong những năm 1700, được Voltaire, Adam Smith, Tom Paine, và Mary Wollstonecraft cổ vũ là tự do kinh tế cho cả người giàu lẫn người nghèo và được hiểu là không can thiệp vào công việc của người khác.

Năm 1776, đấy là một ý tưởng hay và mới. Và trong hai thế kỷ tiếp theo, tư tưởng tự do đã chứng tỏ là nó có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc tạo ra người giàu có và tốt, từ những người từng tuyệt vọng và nghèo đói. Đừng bao giờ quên điều đó.

Trong những năm 1800, hầu hết những người có tư tưởng, ví dụ như Henry David Thoreau, là những người theo phái tự do kinh tế.

Khoảng năm 1840, Thoreau đã phát minh ra quy trình sản xuất cho nhà máy làm bút chì nhỏ của cha mình, giúp đưa công ty Thoreau và Con lên vị trí nhà sản xuất bút chì hàng đầu ở Mỹ trong suốt mười năm liền.

Ông vừa là doanh nhân, đồng thời là nhà bảo vệ môi trường và là một người bất đồng chính kiến. Khi việc nhập khẩu các loại bút chì chất lượng cao giành được thế thượng phong, công ty Thoreau và Con thôi không sản xuất bút chì nữa, và chuyển sang sản xuất than chì dùng cho nghề in khắc.

Đấy chính là tự do kinh tế.

Hành động đầu tiên của bạn là đề nghị cải thiện điều kiện sống của khách hàng, nhưng bạn không được có động thái ngăn chặn khách hàng tiếp cận với đối thủ cạnh tranh của bạn. Sau khi bạn đã làm một loạt hành động trong vòng đầu tiên, thì ở vòng thứ hai bạn sẽ bị người khác cạnh tranh. Khổ thế đấy.

Trong tác phẩm Bàn về tự do (On Liberty – 1859), nhà kinh tế học và triết gia John Stuart Mill tuyên bố:

“Xã hội thừa nhận không có quyền, về pháp lý hay đạo đức, giúp cho những người thua cuộc tránh khỏi những đau khổ kiểu như thế; và chỉ thấy cần can thiệp khi những phương cách được sử dụng để đạt lấy thành công, là trái với những gì mà quyền lợi chung cho phép – tức là dùng cách lừa đảo phản trắc hay cưỡng bức” (Bản dịch của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức, 2006).

Không có chủ nghĩa bảo hộ. Không có chủ nghĩa quốc gia về kinh tế. Người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, được quyền mua những cái bút chì tốt hơn và rẻ hơn.

Nghĩa là, tự do kinh tế là một phần của quyền tự do.

Trong thực tế, tự do kinh kế là quyền tự do mà đa số người dân bình thường quan tâm.

Đúng thế, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do kiến nghị với chính phủ, và bầu chính phủ mới, trong dài hạn, là những biện pháp cực kì cần thiết nhằm bảo vệ tất cả các quyền tự do. Trong đó có quyền tự do kinh tế là mua và bán.

Nhưng chỉ có một số ít người có học vấn mới coi trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do kiến nghị với chính phủ và quyền bầu chính phủ mới mà thôi. Đa số người dân thường không quan tâm tới tự do ngôn luận, miễn là họ, nếu muốn, có thể mở cửa hàng, và đến được nơi có công việc với đồng lương xứng đáng.

Phần lớn người Thổ Nhĩ Kỳ, sau năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Erdoğan, đã ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ trượt nhanh vào chủ nghĩa tân phát xít. Mussolini và Hitler đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và được lòng dân, trong khi họ đang tước đoạt một các quyết liệt các quyền tự do. Thậm chí một vài chính phủ cộng sản còn được nhân dân bầu lên – bằng chứng là trường hợp Venezuela dưới thời Hugo Chavez.

Nhân vật chính trong tác phẩm Forever Flowing của Vasily Grossman (1905-1964) – chỉ là một ví dụ về việc một nhà văn theo đường lối của Stalin đã chuyển hóa hoàn toàn sang phía chống cộng – tuyên bố:

“Tôi đã từng nghĩ tự do là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lương tâm. Nhưng thực ra là: Bạn phải có quyền gieo cấy những thứ mà bạn muốn, bạn có quyền khâu giày hay may áo khoác, nướng bánh mì bằng bột làm từ những hạt lúa mì mà bạn đã trồng cấy được, và bán hay không bán … có quyền tự do làm việc theo ý bạn chứ không phải theo lệnh của họ”.

Trong những năm 1870, con người thánh thiện như Adam Smith đã rất tức giận trước những vụ can thiệp nhằm ngăn chặn, và không cho người lao động ở Anh được tự do đi lại để tìm kiếm việc làm có lợi nhuận cao.

“Tài sản mà mỗi người đều nằm trong sức lao động của người đó, vì nó là nền tảng đầu tiên của tất cả các tài sản khác, vì thế, sức lao động là thiêng liêng nhất và bất khả xâm phạm. Ngăn cản người ta sử dụng sức lao động… theo cách mà người đó nghĩ là thích hợp mà không làm hại người láng giềng, là vi phạm trắng trợn thứ tài sản rất mực thiêng liêng này”.

Một cách đáng ngạc nhiên, tự do kinh tế đã làm cho cả thế giới giàu lên về về hàng hoá và dịch vụ một cách nhanh chóng.

Đến mức nào?

Năm 1800, thu nhập bình quân đầu người ở những nước như Thụy Điển hay Nhật Bản, tính bằng mức giá cho năm 2018, là khoảng 3 USD/ngày. Hiện nay là hơn 100USD/ngày, tức là tăng 3.200%. Không phải 100% hay thậm chí 200%, mà là 3.200%.

Của cải tăng lên không phải gấp hai lần, như thường xảy ra trong những giai đoạn bùng nổ trước kia – ví dụ như ở Hy Lạp cổ đại hay thời nhà Tống ở Trung Quốc, để có thể quay về mức 3 USD/ngày. Nó đã tăng lên những ba mươi ba lần.

Không còn nạn đói. Con người phát triển cao lớn hơn. Tuổi thọ tăng gấp đôi. Nhà ở rộng hơn. Đi lại nhanh hơn. Học vấn cao hơn. Nếu bạn còn nghi ngờ, xin hãy xem những đoạn băng video của Hans Rosling (đã quá cố) tại Gapminder.

Những lời giải thích thường thấy của các nhà kinh tế học và sử học về Khối Tài sản Khổng lồ (The Great Enrichment), vì thế là không chính xác.

Quá trình tích lũy vốn hoặc khai thác thuộc địa không phải là nguyên nhân.

Tính khéo léo (ingenuity) mới là nguyên nhân. Mà chính cái tính khéo léo ấy, sở dĩ có thể được tạo ra, là bởi vì từ sau năm 1800, con người đã được hưởng những quyền tự do mới.

Viễn kiến của chủ nghĩa tự do về bình đẳng, tự do và công bằng đã khiến cho rất nhiều người trở thành dũng cảm. Trước hết là những người tự do và giàu có, rồi đến những người nghèo, rồi tới những người từng là nô lệ, rồi tới phụ nữ, những người đồng tính, rồi đến người tàn tật, v.v.

Khiến cho mọi người trở thành tự do đã trở thành hiện thực (mà đây vốn là một thí nghiệm chưa bao giờ được thực hiện ở quy mô lớn như vậy), với ngày càng có nhiều người dân được truyền cảm hứng và có thể tự thử sức.

“Tôi chứa nổi vô số thứ”, nhà thơ của chủ nghĩa tự do mới từng cất tiếng ca lên như thế. Và ông đã làm đúng với điều đó. Ông và bạn bè của ông đã thử động cơ hơi nước và các viện nghiên cứu, với đường sắt, trường công lập, đèn điện, các tập đoàn, kỹ thuật mã nguồn mở, chở hàng bằng container và Internet.

Chúng ta trở nên giàu có bằng cách để cho những người dân bình thường được hưởng quyền tự do kinh tế.

Và bây giờ, chúng ta đã vươn ra bên ngoài vùng trung tâm của Tây Bắc Âu.

Trung Quốc sau năm 1978, cũng như Ấn Độ sau năm 1991, bắt đầu từ bỏ lý thuyết xã hội chủ nghĩa phi tự do của châu Âu – vốn được hình thành vào giữa những năm 1800 và đã được “xuất khẩu” đến gần 1/3 diện tích địa cầu vào trước năm 1970.

Kết quả của việc chuyển sang chủ nghĩa tự do về kinh tế, là sức tăng trưởng hằng năm của hàng hóa và dịch vụ dành cho người nghèo ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã tăng từ mức 1%/năm (đôi khi còn âm) thời xã hội chủ nghĩa lên đến mức 7-12%/năm.

Với tốc độ tăng trưởng như thế, chỉ cần hai hoặc ba thế hệ là cả hai nước sẽ có mức sống của Châu Âu. Đối với 40% dân số hiện nay, đấy không còn là mơ ước viễn vông nữa.

Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan cũng làm ra nhiều của cải như thế trong giai đoạn tương tự. Chủ nghĩa tự do mới và chính phủ trung thực ở Ireland và Botswana cũng tạo ra những câu chuyện thành công đáng ngạc nhiên khác.

Đương nhiên là, một chính phủ phi tự do về kinh tế có thể vay vốn từ các nước tôn trọng tự do. Ví dụ từ năm 1917 đến năm 1989, Liên Xô đã làm như thế. Và trong một thời gian dài, thậm chí nhiều nhà kinh tế học ở phương Tây cũng tin vào câu chuyện cổ tích của nước này, rằng kế hoạch hóa tập trung đạt được hiệu quả. Năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, chúng ta đã tìm ra câu trả lời khẳng định rằng, kế hoạch hóa không có hiệu quả, không chỉ đối với nền kinh tế, mà còn đối với môi trường và các quyền tự do khác.

Singapore đôi khi được nêu lên như một ví dụ về một nền độc tài thông minh. Trung Quốc cũng thế, nước này vẫn do thành phần ưu tú của các đảng viên cộng sản cao cấp cai trị. Tuy nhiên, người dân cả hai nước đều được hưởng khá nhiều quyền tự do kinh tế, mặc dù các chính phủ tại đó vẫn bỏ tù những người có tư tưởng chính trị đối lập.

Giàu có sẽ dẫn đến những đòi hỏi về tất cả các quyền tự do, tự do chính trị, cũng như tự do kinh tế.

Đó là những gì mà người dân đã làm ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Người giàu sẽ không tiếp tục chịu đựng cảnh nô lệ nữa. Và dù nói thế nào thì thành tích trung bình của các chế độ độc tài là thảm hại về kinh tế, ví dụ như Zimbabwe, sát nách nước Botswana thịnh vượng. Hay ta có thể thấy điều đó trong lịch sử lâu dài và ảm đạm của chủ nghĩa phi tự do trên toàn thế giới, kể từ khi con người phát minh ra ngành nông nghiệp cho đến năm 1800.

Phúc âm của Kitô giáo đã hoàn toàn chính xác khi cho rằng, “Nếu một người chiếm được cả thế giới, nhưng mất đi linh hồn thì lại có ích gì?”.

Những tuyên bố chống lại chủ nghĩa tự do kinh tế luôn luôn theo cùng một kiểu. Đó là, ngay cả khi nếu khi chúng ta được hưởng lợi từ thế giới vật chất, thì chúng ta đánh mất linh hồn.

Cánh cực tả nói với chúng ta rằng, tự do trao đổi về bản chất là xấu. Bất cứ sự khuếch trương nào cũng chỉ là khuếch trương cái ác mà thôi.

Cánh cực hữu thì lại nói với chúng ta, trao đổi tự do chẳng là gì so với niềm vinh quang của cấp bậc và chiến tranh.

Nhưng tất cả những gì mà cánh cực tả lẫn cực hữu, cũng như phái trung dung phàn nàn về “chủ nghĩa tiêu thụ”, là đều sai.

Bằng chứng là, chủ nghĩa tự do kinh tế không làm chúng ta hư hỏng, Mà ngược lại, đã làm cho chúng ta có đạo đức hơn, cũng như giàu có hơn hẳn. Nó làm cho chúng ta giàu lên theo cả hai nghĩa, vật chất và tinh thần.

Vì lí do là, việc trao đổi mà hai bên cùng có lợi không phải là trường dạy đạo đức tệ hại nhất. Nó hoàn hảo hơn thái độ tự cao tự đại của các nhà quý tộc hay thái độ xấc xược của các quan chức.

Trong chủ nghĩa tự do về kinh tế, có hàng triệu con đường đầy vinh quang, có thể đưa ước muốn thành công của con người tới đích, từ xây dựng mô hình đường sắt tới lĩnh vực giải trí. Khác hẳn với những xã hội phi tự do, mà trong đó chỉ có một con đường hẹp, với các tòa án, bộ chính trị hoặc quân đội.

Chúng ta không đánh mất linh hồn trong thương mại mà đang nuôi dưỡng nó.

Hiện nay, ngay cả trong những xã hội tự do, quân đội vẫn được ngưỡng mộ, người ta ca ngợi quân đội vì “tinh thần phục vụ” của nó.

Thế nhưng, tất cả các hành vi kinh tế giữa những người trưởng thành đều mang tinh thần phục vụ cả.

Những thói quen mang tính đạo đức của thương mại được thể hiện mỗi ngày, theo cách mà một chủ cửa hàng ở Mỹ chào hỏi khách hàng: “Tôi có thể giúp được bạn điều gì không?”

Kết quả là gì? Các khán phòng hòa nhạc và viện bảo tàng ở các nước giàu có lúc nào cũng đầy khách tham quan. Các trường đại học phát triển liên tục, và những kẻ tìm kiếm phương pháp khiến cho tâm hồn được thăng hoa – nếu không phải thuộc về các nhà thờ tôn giáo truyền thống – cũng đang gia tăng.

Người ta không thể dành nhiều thời gian cho sự thăng hoa trong nghệ thuật, trong khoa học, trong bóng chày, hay trong gia đình hoặc Thiên Chúa, khi phải đầu tắt mặt tối làm việc từ rạng sáng tới tối mịt.

Chủ nghĩa bảo hộ mới là lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ trên toàn cầu gia tăng, và khiến cho con người trở nên nghèo đói, hủ bại.

Cách tốt nhất để làm cho người ta trở nên xấu xa và nghèo đói là các xã hội phi tự do của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, và thậm chí là cả chủ nghĩa xã hội đầy hấp dẫn nhưng với quá nhiều quy định.

Phụ nữ trong chế độ độc tài thần quyền của Saudi Arabia chỉ được luẩn quẩn trong xó nhà, không được làm cả những việc như lái xe ô tô. Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của phái cực hữu có tên là Alt-Right đang bần cùng hóa mọi người, vì nói gì thì nói, họ cũng ngăn chặn và không cho chúng ta tiếp xúc với những ý tưởng từ thế giới rộng lớn bên ngoài.

Nếu quá trình cải thiện điều kiện sống ở Mỹ đang chậm lại – một khẳng định đáng ngờ, nhưng được nhiều người chia sẻ – thì chúng ta cần các nước mới giàu có như Trung Quốc hoặc Ấn Độ giúp đỡ, chứ không phải đóng cửa để “bảo vệ việc làm” ở trong nước.

Logic của phái bảo hộ sẽ khiến cho chúng ta phải sản xuất tất cả mọi thứ ở Illinois hay Chicago, hoặc trong những đường phố ở địa phương của chúng ta – bất kể là sản xuất bột ăn sáng, chế tác đàn Accordions, chế tạo máy vi tính. Xét về kinh tế học, logic này là ngớ ngẩn, nhưng chủ nghĩa dân tộc thì đang khuấy động nó lên.

Cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, và cả cái bản năng thích áp đặt của các chính phủ mang tính cưỡng bức nằm ở giữa phổ chính trị, là can thiệp quá nhiều vào công việc của người khác.

Ở Mỹ, hơn một nghìn ngành nghề cần có giấy môn bài của chính phủ. Muốn mở một bệnh viện mới, thì lại phải cần các bệnh viện hiện hành cung cấp giấy chứng nhận là có nhu cầu. Ở Tennessee, nếu bạn muốn mở một công ty vận chuyển đồ gia dụng – với hai người đàn ông và một chiếc xe tải – luật pháp buộc bạn phải được các công ty đang làm việc này đồng ý.

Những biện pháp bảo vệ những công việc hiện có người đang làm, gây ra nạn thất nghiệp hàng loạt, cũng như dễ dẫn đến bùng nổ về chính trị trong giới trẻ trên khắp thế giới. Một phần tư người Pháp dưới 25 tuổi và đã thôi học hiện đang thất nghiệp. Ở Nam Phi, tình hình còn tồi tệ hơn nữa.

Tuy nhiên, những người theo phái tự do chân chính và nhân văn không phải là những người vô chính phủ (xuất phát từ tiếng Hy Lạp-archos, không có người cai trị).

Người ta có thể thừa nhận rằng, giảm một chút quyền tự do kinh tế bằng cách đánh thuế người giàu nhằm giúp đỡ người nghèo, ví dụ như giáo dục công lập, là tốt. Không có ai phản đối – Smith và Mill và thậm chí Thoreau cũng đồng ý như thế.

(Đúng là chính phủ to lớn thường giúp đỡ những người giàu có và quyền lực, ví dụ như bảo hộ nông dân ở Mỹ và Thị trường Chung [Common Market]. Các chính phủ to lớn thường tuân theo phiên bản đáng ghê tởm của Luật Vàng [Golden Rule], mà cụ thể là, người có vàng thì cai trị).

Và có thể công nhận rằng, thí dụ như người Canada xâm lược Mỹ, thì để phục vụ quốc phòng, việc phải giảm bớt tự do kinh tế trong một thời gian, có thể là có ích. Chả có ai phản đối gì ở đây cả. (Tuy nhiên, các chính phủ lớn thường phá vỡ hoà bình để tiến hành những cuộc chinh phục mà họ cho là vinh quang. Họ thậm chí sẵn sàng lấy người Canada ra để làm cớ dọa nạt).

Tốt nhất là phải “nhốt” chính phủ trong cái lồng cơ chế.

Những người theo phái tự do tin rằng giải pháp là hạn chế quyền lực của chính phủ, ngay cả khi đấy là một chính phủ được lòng dân.

Vì rất đáng tiếc là, chủ nghĩa phát xít thường được lòng dân, còn chủ nghĩa cộng sản thì đôi khi cũng được lòng dân. Các phiên bản ôn hòa của hai chủ nghĩa này, tức là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã rất được lòng dân – trước khi những chế độ này mắc sai lầm nghiêm trọng.

Người dân từng ủng hộ việc đàn áp người nước ngoài (Châu Âu, tháng 8 năm 1914), và bữa ăn miễn phí khi chính phủ kiểm soát nền kinh tế (Venezuela, tháng 8 năm 2017).

Vậy nên, chính phủ cần phải bị kiềm chế. Trong số 190 chính phủ trên thế giới được xếp hạng về trung thực, thì New Zealand đứng đầu còn Bắc Triều Tiên đứng cuối bảng.

Chúng ta có thể xem 30 chính phủ trên cùng, là những chính phủ đủ trung thực để hoàn thành nhiệm vụ. Tây Ban Nha là nằm ở cận biên. Anh và Mỹ hội đủ điều kiện. Italy, xếp thứ 75 và ngay bên trên Việt Nam, thì không.

Nhưng 30 chính phủ tương đối trung thực đứng đầu bảng chỉ phục vụ có 13% dân số thế giới.

Các phép toán đã cho thấy, vì sao thái độ lạc quan của những người dễ thương bên cánh tả và những người không dễ thương như thế bên cánh hữu, về việc khuếch trương quyền lực phi tự do của chính phủ, là ngây thơ.

Thoreau từng viết, đúng theo phong cách của phái tự do, “Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm: ‘Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất’ và mong ước phương châm ấy được áp dụng vào thực tế một cách có hệ thống hơn và càng nhanh càng tốt”.

Đúng là như thế, với một vài ngoại lệ khiêm tốn.

Tác giả, Giáo sư Deirdre Nansen McCloskey đã dạy kinh tế, lịch sử, tiếng Anh và truyền thông ở Đại học Chicago, Illinois từ năm 2000 đến năm 2015. Bà là nhà kinh tế học, sử gia và nhà hùng biện nổi tiếng, đã viết 17 cuốn sách và khoảng 400 bài báo về các chủ đề từ kinh tế kỹ thuật và lý thuyết thống kê, đến ủng hộ người chuyển giới và đạo đức của giai cấp tư sản.

Cuốn sách mới nhất của bà, xuất bản tháng 1 năm 2016 ở University of Chicago Press có nhan đề Bourgeois Equality: How Ideas, Not Capital or Institutions, Enriched the World.
( Luật Khoa )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn