Đánh giá 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc: Nước Nga tiếp tục bị chia rẽ

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Một 20192:00 SA(Xem: 3826)
Đánh giá 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc: Nước Nga tiếp tục bị chia rẽ
vi.rfi.fr

Đánh giá 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc: Nước Nga tiếp tục bị chia rẽ

Trọng Thành

mediaEast Side Gallery, mảng lớn nhất còn lại của bức tường Berlin, 21/10/2014.REUTERS/Fabrizio Bensch

Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài vở để nói về dịp 30 năm Bức tường Berlin chia rẽ Đông – Tây sụp đổ, ngày 09/11/1989, mở đầu cho sự chấm dứt của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Sự kiện thì chỉ có một, nhưng có rất nhiều đánh giá khác nhau.

Les Echos ghi nhận: Berlin kỉ niệm 30 năm trong không khí trầm lắng, trong bối cảnh cách biệt giữa hai miền nước Đức còn rất lớn. Libération nhấn mạnh : Chiến tranh Lạnh chấm dứt không hề đồng nghĩa với việc Lịch sử cáo chung, như một số tiên đoán, mà là sự lên ngôi của ''các hình thức thống trị mới'' trên phạm vi toàn cầu.

Trước hết xin giới thiệu bài phân tích trên Le Monde, mang tựa đề ''Giữa Nga và phương Tây, bất đồng tiếp tục về giai đoạn chấm dứt Chiến tranh Lạnh'', do phóng viên Benoit Vitkine gửi về từ Matxcơva. Nói về những khác biệt giữa Nga và Phương Tây, trên thực tế, Le Monde nhấn mạnh nhiều hơn đến những chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ nước Nga, về giai đoạn chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Đối với phương Tây, vấn đề Chiến tranh Lạnh kết thúc, thắng lợi thuộc về ai là điều ít còn gây tranh cãi. Sự kiện Bức tường Berlin - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh - sụp đổ lâu nay vẫn được kỷ niệm như chiến thắng của nền dân chủ tự do và sự phá sản của chế độ cộng sản Xô Viết.

Thế nhưng tại Nga, giai đoạn 1989-1991 (tức từ khi Bức tường Berlin sụp đổ đến khi Liên Xô giải tán) vẫn được nhìn nhận một cách hết sức khác nhau. Theo một thăm dò dư luận gần nhất về chủ đề này, hồi 2009 (do viện VTsIOM thực hiện), có đến 44% người được hỏi đã không thể trả lời câu hỏi ''Ai là bên chiến thắng'', 27% trả lời : Không có bên nào. Chỉ có 8% cho rằng Hoa Kỳ thắng, 6% khẳng định bên thắng là Liên Xô.

Le Monde ghi nhận việc đa số người Nga không khẳng định chỉ có một bên chiến thắng trong sự cáo chung của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh đã phản ánh đúng quan điểm của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachov.

Chiến tranh Lạnh chấm dứt là ''chiến thắng chung''

Ngược lại với quan điểm phổ biến ở phương Tây, Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống, hai ý thức hệ (sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc khối cộng sản thất thủ), giới lãnh đạo Nga thời đó, đứng đầu là ông Gorbachov, nhìn nhận Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân không xảy ra đồng nghĩa với việc ''trận đấu không có tỉ số''.

Theo cách nhìn nhận này, tiến trình kết liễu Chiến tranh Lạnh đã khởi đầu với một loạt thỏa thuận nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, giải Nobel Hòa bình 1990, lưu ý: ''Chiến tranh Lạnh chấm dứt là một chiến thắng chung, đạt được thông qua đối thoại và thương lượng, về những vấn đề rất khó khăn, liên quan đến an ninh và giải trừ vũ khí''.

Riêng về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, đối kháng trong nội bộ xã hội Nga thể hiện rõ : có đến 22% người được hỏi coi đây là một biến cố tích cực với nước Nga (cơ hội để giải phóng Nga khỏi chế độ toàn trị), ngược lại 18% cho đây là ''biến cố tiêu cực''.

Thái độ hai mặt của chính quyền Putin

Theo nhà phân tích Tatiana Stanovaia, giám đốc Viện tư vấn R. Politik, chính quyền Putin có một thái độ hai mặt với giai đoạn lịch sử này. Một mặt ông Putin và các đồng sự không công khai phủ nhận ''thất bại của cuộc Chiến tranh Lạnh'', mặt khác đặc biệt kể từ năm 2014, điện Kremlin muốn lờ đi giai đoạn lịch sử này, để phổ biến trong công luận một quan điểm có lợi hơn cho chính quyền.

Hai luận điểm chính mà chính quyền Putin muốn dân chúng tin tưởng là : Phương Tây đã bội ước trong cam kết không mở rộng NATO về phía đông, và đặc biệt điều thứ hai, tổng thống Gorbachev đã ''quỳ gối trước các đối thủ''. Trên các kênh truyền thông chính thức của Nhà nước Nga, ông Gorbachev bị lên án là kẻ hèn hạ, và bị coi là tội đồ làm Liên Xô tan rã, thậm chí bị coi là có trách nhiệm còn hơn cả Hitler trong việc làm đế chế Đức sụp đổ.

Trên thực tế, trong nội bộ giới thân cận với tổng thống Putin, cũng có nhiều giải thích trái ngược về ý nghĩa của việc Liên Xô tan rã. Dân biểu Viatcheslav Nikonov, cháu của một bộ trưởng thời Stalin và một ''đệ tử'' của Putin, coi việc chấm dứt chiến tranh Lạnh là một quyết định của nước Nga, ''cho phép Nhà nước Nga được hồi sinh''.

Nhà nghiên cứu Nga Andrei Zoubov, một lãnh đạo đảng Dân Chủ Parnas (Nga), nhấn mạnh việc quy tội cho ông Gorbachov trong việc làm cho Liên Xô bị giải thể có nhiều nét giống với tư tưởng của phong trào phục thù của một số thế lực chính trị tại Đức, sau Thế chiến thứ nhất (phong trào tiền thân của chủ nghĩa phát xít sau này). Cựu giáo sư Viện Nhà nước về Quan hệ quốc tế, ở Nga, nhấn mạnh cổ vũ cho tư tưởng phục thù này chính là ''các cựu nhân viên KGB''.

''Ảo ảnh'' Cách mạng tháng 10

Về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, tờ l’Humanité đưa trên trang nhất hàng loạt hình ảnh lưu trữ cho thấy người dân Berlin phấn chấn trong cái ngày lịch sử, chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh trong hòa bình. Nhật báo của đảng Cộng Sản Pháp khẳng định với nhiều hoài niệm : ''Chấm dứt một ảo ảnh của thế kỷ XX'', khi người ta từng tin là mặt trời mọc lên từ nước Nga, với cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917. Ảo ảnh từng được nuôi dưỡng với vai trò của Liên Xô với chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Trên toàn thế giới, rất nhiều người đã từng tin theo lý tưởng của nước Nga, sẵn sàng hy sinh cuộc sống và tự do của chính mình.

Về sự kiện 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, báo Libération có bài phỏng vấn nhà chính trị học kỳ cựu Bertrand Badie, nhấn mạnh đến việc các nước phía Nam trở thành trung tâm của một đấu trường mới, với sự lên ngôi của chủ nghĩa tân tự do và những phản kháng chống lại ''những hình thức thống trị mới''.

Nước Đức trầm lắng

Berlin đón mừng dịp 30 năm Bức tường sụp đổ trong ''không khí không hân hoan'' là tựa đề một bài viết trên Les Echos. Tổng cộng khoảng 200 sự kiện được tổ chức trong đợt kỷ niệm này. Ngày mai, một nghi thức trọng thể sẽ diễn ra tại Berlin, với các khách mời là lãnh đạo Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Hungary. Chính quyền Đức muốn tôn vinh đóng góp của các quốc gia Trung Âu cho ''cuộc cách mạng hòa bình'' năm 1989.

Tuy nhiên, không khí được đánh giá trầm lắng, đặc biệt do tâm trạng của người dân Đông Đức cũ, nơi đảng cực hữu được đến 12% cử tri ủng hộ. Les Echos chỉ ra nhiều lý do khiến cho người dân miền đông nước Đức cảm thấy thất vọng, trong đó có việc 80% các vị trí lãnh đạo do người miền tây phụ trách, và miền đông vẫn tụt hậu trong các lĩnh vực công nghiệp truyền thống, cho dù ''thách thức về khí hậu'' có thể mở ra các triển vọng mới cho các bang miền đông, với sự hình thành các ngành nghề mới.

Một nhân chứng khác, nhà báo Alain Auffray thuật lại với Libération về những kỉ niệm sống động về ngày Bức tường sụp đổ, mà ông vẫn coi là ''cái ngày dài nhất, vui sướng nhất'' trong đời mình. Ông đưa ra cái nhìn lạc quan hơn khi thừa nhận, chỉ một thế hệ không thể nào thống nhất được hai miền nước Đức, như mong muốn.

La Croix cũng nhắc đến khoảng cách lớn giữa hai miền nước Đức, khoảng cách mà theo nhiều chuyên gia sẽ khó lòng lấp được. Theo một thăm dò dư luận của Viện kinh tế IFO, 69% chuyên gia Đức không tin là miền đông sẽ không bao giờ có thể bắt kịp miền tây do ''các bất lợi mang tính cấu trúc'', như về mạng lưới công nghiệp, hay tình trạng dân cư thưa thớt, đặc biệt bên ngoài các thành phố lớn.

Tăng trưởng 1,1% : Gáo nước lạnh với châu Âu

Trở lại thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến viễn cảnh tăng trưởng của Liên Âu dự kiến trong năm nay chỉ là 1,1% GDP, so với 1,9% hồi năm ngoái. Số liệu được công bố hôm qua được coi là một gáo nước lạnh đối với các lãnh đạo châu Âu

Trở về nước sau chuyến công Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức khẳng định Liêu Âu phải điều chỉnh tận gốc rễ chính sách phát triển, tăng cường đầu tư cho các công nghệ mũi nhọn, như đám mây điện toán, mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo… Chỉ có như vậy Liên Âu mới thoát khỏi nguy cơ bị Trung Quốc và Mỹ đè bẹp. Theo nguyên thủ Pháp, đầu tư quá thấp cho lĩnh vực công nghệ là thách thức kinh tế lớn nhất của châu lục.

Tổng thống Pháp dường như đang thúc đẩy những thay đổi lớn trong chính sách của châu lục. Les Echos cũng chú ý đến một phát biểu khác của tổng thống Macron, khi ông khẳng định khối NATO trong ‘‘tình trạng chết não'' gây sốc, nhằm thúc đẩy Liên Âu nỗ lực phát triển năng lực phòng thủ riêng, điều hoàn toàn trái ngược với quan điểm của thủ tướng Đức. Đối với bà Angela Merkel, NATO tiếp tục là một trụ cột của nền an ninh châu Âu, trụ cột này ''cần được tiếp tục cải thiện''.

Hiểm họa Trung Quốc đánh thức khát vọng Liên Âu

Việc Liên Âu đứng trước thách thức sống còn phải thay đổi chính sách công nghệ để không bị Trung Quốc và Mỹ bỏ rơi là chủ đề một phân tích đáng chú ý khác trên Les Echos. Bình luận gia Eric Le Boucher, trong bài viết mang tựa đề ''Khi Trung Quốc buộc chúng ta tỉnh dậy… chúng ta sẽ có những việc làm thực sự’’.

Phân tích tập trung nhấn mạnh đến mặt trận cách tân công nghệ mũi nhọn gần như bị bỏ trống của Liên Âu. Theo tác giả, sau Anh, Đức, đã đến lúc nước Pháp và cả châu Âu xác định rõ vai trò trọng yếu của Nhà nước, trong việc hỗ trợ hoặc trực tiếp phối hợp với các tập đoàn kinh tế. Trọng trách hoạch định chính sách chung của châu Âu, trong lĩnh vực cách tân sống còn này, sẽ đặt lên vai tân ủy viên về công nghệ và kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu. Một người Pháp, ông Thierry Breton (cựu lãnh đạo tập đoàn công nghệ số Atos, đứng tốp 10 thế giới), có khả năng được bổ nhiệm vào chức vụ này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn