Năm 1989: Cách mạng cho ai?

Chủ Nhật, 03 Tháng Mười Một 20192:00 SA(Xem: 3630)
Năm 1989: Cách mạng cho ai?

post-communist

Nguồn: Kristen R. Ghodsee & Mitchell A. Orenstein, “Revolutions for Whom?”, Project Syndicate, 01/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

“Không ai sẽ tệ hơn trước, nhưng nhiều người sẽ khá lên”, Thủ tướng Đức Helmut Kohl trấn an người dân Đông Đức như vậy sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Lời nói của ông đã giúp thúc đẩy những thay đổi chính trị và kinh tế nhanh chóng trên khắp Châu Âu hậu cộng sản. Ba mươi năm sau, đáng để chúng ta tự hỏi liệu Kohl và các nhà lãnh đạo phương Tây khác thực hiện được lời hứa này tới mức nào.

Nếu du lịch đến Prague, Kyiv, hoặc Bucharest ngày nay, bạn sẽ tìm thấy những trung tâm mua sắm lấp lánh chứa đầy hàng tiêu dùng nhập khẩu: nước hoa từ Pháp, thời trang từ Ý và đồng hồ đeo tay từ Thụy Sĩ. Tại các cụm rạp chiếu phim địa phương, thanh niên thành phố xếp hàng xem những bộ phim bom tấn mới nhất của Marvel. Họ nhìn chằm chằm vào những chiếc iPhone bóng bẩy, có lẽ lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo tới Paris, Goa, hoặc Buenos Aires. Trung tâm thành phố sống động với những quán cà phê và quán bar phục vụ người nước ngoài và giới thượng lưu địa phương, những người mua đồ tạp hóa cao cấp tại các đại siêu thị. So với sự khan hiếm và tầm thường của quá khứ cộng sản, Trung và Đông Âu ngày nay đang tràn ngập những cơ hội mới.

Tuy nhiên, cũng tại các thành phố này, những người về hưu và dân nghèo đang phải đấu tranh để có được những tiện nghi cơ bản nhất. Người già phải lựa chọn giữa nguồn năng lượng để giữ ấm, thuốc và thực phẩm. Ở các vùng nông thôn, một số gia đình đã trở lại sinh hoạt nông nghiệp để sinh tồn. Những người trẻ tuổi thì bỏ làng ra đi, tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Khó khăn kinh tế và chủ nghĩa hư vô chính trị thúc đẩy sự mất lòng tin xã hội khi nỗi nhớ về sự an toàn và ổn định của quá khứ chuyên chế ngày càng tăng. Các nhà lãnh đạo dân túy nắm bắt sự bất mãn của công chúng để phá bỏ các thể chế dân chủ và điều khiển nền kinh tế để mang lại lợi ích cho thân hữu, thành viên gia đình và những người ủng hộ họ.

Hai thế giới này tồn tại cạnh nhau, cả hai đều được sinh ra sau các cuộc cách mạng năm 1989. Trong khi 30 năm qua đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho một thiểu số đáng kể, phần lớn các công dân xã hội chủ nghĩa trước đây ở Trung và Đông Âu cũng như Trung Á đã phải chịu một tai họa kinh tế vốn để lại những vết sẹo sâu lên tâm lý tập thể của thế giới hậu cộng sản.

Khi các nước này tự do hóa nền kinh tế vào những năm 1990, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách biết rằng sẽ có những cuộc suy thoái, nhưng họ không thể đoán được mức độ tàn phá của các cuộc suy thoái đó. Sử dụng dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), chúng tôi đã tính toán quy mô của các cuộc suy thoái quá độ và so sánh mức độ của chúng ở Châu Âu và khu vực Á – Âu (bắt đầu từ năm 1989) với cuộc Đại khủng hoảng tại Hoa Kỳ (bắt đầu từ năm 1929).

Chúng tôi chia các quốc gia hậu cộng sản thành ba nhóm về thời gian trung bình và độ sâu của suy thoái quá độ kinh tế. Ở các quốc gia thành công nhất, suy thoái quá độ tương đương với cuộc Đại suy thoái ở Hoa Kỳ (giảm 30% GDP bình quân đầu người). Đối với các nước trung bình, suy thoái quá độ đã tàn phá nền kinh tế, vượt quá mức độ tác động của cuộc Đại Suy thoái (giảm 40% GDP bình quân đầu người) và thời gian (17 năm so với 10). Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không bao giờ phục hồi: 30 năm sau, GDP bình quân đầu người vẫn ở dưới mức cuối thời kỳ xã hội chủ nghĩa.

Moldova là ví dụ tiêu biểu nhất cho các quốc gia nơi quá trình chuyển đổi kinh tế đã thất bại đối với hầu hết mọi người. Sau khi Liên Xô tan rã, GDP bình quân đầu người của Moldova đã giảm mạnh và chạm đáy vào năm 1999, khi thấp hơn 66% so với mức 1989. Năm 2007, GDP bình quân đầu người vẫn thấp hơn 42% so với năm 1989. Mặc dù Moldova đã tăng trưởng đáng kể sau năm 2010, nhưng vào năm 2016 vẫn thấp hơn 12% so với mức năm 1989.

Moldova không phải là trường hợp duy nhất. GDP bình quân đầu người năm 2016 ở năm quốc gia hậu cộng sản khác – Gruzia, Kosovo, Serbia, Tajikistan và Ukraine – vẫn ở dưới mức năm 1989. Đối với các quốc gia này, quá trình chuyển đổi mang đến những đau đớn kinh tế chưa từng thấy và rất ít lợi ích, ngoại trừ đối với một số thành phần ưu tú. Thảm họa kinh tế hậu cộng sản đã làm hàng triệu người chết, dẫn tới di cư hàng loạt và nhiều loại vấn đề xã hội hầu như không tồn tại dưới chế độ cộng sản: nghèo đói, tội phạm có tổ chức và bất bình đẳng ngày càng tăng. Và ở hầu hết các nước hậu cộng sản, số liệu GDP tổng hợp đã che khuất mức tăng lớn về bất bình đẳng giàu nghèo kể từ năm 1989.

Những quốc gia này bao gồm những nước có dân số giảm mạnh nhất thế giới do tỉ lệ tử vong tăng cao, tỉ lệ sinh giảm, đi kèm với di cư tăng. Một nghiên cứu của EBRD vào năm 2016 đã ghi nhận rằng trẻ em sinh ra trong khoảng thời gian bắt đầu quá trình chuyển đổi ở các quốc gia của mình thấp hơn trung bình khoảng một centimet so với các bạn cùng lứa sinh ra ngay trước hoặc sau lứa của  họ. Đây là sự khác biệt thường được tìm thấy trong các khu vực chiến tranh và các môi trường khác, nơi trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và chịu căng thẳng tâm lý xã hội.

Khi giới tinh hoa tự do ở cả phương Đông và phương Tây kỷ niệm sự kết thúc hòa bình của Chiến tranh Lạnh và ăn mừng những thành công thực sự trong ba thập niên qua, điều quan trọng cần nhớ là không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự đổ bộ của chủ nghĩa tư bản. Các cuộc điều tra công luận cho thấy niềm tin xã hội suy thoái, sự tin tưởng vào các thể chế công sa sút, và sự tức giận ngày càng tăng đối với bất bình đẳng thu nhập.

Điều này đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các đảng và các nhà lãnh đạo dân túy, ngay cả ở một số quốc gia thành công nhất, như Hungary và Ba Lan. Sự khốn cùng do suy thoái quá độ vẫn là một ký ức tươi mới đối với nhiều công dân và sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn chính trị và kinh tế trong khu vực trong nhiều thập niên tới, giống như kinh nghiệm thời kỳ Đại suy thoái vẫn còn dư âm lên chính sách công ở Mỹ.

Ba mươi năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thực tế đã đảo ngược lời hứa nổi tiếng của Kohl: nhiều người tệ hơn trước, nhưng một số ít thì khấm khá hơn nhiều. Chừng nào sự thịnh vượng chưa được mở rộng ra cho nhiều người thì các cuộc cách mạng bắt đầu năm 1989 sẽ vẫn còn dang dở.

Kristen R. Ghodsee là Giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Nga và Đông Âu tại Đại học Pennsylvania. Bà là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm Lost in Transition: Ethnographies of Everyday Life After Communism và cuốn Red Hangover: Legacies of 20th Century Communism.

Mitchell A. Orenstein, Giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Nga và Đông Âu tại Đại học Pennsylvania, là tác giả của cuốn The Lands in Between: Russia vs. the West and the New Politics of Hybrid War.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn