'Đòn gió' của Trump với Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 15 Tháng Mười 201911:44 SA(Xem: 5302)
'Đòn gió' của Trump với Thổ Nhĩ Kỳ

'Đòn gió' của Trump với Thổ Nhĩ Kỳ

Các đòn trừng phạt Trump vừa tung ra với Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là chưa đủ sức răn đe, thậm chí còn có lợi cho Ankara.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/10 cho biết ông sẵn sàng "hủy diệt" kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt nếu Ankara tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở đông bắc Syria. 

"Tôi hoàn toàn sẵn sàng hủy diệt nhanh chóng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đi theo con đường nguy hiểm này", Trump tuyên bố sau khi ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt trừng phạt lên Ankara. 

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại gala thường niên của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình Mỹ ở Washington ngày 12/10. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại gala thường niên của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình Mỹ ở Washington ngày 12/10. Ảnh: Reuters.

Trong một thông báo riêng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo nếu Thổ Nhĩ Kỳ không lập tức dừng chiến dịch quân sự, các biện pháp trừng phạt tiếp theo đang chờ đợi Ankara.

Nhưng theo Aykan Erdemir, nhà nghiên cứu tại Quỹ Phòng thủ Dân chủ, trụ sở ở Washington, những phát ngôn cứng rắn từ chính quyền Mỹ lại "có thể giúp ích cho" Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông cũng thêm rằng đến nay, Trump dường như chỉ miễn cưỡng trừng phạt Ankara vì hoàng loạt các hành động đi ngược với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Trong thông báo hôm qua, Tổng thống Trump nói ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cựu quan chức và cả quan chức đương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới chiến dịch ở Syria, tăng thuế thép lên mức 50% như ông từng đặt ra hồi đầu năm và "lập tức" ngừng đàm phán thương mại với Ankara.

Nhưng số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy lượng thép Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu đã giảm 76% kể từ năm 2018, vì thế đòn thuế Trump nhắm vào ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ thực sự không mang đến nhiều ảnh hưởng.

Lần cuối cùng chính quyền Trump trừng phạt các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ là vào tháng 8 năm ngoái. Lúc bấy giờ, giới chuyên gia cũng đặt ra hoài nghi khi những người trong phạm vi chịu trừng phạt có rất ít mối liên hệ với hệ thống tài chính Mỹ.

Và trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, ý tưởng về các cuộc đàm phán thương mại sẽ dễ dàng diễn ra gần như là điều không tưởng.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích trước quyết định Tổng thống Trump đưa ra, rút hết binh sĩ Mỹ khỏi khu vực đông bắc Syria, bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công dân quân người Kurd, lực lượng đồng minh quan trọng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Một số thành viên đảng Dân chủ, Cộng hòa và cả những cựu quan chức chính quyền cho rằng quyết định rút binh sĩ Mỹ về nước đã trao thắng lợi vào tay Syria, Nga và Iran, phản bội người Kurd, tạo cơ hội để IS hồi sinh, đồng thời hủy hoại uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, gây khó khăn cho việc hình thành các liên minh trong tương lai.

Tới nay, hàng chục nghìn dân thường người Kurd đã rơi vào cảnh mất nhà cửa vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Con số dân thường thiệt mạng vẫn tiếp tục tăng. Các nhà lập pháp Mỹ đã ngụ ý rằng bất kể tác động của những biện pháp trừng phạt Trump áp đặt lên Ankara gây ảnh hưởng ở mức độ nào, họ vẫn sẽ có các biện pháp riêng. 

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người ở cùng Trump lúc ông ký sắc lệnh hành pháp, cho biết đội ngũ của Tổng thống "đã lên một kế hoạch cụ thể" và ông sẽ "ủng hộ mạnh mẽ". Graham khẳng định quốc hội sẽ "áp đặt những biện pháp trừng phạt thẳng tay" để bổ sung cho bất kỳ hành động nào mà Trump đã thực hiện.

Không lâu sau thông báo từ Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper  "cuộc xâm lược không thể chấp nhận được" của Thổ Nhĩ Kỳ làm tổn hại tới cuộc chiến chống IS, tiềm ẩn nguy cơ nhấn chìm Mỹ trong một cuộc xung đột lớn hơn và đang tạo ra một thảm họa nhân đạo. Ông thúc giục các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có hành động chống lại Ankara. Phát ngôn từ Esper chỉ làm bật lên khoảng cách trong phản ứng giữa Mỹ với các nước và đồng minh NATO, chuyên gia nhận định.

Thông báo từ Tổng thống Trump không đề cập tới việc dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, lựa chọn mà các nghị sĩ hạ viện và thượng viện ở cả lưỡng đảng đang theo đuổi.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel và hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Mike McCaul đã đề xuất một dự luật cấm xuất khẩu vũ khí Mỹ cho các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria và ngăn chặn mọi giải pháp khẩn cấp giúp cho phép tiếp tục xuất khẩu vũ khí. Trong khi đó, Pháp, Đức, Phần Lan, Na Uy và Hà Lan đã tuyên bố sẽ đình chỉ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Khi nhắc tới những hành động vi phạm của Erdogan, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy hình phạt rõ ràng nào", Erdemir từ Quỹ Phòng thủ Dân chủ nói.

Chính quyền chưa áp đặt biện pháp trừng phạt thể theo yêu cầu hợp pháp từ quốc hội trước việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga. Thay vào đó, Trump mới chỉ miễn cưỡng cho Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi danh sách các nước mua tiêm kích thế hệ mới F-35.

Chính quyền Trump tới giờ cũng vẫn làm ngơ trước việc Ankara tiếp tục tuyên bố không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Nhà Trắng còn chưa áp dụng hình phạt với ngân hàng Hallbank Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc tham gia vào mạng lưới lớn nhất từ trước tới nay giúp Iran né lệnh trừng phạt.

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra gần biên giới Syria ngày 8/9. Ảnh: Reuters.

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra gần biên giới Syria ngày 8/9. Ảnh: Reuters.

Những tin tức mới nổi gần đây còn tiết lộ Rudi Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump, từng vận động hành lang cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để trả tự do cho một nhà buôn vàng Thổ Nhĩ Kỳ mà theo các quan chức liên bang, ông ta là nhân tố chủ chốt trong đường dây giúp Iran né lệnh trừng phạt.

"Thật khó hiểu bởi tất cả không phải chỉ là một sai lầm. Mọi thứ đều có tính toán. Đây thực sự là một bí ẩn", Erdemir bình luận.

Mặt khác, theo giới phân tích, các hàng rào thuế quan thép Mỹ đánh vào Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia khác cùng quyết định thu hồi quyền lợi ưu đãi thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 giống như động thái mở cửa cho đàm phán thương mại hơn là cách để phản ứng với những hành động của Ankara.

Erdemir đánh giá Tổng thống Erdogan có thể coi các đòn trừng phạt về thương mại là cái giá phải trả chấp nhận được. "Nếu bạn đối diện với Erdogan, ông ấy sẽ dễ dàng nói rằng nếu các biện pháp này giúp giải quyết những phản ứng tiêu cực từ công chúng Mỹ, vậy hãy làm đi", ông nói.

Erdemir cho rằng các động thái cũng như tuyên bố về thương mại mà Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra có thể bị chính giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng. Tổng thống Erdogan và con rể, người hiện giữ chức Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, đang đối mặt với làn sóng giận dữ ở trong nước vì tình hình kinh tế quốc gia ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức cao chưa từng thấy.

"Việc Trump nói 'tôi sẵn sàng hủy diệt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ' sẽ mở lối thoát cho Erdogan. Giờ đây, ông ấy có thể biện minh rằng 'không phải do tôi, là do người Mỹ", Erdemir nhận xét.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 16 Tháng Mười 20191:38 SA
Khách
Syria là quà tang cho Putin...its free from tong tong...like south vietnam 1975....het date su dung ...vat chanh..bán võ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn