WB tung dự báo "toát mồ hôi" về kinh tế Trung Quốc đúng lúc ông Lưu Hạc đàm phán căng thẳng tại Mỹ

Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20198:23 CH(Xem: 4602)
WB tung dự báo "toát mồ hôi" về kinh tế Trung Quốc đúng lúc ông Lưu Hạc đàm phán căng thẳng tại Mỹ

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, WB vừa gia nhập loạt các cơ quan quốc tế và tổ chức thị trường hạ mức dự đoán tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 và 2020, giữ bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt và có nguy cơ lan sang các lĩnh vực tài chính, công nghệ, thậm chí là ngành giải trí.

WB ngày hôm nay (10/10) hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 xuống 6.1%, thấp hơn 0.1% so với dự đoán của tổ chức này hồi tháng 4, phản ánh những hạn chế về mặt kết cấu không ngừng gia tăng cùng với "những điều kiện bên ngoài ít lành tính hơn".

Dự báo tăng trưởng mới của WB chỉ cao hơn 0.1% so với mức đáy chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 được chính phủ Trung Quốc thông báo hồi tháng 1 là 6-6.5%.

WB hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc thêm 0.3%, xuống mức 5.9%, do hệ quả của những tác động tuyến tính. Dự báo bước đầu về tăng trưởng năm 2021 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nhẹ tăng trưởng xuống 5.8%.

Chỉ số dự báo của hầu hết các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được WB điều chỉnh hạ thấp, bao gồm mức giảm 1.1% đối với Thái Lan và 0.6% với Philippines, liên quan đến những căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu tiếp diễn.

"Rủi ro sụt giảm đối với triển vọng [kinh tế] ở mức cao, xuất phát từ leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và triển vọng toàn cầu yếu hơn kỳ vọng," WB nêu trong báo cáo.

Trong khi tác động kinh tế trực tiếp của thương chiến Mỹ-Trung được dự kiến trong tầm kiểm soát, những ảnh hưởng gián tiếp của nó lên lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể lớn hơn - WB cảnh báo.

"Giai đoạn bất ổn kéo dài và tiếp tục diễn biến xấu trong việc Trung Quốc tiếp cận với các thị trường nước ngoài có thể dẫn đến sự chuyển dịch trong chuỗi giá trị toàn cầu sang các nước khác và tác động bất lợi đáng kể, lâu dài hơn đối với đầu tư [vào Trung Quốc]," WB đánh giá.

WB tung dự báo toát mồ hôi về kinh tế Trung Quốc đúng lúc ông Lưu Hạc đàm phán căng thẳng tại Mỹ - Ảnh 2.

(Ảnh: Bloomberg)

Bên cạnh "bơm tiền", Trung Quốc cần thêm chính sách hỗ trợ

Báo cáo mới của WB được công bố trong lúc phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang dẫn đầu đoàn đại biểu nước này dự vòng đàm phán thương mại thứ 13 với phía Mỹ tại Washington, diễn ra vào hai ngày 10-11/10.

Triển vọng cho vòng đàm phán là tương đối mơ hồ khi Mỹ ra quyết định hôm 7/10 về việc đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Truyền thông trong nước của Trung Quốc cũng điều tiết theo hướng hạ thấp kỳ vọng của dư luận vào kết quả của vòng đàm phán này.

Trong báo cáo, WB cảnh báo các nhà hoạch định Trung Quốc rằng sự phụ thuộc vào tín dụng bổ sung để kích thích tăng trưởng có thể làm tồi tệ thêm các rủi ro trong nước khi trút thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và các hộ gia đình.

WB cho rằng biện pháp kích thích tiền tệ cần được tiến hành theo cách thức không làm đảo ngược thành công của chính phủ trong hạn chế rủi ro tài chính, trong khi kích thích tài chính có thể nhằm vào chi tiêu nhiều và hiệu quả hơn cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội,... qua đó hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

"Do những rủi ro bên ngoài tăng cao, tăng trưởng trong trung hạn của Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào cải tổ sâu trong lĩnh vực cung ứng nhằm tăng năng suất, bao gồm thông qua gia tăng vai trò của thị trường, cạnh tranh và khu vực tư nhân."

Trung Quốc đã triển khai gói giảm thuế trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 280 tỉ USD) trong năm nay nhằm giúp thị trường nội địa ứng phó với tổn thất từ bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng GDP trong quý hai vẫn chỉ đạt 6.2%, chạm đáy 27 năm và được dự đoán tiếp tục trượt dốc nếu không có được thêm hỗ trợ về chính sách.

Theo SCMP, những điều chỉnh chính sách bổ sung của Bắc Kinh có thể được nhìn thấy trong tương lai gần, sau khi chỉ số tăng trưởng GDP quý ba được công bố, dự kiến trong tuần tới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn