Washington Post: Tính toán trong đảng Cộng hòa giữa điều tra luận tội Trump

Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20195:36 SA(Xem: 4629)
Washington Post: Tính toán trong đảng Cộng hòa giữa điều tra luận tội Trump

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đang phân vân giữa hai con đường: Lên tiếng ủng hộ Trump hay im lặng để bảo toàn sự nghiệp chính trị.

Những diễn biến nhanh chóng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây nên một cơn hỗn loạn cho nội bộ đảng Cộng hòa, khi không ít thành viên đảng rơi vào trạng thái "tê liệt" trong lúc họ cân nhắc thiệt hơn giữa tương lai chính trị của mình và lòng trung thành đối với ông chủ Nhà Trắng.

Nỗ lực của Trump nhằm gây áp lực buộc Ukraine điều tra cha con cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử năm 2020, đã khiến đảng Cộng hòa mất phương hướng trong bối cảnh họ chuẩn bị phải bước vào một trận chiến dài hơi nhưng các mệnh lệnh từ tướng chỉ huy lại gây khó hiểu và mâu thuẫn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 4/9. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 4/9. Ảnh: Reuters.

Nếu Hạ viện thông qua quyết định luận tội Trump, Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ phải đưa ra phán quyết định đoạt số phận chính trị của ông. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đến nay vẫn giữ im lặng trong những cuộc tranh luận về tính hợp hiến cũng như đạo đức của cuộc điều tra luận tội do Hạ viện tiến hành.

Trên khắp nước Mỹ, hầu hết các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản hồi các câu hỏi liên quan đến hành động của Tổng thống Trump bằng sự im lặng, những cái nhún vai hay lời biện hộ hời hợt. Chiến lược của phần lớn thành viên đảng Cộng hòa là tập trung sinh tồn và không đưa ra bất kỳ động thái bất ngờ nào.

Sau khi phỏng vấn 21 nghị sĩ, cố vấn và phụ tá đảng Cộng hòa, tờ Washington Post nhận thấy một bầu không khí lo âu đang bao trùm đảng này.

Trump một mực khẳng định những cuộc điện đàm giữa ông với các lãnh đạo nước ngoài là "hoàn hảo", đồng thời cáo buộc đảng Dân chủ, cộng đồng tình báo và truyền thông đang tìm cách trù dập ông, buộc ông phải rời ghế. Tuy nhiên, rất ít nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng ủng hộ hết lòng các quan điểm của Nhà Trắng vì lo sợ rằng phát ngôn họ đưa ra có thể mâu thuẫn với những phát hiện mới mà cuộc điều tra của Hạ viện có thể đưa ra trong tương lai.

"Mọi người đều cảm thấy hơi run rẩy ở thời điểm hiện tại", Brendan Buck, người từng làm cố vấn cho cựu chủ tịch hạ viện Paul D. Ryan, nói. "Các thành viên đảng Cộng hòa đã nhiều lần ra mặt ủng hộ Tổng thống nhưng chỉ nhận về thất vọng. Họ biết ông ấy rất thất thường và đây là một tình huống chứa đựng nhiều yếu tố khó lường".

Tình trạng tê liệt trong đảng Cộng hòa đã được thể hiện rõ nét hồi tuần qua ở Templeton, Iowa, nơi một cử tri chất vấn thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst vì việc bà giữ im lặng trước những hành động của Tổng thống Trump.

"Lằn ranh ở đâu?", Amy Haskins, cử tri Iowa, đặt câu hỏi. "Khi nào các ông bà mới đứng lên và nói 'Đủ rồi, tôi sẽ không ủng hộ bất cứ điều gì trong các hành động của Tổng thống nữa'".

"Tổng thống có quyền nói bất kỳ điều gì ông ấy muốn", Ernst đáp.

Việc Trump công khai đề nghị Trung Quốc điều tra Joe Biden, bên cạnh cáo buộc trước đây rằng ông gây áp lực lên Ukraine, thúc giục họ điều tra đối thủ của mình, đã gây ra những phản ứng khác nhau giữa các thượng nghị sĩ Cộng hòa. Nhiều người thậm chí còn hoài nghi liệu Tổng thống có nghiêm túc không khi ông đưa ra phát ngôn đó.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Mitt Romney hôm 4/10 viết trên Twitter: "Đề nghị chưa từng có và trơ tráo của Tổng thống với Trung Quốc và Ukraine, yêu cầu họ điều tra Joe Biden thật sai trái và khủng khiếp".

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio lại cho rằng đây chỉ là một trò đùa. "Tôi không biết rằng đây là một yêu cầu thực sự hay ông ấy chỉ đang trêu chọc báo chí vì biết rằng các bạn sẽ bị kích động", ông nói trước phóng viên.

Hôm 5/10, Trump đăng bài viết trên Twitter, đáp trả Romney, cho rằng thượng nghị sĩ bang Utah là người luôn chọn đối địch với ông ngay từ những ngày đầu. Hành động của Tổng thống Mỹ giống như tín hiệu cảnh báo các thành viên đảng Cộng hòa khác rằng họ sẽ chịu hậu quả nếu lên tiếng chống lại ông.

Theo Colin Powell, ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, "đảng Cộng hòa đang phải tự mình thích nghi. Các lãnh đạo đảng và thành viên quốc hội... phải tự kiềm chế bởi họ sợ hãi vì những gì có thể xảy ra với mình nếu lên tiếng".

Dù vậy, vẫn có một số thành viên đảng Cộng hòa phát đi tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống. Hạ nghị sĩ Mark Meadows, cố vấn không chính thức của Trump, khẳng định ông chủ Nhà Trắng "không làm gì sai trái". Meadows cảnh báo "những người làm như thể tổng thống có tội" sẽ phải hối hận khi ông "được chứng minh vô tội".

Trong các cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, không ít thành viên Cộng hòa cho biết khả năng của Tổng thống Mỹ đề cử và phê chuẩn hàng chục ứng viên bảo thủ cho các vị trí tư pháp liên bang cũng như việc ông thông qua hàng loạt biện pháp thuế sẽ là trở ngại đối với bất cứ ai muốn thuyết phục những cử tri ủng hộ Trump rằng ông là gánh nặng cho chương trình nghị sự của đảng.

Từ khi đơn khiếu nại của người tố giác đầu tiên được công bố khiến đảng Dân chủ mở cuộc điều tra luận tội Trump, 48% người Mỹ ủng hộ luận tội ông và 46% phản đối, theo kết quả trung bình các cuộc điều tra do Washington Post thực hiện. Tuy nhiên, trong nội bộ đảng Cộng hòa chỉ 11% số người ủng hộ và 86% phản đối.

Bình luận viên Fox News Tucker Carlson, người thường xuyên ủng hộ Trump, tuần trước có một bài viết đăng trên trang Daily Caller, cho rằng việc Trump yêu cầu một lãnh đạo nước ngoài điều tra đối thủ của ông không phải là hành động đúng đắn, nhưng nó không nghiêm trọng tới mức khiến Trump có thể bị luận tội.

Các gương mặt lão luyện của đảng Cộng hòa cho rằng các thượng nghị sĩ Cộng hòa dường như đang dựa vào những tín hiệu từ lãnh đạo phe đa số thượng viện Mitch McConnell để xác định phương hướng hành động.

Dù là một thành viên đảng Cộng hòa trung thành, McConnell từng không ít lần công khai bày tỏ sự quan ngại đối với tổng thống từ chính đảng của mình. Năm 1973, McConnell, lúc bấy giờ còn là một chính trị gia đang lên ở Kentucky, gọi vụ Watergate là một bê bối "ghê tởm", đồng thời lên án hành động của tổng thống Richard Nixon.

Tháng 5/1974, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ bắt đầu phiên điều trần luận tội tổng thống Richard M. Nixon sau vụ Watergate. Bê bối này bị phanh phui sau khi 5 kẻ đột nhập vào trụ sở quốc gia của đảng Dân chủ trong khu phức hợp khách sạn nhà ở Watergate hôm 17/6/1972 bị bắt.

Tuy vậy, trong đoạn quảng cáo vận động tranh cử được phát hành hồi cuối tuần, McConnell vẫn kiên quyết đứng về phía Trump. "Quá trình luận tội sẽ chấm dứt ở thượng viện với tôi là lãnh đạo phe đa số", ông tuyên bố.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post )
Ý kiến bạn đọc
Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20199:02 CH
Khách
.....cã 1 bay deu la Russian assets
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn