Khủng hoảng thịt lợn Trung Quốc: Thời bất thuận, Thế bất lợi, Nhân bất hòa

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười 20199:00 SA(Xem: 3571)
Khủng hoảng thịt lợn Trung Quốc: Thời bất thuận, Thế bất lợi, Nhân bất hòa

Trung Quốc đang cùng lúc phải đối diện với những khó khăn từ xung đột mọi mặt trong quan hệ Mỹ – Trung, thêm vào đó là bất ổn trầm trọng ở Hồng Kông và khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi (ASF). Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là thảm cảnh khi Thời bất thuận, Thế bất lợi, Nhân bất hòa.

Ngay từ đầu cuộc xung đột thương mại, Trung Quốc đã nhắm vào khu vực nông nghiệp của Mỹ. Nhóm sản phẩm chính bị họ đánh thuế, trong 34 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu đầu tiên, là sản phẩm của nông dân Mỹ.

Cuối tháng 9/2018, chính phủ Trung Quốc còn trả tiền để quảng cáo trên tờ Des Moines Register – tờ báo có lượng phát hành lớn ở bang Iowa, một bang nông nghiệp chính của Mỹ. Quảng cáo được thiết kế giống như một bài báo, với nội dung phê phán chính sách thuế quan của tổng thống Trump là liều lĩnh và có hại cho người nông dân bang Iowa.

Trung Quốc định lấy kim ngạch nhập khẩu thịt lợn và đậu nành làm vũ khí trong thương chiến với Mỹ, thể hiện ở việc đánh thuế đến 62% với thịt lợn Mỹ nhập khẩu, thậm chí còn cấm nhập từ tháng 8/2019.

Nhưng một nhân tố hoàn toàn gây bất ngờ là bệnh tả lợn châu Phi – ASF bùng phát thành đại dịch.

Tính đến tháng 8/2018, ASF đã lan ra toàn Trung Quốc. Đây là đại dịch nguy hiểm nhất đối với ngành chăn nuôi lợn, vì bệnh này chưa có vacxin và tỉ lệ chết là 100% với lợn nhiễm bệnh.

Trung Quốc là nước có tổng lượng nuôi và tiêu thụ lợn bằng tất cả phần còn lại của thế giới, với trên 700 triệu con. Thịt lợn là thực phẩm chính yếu của đa số người Trung Quốc, thậm chí với đa số người Trung Quốc, nó còn là không thể thay thế. Giá lợn thịt tại Trung Quốc hiện đã tăng 70-100%.

Đại dịch ASF đã được phát hiện trên thế giới từ năm 2018 và bùng phát dữ dội nhất tại Trung Quốc. Chủ yếu là do năng lực phòng chống dịch của chính quyền nước này rất kém. Trong tháng 3/2019, một đoàn 25 quan chức của Cục nông trại bang Iowa – bang chăn nuôi lợn lớn nhất nước Mỹ, đã tới Trung Quốc trực tiếp đánh giá tình hình. Họ kết luận dịch ASF tại Trung Quốc là không thể kiểm soát được.

Cuối tháng đó, Tân Hoa Xã đăng thông báo của thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Vu Khang Chấn rằng “Trung Quốc đã bước đầu khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi”. Các nhà báo Trung Quốc cho biết họ nhận được chỉ thị không được đưa tin về dịch.

Việc bán thịt lợn nhiễm bệnh bừa bãi của người chăn nuôi và thủ đoạn khống chế tin tức của chính quyền là hai nguyên nhân chính làm bùng phát khủng hoảng dịch ASF. Các nguồn thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, thuỷ sản, trâu bò chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Chính quyền Trung Quốc vẫn tỏ ra khá chủ quan, có thể do báo cáo sai lệch của quan chức địa phương về dịch, cũng có thể họ chưa đánh giá hết được mức độ tác động của dịch tới giá tiêu dùng. Đến khi có thông tin về việc phân phối thịt lợn bằng tem phiếu của một số địa phương, trong tháng 9/2019, Trung Quốc mới bắt đầu miễn thuế và nhập lại thịt lợn Mỹ. Có người nhầm tưởng rằng đó là thiện chí của phía Trung Quốc. Thực tế không phải vậy, họ bắt buộc phải nhập thịt lợn từ Mỹ để giảm bớt thiếu hụt trầm trọng trong nước, vì nguồn nhập từ các nước khác không đáng kể.

Cho đến nay, tổng số lợn chết do dịch ASF tại Trung Quốc là khoảng 250 triệu con, xấp xỉ bằng tổng số lợn đang nuôi của châu Âu, Mỹ, Brazil và Canada cộng lại (các nước này chiếm 90% sản lượng thịt lợn xuất khẩu của thế giới). Trong khi đó, dịch ASF vẫn tiếp tục hoành hành tại nước này.

Nói chung, Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối diện với tình trạng giá thực phẩm đắt đỏ, ảnh hưởng lớn tới tầng lớp lao động. Trong điều kiện thu nhập người lao động giảm, hay thậm chí mất việc làm số lượng lớn vì thương chiến, nguy cơ bất ổn xã hội sẽ ngày càng gia tăng.

Người Trung Quốc thường nói về “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, đất nước này đang lâm vào khủng hoảng dịch bệnh, rơi vào thế yếu trong xung đột thương mại Mỹ – Trung và gặp rắc rối lớn với biểu tình kéo dài – lan rộng ở Hồng Kông. Đó chính là Thời bất thuận, Thế bất lợi, Nhân bất hòa… Có lẽ đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Nói riêng về khủng hoảng thịt lợn, Trung Quốc đã bị “quả báo nhãn tiền” khi tấn công trước vào sản phẩm của nông dân Mỹ nhưng họ lại chi tiền thuê báo chí Mỹ kích động nông dân đổ lỗi cho chính phủ ông Trump. Kết cục tới nay họ lại gặp khủng hoảng đến nỗi buộc phải quay lại mua sản phẩm của nông dân Mỹ.

Về phía chính quyền Tổng thống Trump, nông dân vốn là nhóm cử tri ủng hộ, tuy gặp đôi chút khó khăn, nhưng theo đánh giá của Ian Sheldon, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Ohio: “Thật đáng ngạc nhiên rằng nông dân không tấn công vào tổng thống dù họ bị tổn thương. Tôi không hiểu tại sao họ lại quan tâm nhiều hơn đến việc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn