Trung Quốc không lọt vào top 10 đại học châu Á, tại sao?

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 20172:30 SA(Xem: 6234)
Trung Quốc không lọt vào top 10 đại học châu Á, tại sao?
Để trả lời câu hỏi nêu trong tựa của entry này có lẽ có nhiều cách. Ví dụ, những khiếm khuyết và thiên lệch trong các hệ thống xếp hạng. Để chứng minh những khiếm khuyết và thiên lệch này chắc không khó, và đã có rất nhiều học giả chỉ ra rồi.

Nhưng ... mặc cho những thiên lệch và khiếm khuyết đó, chưa thấy trường đại học nào, hoặc quốc gia nào, phản đối khi chính mình được xếp vào hạng cao nhỉ? Đa số những sự chỉ trích đối với các bảng xếp hạng quốc tế đều do những người bị xếp hạng thấp nêu ra thì phải. Nên cách trả lời này không khéo sẽ bị người ta cho là ngụy biện mất.

Cũng có thể có một cách trả lời khác, "cao đạo" hơn: Thứ hạng thực ra chẳng có ý nghĩa gì cả. Vấn đề là mình muốn đạt mục tiêu gì, và có đạt được mục tiêu của mình hay không, đó mới là điều quan trọng.

Trung Quốc muốn gì? Rõ ràng là TQ muốn có những trường đại học tốt, để chứng tỏ vị thế hàng đầu của mình, và đồng thời cũng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước Trung Quốc. Đặc biệt là khi hiện nay xét theo thu nhập bình quân trên đầu người thì Trung Quốc vẫn chỉ mới đạt khoảng 4000 USD/năm, thua xa nhiều nước khác ngay trong khu vực châu Á, hoặc thậm chí Đông Nam Á như Singapore. Chẳng thế mà chính TQ đã tự mình tạo ra hệ thống xếp hạng đại học thế giới đầu tiên trong lịch sử, mặc dù sau nhiều năm phấn đấu, vị trí của các trường đại học TQ trong bảng xếp hạng này có vẻ vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhưng tại sao Trung Quốc không có những trường đại học hàng đầu kể cả ở châu Á? Kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 mới công bố ngày 13/5/2010 vừa qua cho thấy cả ĐH Bắc Kinh lẫn ĐH Thanh Hoa, hai trường đại học tốt nhất mà ta có thể gọi là Oxford và Cambridge của TQ, đều không có trong top 10, trong khi hai trường dẫn đầu trong danh sách này lại là hai trường của Hongkong bé tí ti (well, một cách "kỹ thuật" thì Hongkong cũng thuộc TQ, vậy tức là TQ cũng có đại học dẫn đầu danh sách?). Những trường khác trong danh sách 10 trường hàng đầu này còn có Nhật (không có gì lạ) và Singapore, vv.

Một số câu trả lời mà tôi thu thập được, dù có thể cũng còn tranh cãi, của những người trong cuộc, trả lời từ TQ, cũng như một số quan sát viên khách quan từ bên ngoàilà như sau:

1. Xét về kết quả cuối cùng, ĐH Bắc Kinh có thể có số bài báo không thua kém gì ĐH Yale của Mỹ, nhưng xét về "phần mềm" (tức cơ cấu tổ chức và nhân sự) thì các đại học của TQ vẫn còn thua xa các trường đại học của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ý kiến trên là của vị nguyên hiệu trưởng của ĐH Bắc Kinh, được đăng trên tờ Nhân dân nhật báo (People's Daily) ngày hôm nay, ở đây.

2. Nạn đạo văn hoành hành và sự giảm sút về chất lượng nghiên cứu trong thời gian gần đây có thể đã góp thêm vào vị trí thấp của của các đại học TQ.

Đây là ý kiến của Richard Holmes trên tờ University World News số ra ngày hôm nay 16/5, ở đây. Tôi cũng đồng tình với ý kiến này, vì một trong những tiêu chí chấm điểm để xếp hạng của QS là ý kiến của đồng nghiệp quốc tế. Nếu hình ảnh của giáo dục đại học của TQ bị hoen ố đi vì những vụ scandal về đạo văn, thì làm sao các trường đại học của TQ có thể có được điểm cao từ các đồng nghiệp quốc tế được, phải không?

3. Các trường đại học của TQ gần đây đang xuống dốc rất nhanh, vì các tệ nạn quan liêu (bureaucracy) và đạo văn đang có những tác hại nghiêm trọng đến chất lượng hoạt động của các trường.

Ý kiến trên là của GS Trương Minh, giáo sư chính trị học tại trường ĐH Remin tại Bắc Kinh, theo một bài viết đã đăng trên tờ báo Christian Science Monitor, ở đây. Tuy nhiên, ông cũng thêm là do cách quản lý hiện nay tách biệt trường đại học và viện nghiên cứu nên thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ của TQ không được nêu đầy đủ. Điều này cũng có thể đúng.

Còn nhiều câu trả lời nữa, nhưng những câu trên đây khá tiêu biểu. GD đại học của VN có học được từ những câu trả lời này chút gì không?

http://ncgdvn.blogspot.com/2010/05/trung-quoc-khong-lot-vao-top-10-ai-hoc.html
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn