Khan hiếm dầu đáng lo nhưng không bằng sự khó lường của Saudi

Thứ Năm, 19 Tháng Chín 20198:00 SA(Xem: 4086)
Khan hiếm dầu đáng lo nhưng không bằng sự khó lường của Saudi

Vụ tấn công mỏ dầu và nhà máy ở Saudi Arabia gây lo ngại khan hiếm dầu. Nhưng rủi ro lớn hơn cả với thị trường dầu là khả năng Saudi trả đũa, và sự khó lường của lãnh đạo nước này.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước phát triển có đủ công suất dự trữ và kho dầu chiến lược để bình ổn thị trường, ngay cả trong trường hợp có sự gián đoạn lâu dài đối với cơ sở chế biến dầu Abqaiq và mỏ dầu Khurais.

Thay vì thiếu hụt dầu, có hai rủi ro lớn hơn, theo Nick Butler, giám đốc viện chính sách mang tên The Policy Institute tại đại học King ở London, trong một bài bình luận mới đây trên Financial Times.

Khan hiem dau dang lo nhung khong bang su kho luong cua Saudi hinh anh 1
Bể chứa dầu bên ngoài trụ sở Aramco. OPEC và nước phát triển có đủ công suất dự trữ và kho dầu chiến lược để bình ổn thị trường dù mỏ dầu Saudi gián đoạn lâu dài. Ảnh: Reuters.

Khan hiếm dầu không phải rủi ro lớn nhất?

Rủi ro thứ nhất là khả năng Saudi Arabia trả đũa Iran, quốc gia đã hỗ trợ để lực lượng Houthi chiến đấu với liên quân Saudi ở Yemen. Rủi ro thứ hai là sự khó lường của giới lãnh đạo dầu khí quốc gia, sau những thay đổi nhân sự gần đây,

“Khả năng Saudi trả đũa, kèm theo sự bất ổn của chính thể Saudi Arabia dưới quyền thái tử kế vị (Mohammed bin Salman) sẽ tác động tới thị trường dầu trong những ngày tới”, ông Butler viết trên Financial Times.

“Nếu Saudi trả đũa, việc dầu tăng giá sẽ trở thành lâu dài, càng góp thêm vào rủi ro suy thoái kinh tế”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các nước phát triển hiện có đủ dầu dự trữ để đáp ứng hai tháng tiêu thụ, với tổng cộng 3 tỷ thùng trong kho. Con số này đã tăng 50 triệu thùng so với một năm trước, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ ngăn cản khả năng xuất khẩu của Iran và Venezuela, và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.

Hai mục tiêu bị tấn công ngày 14/9 bao gồm mỏ dầu lớn thứ hai Saudi Arabia ở Khurais, sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày, và cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới ở Abqaiq, có công suất 7 triệu thùng/ngày.

Trước mắt, sản lượng dầu của Saudi Arabia có thể mất đi hơn một nửa, tức 5,7 triệu thùng/ngày, khoảng 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới, theo thông cáo của Công ty Dầu Saudi Arabia (Aramco).

Theo ông Butler, việc thái tử Saudi sa thải Khalid al-Falih, người nắm các cương vị bộ trưởng phụ trách năng lượng và chủ tịch công ty dầu quốc gia Aramco, sẽ gây nhiều bất ổn cho thị trường dầu thế giới.

Khan hiem dau dang lo nhung khong bang su kho luong cua Saudi hinh anh 2
Khói bốc lên từ nhà máy chế biến dầu ở Abqaiq, Saudi Arabia ngày 14/9. Ảnh: Reuters.

Bất trắc từ các quan chức dầu mỏ mới lên

Ông Falih trước nay đã chèo lái Aramco một cách đầy chắc chắn. Công ty này trở thành công ty sản xuất dầu năng suất nhất trong số các công ty dầu quốc gia trong OPEC. Trên cương vị bộ trưởng kinh tế, ông Falih đã dàn xếp được các thỏa thuận với OPEC, cùng nhau giảm sản lượng để đẩy giá lên cao, dù khối này có những phức tạp nội bộ, nhất là giữa Iran và Iraq.

Ông đã có thâm niên 40 năm ở Aramco. Nhưng dù là kỹ sư chuyên ngành, ông vẫn là dân thường. Dân thường ở Saudi Arabia phải phục vụ theo ý nhà vua. Chức vụ của ông phụ thuộc sự khó lường của người có thực quyền hiện nay, Thái tử kế vị Mohammed bin Salman, theo bài bình luận của ông Butler.

Người thay thế ông Falih là Thái tử Abdulaziz bin Salman, anh trai của thái tử kế vị, người cũng có thâm niên trong ngành năng lượng nhưng chưa hề quản lý Aramco.

Chức chủ tịch Aramco được chuyển cho Yasir al-Rumayyan, người quản lý quỹ đầu tư quốc gia, nhưng không có kinh nghiệm về dầu mỏ.

Một phần của Aramco sẽ được chào bán thông qua IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu). Nhưng ông Butler cho rằng đầu tư vào Aramco sẽ không đắt hàng như Thái tử Mohammed mong muốn.

Về lý thuyết, đầu tư vào Aramco hợp lý về kinh tế. Chi phí sản xuất dầu của Saudi Arabia thuộc loại thấp nhất thế giới.

Thế nhưng, trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ là cổ đông thiểu số trong một tập đoàn do giới hoàng gia Saudi nắm giữ 95%, và phụ thuộc hoàn toàn vào “sự khó lường của vua”. “Các cổ đông mới khó có khả năng được thông báo, hay có thể tham gia vào các quyết định”, ông Butler viết.

Nhiều ý kiến dự đoán việc định giá chỗ cổ phần bán ra, cũng là khoản tiền mà Aramco sẽ thu được, sẽ thua xa khoản 2.000 tỷ USD mà thái tử kế vị đang nhắm đến, theo ông Butler.

Và vẫn chưa rõ đợt chào bán này sẽ là “IPO mở hoàn toàn cho công chúng” (phải cung cấp dữ liệu thật, tuân thủ quy định của sàn giao dịch, kiểm toán gắt gao), hay sẽ là đợt chào bán riêng.

Sau sự ra đi của người chèo lái “chắc tay”, việc thái tử Abdulaziz sẽ xử lý thế nào trong quan hệ với các nước OPEC sẽ rất khó lường, nhất là với sự cứng rắn của hoàng gia Saudi với các nước láng giềng.

“Với những lãnh đạo mới... Saudi Arabia sẽ lúng túng trong việc xử lý sự gián đoạn sau vụ tấn công ngày 14/9”, ông Butler viết trên Financial Times.

Khan hiem dau dang lo nhung khong bang su kho luong cua Saudi hinh anh 3
Những người cai trị trước đây của Saudi Arabia luôn cẩn trọng, nhưng Thái tử kế vị Mohammed, người nắm thực quyền, cứng rắn hơn trong đối ngoại. Ảnh: New York Times.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn