Báo Nhật vạch "gót chân Asin" của Trung Quốc

Thứ Ba, 17 Tháng Chín 20192:00 SA(Xem: 4714)
Báo Nhật vạch "gót chân Asin" của Trung Quốc

Báo Nhật vạch "gót chân Asin" của Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu cho rằng, một điểm yếu cơ bản và dài hạn của Trung Quốc là tài nguyên nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức có phản ứng trước thông báo của Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Ông bày tỏ trên Twitter: "Hàng rào thuế quan Mỹ đang có ảnh hưởng lớn đến các công ty muốn rời Trung Quốc để chạy sang các nước không bị đánh thuế". Ông Trump đã nhận diện các nền tảng cơ bản của kinh tế vĩ mô Trung Quốc là điểm yếu và tấn công vào đó.
Báo Nhật vạch gót chân Asin của Trung Quốc - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều đập nước hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và đang có trong tay đập nước lớn nhất hành tinh - đập Tam Hiệp. Ảnh: ImagineChina
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ngấm ngầm bắt tay nghiên cứu các lỗ hổng tiềm ẩn hay còn gọi là "gót chân Asin" của Trung Quốc. Trong tháng 4 vừa qua, một nhóm đại diện cho các cơ quan tình báo của một nước đồng minh Mỹ đã đến thăm Viện nghiên cứu Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương để trích dẫn một danh sách các yếu điểm của Trung Quốc và loại bỏ nhiều câu hỏi liên quan trước khi rời đi. Trong một chuyến thăm Washington sau đó trong cùng tháng, ông Yoichi Funabashi, Chủ tịch Viện nghiên cứu Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương và cũng là cựu tổng biên tập tờ báo Asahi Shimbun của Nhật đã trò chuyện với một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ về cùng chủ đề.
Ông Funabashi tiết lộ trên tạp chí Bungei Shunju rằng, nhiều vấn đề tiềm ẩn đã được đề cập tới trong những cuộc thảo luận nói trên, chẳng hạn như sự bùng nổ nợ ở khu vực tư nhân, việc biến các doanh nghiệp nhà nước trở thành "thây ma sống", nợ xấu gắn liền với sáng kiến Vành đai và con đường, "thế tiến thoái lưỡng nan Malacca" của Trung Quốc, các điểm bị bóp nghẹt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và những sản phẩm khác khắp toàn cầu, chênh lệch giàu nghèo và các cơ hội ngày càng tăng, nạn tham nhũng của các đảng viên, tình trạng hủy hoại môi trường, những cuộc nổi dậy của nhóm dân tộc thiểu số và các hành động khủng bố liên quan.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu Nhật, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng, điểm yếu dài hạn và cơ bản nhất của Trung Quốc có thể tổng kết trong một từ: nước. Trung Quốc đã thất bại trong việc đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nước cho các công dân, dẫn đến tình trạng "khan hiếm nghiêm trọng" nguồn tài nguyên này ở đại lục.
Liên Hợp Quốc xác định ba mức độ "căng thẳng về nước", bắt đầu khi nguồn cung cấp nước hàng năm tại một quốc gia giảm xuống còn 1.700 m3/người. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi mức nước cấp cho mỗi người hàng năm này giảm xuống còn 1.000m3, tiêu chí xác định tình trạng "khan hiếm nước". Những quốc gia với lượng nước hàng năm không đầy 500 m3 nước/người bị xếp vào nhóm "khan hiếm nước cực điểm". 8 trong số các tỉnh miền bắc của Trung Quốc hiện đang trải qua tình trạng khan hiếm nước cực điểm trong khi 11 tỉnh khác rơi vào nhóm khan hiếm nước.
Nguồn nước do sông Hoàng Hà cung cấp hiện chỉ bằng 1/10 so với những năm 1940. Trên khắp vùng lưu vực sông Hoàng Hà, nguồn tài nguyên này đã bị suy giảm một nửa trong 50 năm qua. Năm 1997, sông Hoàng Hà thậm chí khô cạn trong 226 ngày, cắt đứt kết nối với biển Bột Hải. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ô nhiễm đã khiến 1/10 nước của sông Hoàng Hà không còn phù hợp cho sử dụng trong nông nghiệp. Tình trạng biến đổi khí hậu chỉ làm tăng tốc độ khô cạn dần của dòng sông. Năm 2000, Thủ tướng Trung Quốc khi đó Chu Dung Cơ từng cảnh báo tốc độ khô cạn như vậy rốt cuộc sẽ buộc chính quyền trung ương phải di dời thủ đô khỏi Bắc Kinh.
Để đảm bảo nguồn cung cấp nước của Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã khởi động Dự án chuyển nước nam - bắc để dẫn nước từ sông Dương Tử về phía bắc. Tuyến Đông (1.156 km) được hoàn thành vào năm 2013 và tuyến trung tâm (1.432 km) được hoàn thiện vào năm 2014. Tuyến Đông chảy giữa các thành phố Hàng Châu và Bắc Kinh, khai thác kênh Đại Vận Hà, vốn là một sông nhân tạo được hình thành từ thời nhà Tùy và sau đó được khôi phục, rồi mở rộng vào thời nhà Minh. Thời xưa, Đại Vận Hà từng là một tuyến giao thông quan trọng cho việc vận chuyển ngũ cốc từ vùng Giang Nam đến Bắc Kinh như một hình thức nộp thuế. Ngày nay, nước được chuyển đến Bắc Kinh thông qua các đường ống dọc theo tuyến đường này. Trong khi Dự án chuyển nước nam - bắc có thể tạm thời giảm bớt mức độ nghiêm trọng của việc thiếu nước nhưng Bắc Kinh vẫn trong tình trạng khan hiếm nước cực điểm và các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm nước tương tự.
Nguồn cung cấp số nước trên - sông Dương Tử - cũng đang cảm thấy những hậu quả tiêu cực của dự án khổng lồ này. Ở nơi khởi nguồn của tuyến đường trung tâm tại tỉnh Hồ Bắc, gần 380.000 người đã phải di dời ra khỏi khu vực xung quanh hồ chứa nước Đan Giang Khẩu. Để ngăn chặn ô nhiễm nước, các nhà máy, nông trang và các làng nghề ngư nghiệp trong vùng cũng bị đóng cửa. Một số chính quyền địa phương đang bảo vệ nguồn cung cấp nước cho họ bằng cách xây dựng các con đập dọc theo các nhánh của dòng sông để ngăn nước bị tháo rút.
Tình trạng khủng hoảng nước của Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ việc không thể ngăn chặn ô nhiễm nước và chất thải. Ban đầu, nước là tài nguyên quá rẻ. Thực tế, nước được phân phối miễn phí trong 30 năm đầu tiên cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ sau khi thực hiện các cải cách kinh tế trong những năm 1980, chính phủ Trung Quốc mới bắt đầu thu phí sử dụng nước.
Kể từ thời cổ đại, quản lý sông nước đã là một vấn đề quản trị cơ bản ở Trung Quốc. Dưới triều đại nhà Thanh, việc sửa chữa, tu bổ kênh Đại Vận Hà đã bị ngưng sau trận lụt sông Hoàng Hà năm 1855 và cơ quan chuyên trách việc quản lý dòng sông cũng bị xóa bỏ. Vào thời điểm này, việc vận chuyển ngũ cốc từ Giang Nam đến Bắc Kinh đã được chuyển đổi sang bằng đường biển. Tuy nhiên, các biện pháp của chính quyền trung ương đã tước đi sinh kế của nhiều người làm việc trong lĩnh vực vận tải và giao nhận dựa vào kênh Đại Vận Hà cũng như các ngành công nghiệp liên quan. Bất ổn xã hội xuất phát từ điều đó đã góp phần dẫn tới cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc được các nhà nghiên cứu đánh giá là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc cận đại và cũng là cuộc nổi dậy đẫm máu nhất thế kỷ XIX.
Quản lý sông và thủy lợi ở Trung Quốc luôn được đặc trưng bằng các dự án địa kỹ thuật quy mô lớn kèm các mục tiêu chính trị. Trong thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ hướng tham vọng trong lĩnh vực này về phía Hindu Kush (dãy núi nằm giữa Afghanistan và Pakistan) và dãy Himalaya. Được mệnh danh là "nóc nhà thế giới", khu vực này là nơi khởi nguồn của các dòng sông lớn của Châu Á, không chỉ sông Dương Tử và sông Hoàng Hà, mà còn cả sông Ấn, sông Hằng và sông Mê Kông. Các cánh đồng băng tại đây lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau hai vùng cực của Trái đất.
Trong tương lai, các cuộc cạnh tranh khốc liệt về tài nguyên nước cũng như cuộc đua xây dựng các con đập sẽ không chỉ bao trùm những quốc gia trong vùng Himalaya như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bhutan, mà còn cả các quốc gia ở hạ nguồn như Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Theo Tuấn Anh
Vietnamnet

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn