Nhân quyền VN năm 2017 và kỳ vọng 2018

Thứ Tư, 03 Tháng Giêng 20185:00 SA(Xem: 7554)
  • Tác giả :
Nhân quyền VN năm 2017 và kỳ vọng 2018

Trước thềm năm 2018 đang đến, nhìn lại tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2017, Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn nêu quan điểm với BBC Tiếng Việt, cho rằng đây là năm của một bức tranh 'xám màu', nhưng cũng bày tỏ hy vọng chính quyền Việt Nam trong năm mới 2018 sẽ có cải thiện về quan điểm và chính sách.

"Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2017 là một bức tranh màu xám, chúng ta thấy cho đến tháng 12/2017 nhà cầm quyền đã bắt hơn 28 người và xét xử những bản án nặng đối với rất nhiều nhân vật bất đồng chính kiến, như chị Mẹ Nấm, chị Trần Thị Nga cũng như một số người khác với án rất nặng nề," Luật sư Định nói với chuyên mục Phỏng vấn Cuối tuần của BBC hôm 16/12/2017.

'

"Gần đây, như cộng đồng châu Âu đang muốn phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam, nhưng phía Việt Nam gần như vẫn tăng cường hành động trấn áp với giới bất đồng chính kiến, thì bức tranh nhân quyền ở Việt Nam tôi thấy không có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2017."

'Chờ đợi và mong mỏi'

Nhân quyền Việt Nam Bản quyền hình ảnh Human Rights Watch
Image caption 15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho là cần phải được chú ý ở Việt Nam

Về triển vọng của năm mới 2018, nhà hoạt động này nói:

"Chúng ta chuẩn bị bước vào một năm mới, khép lại năm cũ, năm có thể nói là tồi tệ về vấn đề nhân quyền và với tình hình này, tôi cũng không hy vọng là trong năm sau chúng ta sẽ tiếp đón một năm mới với tình hình nhân quyền được cải thiện.


"Và số người bị bắt trong năm sau ít hơn, hay nhiều hơn năm nay thì phải nói thật là tất cả chúng ta đều không biết, chúng ta đang chờ đợi và mong mỏi nhà nước có những thay đổi về chính sách thực sự để lắng nghe hơn nguyện vọng của người dân, thể hiện qua những tổ chức về xã hội dân sự.

"Và tôi mong nhà cầm quyền cũng thay đổi một thái độ, không nhìn hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự như những hoạt động của các thế lực thù địch và hãy xem đó là những tiếng nói có thể khác, trái với mình nhưng thể hiện nguyện vọng của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.

"Và chúng ta thấy như vụ BOT Cai Lậy chẳng hạn, rõ ràng đó là những hoạt động tự phát của giới tài xế mà thôi, để họ phản ứng lại điều bất hợp lý trong xã hội, thì thay vì giải quyết tận nguồn gốc vấn đề nảy sinh đó, người ta cứ theo một thói quen là sử dụng biện pháp trấn áp, sử dụng lực lượng công an để tìm cách đe dọa những tài xế như vậy.

"Cho dù đe dọa như thế nào thì những điều bất hợp lý vẫn tồn tại mà thôi và vấn đề quan trọng là giải quyết vấn đề bất hợp lý đó tận gốc của nó thì xã hội mới có thể ổn định và phát triển một cách bình thường được.

"Và tất cả chúng ta, tôi và quí vị đều trông mong là nhà nước có một trách nhiệm bình tĩnh hơn, ôn hòa hơn, không phải lúc nào cũng đe dọa, lúc nào cũng trấn áp để mà giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn tại trong xã hội chúng ta hiện nay," ông nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt trong chuyên mục Phỏng vấn Cuối Tuần hôm 16/12.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn