Vì sao vận mệnh đất nước nằm trong tay một nhóm người

Thứ Ba, 17 Tháng Chín 20191:00 SA(Xem: 4594)
Vì sao vận mệnh đất nước nằm trong tay một nhóm người
bbc.com

Vì sao vận mệnh đất nước nằm trong tay một nhóm người

William Park BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

Bạn có cảm thấy các cuộc tranh cãi chính trị đang ngày càng phân cực?

Ở đất nước tôi sống, Vương quốc Anh, chính trị dường như rơi vào bế tắc.

Ấn tượng của tôi là các phe phái giống nhau đang khăng khăng tập dượt lại các cuộc tranh luận cũ và hầu như không chịu đưa ra chút thỏa hiệp, nhân nhượng nào cho đối phương. Cho nên họ khiến người ta cảm thấy bực bội, nhàm chán, và nhìn từ quan điểm khoa học xã hội thì ít nhiều gây căng thẳng.


Nhưng điều gì xảy ra nếu chuyện phân cực là chuyện hoàn toàn được trông đợi? Và điều gì sẽ xảy ra nếu đó không phải là kết quả của sự thiếu hiểu biết, của sự thiển cận mà là phản ứng hoàn hảo của con người đối với những sai lầm và sai sót của chúng ta?

Tính hợp lý trong những điều phi lý

Một số nghiên cứu mới nhất cho thấy một lý do dẫn đến sự phân cực mà chúng ta đang chứng kiến bắt nguồn từ một số ít người, những nhóm thiểu số có ảnh hưởng ghê gớm.

Các nhà khoa học xã hội từng giải thích rằng sự phân cực là kết quả của cách suy nghĩ phi lý.

Chắc chắn rồi, bất kỳ một người nào nếu là người biết điều, có chừng mực, thì cho dù có nhận được thông tin sai cũng sẽ nhận là mình đã sai khi họ phạm phải sai lầm, các nhà khoa học xã hội nói. Còn người cứ khăng khăng bám vào niềm tin sai lầm của họ khi được cho thấy những bằng chứng rõ ràng thì rõ ràng là đang hành động một cách phi lý.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nhưng một nghiên cứu được công bố gần đây đang thách thức tính đúng đắn của thuyết trên.


Trên thực tế, sự phân cực có thể xảy ra trong những nhóm người hoàn toàn biết cách suy xét hợp lý, nếu như ta nhìn vào những hạn chế của bộ não con người.

Có một vấn đề trong việc nghiên cứu niềm tin hợp lý và phi lý, đó là không có ai là hoàn toàn hợp lý cả.

Khó để đoán được khi nào thì một người có thể phản ứng hợp lý hoặc phi lý, và cũng khó để kiểm soát hành vi đó trong một thử nghiệm. Vì vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Mỹ, Nhật Bản, Bỉ và Hàn Quốc đã tiến hành thử trên mô hình máy tính các nhân vật được họ lập trình để hành động hợp lý hoặc phi lý.

"Mỗi nhân vật được gán cho một chủ kiến, nhưng có thể thay đổi ý kiến ​sau khi tương tác với người khác," Jiin Jung, đồng tác giả của cuộc thử nghiệm và là nhà nghiên cứu tại Đại học Claremont Graduate ở California, Mỹ, nói.

Nếu tất cả họ đều hành động hợp lý, bạn sẽ trông đợi họ chia sẻ ý kiến ​​của mình, và đôi khi thay đổi quan điểm nếu họ thấy lập luận của những người khác vững chắc hơn họ.

Các nhân vật đã được lập trình trong bộ nhớ để hành xử hợp lý hoặc phi lý. Một số nhân vật được trao cho bộ nhớ hoàn hảo, một số khác nhận được bộ nhớ không chuẩn xác.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Những người có bộ nhớ vô hạn thì nhớ được tất tật các kiểu tranh luận từ mọi quan điểm," Jung nói. "Những người quên quên nhớ nhớ được chia thành nhóm những người quên một cách ngẫu nhiên, và nhóm những người quên các tranh luận yếu kém hoặc các tranh luận cũ."


"Các nhân vật có bộ nhớ không giới hạn không bị phân cực," Jung nói. Nhưng con người thì không một ai có được một bộ nhớ hoàn hảo không thể sai lầm.

Điều thú vị hơn nữa là điều gì sẽ xảy ra trong tình huống thực tế là mức chú tâm, trí nhớ và năng lượng của chúng ta vào việc tranh luận là thứ có thể thay đổi.

"Nếu chúng ta xử lý hợp lý bằng bộ nhớ có giới hạn, thì điều đó sẽ gây ra sự phân cực về ý kiến ​​trong một nhóm người," Jung nói. "Mặc dù chúng ta hoàn toàn có lý trí, nhưng xã hội trở nên phân cực bởi chúng ta quên đi lập luận của người khác."

Khi gặp một người có niềm tin khác với mình, chúng ta nên cố gắng không coi đó là thứ niềm tin phi lý. Thay vì nghĩ rằng mình cần phải uốn nắn hoặc phải cải tạo họ, ta có thể ngẫm nghĩ về những điều ảnh hưởng đến phán đoán của họ. Trí nhớ kém, căng thẳng, không chắc chắn, phân biệt đối xử - tất cả những điều này có thể đang đẩy mọi người hành xử vượt ra ngoài chuẩn mực.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Người ngoài cuộc

Tất cả chúng ta có thể đều có tội vào lúc này hay lúc khác, do thiếu năng lượng hoặc ý chí trong việc kiểm định niềm tin của mình.

Vậy nếu như các nhà tư tưởng có lý trí nhất bị phân cực, thì điều gì đẩy họ theo hướng này?

Amber Gaffney, nhà tâm lý học xã hội từ Đại học Humboldt ở California, Hoa Kỳ cho biết, các nhóm thiểu số nhỏ có quan điểm mạnh mẽ có thể đóng vai trò to lớn một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng không phải là theo cách mà bạn mong đợi.

"Rất nhiều người không coi bản thân mình là những kẻ cực đoan," Gaffney nói. "Nhưng họ có thể có nhiều điểm chung với nhau hơn họ tưởng. Khi đảng Tea Party có ảnh hưởng to lớn hơn, những thông điệp cực đoan của họ thường là quá ngưỡng đối với những người bảo thủ ôn hoà. Nhưng những người bảo thủ ôn hòa đã ngả theo Tea Party theo những cách khác."

Cả các đảng viên của Tea Party và những người bảo thủ ôn hòa đều là những người thuộc phe Cộng hòa ở Mỹ.

Do đó, những người bảo thủ ôn hòa có thể thấy mình giống với Tea Party hơn là những người theo phe Dân chủ, mặc dù những người bảo thủ ôn hòa có thể có nhiều điểm chung với các đảng viên Dân chủ ôn hòa. Trong tình huống này, những người theo phe Dân chủ đứng bên ngoài - họ là người ngoài cuộc.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Việc tiếp nhận thứ gì đó gần giống với nhóm mình sẽ cho phép bạn lôi kéo cả nhóm tránh xa khỏi những gì bạn không muốn," Gaffney nói. "Những người Dân chủ đứng ở bên ngoài nhóm của những người Cộng hoà, và những người Cộng hoà đã đã sử dụng Tea Party [một cách vô thức] để giúp họ tránh xa khỏi phe Dân chủ."

Những lời hùng biện của Tea Party thì cực kỳ bảo thủ.

Trong bài phát biểu trước một đại hội của các ủng hộ viên, một lãnh đạo của Tea Party đã đưa ra một số điểm mà họ cùng quan tâm đến: "Điều này đã không bắt đầu khi chúng ta bỏ phiếu cho Obama; nó bắt đầu khi chúng ta bỏ phiếu phản đối việc cầu nguyện ở trường học; khi chúng ta hợp pháp hóa việc phá thai; khi vợ chồng được phép lựa chọn biện pháp ly hôn, từ bỏ lời thề nguyền yêu thương dành cho nhau và cho cuộc hôn nhân của họ trước mặt Chúa. Đây chỉ là một vài cách chúng ta đã từ bỏ Thiên Chúa và các nguyên tắc mà Người đã tạo ra."

Những người bảo thủ ôn hoà có thể không đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy bằng cách liên kết với các nhóm thiểu số cực đoan, ý kiến ​​của bạn có thể thay đổi theo những cách đáng ngạc nhiên.

Nghiên cứu của Gaffney được xây dựng dựa trên công trình của William Crano, người đã xác định được rằng một thông điệp rõ ràng có thể đủ mạnh để khiến bạn đổi ý, ngay cả khi bạn không đồng ý với thông điệp đó.

Nhưng, Crano nói, các ý kiến ​​cực đoan thì gây áp lực lên toàn bộ niềm tin của bạn. Bạn có thể không ngay lập tức thay đổi thái độ, nhưng niềm tin của bạn dần suy yếu đi, khiến cho bạn có thể sau này sẽ thay đổi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Gần đây tại Anh, Scott Mann, một nghị sỹ vốn ít được biết đến, đã đăng trên Twitter nội dung thế này: "Mỗi con dao được bán ra ở Anh nên gắn kèm thiết bị theo dõi GPS ở bên trong cán dao. Nay đã đến lúc chúng ta cần tạo cơ sở dữ liệu quốc gia như đã làm đối với súng. Nếu bạn mang nó đi khắp nơi thì tốt nhất là bạn phải đưa ra được lời giải thích thật thoả đáng, trừ trường hợp đi câu cá v.v..."

Mặc dù ý tưởng gắn thiết bị theo dõi định vị vệ tinh vào cán dao ở Anh có lẽ không phải là lần đầu được đưa ra, nhưng đây có thể là ví dụ thú vị về điều mà Gaffney và Crano nhắc tới.

Hầu hết mọi người nói rằng việc gắn thiết bị định vị GPS vào sẽ không ngăn được tội phạm liên quan đến dao, nhưng liệu đoạn tin tweet trên đây có đóng vai trò như con ngựa thành Troy trong việc làm thay đổi thái độ của mọi người trong các vấn đề liên quan không, chẳng hạn như đối với vấn đề tội phạm đường phố hoặc hoạt động tuần tra, giữ trật tự đường phố?

Quyền lực của nhóm nhỏ

Sự kiên trì và nhất quán là điều vô cùng then chốt trong việc gây ảnh hưởng.

"Những người thiểu số có phong cách hành xử nhất quán hoặc dám mạo hiểm lợi ích cá nhân là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất," Jung nói.

"Khi bạn nghĩ về những nhà sư Tây Tạng tự thiêu, bản chất cực đoan của những gì họ làm khiến cho những người ôn hoà thấy thấy chấn động. Nếu tôi có quan điểm không thật mạnh mẽ và rồi tôi thấy ai đó hành xử như vậy, đột nhiên tôi nghĩ rằng có lẽ mình đã sai, và cần thay đổi thái độ."

Quy mô của nhóm cũng rất quan trọng. Việc là nhóm nhỏ đem lại nhiều điều hữu ích. Các nhóm nhỏ có thể chỉ có một thông điệp rõ ràng, trong khi các nhóm lớn thường có nhiều tiếng nói khác nhau, đưa ra nhiều thông điệp khác nhau.

Sự khác biệt này khiến các nhóm nhỏ có ảnh hưởng hơn, đặc biệt nếu các thành viên trong nhóm nhất quán quan điểm.

Tương tự, trong cộng đồng càng có nhiều thứ không chắc chắn thì ảnh hưởng của nhóm thiểu số càng cao.

"Khi cảm thấy sự không chắc chắn, con người ta sẽ dùng các giá trị mạnh mẽ để xác định chính mình," Gaffney nói. "Khi mọi người cảm thấy vô cùng không chắc chắn về bản thân mình và động cơ cá nhân, thì những kiểu lãnh đạo khác sẽ trở nên hấp dẫn hơn, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo độc đoán trong những xã hội dân chủ."

Các nhà lãnh đạo độc tài thường tận dụng sự không chắc chắn này, Gaffney nói, với những lời hùng biện kiểu như "Chúng ta đang đánh mất mình".

Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Thật đáng buồn bởi vì khi mọi người không chắc chắn về vị trí của họ trên thế giới, họ cố gắng tìm một nhóm cấp tiến, nhóm có nhà lãnh đạo độc đoán với quy tắc rõ ràng, có những ranh giới rõ ràng," Jung nói.

"Khi mọi người không chắc chắn về việc bản thân mình là ai, thì tính tích cực và tiêu cực trở nên bớt quan trọng - vì vậy họ không nhất thiết phải suy nghĩ xem hành động của họ là tốt hay xấu."

Điều này đặc biệt đúng đối với các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội, Jung nói thêm. "Những người bị áp bức xem nhóm người đa số là xấu xa, vậy nên các nhóm thiểu số hẳn phải là nhóm người tốt đẹp."

Nhưng điều đáng ghi nhớ là các nguyên tắc tương tự có thể được sử dụng để mang lại sự thay đổi xã hội tích cực. Trên thực tế, Gaffney nói, một số thay đổi xã hội tích cực nhất chính là kết quả của việc các nhóm thiểu số mang tính gắn kết mạnh mẽ và có bản sắc rõ ràng.

"Khi chúng ta thấy sự thay đổi xã hội tích cực, sự thay đổi đó đến từ một nhóm thiểu số. Hãy nghĩ về phong trào dân quyền, về quyền bầu cử của phụ nữ," Gaffney nói. "Các phong trào đều rất tích cực, nhưng chúng bắt đầu với các nhóm thiểu số - đó là những 'người ngoài cuộc', họ phản kháng các chuẩn mực."

Chúng ta đều là một phần của các nhóm nhỏ được lồng vào trong các mạng lưới xã hội phức tạp.

Các nhóm thiểu số cực đoan có thể gây cả tác động tích cực lẫn tiêu cực cho nhóm cộng đồng đông hơn.

Và ngay cả khi bạn cho rằng ý tưởng cực đoan của ai đó là vô nghĩa, thì hãy nhớ rằng họ có thể đã thay đổi cách bạn suy nghĩ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn