Nước Nga của Putin: Bóng tối bên rìa châu Âu

Chủ Nhật, 08 Tháng Chín 20196:00 SA(Xem: 4141)
Nước Nga của Putin: Bóng tối bên rìa châu Âu

Ukraine-Conflict-Map

Nguồn: Yuliya Tymoshenko, “Darkness on the Edge of Europe,” Project Syndicate, 6/1/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Năm 2014, Vladimir Putin bộc lộ bản chất Trotsky trong con người ông. Với những gì Tổng thống Nga đang thể hiện, Ukraina là một biến thể theo chiều hướng xấu của công thức mà Trotsky tuyên bố trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Brest-Litovsk năm 1918: “Không có chiến tranh, không có hòa bình.” Làm như vậy, Putin không chỉ khóa chặt Ukraina trong một cuộc xung đột bị đóng băng,[1] thứ sẽ ngăn chặn cả dân chủ lẫn nền kinh tế phát triển; mà ông còn xé vụn các nguyên tắc và chuẩn mực đã gìn giữ hòa bình ở châu Âu trong ba thế hệ.

Đừng ai nên tin rằng Nghị định thư Minsk – được nhất trí hồi tháng 9 với đại diện của Ukraina, Nga, và lực lượng vũ trang do Điện Kremlin hậu thuẫn ở các thành phố phía Đông của Donetsk và Luhansk – đã đánh dấu bước đầu cho sự trở lại của trạng thái bình thường ở Ukraina hay châu Âu.

Theo thỏa thuận này, chính phủ Ukraina sẽ nhượng quyền kiểm soát thực tế vùng Donbas, được cho là trong ba năm, cho những kẻ ly khai mà Nga thuê mướn. Nhưng cuộc chiến hỗn hợp được nhập khẩu này – và ham muốn chia cắt Ukraina của Nga – còn lâu mới chấm dứt.

Ngược lại, Nghị định thư Minsk chỉ đánh dấu sự kết thúc giai đoạn khởi đầu chương trình của Putin nhằm biến Ukraina thành một nhà nước chư hầu và khôi phục quyền phủ quyết của Nga đối với quan hệ quốc tế của các nước láng giềng. Những nỗ lực của Putin nhằm cản trở tương lai châu Âu của Ukraina cũng như nhằm gạt bỏ nền dân chủ của Ukraina và thay thế nó bằng một nền toàn trị của Điện Kremlin sẽ còn tiếp diễn, trừ khi thế giới áp đặt một cái giá quá cao cho những tham vọng đế quốc của Putin đến nỗi nhân dân Nga phải từ chối gánh chịu.

Do vậy, trong năm 2015, sự quyết tâm mà châu Âu và Hoa Kỳ đã thể hiện trong việc chống lại tham vọng của Putin không chỉ cần được duy trì mà còn phải được củng cố. Thế nhưng, thật đáng buồn, lại có những dấu hiệu cho thấy sự hời hợt trong cam kết của phương Tây. Thỏa thuận hồi tháng 9 của Ủy ban châu Âu nhằm trì hoãn việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận liên kết của Ukraina với Liên minh châu Âu – thỏa thuận mà người Ukraina đã chiến đấu sống chết để giành được tại Kiev mùa đông năm ngoái – đã ra tín hiệu cho Putin rằng sự xảo trá, vũ lực, và đe dọa có thể giành được sự chấp thuận của phương Tây trong sự nô dịch Ukraina và đánh cắp Crimea của Putin.

Thay vì thể hiện quyết tâm của EU nhằm làm cho thỏa thuận liên kết có thể có hiệu quả, việc trì hoãn này lại chỉ kích thích sự thèm khát của Putin. Hi vọng của Putin rằng lợi ích của một số thành viên EU trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt từ Nga trong mùa đông sẽ khiến họ quên đi lợi ích an ninh của một số nước đồng minh – một chiến lược chia để trị cổ điển – đã được đáp ứng.

Châu Âu không thể bị điều đó lừa gạt. Có thể hiện giờ Ukraina mới chỉ đi qua tâm bão. Biết hệ thống hậu cần của quân đội Nga cung cấp cho Crimea hiện nay là không đủ, Putin dường như đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch để giành được một hành lang từ biên giới Nga đi xuyên qua miền Đông Nam Ukraina (đến Crimea).

Đó là lí do tại sao một số nhân vật nham hiểm nhất đằng sau các cuộc xung đột bị đóng băng khác của Nga, như Trung tướng Vladimir Antyufeyev, từ lâu đã nắm giữ chức vụ “Bộ trưởng an ninh quốc gia” trong vùng ly khai Transnistria của Moldova, hiện đang phụ trách lực lượng vũ trang ở miền Đông Ukraina. Antyufeyev đang sử dụng thoả thuận ngừng bắn mong manh theo Nghị định thư Minsk để tạo ra một bản sao của KGB, gọi là MGB, nhằm hăm dọa người dân Ukraina bị mắc kẹt trong vùng Donbas phải chịu phục tùng đại diện của chính quyền Kremlin. Và với việc những phần tốt đẹp nhất của nền kinh tế Donbas đã bị “quốc hữu hóa” (phần còn lại đã bị cướp bóc), các “ngành kinh tế” mới nổi của khu vực chính là tội phạm và bắt cóc, thứ đã xuất hiện tại Transnistria, các tỉnh ly khai của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia, và các quốc gia nhỏ khác do Kremlin hậu thuẫn.

Mong muốn đảm bảo tiếp cận Crimea cũng là lí do tại sao hiện nay quân đội Nga tập trung vào cảng chiến lược ở Mariupol, một cửa ngõ trên biển Azov, để có được một dải cầu nối với đất liền. Châu Âu nên hiểu những nguy hiểm cố hữu trong việc tạo ra một hành lang đường bộ đi qua nước khác, với việc Đức Quốc xã từng lợi dụng Hành lang Danzig làm cái cớ để xâm lược Ba Lan năm 1939.

Chắc chắn, ngày phán xét sẽ tới với Putin khi cuộc xâm lược của ông đang dần phá hoại nền kinh tế Nga. Nhưng khi ngày đó đến, vẫn chưa chắc chắn để châu Âu và thế giới có thể thôi cảnh giác và giảm bớt áp lực lên Điện Kremlin. Thật vậy, nếu muốn hòa bình đến với Ukraina – và nếu muốn ngăn Putin sử dụng cùng một chiến lược ở nơi khác – thế giới phải để Putin biết rằng có những ranh giới không bao giờ có thể vượt qua được. Nói cho cùng, Ukraina không phải là quốc gia duy nhất đang nằm dưới họng súng, như được chứng minh qua việc mới đây Putin hăm dọa Kazakhstan để “bảo vệ” công dân Nga ở đó, chưa kể đến sự đe dọa của Putin đối với các quốc gia vùng Baltic.

Vấn đề này không chỉ liên quan đến phương Tây. Trung Quốc có thể cần sớm quyết định xem liệu nó có thể ngồi yên mặc cho Điện Kremlin giành mất những lợi ích địa chiến lược và an ninh lớn hơn mà sự sụp đổ đế chế Xô-viết mang lại hay không. Xét cho cùng, không phải ngẫu nhiên mà một phần tư thế kỷ qua sự phát triển kinh tế vượt bậc của Trung Quốc lại diễn ra sau khi các mối đe dọa trên biên giới với Liên Xô bị loại bỏ.

Quả thật, trái với những gì mà Putin tuyên bố với công chúng Nga, Trung Quốc không hoàn toàn cam kết ủng hộ ông trong cuộc đối đầu với phương Tây. Một dấu hiệu của điều đó là sự mặc cả mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong việc đàm phán hợp đồng khí đốt khổng lồ gần đây của Trung Quốc với Nga; hay các khoản vay mà Trung Quốc dành cho Nga kể từ sau cuộc xâm lược Crimea đã giảm xuống trên thực tế.

Trong khi Ukraina chuẩn bị cho một năm đối đầu nữa, thế giới nên hiểu rằng có một thực tế không thể thương lượng: đất nước của chúng tôi (Ukraina) sẽ là một nhà nước có chủ quyền toàn vẹn và độc lập. Không một chính phủ nước ngoài nào có thể giành quyền phủ quyết đối với bất kỳ khía cạnh nào của việc ra quyết định nội bộ của chúng tôi. Tương lai của chúng tôi sẽ do người dân Ukraina quyết định, chấm hết. Điều này có nghĩa là chúng tôi không công nhận – bất cứ lúc nào và dưới bất cứ hình thức nào –việc Nga sáp nhập Crimea và chiếm đóng Donbas.

Tình đoàn kết, tinh thần, và sự tận tâm của người Ukraina đối với tự do của họ vẫn còn nguyên vẹn. Chiến tranh đã tạo nên một lòng yêu nước mới mà hoà bình sẽ không thể dập tắt. Chúng tôi sẽ tiếp tục thách thức Putin và những nỗ lực biến Ukraina thành một quốc gia đệm bán chủ quyền của ông ta. Nhưng khả năng kháng cự của Ukraina và khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn bạo quyền được tự do hành động lại phụ thuộc vào việc các lãnh đạo thế giới có hiểu được rằng nhân nhượng chỉ sinh ra thêm nhiều sự lấn tới hay không. Nếu không, năm 2015 có thể đánh dấu việc châu Âu và thế giới quay trở lại một trật tự được cho là đã bị đập tan bảy thập niên trước (tức trật tự trước Thế chiến II – NBT).

Yuliya Tymoshenko nguyên là Thủ tướng Ukraina.

———————–

[1] Xung đột đã chấm dứt nhưng chưa có giải pháp chính trị hay hiệp ước hòa bình được các bên chấp nhận – ND.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn