Công ty Lynas (của Úc), nhà sản xuất đất hiếm lớn duy nhất ngoài biên giới Trung Quốc, đã ký kết hợp đồng với Công ty Blue Line trụ sở tại Texas (Mỹ) nhằm chuẩn bị việc mở nhà máy tại Mỹ. Hoạt động sản xuất sẽ có thể bắt đầu từ năm 2021.

“Trên thực tế, những nhà máy phân tách đất hiếm loại nặng chỉ tồn tại ở Trung Quốc trong khi đất hiếm loại nặng lại vô cùng quan trọng”, giám đốc điều hành (CEO) của Lynas, bà Amanda Lacaze cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Nikkei.

Theo nguồn thạo tin nói với Nikkei, Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh mở rộng hợp tác với Lynas, do đó tạo ra một liên minh gồm 3 nước trong cùng lĩnh vực, tương tự như liên minh Mỹ – Nhật – Úc trong an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm kiềm tỏa sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tận dụng ưu thế thống lĩnh thị trường đất hiếm như một vũ khí trong các tranh chấp thương mại trước đây, đồng thời phát đi tín hiệu sẽ có thể tiếp tục làm như vậy trong cuộc chiến hiện tại với Mỹ.

Đất hiếm, một nhóm bao gồm 17 nguyên tố quan trọng, thực sự không quá hiếm, chúng đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới ngoài Trung Quốc, như Úc, Brazil và một số nước châu Phi. Hoạt động khai thác đất hiếm tuy không phải là vấn đề khó khăn, nhưng quá trình xử lý đất hiếm để thu được nguyên liệu tinh khiết không hề đơn giản.

Hiện các công ty Trung Quốc chiếm 85% sản lượng các nguyên tố đất hiếm có độ tinh khiết cao trên thế giới, còn Lynas nắm khoảng 15% còn lại.

Trong khi các công ty Trung Quốc thực hiện cả hoạt động khai thác và sản xuất tại Trung Quốc, thì Lynas nhiều năm nay đã khai thác đất hiếm tại Úc nhưng lại sản xuất tại Malaysia bởi những lo lắng về chất thải phóng xạ từ quá trình sản xuất này.

Vào tháng 5.2019, Lynas đã quyết định thay đổi và hợp tác với Blue Line của Mỹ để có thể xây dựng được nhà máy phân tách đất hiếm ở Texas. Không giống tại Malaysia, nhà máy ở Mỹ sẽ có thể phân tách dysprosium - một nguyên tố thiết yếu trong sản xuất pin cho thiết bị điện.

Dysprosium đặc biệt khó phân tách, hoạt động sản xuất cho đến nay được dành chủ yếu cho các công ty Trung Quốc. Việc Lynas cố gắng xây dựng nhà máy phân tách tại Mỹ sẽ thay đổi sân chơi đất hiếm toàn cầu.

Chính khả năng Trung Quốc chặn việc cung cấp đất hiếm cho Mỹ đã khiến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông phải cố gắng mở rộng sản xuất đất hiếm hợp tác với Úc.

Quốc gia châu Đại Dương này cũng là một trong những nước đầu tiên hưởng ứng theo lời kêu gọi của Mỹ cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei cung cấp thiết bị cho liên lạc không dây thế hệ thứ năm (5G) do những lo ngại về an ninh.

Vào tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Khảo sát và Khoa học địa chất Úc đã ký một thỏa thuận sơ bộ để hỗ trợ nghiên cứu chung và phát triển các khoáng sản được coi là quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.

Động thái chiến lược của Lynas rõ ràng phù hợp với chiến lược của Canberra liên quan đến khoáng sản quan trọng về kinh tế.

Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng cố gắng để nắm giữ Lynas. Năm 2009, Tập đoàn khai thác kim loại màu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã tìm cách mua phần lớn cổ phần của công ty Úc, một động thái đã bị đẩy lui bởi Canberra.

Ngoài Mỹ, Lynas cũng đang tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản. Năm 2010, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc cho Nhật Bản đã bị đình trệ sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, tỉnh Okinawa, khiến Trung Quốc tức giận, do Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Trung Quốc sau đó đã giảm nguồn cung đất hiếm khiến Nhật phải chuyển sang nhập từ công ty Lynas. Năm 2011, nhà thương mại Nhật Bản Sojitz cùng Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản đã hỗ trợ 250 triệu USD để giúp Lynas thúc đẩy sản xuất để đổi lấy việc công ty Úc hứa sẽ cung cấp ổn định nguồn đất hiếm cho Nhật Bản.

Nhà máy ở Texas của Lynas dự tính tới năm 2021 mới hoạt động, đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể tận dụng khoảng thời gian này như một lợi thế để chống lại thuế quan của Tổng thống Trump.

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến kiểm tra một trung tâm sản xuất đất hiếm quan trọng vào tháng 5, giá của dysprosium và các nguyên tố đất hiếm quan trọng khác đã tăng lên.

"Trung Quốc đang sử dụng sự thống trị của mình đối với đất hiếm để gây áp lực cho người tiêu dùng lớn trên thế giới", Hikaru Hiranuma, một nhà nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu chính sách Tokyo cho biết.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã thắt chặt hơn nữa đối với thị trường đất hiếm trên toàn cầu. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhận được sự giúp đỡ từ các nước tiêu dùng lớn có những mỏ đất hiếm do những quốc gia này phải gửi quặng mà họ khai thác được ở nội địa và chuyển đến các cơ sở phân tách ở Trung Quốc để có thể tinh chế ra các nguyên liệu sử dụng trong công nghiệp.

Lý do họ làm như vậy là vì Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia sẵn sàng chịu đựng các nguy cơ phóng xạ từ ngành công nghiệp này. Chính vì thế, điều này đã giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc tinh chế và chế biến quặng đất hiếm thành kim loại có giá trị, bột từ tính hay các sản phẩm có giá trị cao khác. Kết quả là Bắc Kinh đã giành được một vũ khí trong thương chiến với Mỹ.

Mới đây, công ty Khoáng sản miền Bắc của Úc cũng đang xem xét thay đổi cách truyền thống của họ là xuất khẩu quặng đất hiếm sang Trung Quốc để chế biến. Công ty này hiện đang cân nhắc kế hoạch xây một nhà máy phân tách mới ở Úc.

Hoàng Vũ (theo Nikkei Asian Review)