Mạng xã hội theo ý thức hệ gì?

Chủ Nhật, 18 Tháng Tám 201911:00 CH(Xem: 6460)
Mạng xã hội theo ý thức hệ gì?

facebookRohan Silva, cựu cố vấn cho Thủ tướng David Cameron của Anh (nhiệm kỳ 2010-16), cho rằng Silicon Valley cũng có ý thức hệ xã hội và chính trị riêng.

Ông cho rằng giới công nghệ đằng sau các đại công ty lập ra Facebook, Twitter, Uber, đều mộng tưởng về một xã hội siêu tự do theo chủ nghĩa libertarianism.

Nhưng nay, các vấn đề t̀ồi tệ của mạng xã hội đem lại khiến họ cần phải nghĩ lại về một cơ chế điều chỉnh nền tảng "tự do vô giới hạn" mà các công nghệ này tạo ra.

Trong bài viết 'We can plug Silicon Valley's moral void' đăng trên The Sunday Times (25/02/2018), ông Silva cho rằng các 'đại gia' công nghệ mạng là tín đồ của triết học về xã hội lý tưởng, hoàn hảo (utopia).

Họ tin vào cuộc cách mạng - ở đây là công nghệ - sẽ tạo ra xã hội hoàn hảo, tự do, không bị hạn chế bởi nghèo đói, bất hạnh.

Trích Fred Turner trong cuốn 'From Counterculture to Cyberculture', Silva nói thế hệ thanh niên Phương Tây nổi loạn, hippie nay sinh ra các ý tưởng công nghệ 'tự do tới mức cực đoan'.


Họ muốn thoát khỏi mọi ràng buộc từ các chính phủ, mọi kiểm soát từ bên trên, và các công ty ở vùng Bờ Tây nước Mỹ đã thấm nhuần ý thức hệ này khi tạo ra các sản phẩm kỹ thuật số.

"Điều trớ trêu là các ý tưởng hippie nay được đem vào áp dụng bởi những doanh nghiệp giàu mạnh nhất hành tinh."

Các mạng xã hội hoạt động xuyên biên giới, không bị ai kiểm soát tưởng như đem lại bình quyền, và khả năng chia sẻ thông tin vô hạn.

Nhưng Rohan Silva nói các mạng xã hội cũng trở thành nơi tìm ra cách chế bom, hoặc tung ra những lời lẽ hận thù, hoặc bắt nạt người khác.

Bên cạnh đó thì tranh ảnh khiêu dâm có thể được trẻ em dùng máy tính hay điện thoại thông minh xem bất cứ lúc nào.

Nhưng dù vậy, các đại công ty kiểm soát công nghệ mạng vẫn rất e ngại việc kiểm soát, theo Rohan Silva.

Ông trích dẫn lại triết gia gốc Áo, Karl Popper để cho rằng niềm tin vào một 'xã hội lý tưởng' là vấn đề lớn của khoa học chính trị.

Sau khi sang New Zealand sống để trốn phát-xít, Popper viết sách về hai chủ nghĩa mộng tưởng về xã hội tuyệt hảo: phát-xít và cộng sản.

Cả hai đều mặc định rằng con người có thể tạo ra xã hội hoàn hảo, điều Popper cho là không thể, và vì thế hai mô hình này đều gây hại khủng khiếp cho thế giới.

Nhắc lại triết học của Karl Popper, Rohan Silva nói ngày nay chúng ta phải cẩn thận về viễn kiến đầy nguy hiểm của chủ nghĩa công nghệ tuyệt hảo.

Silva cho rằng cần áp dụng triết lý về tự do nhưng có cơ chế điều chỉnh, kiểm soát của Anh Quốc, từ Edmund Burke tới John Stuard Mill, từ Isaiah Berlin tới Karl Popper.

Đó là tự do cần được đề cao nhưng xã hội và chính quyền cũng có vai trò hạn chế các mặt trái của mạng xã hội.

Hai viễn kiến trái ngược nhau

Càng về gần đây, giới quan sát càng nhận thấy có hai viễn kiến về mạng xã hội trái ngược nhau.

Một bên là tự do tối đa của Silicon Valley, và một bên là Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc.


Truyền thông mạng xã hội Phương Tây, được thúc đẩy bởi công nghệ máy tính bảng, và điện thoại thông minh, đang tác động sâu rộng vào cuộc sống con người.

Melissa Hogenboom viết trên BBC Future rằng các số liệu cho thấy trẻ em độ tuổi 11-15 ở Anh dành khoảng 6-8 tiếng mỗi ngày trước màn hình.

Đó là không tính thời gian dành cho bài tập về nhà.

Chưa nói về ảnh hưởng của nội dung, chỉ riêng việc dùng mạng đang tạo ảnh hưởng tiêu cực tới giấc ngủ - sức khỏe tinh thần của con người.

Các vấn đề an toàn trên mạng, quyền riêng tư cũng đang được nêu ra.

Còn Trung Quốc đã chủ trương dùng mạng xã hội để thống nhất tư duy của người dùng về theo một đường lối do nhà nước chỉ đạo.

Hệ thống tín chỉ xã hội cho phép các đại công ty mạng của Trung Quốc tuân theo yêu cầu của Đảng Cộng sản, để đánh giá hàng trăm triệu công dân.

Mọi hành vi của họ trên truyền thông mạng sẽ được cho điểm.

Nếu ai "vi phạm" hoặc bị "tín dụng thấp" có thể bị khoá mọi tài khoản, dẫn đến chỗ không thể hoạt động được.

Ví dụ bạn sẽ không thẻ mua vé tàu hay làm thủ tục lên máy bay được vì "hồ sơ cá nhân" trên mạng bao trùm từ thân nhân, hạnh kiểm đến túi tiền, toàn bộ bị khóa.

Nặng hơn thì công dân bị "điểm kém" và tái phạm có thể bị bắt.

Alibaba

Các công ty Trung Quốc, và không lâu sau là công ty nước ngoài vào hoạt động ở Trung Quốc, cũng sẽ cần tuân thủ hệ thống tín chỉ này.

Mirjam Meissner từ Mercator Institute for China Studies viết trên trang ChinaFile rằng hệ thống tín chỉ này của Trung Quốc sẽ có mục tiêu "lèo lái" của thị trường kinh tế và sẽ có tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới, một khi nó hoàn tất.

Trung Quốc không chỉ chặn các mạng Phương Tây mà còn xuất khẩu công nghệ và cách kiểm soát mạng truyền thông xã hội ra châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Vào thời điểm 'cuộc chiến chưa ngã ngũ' này, các mạng Phương Tây hiện cũng đang rất cần sự lãnh đạo trong kỷ nguyên kỹ thuật số, theo Rohan Silva.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn