Liệu Hồng Kông có thể độc lập khỏi Bắc Kinh?

Thứ Năm, 01 Tháng Tám 20193:00 SA(Xem: 3292)
Liệu Hồng Kông có thể độc lập khỏi Bắc Kinh?

Estonia và các nước vùng Baltic khác, chẳng hạn như Latvia và Lithuania, đã đạt được điều mà hầu hết các nhà quan sát lúc đó coi là bất khả thi. Không những họ đã thoát khỏi sự thống trị của Điện Kremlin trong giai đoạn 1988-1991, mà họ còn sống sót, thịnh vượng và sớm trở thành các nước thành viên của cả NATO và Liên minh Châu Âu. 

ADVERTISEMENT

Liệu Hồng Kông có thể đi theo con đường này – không chỉ tách khỏi Trung Quốc đại lục nhưng sống sót và phát triển trên sân khấu thế giới hay không? Hầu hết các chuyên gia nói không, nhưng họ cũng có thể sai. 

Hồng Kông hôm nay mạnh về kinh tế hơn bất kỳ một quốc gia Baltic nào trong những năm 1980. Nền kinh tế của các nước nhỏ bé này hoàn toàn bị Moscow kiểm soát, không nước nào đủ khả năng tự lực, và tất cả đều phụ thuộc nặng nề vào Liên Bang Xô Viết, không nước nào có thể sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn của Châu Âu. 

Trái với tình trạng trước khi độc lập của các nước Baltic, Hồng Kông là một trung tâm tài chính nối Trung Quốc và thế giới. Vai trò này có thể bị suy yếu nếu Hồng Kông độc lập, nhưng cả hai bên sẽ tiếp tục cần nhau. Sự khác biệt về chính trị không khiến Singapore và Đài Loan không rơi vào các mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Thêm nữa, các doanh nghiệp phương Tây sẽ cảm thấy an toàn hơn khi tiếp tục đầu tư vào một Hồng Kông độc lập, dân chủ và tôn trọng pháp luật. 

Hồng Kông có quá nhỏ để trở thành một quốc gia độc lập hay không? Không. Hồng Kông có hơn 7,4 triệu dân số – lớn hơn rất nhiều lần số dân 1,3 triệu người của Estonia. Thực tế, dân số của Hồng Kông còn vượt qua cả ba nước cộng hòa vùng Baltic gộp lại. Dân số Đài Loan gấp 3 lần Hồng Kông với 24 triệu dân, nhưng Singapore cũng chỉ có 5,6 triệu người. 

Diện tích của Hồng Kông chỉ rộng 1.104 km2, trong khi mỗi nước Baltic rộng ít nhất 40 lần con số đó. Tuy nhiên Singapore cũng có thể vươn lên chỉ với diện tích đất đai vỏn vẹn 722 km2. Trong thế kỷ trước, những quốc gia – thành phố trong liên minh Hanse, chẳng hạn Hamburg, Gdansk, Riga và Dorpat cũng có thể trở thành các nền cộng hòa thịnh vượng, độc lập được quản lý bởi giới tinh hoa trọng thương. 

Tại sao người Hồng Kông nên muốn độc lập? Hầu hết dân số Hồng Kông là người Hoa, nhưng bản sắc của họ – giống như Đài Loan và Singapore – đã trở nên khác biệt rõ rệt so với những anh em ở Trung Quốc đại lục. Hầu hết người Hồng Kông nói tiếng Quảng và rất ghét bị Bắc Kinh gây áp lực phải sử dụng tiếng Quan Thoại. Họ viết và đọc bằng ký tự phồn thể chứ không phải ký tự giản thể do chính phủ ĐCSTQ nghĩ ra. Do ảnh hưởng từ thời thuộc địa Anh, một phần lớn người dân Hồng Kông thông thạo tiếng Anh và sử dụng tên tiếng Anh. Người Hồng Kông được hưởng quyền tự do báo chí, tự do internet và nhiều quyền dân chủ khác mà người đại lục không có. Việc Bắc Kinh lân la đòi tước đoạt những quyền này của họ để đồng hóa với người Hoa ở Đại Lục đã tạo ra những cuộc biểu tình đầy bạo lực gần đây. Một cuộc khảo sát từ năm 2016 cho thấy gần 40% người Hồng Kông tuổi từ 15 đến 24 muốn Hồng Kông độc lập. 17,4% nói chung mong muốn điều này, nhưng chỉ 3,6% tin tưởng viễn cảnh này là khả thi. Các cáo buộc gần đây về việc chính quyền dùng bạo lực cảnh sát và băng đảng xã hội đen để trấn áp người biểu tình – một điều mà ĐCSTQ thường xuyên sử dụng với người Hoa đại lục – đã tăng cường nhiệt tình đòi độc lập.

Di sản của 100 năm thuộc địa Anh đã để lại cho Hồng Kông những giá trị phương Tây và dân chủ sâu sắc trong giáo dục, pháp luật, thương mại, và hình thành một xã hội công bằng, tôn trọng lẫn nhau, khác xa so với xã hội quần ngư tranh thực, cá lớn nuốt cá bé tại Hoa Lục dưới sự thống trị của ĐCSTQ. Một số người thậm chí đã hy vọng các giá trị tự do của Hồng Kông sẽ mở mắt cho giới lãnh đạo Trung Quốc và khiến họ thay đổi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, Trung Quốc đang đi theo hướng trở thành một nhà nước độc tài kỹ trị, một phiên bản hiện đại của xã hội Mao Trạch Đông năm xưa. 

David đã đánh bại người khổng lồ Goliath ở vùng Baltic như thế nào? Sau 8 năm sa lầy ở Afghanistan, ý chí đế quốc của Liên Xô suy sụp vào những năm 1980. Lợi dụng các chương trình cải tổ kinh tế, chính trị và cho phép công khai bày tỏ ý kiến của Mikail Gorbachev tại Moscow, các nhân vật chống cộng tại Baltic như Lennart Meri ở Estonia và Vytautas Landsbergis ở Lithuania đã tổ chức một cuộc “Cách mạng Hát” phi bạo lực. Những đám đông khổng lồ đổ ra đường và hát các ca khúc bản địa. Mặt trận Bình Dân yêu cầu Moscow tôn trọng một điều khoản trong hiến pháp Xô Viết, trong đó cho phép mỗi nước cộng hòa có quyền tự quyết định. Họ khẳng định rằng luật pháp của mỗi nước của họ vượt lên trên các mệnh lệnh từ Moscow. Quân đội Xô Viết tại Baltic đã tấn công người biểu tình một lần, nhưng chỉ sát hại ít hơn 20 người. Không lâu sau đó, cơ quan lập pháp Liên Xô đã công nhận Estonia, Latvia và Lithuania là những nhà nước tự chủ và không còn phụ thuộc vào Liên Bang Xô Viết. Các nước khác trong Liên Bang đã áp dụng biện pháp của vùng Baltic, và đến năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, toàn bộ 15 nhà nước cộng hòa trong liên bang tuyên bố độc lập. 

Trong khi đó, khi lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với các đòi hỏi mạnh mẽ về dân chủ và quyền công dân của người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989, họ đã máu lạnh nổ súng giết hàng ngàn người, phần lớn là thanh niên và sinh viên. Nhưng đến nay, ý tưởng về một cuộc thanh trừng người biểu tình quy mô lớn dường như bất khả thi, mặc dù Bắc Kinh vẫn đặt ưu tiên cao nhất là duy trì “sự ổn định”. 

Trung Quốc hiện nay mạnh hơn Liên Xô dưới thời Gorbachev ở mọi mặt, nhưng địa vị của nó được xây dựng trên nền đất nhão. Ở khắp Trung Quốc, đâu đâu cũng có thể chứng kiến sự bất an của người lao động bình dân, cuộc trốn chạy của giới có tiền, và sự bất mãn của những người bất đồng chính kiến. Giới tri thức và doanh nhân đang yêu cầu có quyền tự do lớn hơn. Sự bất mãn với hành động xâm lược của người Hán đang bùng lên trong những người Tây Tạng, Kazakh, Duy Ngô Nhĩ và Mông Cổ. Ô nhiễm không khí và nước khiến công chúng phẫn nộ, cùng sự xâm phạm quyền riêng tư thái quá của chính quyền tạo ra một cảnh tù túng và nghẹt thở sẽ sớm bùng phát thành hành động. Thêm vào đó, mong muốn “xuất khẩu mô hình chính trị” của ĐCSTQ đã chết yểu khi rơi vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Cuộc chiến thương mại cam go cũng khiến Bắc Kinh chật vật nhận ra vị thế “con rồng rỗng” của mình, khi phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ của Mỹ và phương Tây để phát triển. 

Nếu những vấn đề trên tiếp tục nhân lên và ý chí của người Hồng Kông vẫn vững vàng, họ có thể đạt được giấc mơ Estonia. Tất nhiên không phải hôm nay, nhưng nó có thể xảy ra trong một thập kỷ. Họ sẽ cần một lãnh đạo được đa số người dân thành phố trọng vọng như Lennart Meri của Estonia, cộng với một nhân tố mà bây giờ đang thiếu – một Gorbachev của Trung Quốc. 

Trọng Đức

Dựa theo bài viết “Could Hong Kong Become Another Estonia?” của tác giả Water Clemens, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu Davis thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của sách “Sự độc lập của Baltic và Đế chế Nga (1991)” và “Baltic biến chuyển” (2001).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn