Cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa bảo thủ

Thứ Sáu, 19 Tháng Bảy 20197:00 CH(Xem: 3829)
Cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa bảo thủ

conservatism

Nguồn: The global crisis in conservatism”, The Economist, 04/07/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ý tưởng tự do đã “lỗi thời”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng chúng tôi (The Economist) không đồng ý với tuyên bố đó. Không chỉ bởi vì Putin nói với Thời báo Tài chính rằng chủ nghĩa tự do chỉ xoay quanh vấn đề nhập cư, đa văn hóa và chính trị giới – một sự hiểu nhầm hoàn toàn – mà còn vì ông ta đã chọn sai mục tiêu. Ý tưởng bị đe dọa nhiều nhất ở phương Tây chính là chủ nghĩa bảo thủ (conservatism). Và bạn không cần phải là người theo chủ nghĩa bảo thủ mới nhận thấy điều đó đáng ngại như thế nào.

Trong các hệ thống hai đảng, như Hoa Kỳ và (nói chung) là Anh, phe hữu đang nắm quyền, nhưng chỉ bằng cách vứt bỏ các giá trị vốn từng định hình bản sắc của họ. Ở các quốc gia có nhiều đảng phái, phe trung hữu đang bị xói mòn, như ở Đức và Tây Ban Nha, hoặc bị đánh bật, như ở Pháp và Ý. Còn ở những nơi khác, như Hungary, nơi có truyền thống dân chủ ngắn hơn, phe hữu đã đi thẳng tới chủ nghĩa dân túy mà không cần thử chủ nghĩa bảo thủ.

Chủ nghĩa bảo thủ không hẳn là một triết lý mà là một khuynh hướng. Nhà triết học Michael Oakeshott đã miêu tả hay nhất: “Bảo thủ nghĩa là thích những gì thân quen hơn bất định, thích thử những điều đã được thử hơn là những gì chưa được thử, thực tế hơn là bí ẩn, thực tại hơn là khả năng, bị giới hạn hơn là không ràng buộc, khoảng cách gần hơn là sự xa xôi”. Giống như chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa bảo thủ là một đứa con của thời kỳ Khai sáng. Các nhà tự do cho rằng trật tự xã hội xuất hiện tự phát từ những cá nhân hành động tự do, nhưng những người bảo thủ tin rằng trật tự xã hội phải có trước, tạo điều kiện cho tự do. Chủ nghĩa bảo thủ trông chờ vào thẩm quyền của gia đình, giáo hội, truyền thống và các hội đoàn địa phương để kiểm soát và làm chậm sự thay đổi. Nếu bạn quét sạch các thể chế thì phải chấp nhận nguy hiểm. Tuy nhiên, một sự phá hủy như vậy đang xảy ra với chính chủ nghĩa bảo thủ – và điều đó xuất phát từ phe hữu.

Phong trào tân hữu không phải là một sự tiến hóa của chủ nghĩa bảo thủ, mà là một sự phủ nhận nó. Những kẻ tân hữu tiếm quyền đã bất mãn và bực tức. Họ là những người bi quan và phản động. Họ nhìn vào thế giới và thấy những gì mà Tổng thống Donald Trump từng gọi là một “cuộc tàn sát”.

Hãy xem cách họ đang phá vỡ từ truyền thống bảo thủ này đến truyền thống bảo thủ khác. Chủ nghĩa bảo thủ rất thực dụng, nhưng phe tân hữu quá nặng về cảm xúc và ý thức hệ, trong khi xem nhẹ sự thật. Australia đang chịu hạn hán cùng các vùng biển nơi san hô bị tẩy trắng hàng loạt, nhưng phe hữu vừa giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử dưới  tay một đảng mà nhà lãnh đạo của họ đã phát biểu trước quốc hội khi cầm trong tay một cục than đá như thể đó là một thánh tích. Tại Ý, Matteo Salvini, lãnh đạo của Liên đoàn phương Bắc, đã thúc đẩy phong trào chống tiêm vaccine. Đối với ông Trump, các “thực tế” (facts) chỉ là những công cụ để thổi phồng hình ảnh của ông hoặc những khẩu hiệu được thiết kế để khuấy động sự phẫn nộ và lòng trung thành phe nhóm.

Những người bảo thủ thận trọng trước các thay đổi, nhưng phe hữu bây giờ lại hào hứng nghĩ về các cuộc cách mạng. Đảng Sự Thay thế cho nước Đức đã bóng gió về một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên khu vực đồng euro của Đức. Nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa rút khỏi NATO của mình, điều đó sẽ chấm dứt sự cân bằng quyền lực. Một Brexit mà không có thỏa thuận sẽ là một cú trượt dài vào sự bất định, nhưng Đảng Bảo thủ lại khao khát điều đó, ngay cả khi một viễn cảnh như vậy sẽ phá hủy sự liên kết với Scotland và Bắc Ireland.

Phe bảo thủ tin vào tư cách đạo đức, bởi vì chính trị liên quan đến sự phán xét cũng như lý trí. Họ nghi ngờ sự thu hút của cá nhân hay nạn tôn sùng lãnh tụ. Nhưng Ở Mỹ, nhiều đảng viên Cộng hòa, những người biết nhiều thông tin, lại ủng hộ ông Trump mặc dù Trump đã bị buộc tội một cách đáng tin cậy bởi 16 phụ nữ khác nhau về hành vi sai trái tình dục. Người Brazil đã bầu cho Jair Bolsonaro, người thích hồi tưởng về thời độc tài quân sự. Một Boris Johnson lôi cuốn đang là ứng viên yêu thích để trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh dù không được các nghị sĩ tin tưởng, bởi vì ông được ví như là một đảng viên Bảo thủ “Heineken”, người mà, giống như nhãn hiệu bia, có khả năng làm tươi mới mát lạnh những điều mà các lãnh đạo bảo thủ khác không thể tiếp cận.

Phe bảo thủ thường tôn trọng giới kinh doanh và là người phụng sự nền kinh tế, bởi vì sự thịnh vượng là nền tảng cho mọi thứ. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tự coi mình là một người bảo thủ kinh tế muốn thuế thấp, nhưng lại làm suy yếu nền pháp quyền mà các doanh nghiệp cần. Trump là người phát động các cuộc chiến thương mại. Hơn 60% số thành viên Đảng Bảo thủ Anh sẵn sàng gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho nền kinh tế để đạt được Brexit. Ở Ý, Liên đoàn phương Bắc đang làm thị trường kinh sợ bằng cách phát hành các giấy tờ chính phủ có vai trò như một loại tiền tệ song song với đồng euro. Tại Ba Lan, Đảng Luật pháp và Công lý đã vung tay chi cho phúc lợi. Ở Pháp, trong chiến dịch tranh cử vào Nghị viện châu Âu, một Đảng Cộng hòa hỗn loạn đã đưa ra nhiều tuyên bố giật gân về “gốc rễ Do Thái – Thiên chúa giáo” của Châu Âu hơn là về quản lý kinh tế thận trọng.

Cuối cùng, cánh hữu đang thay đổi những ý nghĩa của sự thuộc về. Ở Hungary và Ba Lan, phe hữu tung hô chủ nghĩa dân tộc “máu và đất” mang tính loại trừ và phân biệt đối xử. Vox, một thế lực mới ở Tây Ban Nha, vọng tưởng về thời kỳ Reconquista (Tái chinh phục), khi các Kitô hữu xua đuổi người Hồi giáo. Một chủ nghĩa dân tộc đầy giận dữ, phản động sẽ làm dấy lên sự nghi ngờ, thù hận và chia rẽ. Điều đó đi ngược lại quan điểm của chủ nghĩa bảo thủ rằng việc thuộc về một quốc gia, một giáo hội hay cộng đồng địa phương có thể giúp đoàn kết mọi người và thúc đẩy họ hành động vì lợi ích chung.

Chủ nghĩa bảo thủ đã bị cực đoan hóa vì nhiều lý do. Một là sự suy giảm của cái mà Edmund Burke gọi là các “trung đội nhỏ” mà nó phụ thuộc vào, chẳng hạn như tôn giáo, các đoàn thể và gia đình. Một điều nữa là các đảng phái cũ ở cả bên tả hữu đã bị mất uy tín bởi cuộc khủng hoảng tài chính, chính sách thắt lưng buộc bụng và các cuộc chiến dài ở Iraq và Afghanistan. Bên ngoài các thành phố, người dân cảm thấy như bị chế nhạo bởi những kẻ thành thị ích kỷ, tham lam. Một số ít đã bị tổn thương bởi tinh thần bài ngoại của các con buôn chính trị. Một số người tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô cũng đã nới lỏng chất keo kết dính một liên minh gồm những người hiếu chiến về chính sách đối ngoại, những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ về văn hóa và ủng hộ doanh nghiệp. Không xu hướng nào trong số này sẽ dễ bị đảo ngược.

Hướng đi đúng

Điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều sẽ diễn ra theo cách của các đảng tân hữu. Ít nhất là ở Anh và Mỹ, tình hình nhân khẩu học đang chống lại họ. Cử tri trung thành của họ là người da trắng và tương đối lớn tuổi. Các trường đại học là những khu vực mà cánh hữu không tồn tại. Một cuộc khảo sát của Pew năm ngoái cho thấy 59% số cử tri thuộc thế hệ thiên niên kỷ (tức những người đạt tuổi trưởng thành vào đầu thế kỷ 21 – ND) tại Mỹ theo đảng Dân chủ hoặc ủng hộ Đảng Dân chủ; tỷ lệ tương ứng của Đảng Cộng hòa chỉ là 32%. Trong số “thế hệ im lặng”, tức những người sinh trong các năm 1928-45, tỉ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ là 43% và Đảng Cộng hòa 52%. Không rõ liệu những người trẻ có trôi về cánh hữu khi họ già đi để lấp đầy khoảng trống hay không.

Nhưng rõ ràng phong trào tân hữu đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bảo thủ truyền thống thời Khai sáng. Đối với những người tự do cổ điển, như tờ The Economist này, đó là điều đáng tiếc. Những người bảo thủ và tự do bất đồng về nhiều thứ, chẳng hạn như về vấn đề ma túy và tự do tình dục. Nhưng họ thường là đồng minh. Cả hai đều phản đối mong muốn không tưởng rằng có thể tìm ra giải pháp chính phủ cho mọi sai trái. Cả hai đều chống lại việc lập kế hoạch của nhà nước và thuế cao. Xu hướng bảo thủ về đạo đức được bù đắp lại bởi sự bảo vệ tự do ngôn luận và thúc đẩy tự do dân chủ trên toàn thế giới. Thật vậy, những người bảo thủ và tự do thường bổ trợ cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Những người bảo thủ giúp kiềm chế bớt nhiệt tình tự do; còn những người tự do giúp xì hơi sự tự mãn của những người bảo thủ.

Ngược lại, phe tân hữu lại thù địch với những người tự do cổ điển. Rủi ro ở đây là những người ôn hòa sẽ bị đẩy ra ngoài khi hai bên tả – hữu đốt nóng không khí chính trị và kích động nhau chuyển sang hai cực. Các cử tri có thể không còn lựa chọn nào khác. Nhằm chống lại ông Trump, Đảng Dân chủ đã dịch chuyển về cánh  tả trong các vấn đề nhập cư hơn so với các cử tri bình thường. Người Anh, với hai đảng lớn, có thể sẽ phải chọn giữa Jeremy Corbyn, nhà lãnh đạo cực tả của Công Đảng, và một Đảng Bảo thủ cực đoan hóa dưới thời Johnson. Ngay cả khi bạn có thể bỏ phiếu cho phe trung dung, như trường hợp Emmanuel Macron ở Pháp, một đảng duy nhất sẽ giành chiến thắng liên tục theo mặc định, điều về lâu dài không có lợi cho nền dân chủ.

Trong thời kỳ tốt đẹp nhất, chủ nghĩa bảo thủ có thể là một lực lưởng gây ảnh hưởng ổn định. Trường phái này hợp lý và khôn ngoan; coi trọng năng lực; và không vội vàng. Những ngày đó đã qua. Ngày nay, cánh hữu đang rực cháy và điều đó rất nguy hiểm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn