Cuộc vận động ngầm thúc đẩy Trump 'mở đường sống' cho Huawei

Thứ Sáu, 05 Tháng Bảy 20198:45 CH(Xem: 4891)
Cuộc vận động ngầm thúc đẩy Trump 'mở đường sống' cho Huawei

Cuộc vận động ngầm thúc đẩy Trump 'mở đường sống' cho Huawei

Tổng thống Trump đồng ý để các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei sau cuộc vận động hàng lang rầm rộ của ngành công nghiệp chip Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Trải qua nhiều cuộc họp cấp cao và một lá thư gửi tới Bộ Thương mại, các hãng sản xuất chip của Mỹ đã thuyết phục Nhà Trắng nên trừng phạt có trọng điểm nhằm vào hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei của Trung Quốc, thay vì áp đặt một lệnh cấm bán hàng tuyệt đối với tập đoàn này. Điều này đồng nghĩa chính quyền phải xác định cụ thể những công nghệ quan trọng mà Huawei không được phép tiếp cận, nhưng vẫn cho phép các công ty Mỹ cung ứng những công nghệ khác.

Hiệp hội Ngành Công nghiệp Bán dẫn (SIA), một nghiệp đoàn thương mại đại diện cho các hãng chip như Intel, Broadcom và Qualcomm, đã giải thích với chính quyền Trump rằng những lệnh trừng phạt chống lại Huawei sẽ khiến họ trở thành đối tác không đáng tin cậy, qua đó đặt họ vào thế bất lợi trên thị trường toàn cầu.

Tháng trước, đại diện các hãng chip Mỹ đã gặp Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để thuyết phục họ rằng quyết định đặt Huawei vào "danh sách đen" của Bộ Tài chính có thể gây tổn thương cho nước Mỹ.

Trong thư gửi các quan chức thương mại Mỹ, SIA cho rằng động thái đưa Huawei vào "danh sách đen" có nguy cơ ngăn các thành viên SIA tiếp cận thị trường lớn nhất của họ, cũng như gây tổn thương cho khả năng đầu tư. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, Huawei vẫn có thể mua linh kiện từ những nơi khác.

"Các hạn chế quá rộng không chỉ kìm hãm khả năng của các công ty bán dẫn Mỹ tiến hành hoạt động kinh doanh trên thế giới mà còn khiến họ bị xem như những công ty rủi ro và không đáng tin cậy, đe dọa đến sự thành công của ngành công nghiệp này, từ đó, tác động trở lại an ninh quốc gia", lá thư của SIA có đoạn.

SIA đề nghị chính phủ Mỹ nên xem xét các yếu tố bất lợi kể trên khi thẩm định đơn xin giấy phép xuất khẩu của các công ty công nghệ Mỹ. Những lập luận SIA đưa ra dường như đã thuyết phục được Tổng thống Trump.

Sau khi kết thúc cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, Nhật Bản hôm 29/6, Trump nói các công ty Mỹ không hài lòng với chính sách đối phó Huawei của Nhà Trắng và thông báo ông đồng ý cho phép họ tiếp tục bán một số linh kiện và công nghệ cho Huawei.

"Tôi nhất trí cho phép họ tiếp tục bán một số sản phẩm. Những công ty này thực sự không vui khi không thể bán hàng cho Huawei vì họ không liên quan đến bất cứ điều gì có khả năng xảy ra với Huawei", Trump nói.

Tổng thống Mỹ sau đó giải thích rõ hơn rằng ông chỉ cho phép các công ty công nghệ Mỹ bán những thiết bị phổ thông, không tạo ra rủi ro an ninh quốc gia, song không cung cấp thêm chi tiết.

Hôm 2/7, Giám đốc Văn phòng Chính sách Sản xuất và Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho hay sự tham gia của Huawei trong mạng lưới 5G trên toàn cầu vẫn là vấn đề an ninh quốc gia, nhưng việc bán "một lượng nhỏ các con chip cấp thấp" không phải là điều xấu nếu việc này giúp thuyết phục Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán thương mại.

"5G là vấn đề khổng lồ nhưng bán một vài con chip cho Huawei thì không", ông nói. "Những con chip bán cho Huawei có giá trị chưa đến một tỷ USD mỗi năm trong ngắn hạn chỉ là vấn đề nhỏ nhặt trong các tính toán lớn hơn", Navarro nhấn mạnh, nhưng lưu ý chính sách của Mỹ với Huawei vẫn không thay đổi.

Trong khi những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở quốc hội Mỹ và trong chính quyền Trump lo lắng về một quyết định đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu công nghệ và linh kiện cho Huawei, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ chỉ thúc ép Nhà Trắng nới lỏng hạn chế về việc bắt buộc các công ty Mỹ phải được chính phủ cấp giấy phép mới có thể bán hàng cho Huawei.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho hay các công ty Mỹ có thể nộp đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu, trong đó phải giải thích tầm quan trọng của các thiết bị xuất khẩu đối với những mối quan hệ kinh doanh của họ. Nếu lý do xin cấp giấy phép dựa trên thực tế cụ thể và có thể chứng minh được, các quyết định cấp giấy phép sẽ được ban ra, ngược lại, nếu thiếu những dữ liệu như trên, Bộ Thương mại Mỹ không thể cấp phép.

Logo của tập đoàn Huawei bên ngoài một tòa nhà ở Vilnius, Litva. Ảnh: Reuters.

Logo của tập đoàn Huawei bên ngoài một tòa nhà ở Vilnius, Litva. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các lệnh "cấm cửa" Huawei của Washington dựa trên lý do an ninh quốc gia đã đặt các hãng chip Mỹ vào tình thế khó khăn. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của các hãng chip Mỹ, đóng góp đến 1/3 tổng doanh thu.

Các hãng chip cho rằng không phải tất những mặt hàng xuất khẩu cho Huawei cũng như những công ty liên kết của hãng này đều tạo ra rủi ro an ninh và phần lớn những linh kiện chip bán sang Trung Quốc đều có thể dễ dàng thay thế bằng các sản phẩm không phải do Mỹ sản xuất. Với mức chi phí nghiên cứu và phát triển khổng lồ mà họ đã tiêu tốn cho các sản phẩm chip, việc mất các hợp đồng xuất khẩu cho Huawei có thể gây tổn thương cho sức cạnh tranh của họ.

Những mối lo ngại của các hãng chip Mỹ càng gia tăng trước phản ứng trả đũa từ Bắc Kinh. Hồi tháng 5, Trung Quốc đe dọa soạn một "danh sách đen" nhắm đến những công ty nước ngoài bị xem là các nhà cung ứng không đáng tin cậy.

Các công ty Mỹ cũng đã rất lo sợ khi những quan chức Trung Quốc triệu tập họ đến dự cuộc họp và đe dọa sẽ đưa họ vào "danh sách đen" này nếu họ không bảo đảm rằng chính quyền Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm vận với Huawei.

Đại diện của các hãng chip Mỹ tham gia các cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ cho biết giải pháp mà ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ đề xuất là yêu cầu thu hẹp hạn chế đối với Huawei. Họ cho rằng có những công nghệ quan trọng, mà nếu giữ lại, có thể làm suy yếu sự phát triển của Huawei nhưng không hoàn toàn làm sụp đổ nó. Trong nhiều trường hợp, việc cung cấp cho Huawei các sản phẩm chip nhưng không kèm theo sự hỗ trợ kỹ thuật và phần mềm cần thiết để tích hợp chúng vào thiết bị cũng đủ để gây khó khăn cho Huawei.

Các hãng chip Hàn Quốc đang thống trị ngành công nghiệp chip nhớ với mức thị phần xuất khẩu 68% trên toàn cầu. Điều này có nghĩa nếu các hãng chip Mỹ như Micron Technology, Intel và Western Digital bị gạt khỏi thị trường Trung Quốc, họ sẽ mất thị phần trực tiếp ở đây.

Ở lĩnh vực chip mạch tích hợp, tức những linh kiện đơn giản hơn để chuyển âm thanh hay sóng vô tuyến thành tín hiệu số, Mỹ chiếm 65% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, các hãng chip Nhật Bản và châu Âu cũng có những sản phẩm chip mạch tích hợp thay thế khả thi mà khách hàng Trung Quốc có thể mua.

Hôm 30/6, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow nói việc cấp giấy phép xuất khẩu cho Huawei chỉ áp dụng cho những sản phẩm phổ thông. "Bất cứ sản phẩm nào có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia sẽ không được Bộ Thương mại Mỹ cấp giấy phép xuất khẩu. Tôi nghĩ điều này là rất quan trọng", ông cho hay.

Tuy vậy, mục tiêu cuối cùng của chính quyền Trump vẫn chưa rõ. Trump nói sẽ đưa ra quyết định với Huawei khi các cuộc đàm phán đi vào giai đoạn cuối cùng. "Chúng tôi sẽ để dành điều đó đến phút chót", Trump cho biết đã nói như vậy trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Osaka.

Hồng Vân (Theo Bloomberg)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn