Toàn cầu hóa về sự bất mãn của chúng ta

Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 20172:30 SA(Xem: 7082)
Toàn cầu hóa về sự bất mãn của chúng ta

Project Syndicate

Tác giả: Joseph E. Stiglitz

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

5-12-2017

H1-23
Ảnh: Saul Loeb/Getty Images

Mười lăm năm trước, tôi đã xuất bản sách Toàn cầu hoá và Những điều bất mãn, một cuốn sách nhằm giải thích tại sao có quá nhiều chuyện không hài lòng với trào lưu toàn cầu hóa ở các nước đang phát triển. Điều rất đơn giản là nhiều người tin rằng hệ thống này đã làm “lũng đoạn” để chống lại họ và các hiệp định thương mại toàn cầu đã được chọn ra là quá bất công.

Hiện nay, sự bất mãn với toàn cầu hóa đã gây ra một làn sóng của trào lưu dân túy ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, các chính trị gia dẫn đầu trào lưu này cáo buộc rằng hệ thống này không công bằng đối với các nước của họ. Ở Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán thương mại của Hoa Kỳ đã bị các nhà thương thuyết của Mexico và Trung Quốc lừa gạt.

Vậy tại sao một cái gì đó được suy đoán là mang lại lợi ích cho tất cả mọi người hiện nay lại bị chỉ trích thậm tệ gần như ở khắp mọi, dù ở các nước phát triển cũng như đang phát triển? Làm thế nào mà một hiệp định thương mại có thể gây bất công cho tất cả các bên kết ước?

Đối với những người ở các nước đang phát triển, tuyên bố của ông Trump – cũng như chính con người của ông Trump – là đáng buồn cười. Về cơ bản, Hoa Kỳ đã soạn thảo các quy tắc và tạo ra các thể chế cho toàn cầu hoá. Trong một số tổ chức này – ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế – Hoa Kỳ vẫn có quyền phủ quyết, mặc dù vai trò của Hoa Kỳ đã giảm đi trong nền kinh tế toàn cầu (một vai trò mà ông Trump dường như quyết tâm giảm bớt hơn nữa).

Đối với tôi là người đã theo dõi chặt chẽ các đàm phán thương mại từ hơn một phần tư thế kỷ, thì rõ ràng là các nhà đàm phán thương mại của Mỹ đã đạt được hầu hết những gì họ mong muốn. Vấn đề là họ muốn với cái gì. Nghị trình của họ đã được các tập đoàn đề ra sau cánh cửa đóng kín. Đó là một nghị trình do các đại doanh nghiệp đa quốc soạn ra cho chính họ, với cái giá là giới lao động và công dân bình thường ở khắp mọi nơi phải trả.

Thực vậy, thường thì có vẻ như là các công nhân, họ là những người đã thấy việc giảm lương và mất việc chỉ là hai mặt của sự thiệt hại – họ là những nạn nhân vô tội không thể tránh được trong tiến trình của tiến bộ kinh tế không thể cưỡng lại. Nhưng có một cách giải thích khác về những gì đã xảy ra: một trong những mục tiêu của toàn cầu hoá là làm suy yếu quyền lực đàm phán của giới lao động. Những gì các doanh nghiệp muốn là lao động rẻ hơn, tuy nhiên họ có thể đạt được việc này.

Lối giải thích này giúp để hiểu về một số khía cạnh rối rắm của các hiệp định thương mại. Ví dụ như tại sao các nước tiên tiến đã từ bỏ một trong những lợi điểm lớn nhất của họ, đó là tinh thần trọng pháp? Thực tế, các điều khoản trong các hiệp định thương mại gần đây nhất cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc có quyền nhiều hơn như đã quy định cho các nhà đầu tư ở Mỹ. Ví dụ như nếu chính phủ áp dụng một quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi kinh doanh của họ, họ được bồi thường, bất kể quy định này có đáng mơ uớc hay không cũng như mức độ lớn lao của việc thiệt hại mà doanh nghiệp gây ra khi không có quy định này.

Có ba đối ứng với tình trạng bất mãn đang lan rộng trong toàn cầu trước trào lưu toàn cầu hóa. Chiến lược đầu tiên – mà người ta gọi nó là cách cờ bạc của Las Vegas – là đặt cược gấp đôi vào toàn cầu hóa như đã làm trong một phần tư thế kỷ qua. Giống như tất cả các loại cược về những chính sách (như biện pháp kích cầu, gây hiệu ứng phát triển kinh tế nhỏ giọt cho đại chúng qua tăng tiêu thụ và đầu tư, ND)) đã được chứng minh là thất bại, việc đặt cược này được dựa trên hy vọng rằng bằng cách nào đó chính sách sẽ thành công trong tương lai.

Phản ứng thứ hai là theo quan điểm của ông Trump: tự cắt đứt ra khỏi trào lưu toàn cầu hóa, với hy vọng là làm như vậy thì sẽ hồi phục một thế giới như trong quá khứ. Nhưng chủ thuyết bảo hộ đã không vận hành. Trên bình diện toàn cầu, công việc trong khu vực chế biến đang suy giảm, đơn giản chỉ vì tăng trưởng năng suất đã vượt trội so với nhu cầu tăng trưởng.

Ngay cả khi việc sản xuất được phục hồi, việc làm sẽ không có nhiều. Công nghệ sản xuất tiên tiến, bao gồm cả việc do người máy, có nghĩa là có ít công việc được tạo ra mà nó sẽ đòi hỏi kỹ năng cao hơn và sẽ được đặt ở nhiều địa điểm khác nhau hơn so với công việc đã bị mất. Giống như cách tăng tiền đánh bạc, phương sách này phải chịu thất bại, làm tăng thêm tình trạng bất mãn cho những người mà họ cảm thấy là mình bị bỏ rơi.

Ông Trump sẽ thất bại ngay cả trong mục tiêu đã được ông tuyên bố là giảm thâm hụt thương mại, chuyện được xác định bởi sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư quốc nội. Hiện nay, khi các đảng viên Cộng hòa đã theo đường lối của họ và thực hiện cắt giảm thuế cho các tỷ phú, thì tiết kiệm cho quốc gia sẽ giảm và thâm hụt thương mại sẽ tăng, vì do sự gia tăng giá trị của đồng đô la. (Thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại thường song hành nhau chặt chẽ, nên chúng được gọi chung là thâm hụt “song sinh”). Ông Trump có thể không thích tình trạng này, nhưng dần dà Trump phát hiện ra rằng có một số điều mà thậm chí người có quyền lực mạnh nhất trong thế giới không thể kiểm soát.

Có một phương cách thứ ba: bảo vệ xã hội mà không theo chủ thuyết bảo hộ, một cách mà các nước nhỏ ở Bắc Âu đang thực hiên. Các nước này biết rằng họ là tiểu quốc, nên họ phải cởi mở. Nhưng họ cũng biết rằng duy trì chính sách cởi mở sẽ làm cho người lao động gặp rủi ro. Vì vậy, họ phải có một hợp đồng xã hội giúp người lao động thay đổi từ công việc cũ sang mới và trợ giúp cho họ trong giai đoạn chuyển tiếp.

Các nước Bắc Âu là những xã hội dân chủ bền vững, vì vậy họ biết nếu khi hầu hết các công nhân không coi toàn cầu hoá là mang lại lợi ích cho họ, thì xã hội sẽ không thể duy trì. Và những người giàu có ở những nước này thừa nhận rằng nếu toàn cầu hoá vận hành như người ta nghĩ, thì sẽ có đủ các loại lợi ích mang lại cho tất cả.

Trong những năm gần đây, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã được đánh dấu bằng lòng tham lam không đáy – cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã minh định đầy đủ điều đó. Tuy nhiên, như một số quốc gia đã chỉ ra, nền kinh tế thị trường có thể có những hình thức kềm chế các quá mức của cả hai chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa, và nó mang lại một tình trạng tăng trưởng bền vững hơn và mức sống cao hơn cho hầu hết mọi người dân.

Chúng ta có thể học hỏi những gì phải làm từ những thành công như thế, cũng như chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ về những gì mà chúng ta không nên làm. Chuyện đã trở hiển nhiên nếu chúng ta không quản lý toàn cầu hóa để nó mang lợi lộc cho tất cả, phản ứng dữ dội có nguy cơ gia tăng từ các giới bất mãn ở các nước giàu và nghèo.

_____

Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel về Kinh tế năm 2001 và là Giáo sư Đại học Columbia. Ông là Chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn Kinh tế cho Tổng Thống Bill Clinton và làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới trong chức vụ Phó Chủ Tịch. Tác phẩm mới nhất là: Globalization and Its Discontents Revisited: Anti-Globalization in the Era of Trump.

Nguyên tác: The Globalization of Our Discontent

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn