Sống ngăn nắp kiểu Marie Kondo của Nhật Bản giúp thành công hơn?

Thứ Tư, 08 Tháng Năm 20191:00 CH(Xem: 3279)
Sống ngăn nắp kiểu Marie Kondo của Nhật Bản giúp thành công hơn?
bbc.com

Ngăn nắp kiểu Marie Kondo giúp thành công hơn?

Claire Turrell BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Marie Kondo là một bậc thầy không như thông thường. Chuyên gia sơn móng chân lấp lánh này đã bước ra khỏi màn hình TV, lục tung tủ quần áo trong mỗi gia đình và khuyến khích mọi người hãy xếp chiếc áo len lại để thấy "bừng nở niềm vui", điều này đã làm thế giới chững lại.

Cô khuyến khích mọi người dọn dẹp sự lộn xộn và tạo ra không gian gần như thiền định ngay tại nhà trong chương trình của cô chiếu trên Netflix có tên "Dọn dẹp cùng Marie Kondo" (Tidying Up With Marie Kondo).

Vứt bỏ mọi dư thừa

Nhưng khi những người chủ nhà lơ mơ cảm ơn Kondo vì cô đã giúp họ sắp xếp lại trật tự đời sống, thì rõ ràng là cô đã đạt được nhiều thành quả hơn là chỉ dọn dẹp nhà cửa.

Thông qua việc giúp mọi người thoát khỏi đống bề bộn vật chất, có vẻ như cô đã đem đến cho họ nhiều không gian hơn và có khả năng đón nhận thế giới. Dù cố ý hay vô tình, nữ hoàng dọn dẹp Nhật Bản đã trở thành bậc thầy của loại sách tự lực.

Kondo có một chương trình trên TV dựa trên quyển sách của cô "Điều kỳ diệu thay đổi cuộc đời nhờ dọn dẹp ngăn nắp" (The Life-Changing Magic of Tidying Up).

Cô có một quy tắc đơn giản - hãy bỏ đi thứ mà bạn không muốn, giữ lại những gì làm "bừng nở niềm vui" và cho bạn thêm thời gian tập trung vào những gì quan trọng trong cuộc sống.

Trong kỷ nguyên mà tất cả chúng ta đều bận rộn rửa sạch mấy lọ mứt vì cảm thấy tội lỗi khi là kẻ theo chủ nghĩa tiêu dùng, thì Kondo cho ta quyền vứt mọi thứ đi.

Giáo sư Carl Cederström, người đã thử nghiệm những hướng dẫn trong dòng sách tự lực để viết tập sách mà ông làm đồng tác giả có tên "Khổ sở tìm cách tự thân tiến bộ" (Desperately Seeking Self-Improvement), đã quan sát cách Kondo trở thành tượng đài của dòng sách tự lực.

"Cô ấy đã kết hợp việc cho phép ta vứt mọi thứ đi với ý tưởng rằng đó là cách để sống đơn giản hơn," ông nói.

"Cô xuất hiện vào thời đại mà cuộc sống dường như quá mức chịu đựng. Mọi người muốn có cuộc sống gọn gàng, đơn giản hơn - một cách thải độc. Họ muốn vứt bỏ mọi thứ đang trì néo họ xuống. Kondo cho ta thẩm quyền đạo đức để có thể vứt mọi thứ đi mà không cảm thấy tội lỗi."

Công thức để tự lực thành công

Ý tưởng về cô Mary Poppins người Nhật được coi là bậc thầy về cách tự tiến bộ không lạ như người ta tưởng.

Khi Cederströmn nghiên cứu cốt lõi của một quyển sách tự lực, ông nhận thấy sách thường có ba nhân tố, gồm một phương pháp bí mật, một quá trình dựa trên lời khuyên cổ xưa, và sự đưa bản thân vào trong một giai thoại "gốc" nào đó, trong đó tác giả sẽ đóng vai anh hùng.

Triết lý của Kondo theo đúng những truyền thống này. Đó là lý thuyết mà cô tự nghĩ ra về việc dọn dẹp, dựa trên triết học thiền của Thần Đạo của Nhật Bản (Shinto).

Thậm chí còn có cả một giai thoại kiểu tôn giáo: Kondo được cho là đã ngất xỉu vì căng thẳng khi 16 tuổi và khi cô tỉnh dậy hai giờ sau đó, có một giọng nói đã bảo cô hãy "nhìn mọi thứ kỹ càng hơn", và từ đó phương pháp dọn dẹp KonMari ra đời.

Những bậc thầy hướng dẫn cách tự tiến bộ

Mỗi thập niên đều có một bậc thầy hướng dẫn cách tự tiến bộ - một bậc thầy nắm bắt được tư tưởng của thời đại - và cô chính là ngôi sao hiện thời của chúng ta.

Vào thập niên 1950, có một mục sư người Mỹ tên là Norman Vincent Peale, người tôn vinh "Sức mạnh của suy nghĩ tích cực" (Power of Positive Thinking).

Sách của ông bán tàm tạm vào thập niên 1930, nhưng khi trào lưu tôn giáo bùng nổ sau Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, lượng sách bán tăng kỷ lục.


Peale thậm chí còn có ảnh hưởng đến tổng thống Mỹ hiện thời: ông làm lễ thánh cho đám cưới của Donald Trump với vợ đầu của ông, bà Ivana vào năm 1977. Năm 2009, Trump nói ông đã đọc sách của Peale và là "một người có niềm tin vững vàng vào sức mạnh của sự tích cực".

Tạp chí Politico đã ám chỉ rằng "sự tuyên bố miệt thị sự thật về sự tích cực" là thể hiện của ảnh hưởng mà Peale tác động đến vị tổng thống này.

Sau đó, vào thập niên 1970, khi mọi người sử dụng tất cả mọi phương pháp tiếp cận để khám phá tâm trí, trong đó có chất gây nghiện - thì lại có Khóa đào tạo Erhard không sử dụng thuốc.

Khóa đào tạo này do Werner Erhard sáng lập, đã thu hút hàng trăm ngàn người đến các trại huấn luyện cuối tuần ở Hoa Kỳ trong thời gian 1970-1984. Mọi người học cách chuyển biến tâm trí từ việc cố gắng tồn tại thành việc hài lòng với bản thân.

Vào cuối thập niên 1980, khi MTV dần lan tỏa khắp màn ảnh, thì một người California cao lớn với làn da rám nắng và nụ cười sáng bóng cũng trở nên nổi tiếng. Cũng đeo micro như Britney Spears, Tony Robbins sải bước trên sân khấu tại những sự kiện được truyền hình và làm khán giả lóa mắt.

Những nội dung mà ông nói đến là ngành tài chính và sự thành công trong các chương trình theo kiểu thông tin thương mại, và ông đã tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ trong thời mà các công ty sa thải làng loạt.

Sự nổi tiếng của ông càng vững vàng hơn khi ông xuất hiện trong bộ phim Hollywood Shallow Hal cùng với Jack Black.

Trong loạt chương trình đặc biệt trên Netflix gần đây, Robbins cho biết: "Có rất nhiều con đường ngoài kia. Tôi không phải con đường duy nhất. Tôi chỉ là con đường dành cho những ai muốn thử điều gì đó mới."

Sau đó là đến bậc thầy của các chương trình truyền hình tự lực lớn nhất - Oprah Winfrey vào thập niên 1990.

Đúng vậy, bà cho ta xem chương trình miễn phí, và cũng cho ta quyền được cảm thấy bản thân là tốt đẹp. Không ai nên cảm thấy bản thân là nạn nhân trong chương trình của Winfrey, thậm chí ngay trong cơn suy thoái kinh tế.

"Khi mọi người cảm thấy sợ bị cắt giảm việc làm, bạn sẽ có Oprah Winfrey nói: "Nếu bạn mất việc - xin chúc mừng! Đây là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với bạn."

Điều đó đem lại cách kể chuyện đầy hi vọng mà mọi người muốn được nghe," Cederström nói. "Cách dẫn dắt câu chuyện của bà khiến cho những ai không muốn thương hại người khác cảm thấy thoải mái. "OK, cô ấy mất việc, nhưng tôi không cần phải cảm thấy thương hại cô ấy.'"

Trong khi Robbins và Winfrey sừng sững chiếm hữu màn ảnh truyền hình và vẫn tiếp tục có sức ảnh hưởng lớn, thì vẫn có những câu chuyện về người thật có thể thu hút được sự tưởng tượng trên thế giới và xuất hiện trong danh sách sách bán chạy của tờ New York Times từ năm 1994 đến năm 1998.

Loạt sách "Súp gà cho tâm hồn" (Chicken Soup for the Soul) do các diễn giả truyền cảm hứng Jack Canfield và Mark Victor Hansen phát hành vào năm 1993, trong đó có 101 câu chuyện từ những người bình thường và bài học cuộc sống mà họ học được.

Giờ đây loạt sách này do cặp vợ chồng William Rouhana và Amy Newmark sở hữu, và đã được chuyển thể thành chương trình truyền hình, podcast (radio qua internet) và thậm chí cả thức ăn dành cho chó.

Loạt sách này vẫn tiếp tục phát hành 10 quyển mỗi năm, với các tựa đề như "Lời khuyên tốt nhất tôi từng nghe", "Những gia đình quân nhân và những phụ nữ mạnh mẽ".

"Nó giống như một nhóm tự giúp nhau có thể mang theo được. Nhưng thay vì 10 người cùng chia sẻ câu chuyện của bản thân để giúp những người khác, thì đó là 101 người," Newmark nói.

Vào năm 2006, hơn một thập niên sau khi loạt sách Súp gà ra đời, một tựa sách mới tiếp tục gây chú ý với người đọc có tên là: Bí mật (The Secret).

Ngay trước cuộc Đại suy thoái năm 2008, ta vẫn cảm thấy tích cực và sách của Rhonda Byrne, sếp ở Đài truyền hình Melbourne TV vẫn được mọi người đón nhận. Cốt lõi trong sách của Byrne, vốn đã bán được 30 triệu bản, là luật hấp dẫn, ám chỉ những thứ xứng đáng với bạn sẽ đến với bạn.

Khi mọi người bắt đầu nói về việc 1% những người giàu nhất cần phải bị đánh thuế nặng hơn, thì Byrne cho rằng họ có quyền lực và giàu có vì họ hiểu luật hấp dẫn.

Triết lý của bà bị các nhà phê bình bẻ gãy vì không có nền tảng khoa học gì và vì bà vẫn khăng khăng tin như vậy bất chấp những thảm họa tự nhiên như sóng thần xảy ra.

Giờ đây, sau 13 năm, có vẻ như tập sách có tên "Bí mật" sẽ tiếp tục gây tranh cãi lần nữa khi nó sẽ được chuyển thể thành phim trong năm nay và có Katie Holmes diễn.

Khi cơn Đại Suy thoái xảy ra, nhà xã hội học Daniel Nehring, người nghiên cứu ngành công nghiệp sách dạy tự lực chú ý đến việc mọi người bắt đầu quên đi thành công về mặt vật chất và bắt đầu tập trung vào sự viên mãn hơn.

Ông cho rằng hướng chuyển biến vào nội tâm nói chung sẽ trở thành mảnh đất cho trào lưu chánh niệm và Marie Kondo.

"Khi những vấn đề xã hội lớn có vẻ như quá khó khăn, thì bài giảng đạo đức do những doanh nhân dạy tự lực như Marie Kondo và Rhonda Byrne trở nên rất hấp dẫn và hợp lý. Đó là cách họ trở nên phổ biến rộng rãi," Nehring nói.

"Trong môi trường xã hội và chính trị mà mọi thứ có vẻ như mắc kẹt, mọi người có thể nghĩ rằng ở quy mô lớn có rất ít tiến triển. Nhưng việc mà Kondo làm rất tốt là truyền đạt những thay đổi đơn giản và thực tế đó để đời sống hàng ngày của mỗi người có thể tạo ra ảnh hưởng lớn lao."

Vì vậy trong khi bối cảnh chính trị có thể quá khó giải quyết trong một buổi sáng hàng ngày, ta vẫn có thể tiên phong trong đời sống bằng cách sắp xếp những chiếc áo thun thật trật tự, vứt bỏ mấy quyển sách quăn góc và cố gắng thành thục cách xếp những tấm khăn ngay ngắn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn