Mục đích của đời người theo tư tưởng Phật gia và Đạo gia

Thứ Năm, 25 Tháng Tư 20191:00 CH(Xem: 5021)
Mục đích của đời người theo tư tưởng Phật gia và Đạo gia

Phật gia giảng: “Nhân sinh vô thường”, hết thảy thế sự đều vô thường, luôn luôn thay đổi. Trong cuộc sống vô thường ấy, mục đích của đời người là truy cầu điều gì?

nhân sinh vô thường
(Hình minh họa: Qua keithberr.com)

“Hoàng Lương Mộng” là một điển cố nổi tiếng trong văn hóa thời Trung Hoa cổ đại. Nó được dân gian truyền miệng, được ghi chép trong các tác phẩm văn học… và còn là nội dung trong các tiết mục biểu diễn của người xưa. Trải qua các triều đại khác nhau, “Hoàng Lương Mộng” có những cái tên khác nhau, như thời nhà Đường, nó có tên là “Nam Kha Ký”, thời nhà Tống lại có tên là “Nam Kha Thái Thú”, triều Nguyên lại được đổi tên là “Hàm Đan đạo tỉnh ngộ hoàng lương mộng”, triều nhà Minh là “Hàm Đan Ký”, triều nhà Thanh là “Tục Hoàng Lương”. Dù là có tên khác nhau nhưng “Hoàng Lương Mộng” đều có nội dung chung nhất là kể về một câu chuyện như sau:

Xưa có một vị nho sinh vào kinh dự thi, trên đường đi, anh ta dừng chân nghỉ tại một quán trọ ở Hàm Đan. Trong quán trọ ấy, nho sinh gặp một vị đạo sĩ già. Vị đạo sĩ già này khuyên anh ta nên từ bỏ con đường cầu công danh, chuyên tâm tu đạo. Vị nho sinh không hiểu cái lý mà vị đạo sĩ khuyên, đáp rằng: “Cuộc đời tôi còn có rất nhiều điều phải theo đuổi, không muốn tu đạo.”

Vị đạo sĩ nhìn qua nho sinh và không nói thêm lời nào nữa. Chỉ một lát sau, vị đạo sĩ làm thuật thôi miên để nho sinh tiến vào giấc ngủ. Nho sinh nhanh chóng tiến vào một giấc mộng đẹp. Ở trong giấc mộng ấy, vị nho sinh mơ thấy mình đỗ đạt trong kỳ thi, lại cưới được cô gái xinh đẹp con nhà quyền quý. Đang lúc hân hoan, bái đường thành thân, anh ta lại được thăng quan tiến chức, nhiều đồng nghiệp đến chúc mừng. Có người đến xin làm huynh đệ, người đến a dua nịnh nọt cũng có. Nho sinh cảm thấy rất đắc chí và trong lòng vui sướng tột độ.

Nhưng ở chốn quan trường hiểm ác, chỉ trong nháy mắt nho sinh bị mất chức, còn bị phán tội chết. Đúng lúc ấy, bạn bè cũng lập tức xa lánh anh ta. Đang mơ đến đoạn tiếng chiêng vang lên, quan phủ giơ đao chém đầu thì nho sinh tỉnh mộng. Nho sinh bị giấc mộng ấy làm cho kinh tâm động phách, sờ lên cổ mình, mồ hôi túa ra đầm đìa. Trong hoảng loạn, anh ta nhất thời không biết rõ là mơ hay thật. Bất giác nhìn qua, nồi cơm kê lúc trước đang nấu dở trong quán vẫn còn chưa chín.

Sĩ tử đi thi và hai giấc mộng: Phúc hay họa là ở tâm thái
(Tranh minh họa qua Sohu)

Chỉ trong một giấc mộng ngắn ngủi, nho sinh đã trải qua cuộc sống vinh hoa phú quý và đi đến cuối cùng của cuộc đời. Thời gian của giấc mộng chỉ bằng thời gian một nồi cơm nấu dở. Hồi tưởng lại tình cảnh ấy, nho sinh cảm thấy vô cùng may mắn vì đó chỉ là trong mộng. Nhân sinh biến hóa vô thường, khiến nho sinh tỉnh ngộ. Anh ta từ bỏ con đường tìm cầu công danh mà cầu sư tu đạo, đi tìm ý nghĩa chân chính của đời mình.

Trong nền văn hóa truyền thống mấy ngàn năm, Nho gia giảng làm người phải có ngũ thường “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” và bát đức “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”. Phật gia giảng sinh mệnh là có luân hồi, nguyên thần con người là bất diệt, ở trong vòng tuần hoàn luân hồi của sinh mệnh ấy, chỉ có “đức” và “nghiệp” là hai loại vật chất mà đời đời kiếp kiếp đi theo nguyên thần mà thôi. Cho nên làm người phải thiện, hành thiện tích đức mới có được nơi trở về tốt đẹp. Còn Đạo gia cầu chân, mục đích làm người là phản bổn quy chân, trở về với bản tính tiên thiên của mình. Đây đều là đạo lý soi sáng cho con người và cũng là mục đích theo đuổi của con người trong cõi nhân sinh.

Trên thế gian, con người theo đuổi càng nhiều thứ thì càng rời xa Đạo, càng tách khỏi đặc tính của vũ trụ và bản tính tiên thiên của mình. Phật gia giảng, con người sống trong cõi hồng trần chẳng qua chỉ là một chuyến lữ hành vội vã, thế gian bất quá chỉ là quán trọ mà thôi. “Đạm bạc dĩ minh chí, ninh tĩnh dĩ trí viễn” (Đạm bạc thì chí mới sáng, tĩnh lặng mới nghĩ được xa) là tư tưởng của Đạo gia và Nho gia trong văn hóa truyền thống.

Ngày nay nhiều người không tin vào Thần Phật, nhân quả, không tin rằng có luân hồi chuyển thế, họ không có tín ngưỡng chân chính, không có sự ước thúc của đạo đức trong tâm, chỉ một mực theo đuổi danh lợi tình. Để đạt được thứ mình muốn, họ không từ một thủ đoạn nào, phóng túng bản thân vô độ, trong vô tri mà làm tổn thương người khác cũng tổn thương căn cơ vốn có của bản thân mình. Người như vậy khi gặp phiền toái, gặp nạn thì luôn oán hận, phẫn nộ, đẩy trách nhiệm cho người khác, họ không biết rằng đó là ác báo do tội nghiệp của bản thân mình gây ra.

Mục đích của đời người là tài phú, là công danh sao? Phật gia giảng, con người là trần trụi mà đến thế giới này, đến khi lâm chung cũng không thể mang theo được gì nơi nhân thế. Tĩnh tĩnh mà ngẫm nghĩ, quả thực lời này rất có đạo lý. Tài phú, sắc đẹp, công danh đều trở thành nhất thời, như mây khói thoảng qua, đến trăm tuổi lâm chung người ta chỉ có thể buông tay mà đi. Vô luận là chúng ta tiếc nuối gì, quyến luyến thứ gì nơi nhân thế thì cũng không cách nào mang theo được.

Chìm đắm bởi dục vọng, người trong giới chính trị luôn nghĩ cách làm sao để chức vị càng cao càng tốt, quyền lực càng lớn càng tốt. Người trong thương giới luôn muốn việc làm ăn càng lớn càng tốt, tiền tài kiếm được càng nhiều càng tốt. Người trong học giới cũng luôn liều mình để có được chức danh càng cao càng tốt, danh vọng càng ngày càng lớn… Thậm chí, người trong các giới đều cấu kết với nhau, làm bại hoại xã hội cũng chỉ vì giấc mộng, khát vọng của bản thân mình. Họ đã trở thành tù binh của danh lợi tình, tạo ra tội nghiệt mà không biết, hoặc có biết nhưng không khống chế được dục vọng, ham muốn của bản thân mình. Đến lúc rời đi, họ chỉ có thể ôm lấy sự nuối tiếc mà thôi.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn