Thể hiện đẳng cấp bằng giáo dục hay vật chất?

Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 20172:00 SA(Xem: 7007)
Thể hiện đẳng cấp bằng giáo dục hay vật chất?
bbc.com
Elizabeth Currid-Halkett Từ Aeon

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vào năm 1899, nhà kinh tế học Thorstein Veblen nhận thấy rằng những chiếc muỗng bạc và áo lót ngực là sự tượng trưng về địa vị trong xã hội thượng lưu.

Trong bài luận nổi tiếng của Veblen, Theory of the Leisure Class, ông đã dùng cụm từ "tiêu dùng phô trương" để nói lên cách mà tầng lớp này phô trương địa vị xã hội.

Hơn 100 năm sau, sự chi tiêu xa xỉ vẫn là một phần của xã hội tư bản hiện đại và ngày nay, những mặt hàng xa xỉ thậm chí còn dễ tiếp cận hơn thời của Veblen.

Sự tiêu thụ những mặt hàng xa xỉ là một chức năng của nền kinh tế sản xuất hàng loạt trong thế kỷ 20, của việc chuyển hoạt động gia công sản xuất sang Trung Quốc và sự phát triển của các thị trường mới nổi nơi có lao động và nguyên vật liệu rẻ. Đồng thời, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một thị trường tiêu dùng trung lưu đòi hỏi nhiều hàng hóa vật chất hơn với giá rẻ hơn.


Tuy nhiên, việc đại trà hóa hàng tiêu dùng đã làm cho chúng không còn hữu ích trong vai trò thể hiện địa vị. Trước tình trạng bất bình đẳng xã hội đang gia tăng, cả tầng lớp giàu và trung lưu đều sở hữu những chiếc TV và túi xách đẹp mắt. Họ đều thuê xe SUV, đi máy bay, du thuyền. Mặt khác, đồ dùng tiêu dùng được ưa chuộng bởi hai nhóm này không còn tồn tại trong hai thế giới khác nhau.

Khi mà tất cả mọi người giờ đây có thể mua túi xách cao cấp và xe ô tô mới, những người giàu giờ đây lại phải tìm những cách riêng để phô trương địa vị xã hội của họ.

Những tài phiệt vẫn thể hiện tài sản của họ với du thuyền, xe Bentley và những căn biệt thự kín cổng cao tường. Thế nhưng những thay đổi mạnh mẽ trong các khoảng chi tiêu xa xỉ đang bị tác động bởi tầng lớp thượng lưu có học thức.

Tầng lớp thượng lưu mới này xây dựng địa vị của mình thông qua sự tôn trọng kiến thức và vốn văn hoá, chưa kể những khoảng chi tiêu đính kèm với các mảng này. Họ thích chi tiêu cho dịch vụ, giáo dục và đầu tư vào nguồn vốn con người hơn là hàng hoá.

Tôi gọi xu hướng mới này là 'tiêu dùng âm thầm".

Sự gia tăng của xu hướng này nổi bật nhất có lẽ là ở Hoa Kỳ. Dữ liệu từ Khảo sát Chi tiêu Tiêu dùng của Hoa Kỳ cho thấy, từ năm 2007, những người thu nhập trên 300 nghìn đôla/năm, chiếm 1% dân số Mỹ, đang chi tiêu cho hàng hóa ngày càng ít, trong khi chi tiêu của các nhóm thu nhập trung bình (kiếm khoảng 70.000 đôla/ năm) vẫn giữ nguyên và ngày càng tăng.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Thay vào đó, người giàu đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, nghỉ hưu và sức khoẻ - tất cả đều là phi vật chất, nhưng tốn kém nhiều hơn là mua túi xách - thứ mà người có thu nhập trung bình cũng có thể mua.

Khoảng cách khổng lồ trong mức đầu tư vào giáo dục giữa tầng lớp trung lưu và những người nằm trong số 1% tại Mỹ là dấu hiệu đáng lo ngại. Không giống như những mặt hàng mang tính vật chất, giáo dục đang ngày càng trở nên đắt đỏ trong những thập niên gần đây, khiến các hộ gia đình ngày càng phải bỏ ra nhiều tiền hơn.

Theo số liệu Khảo sát Chi tiêu Tiêu dùng từ năm 2003-2013, giá học phí đại học tăng 80%, trong khi đồ mặc nữ chỉ tăng 6% trong cùng thời gian.


Mặc dù hầu hết các khoản chi âm thầm này đều khá đắt, nó lại được biểu hiện qua những thứ bình dị hơn nhưng vẫn gây ấn tượng không kém, ví dụ như đọc tạp chí The Economist hoặc mua trứng từ gà được nuôi dưới chế độ đặc biệt. Những khoản tiêu dùng không phô trương này là cách mà tầng lớp thượng lưu mới thể hiện nguồn vốn văn hoá của họ cho những người cùng tầm cỡ. Những đứa trẻ học trường mẫu giáo tư nhân cũng thường mang theo bữa trưa bao gồm trái cây hữu cơ và bánh quinoa.

Người ta nghĩ rằng, nấu ăn là một điều bình thường đối với các bà mẹ hiện đại, nhưng chỉ cần nhìn vào cuộc sống của tầng lớp trung lưu ở những thành phố ven biển của Hoa Kỳ cta đã có thể nhận ra sự khác biệt của họ so với các bữa trưa thông thường, vốn chỉ gồm thực phẩm đã qua xử lý và thường không có trái cây.

Tương tự như vậy, nếu ở Los Angeles, San Francisco và thành phố New York, hầu hết các bà mẹ đều cho con bú thì tỷ lệ này trên toàn quốc chỉ chiếm 27% ( ở Alabama, con số này chỉ đạt 11%).


Việc hiểu biết về những chuẩn mực không tốn kém này của xã hội có thể giúp bạn gia nhập tầng lớp thượng lưu thời đại mới. Thế nhưng con đường này không hề rẻ. Chi phí đăng ký thành viên tạp chí The Economist có thể sẽ chỉ là 100 đôla, nhưng để nhận thức được tầm quan trọng của tạp chí này thường yêu cầu quá trình học tập tại các trường đắt đỏ, hoặc từ việc giao lưu thường xuyên với giới thượng lưu.

Có lẽ điều quan trọng nhất là những khoản đầu tư vào những điều ít phô trương này sẽ tạo ra các đặc quyền mà những sự đầu tư vào các hình thức phô trương không thể mang lại.

Bạn cần phải biết là nên đề cập đến bài báo nào của tờ New Yorker hoặc cần đến dự buổi nói chuyện nào với những người nông dân địa phương để mang về cho mình vốn văn hoá cũng như khả năng thể hiện nó. Điều này giúp bạn trở thành một phần của những mạng lưới xã hội, giúp bạn kết nối được với những người có vai trò quan trọng trong xã hội, công việc, từ đó mở đường cho bạn đến với các công việc tốt.

Đáng nói hơn nữa là việc đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và nghỉ hưu có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng cũng như những cơ hội trong tương lai của thế hệ tiếp theo. Những khoản tiêu dùng kém phô trương của ngày nay lại có giá trị thể hiện đẳng cấp, địa vị trong xã hội hơn rất nhiều so với thời của Veblen.

Những khoản tiêu dùng này, dù là cho con bú sữa mẹ hay giáo dục - là một phương tiện mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn và mở ra nhiều cơ hội cho con cái bạn. Trong khi việc tiêu tiền vào những thứ phô trương chỉ dừng lại ở sự khoe khoang.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn