EU-Trung Quốc : Bước ngoặt rạch ròi của Paris

Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 20196:00 SA(Xem: 4745)
EU-Trung Quốc : Bước ngoặt rạch ròi của Paris
EU-Trung Quốc : Bước ngoặt rạch ròi của Paris
Về quan hệ giữa Liên hiệp Châu Âu và Trung Quốc, bài xã luận của Le Monde nhận định đó là « một bước ngoặt đúng đắn của Paris ». 
Sự hiện diện của thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker bên cạnh tổng thống Pháp trong buổi đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang lại một tầm vóc lịch sử. Ban đầu chỉ đơn giản là một cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Trung, nhưng khi mở rộng ra cho hai đối tác hàng đầu, tổng thống Pháp đã chứng minh sự chân thành trong chính sách châu Âu của mình, và dấn thân vào chiến lược mới của Bruxelles để đối phó với Bắc Kinh.
Trong văn bản công bố cách đây hai tuần, Ủy Ban Châu Âu đã tạo một bước ngoặt quan trọng, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược mang tính hệ thống và khuyến cáo các quốc gia thành viên nên có kế hoạch hành động, đoàn kết với nhau để đối phó. Tại Paris, bà Merkel và ông Juncker nêu ra trước ông Tập sự bất tương xứng trong việc mở cửa thị trường, còn ông Macron nhấn mạnh « sự ngây thơ » của châu Âu với Trung Quốc đã chấm dứt.
Tập Cận Bình kêu gọi vượt qua những « nghi kỵ », nhưng ông không đưa ra được bằng chứng nào để trấn an về « Con đường tơ lụa mới ». Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ gặp lại ở hội nghị thượng đỉnh vào ngày 9/4. Con đường trước mặt còn dài, nhưng theo Le Monde, từ hôm thứ Ba đã có được một bước ngoặt rạch ròi.
Châu Âu trở thành chiến trường Mỹ-Trung
Cũng trên Le Monde, tác giả Sylvie Kauffmann nhận xét « Châu Âu, chiến trường của Hoa Kỳ và Trung Quốc ». 
Trong cuộc đối đầu mới giữa hai cường quốc, đối với các quốc gia Tây Âu - giàu mạnh nhất và ổn định nhất về chính trị - Bắc Kinh và Washington ưu tiên cho quan hệ song phương với Berlin, Luân Đôn, Paris, Roma, La Haye hoặc Stockholm. Còn với các nước thuộc Liên Xô cũ và Nam Tư cũ, mới gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) và do vậy ít gắn bó hơn, lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh còn do kinh tế chưa phát triển cao, cần nhiều cơ sở hạ tầng. 
Thông qua công thức « 16+1 » do Bắc Kinh đưa ra tại Vacxava năm 2012, bao gồm các nước cộng sản cũ trong đó có 11 nước nay là thành viên Liên hiệp Châu Âu, khu vực này trở thành bản lề trong dự án « Con đường tơ lụa mới ». Thủ tướng một nước nhỏ vùng Balkan cho biết chỉ trong vòng hai năm, ông đã có đến sáu cuộc họp song phương với phía Trung Quốc. 
Năm 2015, Ba Lan đưa ra một đề nghị mới : Sáng kiến Tam Hải (Initiative des Trois Mers - I3M hay còn gọi là IMBAMN) gồm 12 nước hầu hết là Đông Âu, thành viên EU nằm dọc theo biển Baltic, biển Adriatic và Hắc Hải. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump đến Vacxava tháng 7/2017 tuyên bố ủng hộ sáng kiến này, Bruxelles cho rằng Mỹ lại muốn chia rẽ châu Âu. Nhưng thực ra đối với chính quyền Trump, đây là cách để đặt chân vào Trung Âu, khu vực chiến lược mà cả Nga và Trung Quốc đều muốn gây ảnh hưởng. 
Northern%2BWind%2B2
Xe tăng Thụy Điển trong cuộc tập trận Northern Wind, 22/03/2019.
Bắc Âu tập trận để phòng bị Nga
Cũng tại châu Âu, thông tín viên của Le Figaro ở Thụy Điển cho biết « Quân đội các nước Bắc Âu tập trung sức mạnh trước áp lực của Nga ». Mười ngàn quân nhân Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy tham gia một cuộc tập trận chưa từng thấy kéo dài 8 ngày tại Bắc Cực.
Cuộc tập trận Northern Wind diễn ra tại vịnh Botnie, vùng biên giới Phần Lan, nhằm thử nghiệm năng lực của các quân đội Bắc Âu trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt. Kể từ cuộc chiến Gruzia năm 2008 cho đến việc sáp nhập Crimée bằng vũ lực năm 2014 và can thiệp vào cuộc xung đột Ukraina, nước láng giềng Nga ở cách đó 300 km luôn là mối đe dọa, không khí trở nên nặng nề.
Tuy Matxcơva không trực tiếp hăm dọa, nhưng nhiều sự cố thường xuyên xảy ra với các nước Bắc Âu. Hồi tháng Hai, một chiếc Sukhoi của Nga đã áp sát một phi cơ thám sát Thụy Điển, chỉ cách chưa đầy 20 mét. Cũng trong tháng Hai, một nghi can được cho là gián điệp của Matxcơva bị bắt tại một nhà hàng ở Stockholm. Và từ nhiều tuần qua, chính phủ Na Uy tố cáo hệ thống định vị GPS bị gây nhiễu ở biên giới phía bắc, gây nguy hiểm cho các máy bay chở khách. Phần Lan, vốn có chung 1.300 km đường biên giới với Nga, luôn phải đề cao cảnh giác.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn