THỦ ĐOẠN HÁN HOÁ CỦA GIẶC MINH – Lê Nghị

Thứ Sáu, 15 Tháng Hai 20195:07 CH(Xem: 8348)
THỦ ĐOẠN HÁN HOÁ CỦA GIẶC MINH – Lê Nghị
nguyenlac.blog

THỦ ĐOẠN HÁN HOÁ CỦA GIẶC MINH – Lê Nghị

Đăng bởi nguyenlacthovan

Lê Nghị Biên khảo

Le Nghi

Lê Nghị

NHÂN ĐỌC LẠI BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO:
THỦ ĐOẠN HÁN HOÁ CỦA GIẶC MINH

***
Lời nói đầu
Sau tết nguyên đán, có nhiều bài viết về văn hoá, được nhiều bạn đọc ủng hộ việc bãi bỏ các hủ tục; và có bạn muốn tìm hiểu hủ tục chọi trâu, đâm lợn có từ đâu; tôi xin đăng lại một bài viết về sử, để bạn đọc cùng tham khảo.
Thiết nghĩ sau dịp tết sẽ có nhiều lễ hội địa phương lâu nay diễn ra. Đã đến lúc cần phải phân biệt phong tục với hủ tục; lễ hội truyền thống dân tộc với ngoại lai phá hoại văn hoá Việt. Hy vọng bài viết cung cấp được vài dữ liệu để chúng ta cùng suy nghĩ.
Cũng nhân 40 năm ta đánh tan chiến tranh xâm lược của Bọn Bành trướng Bắc kinh ( nổ súng vào ngày 17/2/1979), nhấn mạnh rằng xâm lược lãnh thổ dễ thấy nhưng xâm lược văn hoá khó thấy.

HAI CÂU THƠ CỦA BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

Bại nghĩa thương nhân, càn khôn ky hồ dục tức
Trọng khoa hậu liễm, sơn trạch mỹ hữu kiết di
( Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi )

Tôi trích hai câu mở đầu cho việc vạch tội ác của giặc Minh ghi trong Bình Ngô Đại Cáo, nhằm làm rõ ngoài việc đàn áp thể xác và bóc lột tài sản thì giặc Minh đã hủy hoại di sản tinh thần nhân nghĩa của nước ta như thế nào?

THỦ ĐOẠN HÁN HOÁ CỦA GIẶC MINH

Căn cứ sử liệu được nhiều học giả dẫn nguồn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Nguyên và đặc biệt là Việt Kiệu thư của Lý văn Phượng, sử gia người Tàu ta có thể thấy rõ dã tâm “ Ngô hoá” “ họa loạn tột cùng “ mà Đại Việt Sử Ký Toàn thư đề cập ngắn gọn khiến đời sau không thấy rõ tầm tác hại.
Chủ trương Hán Hoá dân tộc Việt là âm mưu ngàn đời của Tàu. Sau khi thôn tính Nam Việt Tàu đã thực hiện âm mưu đó. Thời Đông Hán, khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi, giành lại nước Lĩnh Nam, Tàu mới bật ngữa là chưa thuần phục được cái xứ theo chế độ mẫu hệ này. Nên sau Mã Viện tái chiếm đã cho triệt phá mọi đền tích, đặc biệt thu mọi trống đồng, một biểu trưng của văn hoá Văn Lang. Qua một ngàn năm đô hộ chúng không thể thực hiện Hán hoá hoàn toàn, dân tộc ta vẫn giữ riêng ngôn ngữ, phong tục làng bản cũng giữ được bản sắc nhưng chúng lại thành công trong hệ tư tưởng cai trị.Đồng thời cũng làm biến tướng văn hoá dân tộc Việt ở nhiều nơi, kể cả Phật Giáo cũng ảnh hưởng. Chúng phủ lên tôn giáo và niềm tin tâm linh màu sắc mê tín dị đoan, yếm thế, an phận; kiến thức từ chương, thi văn giải trí hào nhoáng, nhằm ru ngủ để dễ bề thuần phục chính quyền đô hộ. Từ thời Mã Viện đập phá đền tích, đến Sĩ Nhiếp, Tích Nhâm, Cao Biền dạy đạo “ Thánh Hiền” “ khai hoá” cho dân nô lệ là nằm trong kế hoạch tiêu diệt văn hoá Việt. Nhiều sử gia phong kiến cũng không nhận ra và cho đó là những vị quan có lương tri, trọng nhân nghĩa!
Văn hoá dân tộc được xây dựng trở lại từ 938 với chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền. Sự định hướng từ thời Ngô Quyền dẫn tới sự ra đời của nước Đại Cồ Việt thời Đinh. Chữ Cồ là viết tắt họ Cồ Đàm của Phật Thích Ca, chứ không phải cồ là to lớn như nhiều người hiểu nhầm. Đại Cồ Việt quốc có nghĩa là nước Việt hùng mạnh theo Phật giáo. Thái sư Ngô Chân Lưu được phong Tăng Thống Khuông Việt. Khuông Việt nghĩa là trợ giúp, sửa sang nước Việt. Nền văn hoá dân tộc cộng với tinh thần Phật Giáo đã tạo nên 500 năm Đại Việt hùng cường. Đất nước tuy nhỏ nhưng đánh tan 6 cuộc xâm lược quy mô lớn của phương Bắc.
Lần nữa, Tàu nhận thức xâm lược nước ta năm 1407 cần phải triệt phá truyền thống văn hoá Việt. Các tiết lộ về chỉ dụ của Minh Thành Tổ, chỉ đạo tiêu diệt văn hoá Việt, ngày nay phát hiện trong cuốn Việt Kiệu Thư đã làm cho người Tàu chân chính cũng hổ thẹn. Điều đó chứng tỏ cha ông ta kết tội là chính xác.
Xin trích dẫn sắc lệnh giao cho Thành Quốc Công Chu Năng chỉ huy chiến tranh xâm lược trong 10 điều thì điều 3 ghi như sau:
— “ khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, các bản kinh Phật, kinh đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự, cho đến những loại ghi chép ca lý dân gian, hay sách đang dạy trẻ con học, như sách “ Tam tự kinh”, một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Ở trong nước, phàm những văn bia do Trung Quốc xây dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cần thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót.”( Việt Kiệu Thư, q. II, tờ 25 A)
Nhưng có lẽ do sách vở cả một nước 500 năm độc lập nhiều quá, quân lính cũng khó phân biệt sách nào của Hán sách nào của Việt nên chuyển về Tàu xem xét. Vì vậy đầu tháng 6 năm 1407, lại gửi tiếp chiếu lệnh:
— “Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có các sách vở, văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian, các sách dạy trẻ con học như Tâm tự kinh và tất cả các bia xứ An Nam dựng lên thì một mảnh, một chữ hễ nom thấy là phá hủy ngay, không được để sót lại.Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được không ra lệnh đốt luôn, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân binh phần đông không biết chữ, nếu nơi nào cũng làm vậy thì khi chuyên chở sẽ tốn kém nhiều. Vậy từ nay trở đi các ngươi phải thực hiện đúng như lời chiếu dụ trước, lệnh hễ thấy sách vở, chữ nghĩa bất kỳ đâu là phải đốt ngay, chớ được lưu lại” (Việt Kiệu Thư , q. II, tờ 49A)
Cẩn thận thêm, cuối tháng 6/ 1407 Chu Đệ gửi tiếp sắc chỉ dặn sau khi đọc chiếu lệnh, phải thu hồi các đạo dụ , thư thiếp , sổ trù việc cai trị… từ Tàu gửi qua :
đem toàn bộ kiểm kê đối chiếu, niêm phong cẩn mật gửi trả lại không cho lưu giữ một chữ. Nếu để một chữ lại rơi vào tay dân bản địa thì rất không hay.” ( Cùng trang sách dẫn trên).
Như vậy bọn xâm lược đã tính toán chu đáo để lịch sử nhân loại không kết án tội hủy diệt văn hoá mà chỉ đổ lỗi cho quân lính lạm hành. Ngô Sĩ Liên, sử gia Việt đương thời đã than trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “ Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy giặc Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn.”

( Biểu dâng sách Đại Việt Sử ký Toàn Thư cho vua năm 1479)
Di sản văn hoá 500 năm độc lập, trong đó có hàng trăm bộ sách quý do người Việt sáng tác như: Hình thư đời Lý, Hình luật đời Trần, Binh gia yếu lược của Hưng Đạo Vương, Đại Việt sử ký 30 tập của Lê Văn Hưu, các sách dạy thuốc , tính toán, nghề nghiệp ….bị quân Minh tập hợp cướp đem về Tàu tháng 7/ 1418.( theo Phan Huy Chú)
Thay vào sách Đại Việt, Tàu cho nhập lại Tứ Thư, Ngũ kinh, Tính lý đại toàn ( lý thuyết vớ vẩn mông lung của Bách gia chư tử như lý khí, quỷ thần, tính lý , bói toán… chứ không phải toán đại , hình sơ cấp ngày nay). Các loại sách này được dạy từ các châu huyện tận xóm làng, chủ yếu là do giới thầy bói, thầy cúng , thầy thủy được nhà Minh tuyển phong làm giáo quan! Một chính sách ngu dân dễ trị rất rõ ràng. Ngày nay ta vẫn còn nhiều người mê tín những lý thuyết mơ hồ khiến cả hai dân tộc Hoa – Việt lạc hậu mấy trăm năm so với phương Tây.Trẻ em không nên được định hướng vào những lý thuyết đó.
Việc thay đổi một nền văn hoá không phải chỉ phá bỏ cái cũ mà quan trọng hơn là tuyên truyền cái mới. Đối với nhà cầm quyền Tàu và cả China ngày nay không gì qua giáo dục ngu dân.Vì vậy giặc Minh đã tiến hành:( theo sách An Nam chí nguyên , Cao Hùng Trưng, sử gia của Tàu)
-Xây dựng 444 đàn. ( Đàn là sân nền cao giữa quảng trường để tiến hành nghi lễ cúng tế) bao gồm:
•148 đàn xã tắc: dĩ nhiên là xã tắc của thiên triều!
•148 đàn tế thần : gió, mưa, mây, sấm…
•46 đàn tế cấp quận
•102 đàn tế hàng ấp.
-Xây dựng:
•469 chùa thờ Phật kiểu Tàu.
•92 đền Quán Thánh
•48 đền thần tích của truyện Tàu
•252 toà miếu cúng cô hồn thập cẩm
-Các nha môn liên quan đến quản lý văn hoá tôn giáo:
•68 nha môn chuyên về âm dương học.
•11 nha môn Ty Tăng cương
•12 ty Đạo kỷ
•24 ty Tăng chính
•63 ty Tăng hội
•trên 50 ty đạo hội.
Một con số đầu tư khổng lồ và nhanh chóng cả nhân, tài, vật lực cho chính sách Hán hoá vùng Bắc bộ ngày nay. Tất nhiên chi phí là lấy từ vùng thuộc địa, bản đồ nhà Minh đã sáp nhập An Nam vào Tàu.
Sau khi Lê Lợi giành độc lập, sử không nói tới việc phá bỏ các công trình văn hoá bao gồm sách vở Tàu đem qua và công trình do Tàu xây dựng.Lâu năm dân ta cứ tưởng của tổ tiên để lại. Tri thức Nho học chủ yếu là sách vở đời Minh, tâm linh là theo kiểu vua quan Tàu định hướng.

tambut

LỜI KẾT

Chúng ta giành độc lập lãnh thổ năm 1429; ngôn ngữ giữ được tiếng nói riêng, nhưng chữ viết vẫn mượn của họ đặc biệt là tư tưởng và tâm linh ảnh hưởng nặng nề của Tàu: Tống – Minh. Thậm chí chùa chiền đền Tháp ngày nay vẫn còn thờ tự tướng Tàu và thần Tàu, kể cả Mã Viện. Các triều vua không thấy có sự thanh lọc. Tượng thờ Chu Công, Khổng Tử đưa vào nhà chính Văn Miếu, đẩy tượng Hưng Đạo vương ra nhà sau là thời Trần Nghệ Tông với sự điều hành của Hồ Quý Ly, chứ trước đó không có. Nhà Minh lập thêm nhiều đền Khổng Tử. Tàu mạnh tay thay đổi văn hoá, chẳng những truyền bá tư tưởng trung thành tuyệt đối giới cầm quyền phương Bắc mà còn cả đến hình tượng thờ cúng, nghi lễ tế tự; khuyến khích thầy bói, thầy pháp, thầy trừ tà diệt ma hành nghề. Khuyến khích các thú giải trí mê tín nhằm diệt chủng giống tốt như chọi trâu, đâm lợn ở những nước đô hộ. Chọn ra những con tốt nhất để tế thần, dân ta có một số người lầm là lễ hội truyền thống dân tộc. Hiện nay các dân tộc bị Tàu sáp nhập như Vân Nam, dân tộc Choang thậm chí còn tổ chức chọi trâu quốc tế nhân quốc khánh China.
Sự khác nhau giữa văn hoá Đại Việt thời Trần về trước với Nho học sau này như thế nào và tác hại của Nho học ra sao xin viết ở bài khác. Ở đây chỉ nhấn mạnh xâm lược không chỉ là chiếm cứ lãnh thổ và và bóc lột kinh tế, mà quan trọng nhất là xâm lược văn hoá.
Tôi tự đặt câu hỏi vì sao China lại có mục tiêu xây dựng 1000 viện Khổng Tử ở 128 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, nay đã thực hiện được trên 500 viện, mà chỉ có một viện ở nước ta? Chắc là họ không cần xâm lược ta mà chỉ muốn xâm lược nước khác!
Hay là họ nhận xét ta đã thấm sâu tư tưởng của họ rồi!? Tôi chưa có câu trả lời, ai đó biết chỉ giùm. Cám ơn.

Lê Nghị

(Nguyên Lạc biên tập với sự đồng ý của tác giả)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn