Chỉ Có Người Hồi Giáo Mới Cứu Được Nhân Loại Khỏi Một Cuộc Tàn Sát

Chủ Nhật, 17 Tháng Hai 20195:00 SA(Xem: 3995)
Chỉ Có Người Hồi Giáo Mới Cứu Được Nhân Loại Khỏi Một Cuộc Tàn Sát
HoiGiao-camDao
Sơn Tùng
Gần đây, nhiều người rất quan tâm tới bài viết của Bác sĩ Tawfik Hamid, một trí thức Ai Cập, nhan đề “Từ trái tim của một người Hồi giáo” (From the heart of a Muslim*).
Qua bài viết này, tác giả đã can đảm trang trải những sự thật phát xuất từ đáy lòng ông, một tín đồ Hồi giáo chân chính, mà hậu quả có thể rất trầm trọng với ông, kể cả mạng sống, với đoạn mở đầu như sau:
“Tôi được sinh ra là người Hồi Giáo và đã sống suốt cuộc đời như một tín đồ Hồi Giáo.
Sau những cuộc tấn công khủng bố man rợ khắp nơi trên mặt địa cầu này qua bàn tay của những anh em Hồi giáo của tôi, và sau quá nhiều hành vi bạo lực của những tín đồ Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới, tôi - một người Hồi giáo và là một con người, cảm thấy có trách nhiệm lên tiếng và nói ra sự thật để bảo vệ thế giới, kể cả người Hồi giáo, tránh khỏi một thảm họa đang tới gần và một trận chiến giữa các nền văn minh.
Tôi phải thừa nhận rằng giáo huấn hiện hành của Hồi giáo gây ra bạo lực và sự thù ghét đối với những người không phải là tín đồ Hồi giáo”.

Bs Hamid nói tới những điều cấm kỵ trong thế giới Hồi giáo mà hình phạt là tử hình:
“Chúng ta, những người Hồi giáo là những kẻ cần phải thay đổi.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chấp nhận chế độ đa thê, đàn ông bạo hành đánh đập phụ nữ và án tử hình đối với những người bỏ đạo Hồi để theo tôn giáo khác.
Chúng ta chưa từng bao giờ có được một lập trường rõ ràng và vững chắc chống lại quan niệm về nạn nô lệ hoặc chiến tranh, chống lại phương thức truyền bá tôn giáo của chúng ta bằng cách áp chế những kẻ khác vào đạo Hồi và buộc họ phải trả một loại thuế nhục nhã gọi là Jizia. Chúng ta đòi người khác phải tôn trọng tôn giáo của chúng ta, trong khi chúng ta lúc nào cũng lớn tiếng nguyền rủa (bằng tiếng Ả Rập) những kẻ ngoại đạo trong các buổi cầu nguyện vào ngày thứ sáu trong các thánh thất Hồi giáo.

Chúng ta truyền đi thông điệp nào cho con cháu của chúng ta khi chúng ta gọi những người Do Thái là ‘đồ hậu sinh của loài heo và khỉ’. Phải chăng đó là một thông điệp của tình thương và hòa bình, hay là một thông điệp của sự thù hận?
Tôi đã từng đi vào nhà thờ và các hội đường ở đó họ đang cầu nguyện cho những người Hồi giáo. Trong khi đó thì chúng ta luôn luôn nguyền rủa họ, và dạy những thế hệ con cháu chúng ta phải gọi họ là ‘bọn bất trung’ và thù ghét họ.

Chúng ta lập tức nhảy dựng lên theo ‘phản xạ của đầu gối’ một cách tự động để bào chữa cho Tiên Tri Mohammed khi có ai đó tố giác ông là kẻ thích ấu dâm trong khi chúng ta lại hãnh diện về câu chuyện trong sách đạo Hồi của chúng ta kể rằng ông ấy đã cưới một bé gái bảy tuổi (tên là Aisha) làm vợ khi ông đã ngoài 50 tuổi.”


Tác giả đã vạch ra trách nhiệm của Hồi giáo đối với những tội ác và các vụ khủng bố xảy ra trên thế giới từ hơn mười năm qua:

“Tôi cảm thấy buồn khi nói rằng nhiều người, nếu không phải là hầu hết chúng ta, đều hân hoan trong vui sướng sau vụ 11 tháng 9 và sau nhiều vụ tấn công khủng bố khác. Người Hồi giáo tố giác những vụ tấn công đó để gây ấn tượng tốt trước truyền thông báo chí, nhưng chúng ta lại khoan dung cho những kẻ khủng bố Hồi giáo đó và có thiện cảm với lý tưởng của họ. Cho đến nay, những vị lãnh đạo tối cao ‘lừng danh’ trong giáo quyền đã không hề ban bố một Fatwa hay là một giáo chỉ nào để tuyên bố rằng Bin Laden là một tên lạc đạo, trong khi đó thì một nhà văn, như Rushdie, lại bị tuyên bố là tên lạc đạo cần phải giết chết chiếu theo luật Sharia của Hồi giáo chỉ vì ông ta viết ra một cuốn sách chỉ trích đạo Hồi.

Những người Hồi giáo đã biểu tình để đòi thêm quyền tự do tôn giáo như chúng ta đã làm tại Pháp để chống lại lịnh cấm choàng khăn trùm đầu hejab, trong khi đó chúng ta đã không biểu tình với sự nhiệt cuồng như thế đối với một số quá lớn những vụ ám sát khủng bố. Chính sự im lặng tuyệt đối của chúng ta đối với những kẻ khủng bố đã khiến những kẻ ấy có thêm năng lực để tiếp tục thực hiện những hành vi xấu xa của chúng.

Chúng ta, những người Hồi giáo phải chấm dứt mang cái nguyên nhân gây ra các khó khăn của chúng ta gán lên đầu người khác hoặc lên sự xung đột giữa Do Thái và Palestine. Đây là một vấn đề lương thiện khi xác nhận rằng nước Do Thái là ánh sáng duy nhất của dân chủ, của văn minh, của nhân quyền trong khối các quốc gia Trung Đông.

Chúng ta đã xua đuổi những người Do Thái ra khỏi hầu hết các xứ Ả-rập mà không bồi thường gì cả hoặc thương xót để biến họ thành những ‘người Do Thái vô quê hương’ trong khi đó thì nước Do Thái đã chấp nhận cho hơn một triệu người Ả-rập được sống trong lòng của họ, xem họ như những công dân Do Thái để họ được hưởng đầy đủ quyền lợi của con người.

Ở nước Do Thái, những phụ nữ Ả-rập không bị đánh đập một cách hợp pháp bởi bọn đàn ông, và mọi người đều có thể thay đổi niềm tin của họ mà không sợ bị kết án tử hình bởi luật ‘lạc đạo’ của Hồi giáo, trong khi đó trong thế giới của Hồi giáo, không một ai được hưởng cái gì trong những quyền lợi đó.

Tôi đồng ý là những người dân Palestine đang đau khổ, nhưng họ đau khổ là vì những kẻ lãnh đạo của họ hư hỏng chứ không phải vì Do Thái.

Thật hiếm thấy những người Ả-rập đang sống tại Do Thái bỏ ra đi để về sống trong những nước Ả-rập. Ngược lại chúng tôi thấy hàng ngàn người dân Palestine vui sướng đi lao động tại nước Do Thái là ‘kẻ thù’ của họ. Nếu nước Do Thái đối xử tàn tệ với người Ả-rập như có kẻ đã rêu rao, thì hẳn chúng ta sẽ thấy được một hiện tượng trái ngược lại.

Chúng ta, những người Hồi Giáo, cần phải gánh vác những nan đề của chúng ta và đối mặt với chúng. Chỉ có lúc đó chúng ta mới có thể giải quyết được vấn nạn để bắt đầu một kỷ nguyên mới sống trong hòa hợp với tình nhân loại của con người.”
Tác giả đã kết thúc bài viết bằng cách nhắc lại đòi hỏi “những người Hồi giáo phải thay đổi”.


 Hậu quả nào sẽ đến với BS Tawfik Hamid, không ai biết, nhưng có điều gần như chắc chắn là “những người Hồi giáo sẽ không thay đổi” trong khung cảnh địa lý chính trị ngày nay trên thế giới. Tiếng nói của Tawfik Hamid là tiếng kêu lẻ loi tuyệt vọng giữa một sa mạc của bạo lực và hận thù. Chưa thấy có những tiếng nói “từ trong tim” của những người Hồi giáo khác để có thể tạo thành một luồng gió lớn, đẩy lui khuynh hướng bạo lực đang chế ngự trong thế giới Hồi giáo.

Trong khi đó, với chủ trương hòa hoãn của giới lãnh đạo Hoa Kỳ và Tây phương hiện nay đối với Hồi giáo cực đoan, tới một lúc nào đó sẽ khó tránh khỏi một “trận chiến giữa các nền văn minh” như lo ngại của ông Hamid. Trước mắt là khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran đang tới gần và Do Thái sẽ không khoanh tay ngồi chờ để bị hủy diệt. Cho đến nay, tất cả những sự “chế tài” của Hoa Kỳ và Tây phương đối với Iran đều vô hiệu và chỉ gặp sự thách thức ngang tàng từ Tehran.

Nhiều người đang nhớ tới bài học về thái độ nhu nhược của thế giới trước cuộc Thế Chiến II đã khuyến khích Hitler bạo tay thực hiện tham vọng ngông cuồng gây ra bao đau thương tang tóc cho nhân loại trong suốt sáu năm (1939-1945).

Như một sự đồng cảm ngẫu nhiên, trước khi bài viết của BS Tawfik Hamid được phổ biến vài tuần lễ, một trí thức người Việt ở hải ngoại, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, một tín đồ Ki-tô giáo, đã phổ biến một bài tham luận dài 30 trang, nhan đề “Tiếng réo gọi hợp tác xây dựng Hoà Bình của Thánh kinh Hồi giáo trước làn sóng tôn giáo cuồng tín đang cổ súy hận thù bạo lực khắp nơi”.

Đây là một công trình nghiên cứu rất sâu rộng về Hồi giáo, đặc biệt là về Kinh Qur’an, và đã phát hiện nhiều điều ít người biết hay đã hiểu lầm về Kinh Qu’ran do bị diễn giải sai lạc, mà tác giả đã vạch rõ và giải thích trong tiểu đoạn “Chân tâm con người là hy vọng cho mọi vấn nạn”:

“Theo Thánh Kinh Hồi giáo chữ Tayammun của Ả Rập được lấy ra từ chữ Iman, có nghĩa là một điều được đề nghị, để chỉnh đốn, sửa sai một điều gì đó: cầu nguyện phải có sự thanh lọc tu trì để thánh hóa tâm hồn (purification) và thanh lọc thánh hóa tâm hồn là chìa khóa để dẫn tới cầu nguyện và đó là một phần của Iman và Iman được xây dựng trong sự trong sạch cũng như tẩy sạch thân xác là một sự sửa soạn cần thiết, một tâm hồn trinh bạch vô tì vết trong một thân xác trong sạch là điều được chú trọng trong Hồi giáo. Điều kiện đầu tiên của sự tẩy rửa thân xác là wadzu. Nhưng với một người không có nước để wadzu hoặc khi dùng nước có hại thì vẫn cần có một hành động thanh lọc từ chỗ làm sạch thân xác đến chỗ làm sạch tâm hồn đó chính là mục tiêu để cầu nguyện. Đó là mục đích của Tayammun bởi vì sự chú tâm của Tayammun là đi về với nội tâm sâu thẳm. Ở đó wadzu bao gồm cả 2 tay, phải rũ sạch đất bụi và vết nhơ bẩn, đi từ 2 tay đến mặt mũi rồi trở lại 2 tay từ trái qua phải (trích 7:45).

Những người Hồi giáo muốn đi đến để đạt được cứu cánh của đời người thì Thánh Kinh Hồi giáo cho biết như sau:

“Nhưng (chỉ có một con người được cứu rỗi) khi người đó tìm đến với ALLAH bằng tâm hồn trong sạch vô tì vết và thánh thiện” (trích 26:89).

Hồi giáo (Islam) có nghĩa là sự vâng phục (surrender), một người Hồi giáo là một người đã dâng hiến trọn vẹn đời sống cho ALLAH, vâng phục và tuân hành tất cả mọi mệnh lệnh của THIÊN CHÚA là con người phải cùng nhau xây dựng lên những cộng đồng ở đó con người sống với nhau và cư xử với nhau trên tinh thần Bình Đẳng, Công Lý và nhân từ. Người Hồi giáo khi gục mặt xuống đất cầu nguyện (salat) đã thể hiện trọn vẹn sự vâng phục của họ đối với ALLAH. Những người Hồi giáo được dạy là phải gục mặt xuống đất để giảm bớt tính kiêu căng, tự phụ và tự mãn của họ. Họ đã được dạy để bỏ bớt tính kiêu căng và ích kỷ, và luôn luôn nhớ rằng trước mặt ALLAH họ chẳng là gì cả. Để vâng phục theo đúng lời dạy của Thánh Kinh Qu’ran, những người Hồi giáo phải có bổn phận dành một phần lớn lợi tức của họ cho những kẻ nghèo khó trong việc làm từ thiện (jakat). Họ sẽ phải ăn chay trong tháng Ramadan để nhắc nhở chính họ về sự nghèo khó của bao kẻ khác, đó là những người thường không có đồ ăn và đồ uống.

Đạo đức quan trọng nhất của người Hồi giáo là thực thi Công Lý xã hội, họ được đòi hỏi xây nên cộng đồng (ummab), để mọi người thực thi lòng nhân từ, ở đó của cải phải được phân phối công bình. Đây là trách vụ quan trọng hơn bất cứ giáo lý nào THIÊN CHÚA đã dạy. Điều thiết yếu nhất đòi hỏi là người Hồi giáo phải sống theo lối sống mà THIÊN CHÚA muốn tất cả con người phải sống. Họ phải xây dựng xã hội chính trị để lo về an sinh xã hội trong đời sống của cộng đồng là một giá trị thiêng liêng của những tín hữu Hồi giáo. Nếu một cộng đồng phồn vinh, thịnh vượng thì đó là dấu hiệu cho thấy là người Hồi giáo đã sống theo Thánh ý của THIÊN CHÚA, bởi vì đó là cộng đồng Hồi Giáo thật sự. Và đó cũng là điều khiến con người phải vâng phục và tuân hành theo luật của Trời cao, từ đó sẽ đưa những người Hồi Giáo vào chỗ thiêng liêng cao cả.

Như thế bốn giá trị cốt lõi nền tảng của Thánh Kinh Qur’an muốn đem đến cho thế giới Hồi giáo là TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, CÔNG LÝ VÀ LÒNG NHÂN TỪ trong đời sống chính trị và xã hội của cộng đồng Hồi giáo. Bốn giá trị này không chỉ có Hồi giáo mới có mà trong Do Thái giáo và Kitô giáo cũng có, và đã có trước Hồi giáo mấy ngàn năm. Trong việc phát triển văn hóa và lịch sử cho thấy, thế giới Hồi giáo đã không xây dựng được một cộng đồng lý tưởng như Thánh Kinh và THIÊN CHÚA đã đưa đến cho những người Ả Rập. Trong lúc Do Thái đã áp dụng luật của Moses tức TEN COMMANDMENTS và TORAK để xây dựng nên cộng đồng quốc gia Do Thái. Đây mới đúng là cộng đồng với sự quan phòng trực tiếp của THIÊN CHÚA.”
….
ALLAH là tình yêu. Vì thế giáo lý của các chính giáo thường sử dụng ngôn ngữ khác nhau vì các dòng đạo lý xuất phát từ nhiều xứ sở khác nhau và ngôn ngữ khác nhau, nhưng nội dung giáo lý đều giống nhau và đều đề cập đến một ĐẤNG TỐI CAO cũng như đều nói đến CHÂN TÂM của con người. Con người sẽ bị coi là lạc đạo nếu họ đánh mất CHÂN TÂM của họ trong đời sống tôn giáo cũng như đức tin của họ.

Sự thật đầu tiên và trên hết là con người phải tìm được ánh sáng của CHÂN TÂM và CHÂN TÂM sẽ giải phóng họ. Ấn Độ giáo và Phật giáo tìm mọi cách để giúp chúng sinh phá bỏ bức màn vô minh và chúa Jesus cũng đến thế gian để cứu con người ra khỏi tội lỗi, hay ra khỏi nghiệp chướng và ra khỏi bóng tối vô minh bằng cách giúp con người tìm lại CHÂN TÂM, tức tìm lại ánh sáng trong tâm hồn và trí tuệ của họ. Khi con người tìm được ánh sáng thì con người là con cái của ánh sáng vì thế chúa Jesus thường nói: ‘Ta là ánh sáng thế gian và THIÊN CHÚA nói các con là ánh sáng của thế gian’.

Từ một ĐẤNG TẠO HÓA tức là người cha chung của tất cả nhân loại và từ CHÂN TÂM của con người chúng ta tìm ra được thế nào là vạn giáo nhất lý và sự đồng nguyên của tất cả 6 chính giáo (True Religion) trong gia đình nhân loại. Tất cả những giá trị giống nhau nơi các dòng đạo lý chính là luật thiên nhiên trong Trời đất. Tất cả đều là một gốc từ Trời mà xuống nên các tôn giáo không còn lý do để nhân danh tôn giáo mà dẫn đến những hận thù xung đột giữa tôn giáo này và tôn giáo khác nữa.”


Cũng như BS Tawfik Hamid, TS Nguyễn Anh Tuấn đã kêu gọi những người Hồi giáo hãy tự vấn và thay đổi:

“Thế giới Hồi giáo và các quốc gia Ả Rập phải tự hỏi chính mình xem:

* Chúng ta thực sự muốn gì?

- Chủ trương quá khích và cuồng tín để gây hận thù và bạo lực có thực sự giải quyết được các vấn nạn của Hồi giáo không?”
- Tại sao Hoa Kỳ là ‘kẻ thù của ALLAH’ khi mà ‘kẻ thù’ ấy lại xây dựng được một quốc gia Tự Do, Bình Đẳng, Công Lý và nhân từ, còn chúng ta vẫn ôm ấp như một giấc mơ chưa thành sự thật?
- Sự hiểu biết và kiến thức của chúng ta về nước Mỹ có đủ để xác định chính xác xem Hoa Kỳ là bạn hay thù của Hồi giáo?
- Chủ trương phát động ‘Thánh Chiến’ để réo gọi hận thù bạo lực có làm sáng tỏ được ánh sáng văn minh của Hồi giáo hay chúng ta sẽ làm cho nền văn minh tinh thần của Hồi giáo sụp đổ toàn diện, có thực sự ALLAH muốn Hồi giáo phát động Thánh Chiến trong hận thù và bạo lực thật không?
- Tại sao Thánh Kinh Qu’ran lại có quan niệm Thánh Chiến là con người phải tự phấn đấu với chính mình để tự thắng, đó là lời dạy dỗ then chốt nhất của văn minh Hồi giáo, phải chăng không còn ai nhớ nữa hay sao? Chẳng lẽ chúng ta không đem được những giá trị gì của văn minh Hồi giáo để đóng góp cho nền văn minh tổng hợp toàn cầu, mà chỉ biết đóng góp hận thù và bạo lực hay sao?
…..
Trước tình thế căng thẳng và hỗn loạn tột cùng trong thế giới Hồi giáo, trên đây là một loạt tra vấn quan trọng và cần thiết mà chỉ có những người thông minh, sáng suốt, biết sử dụng sự thông minh sáng suốt và khôn ngoan để biến khung cảnh sống thành môi trường sáng tạo, cảm thông và thánh thiện theo đúng tinh thần Qur’an.”


Tác giả đã soi rọi, phân tích cặn kẽ Kinh Qur’an so chiếu với hiện tình thế giới để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên đây, và cũng như BS Tawfik Hamid, TS Nguyễn Anh Tuấn đã trang trải trên giấy những gì phát xuất từ trái tim của một người Ki-tô giáo chân chính. Rất cao quý và lý tưởng.

Hai lời “réo gọi” cao quý và lý tưởng đến từ hai tâm hồn trí thức của hai tôn giáo từng xảy ra những xung đột đẫm máu trong quá khứ và có thể lôi kéo nhân loại vào một cuộc tàn sát trong tương lai, mà chỉ có người Hồi giáo mới ngăn chặn được, nếu họ tỉnh thức và chấp nhận “thay đổi”.

Sơn Tùng
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn